Theo báo Người Việt, một nghiên cứu mới trên bản tin đài truyền hình địa phương KTLA cho thấy trung bình người dân California, Hoa Kỳ, cảm thấy hài lòng nhất với cuộc sống vào năm 44 tuổi. Các nhà nghiên cứu nhận định nguyên nhân này đến từ cảm giác vững chãi trong sự nghiệp ở tuổi trung niên của một con người với một nơi ở nhất định và thu nhập vững vàng. Trong độ tuổi đó, họ có thể thoải mái chi trả cho các sinh hoạt đời sống như giải trí, mua sắm, ăn uống và du lịch.
Nhìn vào cuộc sống của các giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại nhận định này cũng có phần đúng, xét qua cách sống và sự hưởng thụ của họ sau khi ra trường có công việc và sự nghiệp, như ổn định chỗ ở, cách tiêu xài và việc đi du lịch trong hay ngoài nước, một năm vài chuyến. Nói như thế là tôi nhìn đến các con tôi và các bạn bè của chúng tuy các cô cậu chỉ trên 30 tuổi.
Với kinh nghiệm sống của tôi trên 40 năm định cư tại Hoa Kỳ, với sự chịu khó làm việc, cuộc sống ở Mỹ không đóng cửa với bất cứ một ai, dù là dân bản địa hay những di dân nhập cư. Vì thế Mỹ quốc đã được gọi một cách rất đúng là “đất của những cơ hội” (land of opportunities). Khai dụng những cơ hội này đối với những người di dân tùy thuộc ở hai yếu tố căn bản: một là khả năng giao tiếp với người tại chỗ, hai là khả năng lao động chân tay hay lao động trí óc. Tùy loại việc làm mà cần phải biết tiếng Anh nhiều hay ít. Cho nên, điều quan trọng trước hết cho người mới nhập cư là phải học tiếng Anh, để mà có thể tiến xa hơn qua sự xử dụng và cải thiện - cũng như gia tăng- những kiến thức chuyên môn đã có. Chuyện này không khó. Chính quyền ở các cấp đều có những trường đại học cộng đồng cung cấp các dịch vụ này, miễn phí hay với học phí rất rẻ cho mọi sắc dân, bất kể là dân bản địa lỡ thời hay dân nhập cư lạ nước lạ cái. Tốt nghiệp các đại học cộng đồng này có thể đủ sức kiếm việc sống hay đi xa hơn nữa lên các đại học với các chuyên khoa đủ lãnh vực: khoa học, kỹ thuật, hay nhân văn như chính trị, giáo dục, kinh tế, nghệ thuật…Các đại học tuy học phí cao, nhưng có vô số các loại học bổng, các trợ cấp hay cho vay tiền lãi xuất rất nhẹ, tùy theo hoàn cảnh gia đình và trình độ giỏi giang cao thấp, cho đến khi tốt nghiệp có công ăn việc làm, trả nợ dần dần.
Do những đặc tính then chốt kể trên của xã hội Hoa kỳ, mà đã có những di dân mới nhập cư chiếm những vị trí quan trọng trong ngành nghề phục vụ của mình, như ta thấy ngay trong cộng đồng người Việt.
Cưỡng bách giáo dục là chính sách quốc gia. Giáo dục công (public education) không mất tiền từ mẫu giáo cho tới tuổi 17- 18 tùy theo tiểu bang. Tùy tình trạng tài chính gia đình, học sinh có thể được xe buýt đưa đón và được cung cấp ăn trưa, cũng như được trông nom sau khi tan trường cho đến khi cha mẹ mãn giờ làm việc tới đón, nếu hội đủ một số điều kiện. Nói khác đi, tất cả trẻ thơ ở Mỹ đều được cho cơ hội đồng đều để học hỏi, phục vụ và tiến thân.
Vắn tắt ở xã hội Mỹ sự giới hạn tiến thân nếu có, chỉ là vì thiếu khả năng, không khai dụng các cơ hội trao đến tận tay và thiếu ý chí trau giồi khả năng. Cũng phải nói ngay rằng bằng cấp chỉ là chìa khóa để mở cửa vào các sở làm. Nhưng khi đã vào sở làm rồi mà không làm nên việc thì vẫn bị đuổi ra. Ít khi có chuyện đem cái bằng treo tường sau bàn giấy, ngồi dưỡng đến già về hưu. Cái tâm lý cổ hủ Việt Nam ngày xưa khi cha mẹ cho con đi học cốt đề kiếm việc làm nhàn hạ là không có ở Mỹ.
Khi nói Mỹ là đất của các cơ hội thì chúng ta đã hiểu là các cơ hội để tiến thân như trên đã chỉ ra, nhưng để cho trọn vẹn thì cũng phải hiểu cơ hội còn dẫn cá nhân đến suy trầm sa đọa nếu như các bậc cha mẹ cũng vội vã nhắm mắt chạy theo cơ hội của một xã hội tiêu thụ, ăn xổi ở thì, không duy trì được cái đặc tính – mà các cụ ta gọi nền nếp – của gia đình, là nơi nuôi dưỡng, khuyến khích, đóng góp kinh nghiệm cho con cái dấn bước vào đời và cũng là nơi nương tựa cuối cùng khi thất bại.
Người thường nếu ý thức được điều này và sống theo, trên đất của cơ hội, một cách quân bình giữa hai loại nhu cầu: vật chất (kể là dư thừa) và tinh thần (thường không mấy được quan tâm,) thì thân tâm sẽ an lạc và cuộc sống sẽ an bình hạnh phúc.
Tuệ Vân