30 tháng 4 năm 1975 – 30 tháng 4 năm 2015, 40 năm trôi qua như một giấc mơ dài, bốn mươi năm, biết bao nhiêu là thăng trầm, thay đổi trong cuộc đời, nhưng trong lòng nhiều người Việt, trong và ngoài nước, vẫn còn một nỗi hận chưa nguôi ngoai. Trong đó có những người, cuộc đời ngừng lại năm 1975 ở tuổi ba mươi hay bốn mươi, được “giải phóng” ra khỏi cuộc chiến tranh không người Việt nam nào muốn có, nhưng bị vất vào trại tập trung cải tạo vì đã không muốn sống cuộc đời “chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ”, hay tối thiểu thì bị đẩy ra khỏi nhà đi vùng kinh tế mới khai khẩn để thực hành khẩu hiệu lao động là vinh quang của “bác và đảng vĩ đại”. Cũng có những người đã từng là “mẹ chiến sĩ” là “chị chiến sĩ”, che chở, tiếp tế cho các cán bộ nằm vùng trong sự lầm lỡ tin tưởng rằng đây là những người yêu nước, chống Tây chống Mỹ giành độc lập, để rồi sau 30 tháng tư mang mối hận không bóp cổ được chúng, khi thấy rõ, đó chỉ là một lũ tay sai, mang chủ nghĩa man rợ cộng sản áp đặt lên miền Nam, nhượng đất dâng biển đất nước cho Trung quốc vĩ đại cũng như cho tài phiệt thế giới tha hồ khai thác, để đánh đổi lấy phương tiện trấn áp người dân cùng khốn mà giữ quyền giữ lợi.
40 năm trước, những người liều mạng bỏ nước ra đi thì bị bắn giết, bắt bớ tù đầy, vì coi là phản động chạy theo Mỹ Ngụy. 40 năm sau, những kẻ cầm quyền đầy túi đô la lại thi nhau đem tiền bỏ vào nhà băng ngoại quốc, để có chỗ hưởng già ở ngoại quốc lúc ra khỏi ghế quyền lực! Con cháu những kẻ tự coi là cách mạng, là anh hùng quyết liệt chống đánh xâm lăng, theo khẩu hiệu “chỉ còn cái lai quần cũng đánh”, nay trở thành những kẻ khom lưng quỳ gối, đội cả Tầu lẫn lậy cả Mỹ.
Cái hận 40 năm trước, nay rõ ràng không chỉ là cái hận của những người thua trận, mà là của cả dân tộc, của những người đã đi theo cái gọi là “cách mạng cứu nước, để sau chót thấy mình bị lừa, thấy mình bất lực không làm gì được trước sự phá hủy đất nước của những người từng là đồng chí với mình, những kẻ nay hiện rõ là những tay buôn xương bán máu người dân, xưa trong chiến tranh, và nay trong hoà bình. Có người cũng đã lên tiếng nói ra nỗi ấm ức này, nhưng ở một mức độ chừng mực để khỏi bị tước đoạt hết mọi đãi ngộ cho những công lao quá khứ đóng góp cho đảng để mà tiếp tục có phương tiện sống thung dung những ngày còn lại. Nếu mà nhận định rốt ráo như trên thì nói ngày 30 tháng tư là ngày quốc hận chỉ mới diễn tả được một phần đặc điểm của nó, đó là phần cảm tính.
Xác đáng phải nói, 30 tháng tư là một ngày mở mắt cho nhiều người dân VN. Mở mắt cho những người trong đoàn quân chiến thắng (khiến những cán binh VC khi vào tới miền nam, trong đó có Dương Thu Hương, đã viết ra, và như nhiều điều viết trong cuốn tài liệu tuyên vận “Bên thắng cuộc” của Huy Đức). Mở mắt cho những người dân miền Nam thấy rõ bản chất những người Cộng sản, như câu nói diễu miền Nam sau 1975, “giải phóng vào nhạc sĩ vọng cổ nổi danh Văn Vĩ sáng mắt”.
