Tia đầu vầng dương vừa ló dạng, phản chiếu cầu vòng trên những giọt sương mai đậu trên tàu lá ngoài hiên. Em nâng niu cánh hoa hồng đẫm sương và vuốt ve mảnh khăn nhung rồi nhẹ nhàng đánh bóng đôi thúng và quang gánh trước hiên nhà. Trong dòng sương sớm em thả hồn về thuở mình vừa quen nhau.
Trên đê chiều, nhạc sáo mục đồng lảnh lót du dương giục giã nông gia xếp cày, thôn nữ rảo bước về nhà thơm hương bếp gạo. Anh dịu dàng lau giọt mồ hôi trên trán em và bảo “Ta dừng bước dưới gốc đa để anh cài hoa lên tóc em và ta kể nhau chuyện ngày qua và ngắm hoàng hôn trên sóng sông em nhé”.
Ta vừa quen nhau độ một tháng. Em còn nhớ giờ tan trường vào hạ, phượng rơi đầy sân trường, nhuộm hồng lối về nhà em, con đường thoai thoải ven bờ sông. Dưới hàng lá dừa đong đưa hoa nắng, bóng anh và bóng chiếc xe đạp chồng lên dáng phượng, em ngỡ ai dẫm lên xác phượng nên vội vàng chạy ra để ngăn. Em trách anh sao quá vô tình rồi bỗng thẹn thùng ngẫm ra chỉ là bóng anh và bóng xe, lí nhí lời không thành để xin lổi. Anh nhẹ nhàng bảo ai cũng có lúc lầm lẫn miễn không làm buồn ai cả thì không sao.
Từ đó ta thành đôi bạn, mỗi ngày tan trường cùng đi chung quãng đường về nhà em, chuyện dài, chuyện ngắn uyên thuyên. Tánh anh không sục sôi như các bạn anh, thâm trầm, ít nói, không bắt nạt và dọa em. Còn em thì liú lo như chim sáo, lại hay vòi vĩnh để được chiều mọi thứ. Mỗi lần như thế, anh chỉ mỉm cười và bảo em lớn lên sẽ thành bà chằng ai chịu nổi. Tánh em liếng thoắng nhưng được tâm hiền và chúng mình cùng sở thích nên hai đứa luôn nhộn nhịp trò chơi ngày dài. Nhà em và nhà anh cách nhau mấy nhịp cầu tre. Nhà em ở đầu sông, nhà anh dưới gió, nên mỗi chiều gió đưa hương gạo nấu từ nhà em qua sông về nhà anh, anh bảo chúng mình không ăn cùng bát cơm nhưng cùng chung hưởng hương ẩm thực của ngày. Chúng mình ôn bài vở, hái hoa, đuổi bướm, nhặt sỏi, bắn bi, nhởn nhơ như các trẻ cùng lứa tuổi. Mùa hạ thật vui, ta chèo ghe bắt cá, thả diều trên đê, đời vui như ngày nắng ban mai.
Lớn lên trên miền thôn dã, những ngày hè, trường không mở cửa, chúng mình theo ba mẹ cấy cày trên đồng, gánh lúa về kho. Trưa hè em sàn gạo, anh đan giỏ. Anh rất khéo tay, chỉ một con dao và vài nhánh trúc, lá tre, anh tạc búp bê cho em, và ngày em tuổi tròn trăng, anh tạc đôi thúng và quang gánh dẻo dai tặng em để em gánh lúa không đau vai. Thúng tre, nan trúc thật đẹp, bóng màu xanh nắng hè, mướt vàng màu lúa trổ, đỏ hồng hoa đồng nội, em gánh trên đường đê trong chiều lên, có anh cùng chung nhịp bước, khoan thai hay rộn ràng, đầy khoảng an vui.
Thời thơ ấu ngày vàng qua mau. Chiến tranh bùng nổ trên quê hương lầm than.
Anh khoác áo nhà binh ngược xuôi trận tiền. Những ngày về phép mình dạo cánh đồng lúa mùa chiêm hay mùa gặt, anh nhặt hoa đồng cài tóc em, bảo thương em dịu hiền như huơng thanh bình. Tình thơ ấu thành tình lứa đôi. Một ngày về phép anh và ba mẹ sang nhà em xin em làm dâu. Trút chiến bào một hôm trời phơn phớt mây hồng, trong giòng pháo nổ, anh bảo em xinh như mộng, ta làm lễ tơ hồng. Rồi anh lại lên đường ra chiến trận. Tiễn đưa anh em hứa và dối lòng sẽ không buồn khi vắng anh. Rồi từng ngày từng ngày qua, em cố quên mùi súng đạn đêm ngày, mơ ước thanh bình về trên quê, đêm đêm chong đèn đan áo gởi ra sa trường cho anh và các chiến hữu. Em choàng khăn quàng màu hoa rừng những lần đưa anh trở lại vùng lửa binh, ước mơ ngày khải hoàng, đêm đêm thắp hương nguyện cầu cho anh an bình trên đường hiểm nguy.
Những năm dài đằng đẵng lửa binh, rồi một ngày điêu tàn ta mất quê hương dưới gót dép rơm của người anh em phương Bắc đầy tràn chủ nghiã công sản. Lòng hắt hiu, em tiễn anh vào chốn âm u trại tù cải tạo chính trị, sống đời trâu ngựa, áo cơm chằng có, tình người thảm thương, sống ngày oi bức, đêm giá lạnh của những mùa xuân hạ thu đông của trại tù Cổng Trời miền chập chùng núi rừng phương Bắc. Nghẹn ngào, em cuốc đất trồng khoai, chăm sóc song đường, con dại và thăm nuôi anh nơi chốn nông trường xa xôi.
