Tôi nhớ một Triết gia nói: “Trong yên tĩnh hình thành trí tuệ, trong bão táp hình thành tính cách”. Câu này vận dụng vào giáo dục nhà trường hiện nay thấy đáng lo ngại.
Mới đây báo điện tử VNExpress cho biết, một trường Mẫu giáo cho bé trai rửa chân, massage đầu cho bé gái hưởng ứng ngày Phụ nữ Việt Nam, 20/10, khiến nhiều phụ huynh học sinh phản ứng bất bình… “Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó hiệu trưởng trường Mầm non Bình Minh (Hà Nội), sáng nay xác nhận thông tin có hoạt động bạn trai và bạn gái trải nghiệm trong chuỗi hoạt động chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam ở trường diễn ra hôm qua”... (https://vnexpress.net/tre-mam-non-trai-mat-xa-rua-chan...).
Báo Tiền Phong đưa tin: “Hội phụ huynh của một lớp thuộc khối 8 ở TP Vinh, Nghệ An huy động nộp 700.000 đồng/học sinh để mua áo đồng phục và phục vụ hoạt động văn nghệ chào mừng ngày 20/11”...
(https://tienphong.vn/xon-xao-thong-tin-thu-700000-donghoc...).
Từ hai nguồn tin trên cho thấy từ lớp Mẫu giáo cho đến học sinh THPT một năm học không biết phải Thi đua tổ chức bao nhiêu “chuỗi hoạt động chào mừng” biết bao nhiêu sự kiện. Mà “mỗi sự kiện”, như “chào mừng ngày Nhà giáo, 20/11” mà học sinh lớp 8 phải đóng tiền, luyện tập tiết mục “văn nghệ” từ 20/10, tức là chuẩn bị trong 1 tháng.
Một năm học sinh phải thi đua tổ chức các “chuỗi hoạt động” chào mừng bao nhiêu sự kiện?
- Tổ chức Lễ khai giảng chào mừng năm học mới ;
- Chuỗi hoạt động Chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10;
- Chuỗi hoạt động Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11;
- Chuỗi hoạt động Chào mừng ngày Quân đội NDVN, 22/12;
- Chuỗi hoạt động Chào mừng Lễ kết thúc học kỳ 1;
- Chuỗi hoạt động Chào mừng ngày Năm mới dương lịch 1/1;
- Chuỗi hoạt động đón Năm mới Tết ta, Mừng Đảng mừng Xuân;
- Chuỗi hoạt động Chào mừng ngày Phụ nữ 8/3;
- Chuỗi hoạt động Chào mừng ngày thành lập Đoàn TNCSHCM 26/3;
- Chuỗi hoạt động Chào mừng ngày thành lập Đội TNTP HCM 15/5;
- Chuỗi hoạt động Chào mừng ngày sinh Bác Hồ 19/5
- Chuỗi hoạt động Chào mừng ngày Lễ Tổng kết năm học…
- ….
Một năm học với bao nhiêu “chuỗi hoạt động thi đua chào mừng” chủ yếu tập luyện múa, hát, diễn tập đội hình, với cờ, đèn, kèn, trống, loa đài, phông màn, quanh năm khí thế tưng bừng náo nhiệt… Một không khí “cách mạng” sôi nổi như vậy suốt năm thì cá nhân từng học sinh còn đâu tĩnh tâm theo đuổi những hứng thú, sở thích riêng, như: vào thư viện đọc sách, say sưa làm thí nghiệm, trầm ngâm mơ màng làm thơ, viết truyện hay tò mò tìm hiểu lĩnh vực nào đó ưa thích?
Một môi trường giáo dục cứ lặp đi lặp lại như vậy suốt đời học sinh, đúng là khó có chỗ cho “Yên tĩnh hình thành trí tuệ”, mà chủ yếu “hình thành tính cách” các cán bộ tuyên truyền chính trị với kỹ năng cờ đèn, kèn trống, loa đài siêu hạng.
Nhà trường hiện nay không chỉ Sách giáo khoa lắm vấn đề, nhiều Hiệu trường và Giáo viên tha hoá phẩm chất nghề nghiệp, biến học sinh thành con tin để thu đủ các loại phí ngày một tăng, không những thế còn biến học sinh thành con tin cho đủ thứ hoạt động chính trị nhảm nhí.
Cho nên mới hiểu vì sao, ngày càng nhiều phụ huynh học sinh cho con em chạy khỏi nhà trường hiện nay “tị nạn giáo dục” ở nước ngoài hoặc “sơ tán” vào các trường tư có yếu tố nước ngoài với học phí từ 10 - 50 triệu đồng/học sinh/ tháng.
Đúng như GS Hoàng Tụy từng nói: Một nền giáo dục không chỉ sai lầm mà là lạc đường!
25/10/2023
MVT