Nhân dịp Tết Quý Mão sắp đến, Mời bạn ta đọc lại bài viết "Hội Xuân Kobe" cách đây 35 năm đã đăng trong Kháng Chiến Á Châu số 59 tháng 1/1987, để xem đồng bào mình ngày đó đón Tết ra sao nhé. Những nhân vật được nhắc trong bài viết có người đã ở ...trên trời, có kẻ đã thành ông nội, bà ngoại, con cháu đã thành danh. Thân tặng những người đã sống và cùng làm việc với tôi vào những tháng những ngày xa xưa đó.
------
Hội Xuân Kobe – Đón Xuân Quý Mão Nhớ Xuân Xưa (Vũ Đăng Khuê)
Tôi trở lại thành phố cảng Kobe lần này là lần thứ hai, lần đầu là vào 3 năm trước, khi có dịp hướng dẫn đoàn văn nghệ Tokyo tham dự một chương trình văn nghệ do Bản Bộ Người Tị Nạn Đông Dương tổ chức. Tôi còn nhớ rõ lắm, lần đó tôi đã được gặp, tôi đã được nghe, tôi đã cảm nhận trọn vẹn tấm lòng chung thủy của bà con mình tại Kansai sau Đại Hội Đồng Tâm qua những lần tiếp xúc, qua những câu chuyện kể. Âm hưởng tốt đẹp đó vẫn tích tụ trong tôi rồi lớn dần cho đến lần này: lần trở lại đầy ý nghĩa, được gặp lại “cố nhân”: những chiến hữu thân thương quan niệm đấu tranh bình thường như đời sống, những đồng bào ruột thịt nghĩ chuyện đấu tranh như nghĩ chuyện nắng mưa. Tôi muốn ghi lại đây những rung động chân tình của tôi với một tập thể đầy sức sống này, tôi muốn gửi đến những “cố nhân” của tôi những lời chia sẻ chân thành nhất.
o o o
Sau 2 ngày mệt nhoài với Hội Xuân Kanto, phái đoàn của chúng tôi gồm đủ mọi bộ môn lỉnh kỉnh: văn nghệ, lô tô, trò chơi trẻ em, đồ khô....lại có mặt trên 2 chiếc xe để bắt đầu cho chuyến hành trình xuôi Nam, nơi mà ngày mai Hội Xuân Kansai sẽ rợp trời khai mạc. Rời Tokyo lúc 9-30 tối mùng 2, xe nhắm hướng Kobe trực chỉ. Đường phố ngập nước vì trời mưa như trút, ngồi trong xe nhưng không ai là không dấu nỗi lo: ”Ngày mai mà thời tiết kiểu này là tiêu”, rồi xe vẫn lướt đều với một tốc độ mà Hay đã cho là “tốc độ của một con rùa” cứ tiếp tục ngốn hết đoạn đường này sang đoạn đường khác. Kim đồng hồ đã chỉ gần 2 giờ sáng mà cơn mưa vẫn chưa ngớt, Phước ngồi bên tôi thì thầm ‘‘Còn 8 tiếng nữa là mở màn, mà vẫn chưa thấy gì là sáng sủa cả”, không ai nói một câu, được một lúc Phước lại luận tiếp: “Anh nhìn ra ngoài kia, hạt mưa khi chạm mặt đất nó không thành bong bóng anh ơi, kiểu này chắc sắp tạnh rồi”, mặc dù cứ gượng cãi: ”Làm sao mà biết được, Nắng mưa là chuyện của trời mà” nhưng tôi vẫn cầu mong cho lời tiên đoán của Phước là đúng. Và Phước đoán đúng thật, cơn mưa đã tạnh khi xe chúng tôi đang “tập tễnh” bước vào ranh giới Osaka, phái đợi đến 2 tiếng sau khi ánh nắng chan hoà phố xá Kobe, chúng tôi mới yên chí và mọi nỗi lo lắng đã chấm dứt khi chân tôi bước hẳn vào khuôn viên nhà thờ Shimoyamate xinh đẹp, lúc đó đồng hồ chỉ 8.10 sáng ngày 3/1/1987.