30 tháng tư cũng là ngày dẫn đến sự hình thành của những cộng đồng VN hải ngoại. Bắt đầu là những người di tản, trong mặc cảm thua trận trốn chạy. Tiếp theo là những đợt thuyền nhân cho tới giữa thập niên 1980, nhận rõ bản chất Cộng sản, và với tinh thần dứt khoát mạo hiểm, đã là nòng cốt gây dựng nên ý thức chống độc tài Việt Cộng tại hải ngoại cho tới nay. Sau đó là những đợt di dân nhân đạo và kinh tế. Tất cả đã có những tác dụng cách này hay cách khác, cả hay lẫn dở, vào thực tế xã hội và chính trị Việt Nam hải ngoại cũng như quốc nội. Thực vậy, sự hình thành của những cộng đồng Việt Nam hải ngoại đã là cơ hội cho người Việt nam mở mắt, vì nhờ những sự vượt thoát cộng sản đó mà không chỉ thấy được điều mới lạ ở ngoài, nghe biết về tự do dân chủ và pháp trị, mà là sống và thể nghiệm được những điều này để mà có thái độ đúng mức đối với quê hương.
Nếu không ở hải ngoại thì khó mà biết rằng con gái Nguyễn Tấn Dũng đã vào quốc tịch Mỹ và đem tiền của tham nhũng được trong nước đầu tư vào đâu, tay chân của Nguyễn phú Trọng, Trương Tấn Sang có nhà có đất ở Mỹ, ở Pháp, chỗ nào. Chưa kể đến vô số gia đình cán bộ hạng cao hay trung, con cháu đang tìm cách hội nhập, sống cho yên thân, chìm vào đời sống hải ngoại, bắt đầu từ việc đổi giọng, tránh ngôn ngữ VC trở đi.
Những người có mặc cảm con chim bị tên sợ cành cây cong sẽ hốt hoảng coi đây là những chốt, những ổ nằm vùng Việt cộng, giống như những Phạm Xuân Ần, Huỳnh Văn Trọng,Vũ Ngọc Nhạ thời Việt Nam Công hoà vân vân. Nhưng cấu trúc chính trị hải ngoại không phải là một cơ chế quyền lực như chính phủ, để nếu lãnh đạo lọt vào tay VC không chế, thì hải ngoại không còn chống độc tài VC buôn dân bán nước. Lập trường dân tộc của hải ngoại chống độc tài VC là ở mỗi người, mỗi nhà, qua sự tự do bày tỏ, chọn lựa như chúng ta đã thấy. Tâm thức chống VC vì thế đã chỉ càng ngày càng biểu hiện rõ rệt trong mọi sinh hoạt hải ngoại.
VC thực tế có thể thuê một số tay chân viết bài ngụy luận, đẩy chệch hướng đấu tranh chống chúng sang phiá chống Tầu xâm lăng mà bỏ qua cái tội đảng VC đã và đang làm tay sai cho Tầu và các thế lực tài phiệt thế giới đủ loại để mà thống trị đất nước VN. Những ngụy luận này tha hồ ca tụng Nguyễn Tấn Dũng hay bất cứ một đầu lãnh Cộng sản biến thái nào khác là đổi mới thân Mỹ để mà có được sự ủng hộ, hay ít ra là sự để yên của cộng đồng hải ngoại khi ra đến Mỹ. Nhưng vì ngày 30 tháng 4 mở mắt, cho nên người Việt Nam tinh tế hiểu rằng chủ trương kế hoạch đồng minh, không nhất thiết để phục vụ quyền lợi dân tộc và đất nước mình.
Cũng có ý kiến cho rằng những tranh biện về ngày 30 tháng 4 là quốc hận hay là hành trình đi tìm tự do là đầy cảm tính và có hại cho sự đoàn kết chống Cộng. Đầy cảm tính thì có, nhưng có hại cho sự đoàn kết chống Cộng thì không hẳn. Đúng hơn đó chỉ là phản ảnh tính cảnh giác đề phòng của tinh thần chống độc tài, chống Việt Cộng cao độ. Tư thái này tuy không phải là lý tưởng để tấn công VC, nhưng là vô cùng hiệu quả để phòng thủ, bảo vệ thành trì chống Cộng hải ngoại, vì ngăn ngừa được những kẻ manh động tay sai, nhân dịp thuận tiện tung một đòn độc, làm tê liệt khả năng đấu tranh của hải ngoại, tương tự như diễn tiến chính trị dẫn đến ngày 30 tháng 4/1975 khi Dương Văn Minh giải giới miền Nam.
Tuệ Vân