2023.11.15
Báo chí rầm rộ đăng tin ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Ban Dân Nguyện Quốc Hội - bị khởi tố bắt giam về tội cưỡng đoạt tài sản nhưng dư luận vẫn lăn tăn. Luật sư Cù Huy Hà Vũ từng bị bắt vì hai cái bao cao su, Ngọc Trinh bị bắt vì đưa hình, clip lái mô tô lên mạng. Ở xứ “Chiều Nay” luật nằm trong tay lãnh đạo Đảng và Bộ Công an, ai nghịch ý sẽ thành củi, vô lò chăn kiến, tội danh chỉ là cái cớ.
Ông Lưu Bình Nhưỡng quê ở Thái Bình, từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV (2016 - 2021), ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (2016 - 2021), hiện là Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Việt Nam, Phó chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Thụy Sĩ. Ông Nhưỡng là tiến sĩ luật, có 22 năm làm giảng viên Đại học Luật Hà Nội. Sau đó ông Nhưỡng làm chánh văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp, tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Tháng 9-2018, ông Lưu Bình Nhưỡng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều động, bổ nhiệm giữ chức phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sáng đăng đàn, chiều bị bắt!
Lưu Bình Nhưỡng là cái tên quen thuộc của giới truyền thông. Một chính khách hiếm hoi thường có ý kiến phản biện thẳng thắn, mạnh mẽ với các chính sách, hoạt động khiếm khuyết, sai lầm của Nhà nước về nhiều lĩnh vực nhất là trong các vụ án oan sai, các dự án phá hoại môi trường.
Sáng ngày 14/11, ông đường hoàng xuất hiện trên hệ thống truyền thông trong lễ ra mắt chương trình truyền hình "Hành trình Net Zero” do Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) và Trung tâm truyền hình Việt Nam tại TP.HCM (VTV9) tổ chức với vai trò là một trong sáu thành viên Ban Cố Vấn. (1)
Ngay chiều hôm ấy ông bị khởi tố, bắt giam và sáng hôm sau được truyền thông “phong thánh” tội phạm “cưỡng đoạt tài sản” có liên quan đến băng nhóm Cường "quắt" ở Thái Bình. Có lẽ không tìm được nhóm tội phạm danh giá nào tầm vóc cỡ như Đường Nhuệ thời ông Nguyễn Hồng Diên còn làm quan đầu tỉnh, người ta đã gán ghép ông với băng trấn lột tép riu bất xứng? Chi riêng cái tên Cường “quắt” đã thấy thiếu oai hùng.
Theo tài liệu công an công bố thì Phạm Minh Cường cùng đồng bọn đã cưỡng ép các doanh nghiệp trúng thầu khai thác cát phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác được, hoặc bán lại một phần cho Cường với giá rẻ hơn giá thị trường. Trước đó, Cường và bốn người khác đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khởi tố bị can để điều tra hành vi "cố ý gây thương tích", "gây rối trật tự công cộng". (2)
Người ta băn khoăn tự hỏi, có mối liên quan nào giữa ông tiến sĩ luật với đám cướp cạn này? Ai đã cưỡng đoạt tài sản của ai? Liệu đám giang hồ vặt ấy có cần tới ông Phó Ban Dân nguyện Quốc hội bảo kê hay chỉ cần một công an quận, phường là đủ?
Trên báo Dân Việt, luật gia Khổng Thùy Dung (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, tội danh ông Lưu Bình Nhưỡng bị khởi tố được quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự. Theo đó, cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi đe dọa dùng vũ lực là người phạm tội đe dọa sẽ thực hiện một hành động để gây thiệt hại cho người bị hại. Việc đe dọa được thực hiện thông qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.