Không thênh thang như Yotsuya trên Đông Kinh, nhưng ấm cúng: khuôn viên nhà thờ Shimoyamate nho nhỏ hôm nay mang một khuôn mặt thật tươi mát hiền hoà. Từ cổng bước vào, ngay phía bên trái là Bàn Thờ Tổ Quốc và lá quốc kỳ uy nghi đang tung bay trước gió, phía bên phải là một sân khấu lộ thiên được che bằng những tấm bạt màu xanh tươi mát, phía trên là biểu ngữ chạy dài: HỘI XUÂN ĐINH MÃO trông rất ư là hợp tình hợp cảnh, những chiếc lều con xinh xắn dựng vòng quanh khuôn viên được che chở bởi những bóng mát của các tùm cây rợp lá đã cho tôi cái cảm giác thật bình yên. Được biết để được cái dịu mát mà tôi vừa kể, quân ta tại Kansai với Phàn, Thuật, Ớt, Dũng, Tuấn, Bảo đã phải tất tả ngược xuôi, vật lộn với hàng đống đồ nghề dưới còn mưa tầm tã vào chiều ngày hôm trước: “Anh em mình chu đáo quá” tôi đưa mắt nhìn anh Linh “Nhất rồi còn gì nữa”' Anh Linh cười cười đáp lại. Bước sâu vào trong tí nữa thì tôi gặp Cẩm, Huy, Tuấn, Bảo: những khuôn mặt không thể thiếu trong mọi sinh hoạt tại đất này đang loay hoay dựng cờ dựng rạp, chào hỏi vài câu cho phải phép, tụi tôi bắt tay ngay vào việc thiết trí những gian hàng cần thiết. Tiếng chào, tiếng hỏi nhau oi ới tạo nên khung cảnh vui không thể tả. Một vài người đi đường tò mò nhìn vào thầm hỏi:
‘‘Mấy ông làm gì ở đây?”
‘‘Tụi tôi tổ chức Hội Xuân cho bà con Việt Nam rồi tụi tôi Tiếp Vận Kháng Chiến”
“Mà Kháng Chiến là gì”?
“Là làm dù mọi cách để trở về nước tụi tôi chứ không lẽ ở hoài xứ của mấy ông à”
‘À thì ra thế” khuôn mặt của mấy ông già gật đầu như đã hiểu.
Nắng mỗi lúc mỗi lên cao, bà con ta từ tứ phía lũ lượt đổ về, một trong những người đến xông đất đầu tiên phải kể đến là gia đình bác Lê Trung Hiếu từ Wakayama (gia đình văn nghệ nổi tiếng đã cung cấp cho cộng đồng những nhân tài đặc sắc), nhìn khuôn mặt rạng rỡ của hai bác, của anh Hùng, chị Luyến, của anh Bắc, của Chính, của mấy cháu bé đang tung tăng bay nhảy khiến tôi chợt vui lây với những hồn nhiên rạng rỡ đó. Còn nữa, còn nhiều người nữa như anh Bình từ Miyazaki, Anh Thịnh từ Saitama, vợ chồng Ánh-Hạnh từ Kobe chẳng hạn. Tôi cảm thấy ấm lòng khi đang hiện diện ở giữa giông sống đầy sinh động này.
“12 giờ văn nghệ sao vẫn chưa thấy phe ta đâu cả”, tiếng Huy lo lắng, nhưng rồi dù có chậm trễ chút đỉnh nhưng cuối cùng thì Kiên, Khôi, Anh Đào, Mộc Lan, Nhuần, Hoàng Lan, Phàn, Anh Kiệt....đều có mặt. “Kiểm điểm lại lần cuối xem có mặt đủ chưa ?” “Moi gian hàng đều đông đủ cả". “Thôi ta bắt đầu kẻo trễ”, -tiếng của Cẩm vang vang.
10 giờ, Thánh lễ đầu năm do cha Chánh xứ chủ tế đã được cử hành thật trọng thể trong những lời cầu nguyện chân thành của hơn 200 giáo dân lưu lạc. Tôi không được nghe những thầm thì cao quý đó, nhưng tôi tin rằng, tôi và đồng bào tôi đã dâng lên Thiên Chúa những cầu xin thành khẩn
-.“Xin Chúa và Đức Mẹ giữ gìn và bảo vệ cho đoàn quân Kháng Chiến đang anh dũng có mặt nơi rừng sâu núi thẳm, xỉn ban phát cho đàn con lưu lạc những hướng dẫn để sớm có ngày chúng con được trở về quê hương tiếp tục vinh danh Chúa".
