LGT: Thang Tran-Nhân Văn Việt–Na Uy:
Không biết các bạn sao, tôi khó chịu khi đọc những bài văn và bài báo ở Việt Nam và ở đâu đó trong thời gian qua người ta viết lẫn lộn LIÊN LẠC với LIÊN HỆ.
Gởi các bạn bài viết của giáo sư Tuấn ở Úc và comment của Han Dang giải thích cho hiện tượng sai lầm này.
———————
‘Liên hệ’ và ‘Liên lạc’ (giáo sư Tuấn ở Úc)
Một trong những cách viết và nói ngày nay làm tôi cảm thấy khó chịu là dùng chữ “Liên hệ” với ý nghĩa của chữ “Liên lạc”.
Nhan nhản khắp nơi ở VN người ta vô tư viết và nói kiểu như “để có thêm thông tin chi tiết, xin LIÊN HỆ ông A, số điện thoại xyz”. Tôi nghĩ cách dùng chữ ‘Liên hệ’ trong câu này sai. Đáng lý ra câu trên phải dùng chữ LIÊN LẠC.
“Liên hệ”, theo tôi hiểu, có nghĩa là tiếp xúc, trao đổi. Tiếng Anh có một chữ tương đương: relate. Relate có nghĩa là tạo mối liên quan hay “connection”. Chẳng hạn như tôi nói “Smoking is related to lung cancer” (Hút thuốc lá có liên hệ với ung thư phổi) hay “Is she ralated to you” (Cô ấy có liên hệ gì với ông không?)
“Liên lạc” có nghĩa là truyền thông tin để giữ mối liên hệ. Thông tin có thể là tên của một hay nhiều người, số điện thoại, email. Tiếng Anh có một chữ tương đương: Contact. Chữ contact có nghĩa là truyền tin hay communication. Chẳng hạn như tôi nói “Please feel free to contact me via email” (Bạn cứ tự tiện liên lạc tôi qua địa chỉ email).
Phân biệt qua Hán ngữ cũng hay: “thỉnh dĩ điện thoại dữ ngã liên hệ”. Hiểu nôm na là xin liên lạc qua điện thoại để giữ mối liên hệ.
Phân biệt đơn giản và rõ ràng như trên, ấy vậy mà ngày nay chẳng hiểu từ đâu và lúc nào mà ‘Liên hệ’ đã thay thế ‘Liên lạc’. Sự thay thế này nói lên sự thất bại của những người ‘gác cổng’ ngôn ngữ ở Việt Nam.
Comment (HAN DANG)
“Liên hệ“, khi là động từ trong câu, có ý nghĩa là “dính líu với nhau hoặc có dính dáng đến nhau”. Ví dụ: Điều ông vừa nói, thật ra, chả liên hệ gì đến tôi.
Tìm về nguyên nhân ban đầu, việc sử dụng sai lệch từ “liên hệ” cho thấy đây là một cái lỗi, chứ không phải là một cách sử dụng từ lóng thông thường. Sau 1975, sự cải cách quy mô lớn trong lãnh vực giáo dục đã mang theo khuynh hướng bài xích nền giáo dục của chế độ VNCH tại miền Nam một cách không thích đáng. Trong phong trào đó, một số người có ảnh hưởng lớn thuộc chế độ mới, có thể là vô tình sai sót hoặc cố ý tạo sự khác biệt với cách dùng từ của chế độ trước, đã gây nên lỗi lầm trong việc sử dụng sai lệch một số từ ngữ mà từ “liên hệ” là một trong số đó, và hậu quả này đã lan nhanh và rộng đến mức không thể ngăn được, mặc dù tự điển tiếng Việt chưa bao giờ công nhận từ “liên hệ” lại có một “nghĩa lóng” nào. Cho đến nay đã gần 40 năm, nếu chúng ta vẫn không nhận ra đây là một lỗi lầm và/hoặc ra tay cứu vãn thì tiếng Việt sắp không còn là một niềm hãnh diện của người dân Việt nữa.
Cũng thật đáng buồn, nếu như giới giáo chức, nhân viên ngành giáo dục, và giới sinh viên, học sinh sử dụng “từ lóng” như vậy trong các chương trình giáo dục, hoặc các thông tin, văn bản từ các cơ quan đều chứa các “từ lóng” đại loại như thế! Càng mỉa mai hơn, bạn hãy thử đoán xem, có mấy ai trong số đó nhận thức được rằng họ đang sử dụng từ “liên hệ” đó như là một từ lóng?!
Thêm vào đó, nhìn ở góc cạnh thời đại, giới trẻ thời nay đã quá thờ ơ với giá trị của ngôn ngữ Việt. Điều này rất dễ dàng thấy được ở cách lạm dụng từ lóng và ngôn ngữ bình dân ở mọi giới, mọi nơi, và mọi lúc. Đâu rồi, những ngôn từ văn hoa, tao nhã? Đâu rồi, những câu từ mỹ lệ, chuốt trau? Hãy nhớ rằng ngôn ngữ là tinh túy của văn hóa. Làm sao một nền văn hóa có thể đẹp được khi đi cùng với ngôn ngữ thô thiển? Mà muốn có ngôn ngữ đẹp, trước hết phải sử dụng ngôn ngữ cho đúng!