Đặc biệt, tội cưỡng đoạt tài sản được thực hiện do lỗi cố ý. Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc. Mục đích chiếm đoạt tài sản luôn phải xuất hiện trước hoặc muộn nhất là đồng thời với thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần khác. (3)
Liệu ông tiến sĩ luật, cựu nghị viên chuyên trách của Quốc hội có đủ trâng tráo, dại dột đồng phạm với đám đầu đường xó chợ kiếm chút tiền còm hay không? Nên nhớ rằng với uy thế, địa vị của ông, chỉ cần phát biểu, kiến nghị những điều chính đáng có thể được đền ơn nhiều chục tỷ.
Hãy chờ xem màn kịch tiếp theo sẽ hay ho ra sao!
"Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận"
Chủ tịch Quốc hội khóa 14 Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhận xét như vậy và cho rằng: Đây là tín hiệu tốt cho những tranh luận dân chủ, công khai tại nghị trường
Đó là lần ông nhận xét báo cáo của Bộ Công An “tôi thấy vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp. Tỷ lệ không thụ lý tin tố giác 94%; chậm gửi quyết định cho Viện Kiểm sát 86%; xử lý tin sau tố giác quá hạn 99,76 %,…”
Nhiều đại biểu của ngành công an đã phản ứng dữ dội nhưng ông vẫn bảo lưu ý kiến của mình. (4)
Nhưng đó không phải là lần duy nhất và cũng không dừng lại ở ý kiến phát biểu. Với các vụ án có dấu hiệu oan sai như vụ án Hồ Duy Hải, ông nhiều lần chất vấn tranh luận với chánh án Nguyễn Hòa Bình. Sau phiên xử Giám Đốc Thẩm đầy tai tiếng Đại biểu Quốc hội, phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đã gửi kiến nghị tới Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Ông đã thẳng thắn đánh giá "dư luận cho rằng phán quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội và đã dựa trên tư duy, quan niệm mang tính buộc tội, vấn đề "cấm kỵ" trong lĩnh vực hình sự. Mặc dù công nhận nhiều sai sót mang tính mấu chốt trong quá trình điều tra, nhưng lại cho rằng sai sót đó "không ảnh hưởng đến bản chất vụ án".
Ông Nhưỡng nêu quan điểm: Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã không xem xét công tâm, khách quan, khoa học, đúng đắn đối với các vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra, có thể nói nhiều vấn đề khuất tất bị che lấp đã được dư luận nêu bức xúc trong suốt thời gian qua như thời gian thực hiện hành vi phạm tội, thời điểm nạn nhân chết, các vi phạm trong việc thu giữ dấu vân tay, mẫu máu, vật chứng…, đặc biệt là việc loại trừ các nghi can khác trong vụ án.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng không có quy định nào cho phép Hội đồng thẩm phán TANDTC phán quyết về việc kháng nghị của VKSND Tối cao đúng hay không đúng pháp luật.
Từ các phân tích, lập luận đó, ông Nhưỡng kiến nghị Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo các cơ quan hữu quan báo cáo rõ về vụ án này.
Ông Nhưỡng cũng kiến nghị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Chánh án TAND tối cao, viện trưởng VKSND tối cao có báo cáo riêng vụ Hồ Duy Hải tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội (khai mạc ngày 20-5 tới).
Ông cũng đề nghị tổ chức thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội hoặc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các vụ án do Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm gây bức xúc dư luận, trong đó có vụ án Hồ Duy Hải. (5)
Nhiều thông tin bị gỡ bỏ bất thường
Đặc biệt có chuyện vui là, ngay sáng ngày 15/11, đồng thời với thông tin Bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng về tội "Cưỡng đoạt tài sản" báo Dân Việt online có bài viết “Những phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng trước khi bị bắt” đã trích dẫn lại nhiều phát biểu của ông từ việc chất vấn thách thức Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về dự án thép Cà Ná đến truy vấn Bộ Công An …link bài viết ở đây. (6) Nhưng đến chiều 15/11, truy cập vào link này đã chạy ra bài “Nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”
Chỉ với chuyện thay loan đổi phụng này đủ hiểu ông Lưu Bình Nhưỡng đã phạm tội gì.