Sau thánh lễ đầu năm, trước bàn thờ tổ quốc hơn 100 người đã tề tựu để cùng nhau cử hành Lễ Dâng Hương đầu năm, Lễ Chào Cờ, và Phút Mặc Niệm trong một không khí thật trang nghiêm. Mọi người đã lắng nghe những lời chúc tết, lời phát biểu của Bác Huỳnh Ngọc An, của Anh Nguyễn Đình Cẩm, của Anh Phạm Thanh Linh. Và mùa Xuân đã tràn ngập khuôn viên nhà thờ Shimoyamate khi tràng pháo nổ vang báo hiệu, phía bên trong Đoàn Lân Việt Nam (Hoá, Thạnh...) lừng lững tiến ra, tiếng trống dồn dập, Lân hùng dũng múa may theo nhịp điệu, bên cạnh là ông Địa Việt Nam cũng “điên cuồng” không kém. Tôi để ý thấy nụ cười thật tươi trên môi cô bé Ngọc con Anh Hùng, rồi tiếng thì thầm bên cạnh lọt hẳn vào tai tôi “nhớ Việt Nam quá” lôi kéo tôi vào những suy nghĩ miên man không dứt. Giữa trời đất của một lục địa xa lạ trong cái lành lạnh đầu xuân hôm nay, niềm nhớ quê chợt bùng lên mãnh liệt nơi tôi theo khung cảnh tươi vui trước mắt. Tôi nhớ mọi thứ, mọi sự việc từ những tiếng động ồn ào thân quen của Sài Gòn muôn thuở cho đến cảnh sum họp gia đình vào những ngày Tết nhất. Mùi hương trầm thơm nhẹ như từ cõi xa xăm nào bay lại khiến tôi như bị ru trong cơn mê. “Mình chuẩn bị văn nghệ là vừa rồi anh ơi', tiếng nhắc nhở của Khôi làm tôi sực tỉnh.
Bản nhạc Ly Rượu Mừng của ban văn Nghệ Kansai gồm: Kiệt, Phàn, Nhuần, Hoàng Lan, Anh Đào...đã tạo một không khí tươi vui cho những người yêu thích văn nghệ, tiếng hát trong sáng của cô bé Hoàng Lan với bài Đón Xuân cũng đã gây nhiều chú ý cho giới mê nhạc. Tiếp theo là tiếng hát trầm ấm “gửi hương theo gió” của Anh Kiệt qua bài Tôi muốn mời em về hao hao giống Võ Đình Hưng của Tokyo đã làm mọi người ngây ngất. Tôi hiểu như thế vì tôi đã thấy được những xúc cảm nhẹ nhàng của những người ngồi trước mặt. Và linh hồn của buổi văn nghệ phải được trang trọng nhắc đến là tiếng hát của Anh Đào, tiếng hát số 1 của Kansai. Với một làn hơi phong phú, kiêu sa Đào đã chiếm được trọn vẹn cảm tình của người tham dự qua 2 bài hát ‘Những người em ở Làng Đồng Sơn” và “Chuyến Đò Đêm” của những Kháng Chiến Quân trong nước. Cũng nên nhắc thêm là trên Hội Xuân Kanto, giọng hát Đào đã góp một phần không nhỏ cho sự thành công cho chương trình văn nghệ hôm mùng 1. Ngoài ra còn có Mộc Lan với “Về Đây Nghe Em” một tiếng hát mới: tiếng hát của những bài thánh ca cao vút, tiếng hát của ca đoàn công giáo. Anh Hùng, cháu Ngọc, châu Vân, Anh Dương, chị Liêm và anh bạn Tô Cách Lan với y phục cổ truyền “áo the guốc mộc” cũng góp mặt trong buổi văn nghệ đầy hương sắc này. Phần nhạc đệm với Huy Keyboard, Kiên saxo, Dũng, Khôi guitar lại được tăng cường tay trống Hổ Trần Hiệp đến từ Nagoya gây một tin tưởng và phấn khởi mới cho dân ghiền nhạc.
Đến quá trưa thì các gian hàng bắt đầu hoạt động mạnh, tiếng rao hàng ơi ới lan khắp khuôn viên hội chợ. Để bạn đọc có một cái nhìn khái quát về “phiên chợ Tết đầu năm này”, tôi xin được kể từ từ.
Bắt đầu là gian hàng trẻ em. Gọi là của trẻ em nhưng thực ra là của mọi người không phân biệt tuổi tác. “Bà con mình ở đây trẻ quá chứ”. 3 trò chơi độc đáo đã được trình làng là: ném lon, thảy vòng, máy bay về quê, một sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 Tổ Tiếp Vận kiên trì: Saigon, Tamachi, Kashiwazaki. Tiếng rao mời lại vang lên từng chập "Mại dzô, ném ngã 5 lon, bợ nguyên một băng cassette” hay là “Vé máy bay về Việt Nam sắp hết", đằng kia lại có tiếng léo nhéo "mẹ cho con mấy trăm lẻ thảy vòng đi'. Gần đó là tiếng rao lô tô lanh lảnh, rất vần theo nhịp của Điền Niigata đã thu hút được một số đông dân nghiện “cờ bạc”.
