Hôm nay, bên này là chủ Nhật 4/9. Sáng vừa mở mắt với cái quẹt quẹt để ngay bên cạnh thì thấy trong trang FB của một bà bạn có lời chúc mừng quân ta nhân ngày “Phụ Thân - Father Day”.
Ơ! Sao lạ thế nhỉ, mới nhận cái áo xanh polo chưa mặc một lần và chai wine “ranh con” không đủ nhấp môi hồi 19 tháng 6 của cậu con giai và cô con gái mà! Nhìn lại kỹ một lần nữa thì thấy thêm 2 chữ “Father Day của Úc”. Thắc mắc định hỏi người bạn về nguồn gốc ngày này ở xứ Thòi Lòi thì bạn ta khoe: “Hôm nay làm một nồi phở bò đã ninh 2 ngày nhân ngày của Bố”, bạn tôi lại thố lộ: “xét về phương diện ... Đức tin thì tôi theo đạo ...bún bò. Còn phở thì xem như... tân tòng. Nhưng khi nấu xong nồi phở thì... tôi đổi... đạo!!!” .
Thế là bao nhiêu những dự tính tìm hiểu về cái ngày này xem nó có ở Nhật hay không đã tan biến hết.
Đầu óc tôi nghĩ ngay đến “Em”, tôi đã, đang là sẽ là tín đồ nguyện trung thành với “Em” cho đến lúc…. tắt thở. Ngay trong nghịch cảnh này muốn gặp “Em” dù chỉ đôi lát cũng phải xin phép “Luật Sư”.
Em là số một của đời tôi đấy. Bạn ta xin hiểu trường hợp này thì “Em” và “Phở” ý nghĩa giống nhau, đừng lấy làm lạ khi thì tôi dùng chữ “Em” và lúc thì tôi dùng chữ “Phở”.
Mời bạn ta đọc một vài giai thoại về em cho qua ngày qua tháng.
-------------------
Tôi có một ông bạn xứ Bắc Kỳ, khi đánh cá với nhau về một “tranh luận” gì đó, ông bạn tôi thường nói:
“Nếu thua tôi sẽ mất cho ông một chầu phở “Ngon”. Tại sao không là một Chầu Mì, Chầu Bún Bò? Hay Chầu gì đó. Theo chủ quan của tôi thì Phở đã đi vào lòng ông, lòng tôi, lòng dân Tộc.
Bạn ta có biết? Nó còn lan sang cả Nhật Bản nữa đấy vì Nhật Bản cũng có “Ngày của Phở” (4 tháng tư). Bạn ta tham khảo link dưới đây nếu đọc được tiếng Nhật, (xin lỗi là tôi lười dịch quá).
https://zatsuneta.com/archives/10404b2.html
Với “trình độ thượng thừa”, bạn ta sẽ có đủ cách nấu Phở qua các link này youtube nọ, Phở nhà nào và tiệm nào cũng “Ngon” cả. Chỉ còn lãnh lãnh vực chuyên môn nữa là cách nêm, cách nếm, cách sửa soạn “đồ nghề”. Rửa sạch xương, hầm xương cho ra hết chất “Bò” và cho tất cả các loại gia vị như đại hồi, tiểu hồi, quế, đinh hương, trần bì, cam thảo, thảo quả, ….vào một cái túi hầm chung với xương. Rồi hớt bọt, mất cả mấy tiếng đồng hồ. Miếng Thịt cũng phải nêm đủ vị hầm chung với nồi nước lèo cho thấm vào miếng Thịt để khi cho vào miệng, miếng “nạm” hay “chín” chạm vào thì lưỡi thì sẽ nhận ra: “Đây, Đây, nó đây” chứ không cần khứu giác như lúc ta mở cái vung nồi phở.
Sang phần nêm nếm, cho bao nhiêu thìa bột ngọt, bao nhiêu muối, bao nhiêu thìa nước mắm thì đủ?
Các gia vị và cách nêm nếm này thì không ai trả lời được vì nó thuộc vào phạm vi mang tính cách “chuyên môn”, gia truyền. Nếu cho hơi quá tay, gặp người sành điệu chỉ cần nếm một muỗng nước lèo là họ phán ngay: “Cái này là cho bột ngọt nhiều để “giả dạng” chất ngọt của Bò rồi hay nhiều hồi, đinh hương….gì đó” Vì thế mới có Phở gọi là Phở gia truyền.
Phở ngoài này thì ở đâu cũng ngon cả, nhưng khó phân biệt, thiên hạ đến ăn nhiều thì tùy theo yếu tố địa điểm tiện lợi và giá cả phải chăng. Phở trong nước lẽ dĩ nhiên là quá ngon, nhắm mắt thiên hạ cũng biết ngay là Phở của tiệm nào. Một ông bạn có bảo là Phở trong nước ngon vì nó mang… hồn Phở. Ngày trước Phở miền Bắc không dùng thịt tái và các loại rau húng quế, giá, ngò gai….nhưng khi vào miền Nam thì được “tăng cường” thêm món thịt tái và các loại rau đầy mùi vị khiến tô phở đã “xinh” lại còn “đẹp”.
Mẹ cháu nhà này nấu phở ăn cũng ra vị phở đấy. Nhưng không lần nào giống lần nào. Nấu xong một nồi thế nào cũng có câu bỏ nhỏ: phải chi có cái này cái nọ.... Câu nói chỉ mang tính "chống đỡ" cho qua.