Sau ba năm đằng đẳng, anh được ly hương theo diện H.O sang Mỹ. Gia đình mình cùng ba mẹ và hai con, làm lại cuộc đởi ở Nébraska, một tỉnh lỵ xứ Mỹ mùa đông giá băng, mùa hè oi bức, nhưng với chúng mình nơi đó là thiên đàng vì tình người dân Mỹ xứ quê rất chân thành nâng đỡ giúp mình xây lại cuộc đời. Bao la bát ngát đồng ngô vàng mướt khiến mình đôi khi ngỡ như còn thở hương lúa đồng xứ quê. Anh và em ngày ngày gặt ngô tước sợi, tạo nguồn sống cho gia đình mình, và ban đêm học văn hoá, tiếng xứ người. Sau nhiều năm ý thành, chúng mình đạt bằng cấp giáo sư, anh dạy trung học, em lo lớp mẫu giáo. Đời sống an vui hạnh phúc với mẹ cha đứng tuồi nhưng khoẻ mạnh, con cái ngoan hiền, học hành chăm chỉ. Bỗng nhiên nhiều hôm anh thắm mệt, ăn không ngon, ngủ không yên Khám bác sĩ, ta bẽ bàng nhận hung tin anh bị bệnh ung thư gan, và có lẻ vì khả năng kháng thể suy yếu sau những năm gian nan lao tù nên anh không chống chỏi bệnh tình được lâu. Một ngày lá thu rơi đầy, anh từ giã cõi trần về nơi thanh tịnh để lại mẹ già, cha yếu, em cô đơn với hai con côi cút. Nỗi buồn người ở lại không bút nào tả xiết. Nhưng như Khái Hưng, Nhất Linh nói trong truyện “ Em Phài Sống”, em thành hoa cô phụ, ngày ngày vươn lên để dưỡng nuôi chăm sóc gia đình còn lại, cưu mang mẹ cha con dại, đêm đêm ôm mồ tư tưởng, mơ bóng anh về trong mơ, đỡ quang gánh từ vai em, an ủi rằng anh vẫn mãi ở bên em dù ngũ quan thân phàm không cho ta càm nhận như thế nhưng tâm linh vỗ về tình anh thương em vô vàn, không gì ngăn cách chuyên tình thủy chung.
Kỷ niệm anh để lại thật nhiều, quà ân tình, quà thương yêu, tình gia đình, em không kể hết được. Trong quà vật chất, miên man có hình ảnh thúng gánh anh tặng em ngày xưa cũ, sâu xa nồng nàn, âu yếm đỡ đần. Nên em tìm ảnh quang gánh trên mạng, và tìm người nghệ sĩ tạc tượng miền sơn dã, kể chuyện chúng mình và nhờ giúp tạc lại quang gánh ngày xưa. Người nghệ sĩ chân thành tìm trúc tre, dây thừng từ hải đảo Hawaii mang về Nébraska, tạc thúng gánh cho em tương tự đôi thúng quang gánh anh đã tạc cho em ngày nào.
Mỗi hừng đông em nhìn thúng gánh trong sương mai, nhớ ân tình mình từ thuở đời ngày thơ qua bao thăng trầm nhiễu nhương chốn phù vân, giữ gìn kỳ niệm an vui anh để lại. Thúng gánh nầy chẳng những mang lại nồng nàn ân tình chúng mình mà còn gợi tràn tình quê, tình nước, tình người dân nước Việt mình. Thúng mang hình ảnh châu thổ hai miền Bắc Nam, giàu ruông đồng lúa hoa màu, vả quang gánh là dịu gầy bóng quê miền Trung nghèo sỏi đá. Quang gánh còn là biểu tượng đức tính cần cù, nhẫn nại của người dân, tình nông gia dải nắng dầm mưa cày cầy, tình ngư phủ sớm sương giăng chài lưới cá, bương chải sóng to gió lớn biển xa nuôi dân mình. Thúng vun ân tình, sâu đậm tình mẹ gánh gồng con nhỏ trên đôi vai mảnh khảnh nhưng mạnh giàu bao la tình biển mẹ núi cha. Em gánh tình tộc gia, hậu phương an bình, anh gánh nặng gian sơn, vận nước, tình quê lâu dài. Với em quang gánh, thúng giỏ là hình ảnh quê hương, tình quê, tình nhà, tình anh, nên em trưng bày trước nhà ta, dưới mái hiên để miên man nhớ quê và nhớ anh.
Đôi khi người hàng xóm ghé qua thăm viếng, hỏi đùa con chúng ta’ Thế cô có gánh con trong thúng như mẹ cô ngày xưa, thúng trước cô và em cô ngồi, thúng sau đầy ắp gạo cơm nồi nêu, nuôi nấng gia đình và là nguồn sinh sống của gia đình trong những ngày tảo tần buôn bán của mẹ cô ?”. Em và con vui cười cùng họ, và như thế giòng đời vẫn và mãi trôi, sinh dưỡng thế hệ sau, gìn giữ ân tình người đi trước, dĩ vãng buồn vui trong đời, tạo vòng luân chuyển thiên nhiên vũ trụ hòa đồng, trong đó có em vẫn đợi ngày gặp lại anh trong cõi vô vàn an bình hạnh phúc, cõi tình người thanh trong.
Chờ em anh nhé!
Huỳnh Anh Trần-Schroeder