Kế tiếp là quán cà phê xinh xắn và ấm cúng của Tổ Tiếp Vận Takatori. Mùa đông, trời lạnh ngồi nhâm nhi ly cà phê nóng với đầy ắp chân tình bè bạn quả là thần tiên bạn nhỉ? Nếu quán cà phê tạo cho khách 1 cảm giác êm đềm thì quán phở của Tổ Tiếp Vận Himeji là một hỗn hợp âm thanh của đủ mọi thứ. “Trước sau tất cả 4 tô", ông chủ Võ Thanh Liêm gặp tôi cười toe toét: "Bà con mình ăn nhiều, Tiếp Vận Kháng Chiến nhiều, anh em mình đỡ khổ anh nhỉ?, Tôi nheo mắt đáp lời: “Số dzách rồi còn gì nữa”. Một bất ngờ khá lớn với tôi là gặp chị Năm tại gian hàng bánh cuốn của Tổ Tiếp Vận Hikone, chị đang cùng với những anh chị khác thoăn thoắt luôn tay tráng bánh cuốn. Vừa gắp, chưa kịp chào chị đã “ngắn dài tâm sự”: “Năm nay nhà có khách, không phụ anh em được định để sang năm nhưng rồi cũng kẹt, trên Kanto hết mấy ngày, xuống đây cũng phải dính, quá khổ’. Chị Nắm ơi, Các anh chị của Hikone kiên cường ơi, công khó của anh chị đã được đền bù thật xứng đáng, tôi không nói quá lời đâu. Anh chị hãy nghe lời trách móc nhẹ nhàng rồi thì thấy: "Bánh cuốn năm nay số một, chỉ tiếc là làm ít quá, ăn không đã anh ơi”. Anh chị nghĩ sao?
Sang quán nhậu của Tổ Tiếp Vận Amagasaki thì thật “điên cuồng”, nam giới chiếu cố kỹ nhất, lẽ dĩ nhiên nghề của chàng mà. Bia, phá lấu, hột gà lộn, thịt nướng kính chào quý khách. Cô Nhuần gặp tôi cười ngỏn nghẻn: “Lên Tokyo chả làm được gì nhiều, về đây phải điên cuồng làm bù lại chứ anh”. Rồi tiếng cụng ly thăm hỏi, rồi lại nâng ly chúc mừng hoặc là cạn ly mừng hội ngộ ôi thôi thì đủ kiểu lan tràn khắp chốn tạo một không khí vui thật vui.
Ngoài ra, gian hàng đồ khô, văn hoá của Tokyo cũng lai rai kiếm chác. Một số bức hình về phiên chợ đầu năm đã được ghi “chụp” lại như trên, chắc hẳn còn rất nhiều góc cạnh khác mà tôi không được thấy. Mong qúy bà con tha lỗi. Điểm đáng nêu ra ở đây là tất cả nỗ lực của các anh chị trách nhiệm, của đồng bào tham dự đã cùng hướng tới một mục đích cao cả: Tiếp Vận Kháng Chiến để giải phóng quê hương. Đây là một điểm son của bà con mình tai Kansai nói riêng và tại Nhật Bản nói chung. Đại cuộc giải phóng Việt Nam đang được tiến hành vững chắc đặt căn bản trên sư thủy chung của đồng bào nội ngoại, trên sự hy sinh vô bờ bến của những anh hùng Kháng Chiến. Tôi thấy quê tôi như gần hẳn lại và tôi lại miên man nghĩ ngợi.
Cái giờ quái ác không ai muốn nó đã đến: 5 giờ chiều. Ban Tổ Chức tuyên bố bế mạc. Mọi người tạm chia tay nhau, họ chào nhau ân cần, họ chúc nhau mạnh khỏe. Tôi cảm thấy thật vui sướng cho lần trở lại này vì biết chắc rằng từ đây trên con đường thênh thang trước mắt tôi có thêm những người bạn đồng hành mới mắt nhìn về một hướng, nghĩ cùng một chuyện.
•Đêm mùng 3 tại nhà Huy-Kiên tôi đã ngủ thật say, trong giấc ngủ tôi mơ tôi thấy tôi được trở lại quê hương với rất nhiều thân quen gần gũi, tôi mơ thấy mình đang cùng với gia đình, bạn bè, anh em, chiến hữu, đồng bào khắp chốn chung lưng đắp xây đất nước, ra sức đem tình thương xóa bỏ hận thù. Một lần nữa tôi xin được cảm ơn tất cả.
V.Đ.K ghi
3/1/1987