Tôi ăn phở không bao giờ ăn chung với giá và cũng không bao giờ dùng tương đen và vắt chanh. Con gái tôi thì có lối ăn phở rất lạ. Cháu làm một chén nước chấm gồm tương đen, tương đỏ để kế bên, khi ăn thịt thì lấy miếng thịt chấm vào đĩa nước chấm rồi ăn riêng. Chứ không ăn thịt chung với bánh phở. Bà bạn, tín đồ mới của Phở góp vào:
Phở người Bắc chỉ có hành lá và ngò thái nhỏ và hành chần thôi, có thêm tí chanh, chứ không có giá hay tương đen đỏ gì. Các cháu của tôi thỉnh thoảng cũng có tương đen đỏ bác ạ. Ở tiệm họ làm như vậy.
-----
Văn Hóa khác biệt!
Ở Nhật có món Ramen nổi tiếng không ai là không biết, nhưng các “yếu tố” cấu thành tô mì hơi ngược với Việt Nam ta. Họ cho nước súp trước xong mới cho sợi mì vào.
Khi đếm số trên đầu ngón tay thì quân ta bung ra từng ngón, còn người Nhật thì khép lại từng ngón. Khi gọt vỏ bằng dao thì họ hướng con dao về phía người mình, còn quân ta thì hướng ra ngoài.Tôi định hỏi nhưng sau thấy cũng chả cần vì nếu họ hỏi ngược lại tôi cũng bí. Bảo là khác nhau về văn hóa có quá cường điệu không?
------
Ước mơ người sắp….ra đi!
Xin kể một giai thoại mà tôi đã được nghe: một cụ ông, trước lúc lìa trần, sau những dặn dò với người ở lại, cụ có một ước nguyện cuối đời: cho cụ “hít” lại “hương thơm năm cũ”, người nhà vội vã mua về, cụ ra đi trong thanh thản.
—————
Tôi đã đọc rất nhiều bài nói về phở, có cả đến trăm bài, bài nào cũng có những cảm nhận đặc biệt riêng mà chỉ tác giả mới “diễn giải” được, tuy nhiên cái hay là người đọc nếu “diễn giải” không được như tác giả thì cũng cảm thấy rất gần với suy nghĩ của mình. “Rõ chuyện, như thế thì người ta mới là nhà văn”, mẹ cháu chõ miệng. Tôi cứng họng, cãi không được....
Tú Mỡ đã viết trong Phở đức tụng rằng:
Khách làng thơ đêm thức viết văn
Được bát phở cũng đỡ băn khoăn óc bí…
Bọn đào kép, con nhà ca kỹ
Lấy phở làm đầu vị giải lao
Chúng chị em sớm mận tối đào
Nhờ có phở cũng đỡ hao nhan sắc
Phở là đại bổ, tốt bằng mười thang thuốc bắc
Quế, phụ sâm, nhung chưa chắc đã hơn gì
Phở bổ âm, dương, phế, thận, can, tì
Bổ cả ngũ tạng, tứ chi, bát mạch…
--------
Phở với….tự do!
Câu chuyện về Phở được nghe từ cố nhà báo Lê Thiệp vào khoảng năm 1978.
Có một cô gái mở một tiệm phở sau ngày Saigon đổi chủ, Hoàng Hải Thủy, một nhà văn nổi tiếng thời đó nhưng không một xu dính túi ngày nào cũng ghé ăn. Sở dĩ anh Thủy được ngon lành như vậy là nhờ cô gái tên là Thanh đã khẩn khoản mời anh Thủy mỗi sáng đến hàng cô sẽ đãi một tô phở và một ly cà phê phin. Cô nói với anh Thủy: “Anh cứ đến mỗi sáng ăn phở, cà phê miễn phí. Sự hiện diện của anh giúp em có cảm giác chúng ta vẫn còn những ngày như ngày xưa”. Nhưng rồi cuối cùng thì tiệm phở cũng sập vì vật giá lên cao, thịt và bánh cứ mỗi ngày mỗi hiếm. Hôm cuối cùng, anh Thủy ngồi bên ly cà phê viết tặng cô hàng bài thơ:
Tâm hồn cô Thanh cô yêu thơ
Dạ dày tôi đói tôi cần phở
Phở có ngon phải nhờ nước béo
Thơ tôi hay phải có tự do.
---------------------------------
Lời kết!
Là một tín đồ của đạo...Phở nhân ngày của Bố. Trưa này tôi đã “làm” một tô phở ăn liền, chay tịnh bằng 3 phút nước sôi với cái gói bột gia vị chứa các thứ linh tinh. Khi “cấu thành” tô phở thì thiệt tình không có gì có thể gọi là phở cả, nó ương ương dở dở sao ấy. Không dám nói với mẹ cháu ước mơ một tô phở cho ra phở vì chắc chắn sẽ có câu trả lời: “tại sao không nói sớm, tưởng cứ nói là có à. Đâu mà sẵn thế”. Thôi thì chấp nhận "thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ" vậy. Nhìn tô phở (hình dưới đây) của bà bạn khoe đang ăn mà….lòng buồn vời vợi. Nhưng xin “tuyên thệ” lại:
“Tôi vẫn yêu mùi.... “tái chín” vô cùng”.
V.Đ.K