Thật ra, không phải tới bây giờ ông Nhưỡng mới bị trả giá cho tính phổi bò của mình. Theo điều 27 Hiến pháp “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.”. Pháp luật không có quy định nào về độ tuổi tối đa của đại biểu Quốc Hội, nhưng ông Nhưỡng không được giới thiệu tái cử đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026) do quá tuổi theo hướng dẫn 36 của Ban Tổ chức Trung ương. (7)
Quy định về độ tuổi đối với đại biểu chuyên trách của ông Nhưỡng thì thật vừa khít khao để bị loại ra. “Đại biểu Quốc hội chuyên trách tái cử (trừ các đồng chí ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính đến tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây”. (8)
Trong khi đó ông Vương Đình Huệ sinh năm 1957 lớn hơn ông Nhưỡng sáu niên vẫn đủ tuổi ứng cử. Không rõ có công trình khoa học nào kết luận người giữ chức vụ Ủy Viên thường Vụ Quốc Hội có sức khỏe, lão hóa tốt hơn Ủy Viên Chuyên Trách.
Tuy bị gạt ra khỏi đại biểu Quốc Hội nhưng theo luật công chức ông Lưu Bình Nhưỡng vẫn còn vai trò Phó Ban Dân nguyện. Ác thay, không ngồi chơi xơi nước chờ hạ cánh an toàn, ông vẫn tiếp tục thực lòng lên tiếng nói thay dân từ những vụ kêu oan đến phê phán dự án phá rừng nguyên sinh ở Bình Thuận….
Rõ nhất, trong vụ Tòa án Hải Phòng chuẩn bị giết tử tòa oan Lê Văn Chưởng, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lên tiếng mạnh mẽ. BBC Tiếng Việt đăng tin “nhà báo Nguyễn Đức- Biên tập viên Báo Pháp Luật TP.HCM đăng trên Facebook việc ông đã nhắn tin cho Chủ tịch nước và nhận được phản hồi. Đồng thời, ông Đức cũng viết trên Facebook rằng ông Lưu Bình Nhưỡng- Phó trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH khóa 14 cũng đã nhắn tin đến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào sáng 5/8/2023”. (9)
Đáng tiếc là đến nay, thông tin này không còn trên Facebook nhà báo Nguyễn Đức và nhà báo này cũng đã rời báo Pháp Luật TP.HCM. Rất may, trên Facebook Nguyễn Đức và của cả ông Lưu Bình Nhưỡng vẫn còn thông tin đáng giá khác là: “Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp bố mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng tại trụ sở tiếp dân của Quốc hội vào sáng 27/9/2023” (10)
Kèm thông tin này là hình ảnh đặc biệt ông Lưu Bình Nhưỡng và các nhân viên Quốc Hội ngồi tiếp cha mẹ tử tù Nguyễn Văn Chương thật trọng thị. Hình ảnh hiếm có trong chế độ dân chủ đỉnh cao của Việt Nam. Không biết status này còn tồn tại bao lâu chúng tôi đã load ảnh này và mạn phép ông đăng kèm.
Vì sao ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt? Chỉ có Tô Lâm, Nguyễn Hòa Bình và Nguyễn Phú Trọng có thể trả lời chính xác nếu họ chịu nói thật.
Vấn đề là từ nay dân oan, tử tù oan sẽ không còn nơi gõ cửa. Số phận Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng sẽ mỏng manh hơn. Những dự án tàn hại môi sinh, cảnh quan sẽ tha hồ phát triển.
_____________
Tham khảo:
2-https://tuoitre.vn/giang-ho-cuong-quat-tai-thai-binh-tiep-tuc-bi-khoi-to-2023051715481032.htm
4-https://baochinhphu.vn/dbqh-tranh-luan-thang-than-ve-con-so-vi-pham-khung-khiep-102247146.htm
6-https://danviet.vn/nhung-phat-bieu-cua-ong-luu-binh-nhuong-truoc-khi-bi-bat-20231115114837776.htm
7-https://tuoitre.vn/khoi-to-bat-tam-giam-ong-luu-binh-nhuong-20231115100911486.htm
9-https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-66460494
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.