Kể từ ngày đảng cộng sản Việt Nam và Trung quốc ký kết hiệp định phân giới 1999 và 2000 đã có nhiều tranh cãi về sự bán đất, nhượng biển cho Trung quốc. Luật sư Lê Chí Quang trong bài viết "Hãy Cảnh Giác Với Bắc Triều" nói rõ rằng phần đất bị bán là 720 cây số vuông. Một số đảng viên cộng sản ly khai như tướng Trần Độ, đại tá Phạm Quế Dương.....tố cáo cột mốc ải Nam Quan đã dời ra xa 4 cây số. Người không cộng sản như bác sĩ Trần Đại Sỹ nói là 5 cây số. Hai ông Tú Gàn và Nhân Tuấn Ngô Quốc Dũng trong bài viết "Một Triệu Con số Không" của ông Lữ Giang lại một mực cột mốc số 18 cách ải Nam Quan 100 mét về hướng Nam. Phố Bolsa TV phỏng vấn TS Trần Công Trục, nguyên trưởng ban biên giới nước Cộng Hòa Xã Hôi Chủ Nghĩa Việt Nam về: "Thác Bản Giốc và Ải Nam Quan (phần 2)" giữa tháng 2 năm 2016 tại Hà Nội và bỏ lên YouTube ngày 5 tháng 3 năm 2016. Phút 9:45, ông TS Trần Công Trục cho biết: "Trước hết thì chúng ta phải khẳng định nếu căn cứ vào công ước Pháp - Thanh như tôi đã nói đó mà hai bên thỏa thuận nguyên tắc thì đường biên giới nó có đi qua cái ải Nam Quan không - thì nếu căn cứ vào cái bản đồ và cái mô tả công ước tôi sẽ có tư liêu, tôi sẽ cung cấp để các bạn có thể chiếu lên thì cái đường biên giới mà Pháp - Thanh mà ký với nhau đó nó đi về phía nam cách cái ải Nam Quan khoảng 100 mét, nó dùng từ (à environ cent mètres) khoảng 100 mét. Tất cả các tài liệu kể cả tài liệu hoạch định cũng như phân giới cắm mốc mà cái này chính ông Trương Nhân Tuấn cung cấp cho tôi mà tôi còn lưu lại trong máy đây thì rõ ràng phải khẳng định rằng cái đường biên giới Pháp - Thanh mà ký đó thì nó nằm về phía nam trên đường từ ải Nam Quan về Đồng Đăng khoảng 100 mét, nghĩa là nó không đi qua cái mục Nam Quan như chúng ta tưởng tượng trong sách sử giáo khoa (tư bản ?) đó, thì rõ ràng chúng ta phải khẳng định cái điều đó, nghĩa là không phải mục Nam Quan, ải Nam Quan là một cái điểm nằm trên đường biên giới giữa Pháp và Thanh chia với nhau... !" (hết trích). Vậy, ta hãy tìm hiểu xem cột mốc Nam Quan (số 18) có phải nằm tại trước cửa Nam Quan 100 mét về phiá nam như bộ ba ông Tú Gàn, Nhân Tuấn và Trung Trực không nhé.
I)- Nam quan: quan là ải, cửa ải. Nam Quan là cửa ải phía nam hoặc cửa ải nước Tàu sang nước Nam. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, đoạn nói vế ải Nam Quan: "Ải Nam Quan cách tỉnh thành Lạng Sơn 31 dặm về phía bắc, thuộc châu Văn Uyên, phía bắc giáp châu Bằng Tường tỉnh Quảng Tây nước Tàu, tức là chỗ mà nhà Thanh gọi là "Trấn Nam Quan", cửa này dựng từ năm Gia Tĩnh triều Minh (1522-1566), đến năm Ung Chính thứ 3 (1725) nhà Thanh, án sát tỉnh Quảng Tây là Cam Nhữ Lai tu bổ lại có tên nữa là "Đại Nam Quan", phía đông là dải núi đất, phía tây là một dải núi đá đều dựa vào chân núi xây gạch làm tường gồm 119 trượng, cửa quan đặt ở quãng giữa có biển đề "Trấn Nam Quan", dựng từ năm Ung Chính thứ 6 (1728) nhà Thanh, có một cửa có khóa chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở. Bên trên cửa có trùng đài biển đề 4 chữ "Trung Ngoại Nhất Gia" dựng từ năm tân sửu (1781) đời Càn Long nhà Thanh. Phía bắc cửa có "Chiêu Đức Đài" đàng sau đài có Đình Tham Đường (nhà giữ ngựa) của nước Tàu. Phía nam có "Ngưỡng Đức Đài" của nước ta, bên tả bên hữu có hai dãy hành lang, mỗi khi sứ bộ đến cửa quan thì dùng chỗ này làm nơi tạm nghỉ" (hết trích). Như thế, với đoạn văn trên, tiền nhân cũng đã chỉ ra Nam Quan là của người Tàu, do người Tàu xây dựng. Chúng ta không xây lên nó nên không hề gọi Bắc Quan là vậy.
II)- Ải Nam Quan: ải là chỗ hẹp, chỗ hiểm, chỗ giáp giới hai quả núi hay là hai nước. Người Việt gọi Ải Nam Quan có một nghĩa là ải quan, là cửa ải nước Tàu sang nước ta. Một nghĩa nữa là vùng núi non hiểm trở của nước ta tính từ chân tường Nam Quan về phía ta, tương tự như cách gọi vùng núi non hiểm trở của Chi Lăng là ải Chi Lăng. Tìm về sự thực căn bản ấy, ta mới có bài học thuộc lòng; "Chiều dài nước Việt Nam tính từ ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mâu", nhạc sĩ Phạm Duy cảm hứng: 'Tôi đi từ ải Nam Quan sau vài ngàn năm lẻ...". Ông Mai Thái Lĩnh, trong bài viết "Ải Nam Quan Trong Lịch Sử (2)" trên trang mạng Talawas Blog ngày 7 tháng 8 năm 2009: ''Vào năm 1813, đại thi hào Nguyễn Du có dịp đi sứ sang Trung Hoa. Nhân đi qua ải Nam Quan, ông có làm bài thơ trong Bắc Hành Tạp Lục, trong đó có hai câu như sau:
Lưỡng quốc bình phân cô lũy diện
Nhất quan hùng trấn vạn sơn lâm
Nghĩa là
Hai nước đều nhau bởi mặt chiếc lũy lẻ loi
Một cửa quan oai hùng trấn giữa muôn quả núi
'Mặt chiếc lũy lẻ loi chia đều hai nước' mà Nguyễn Du nói đến chính là bức tường xây hai bên sườn núi, có cửa quan (tức Nam Quan) nằm ở giữa. Như vậy, có thể nói từ thập niên 30 của thế kỷ 16 cho đến khi thực dân Pháp xâm lược Bắc Kỳ, trong khoảng 3 thế kỷ rưỡi, đường biên giới ở vùng này được xác định ngay tại vị trí Nam Quan. Nó được đánh dấu bằng cửa ải và bức tường xây ở hai bên. Không hề có "Vùng đệm" hay "Hai cửa khẩu" như người thời nay thêu dệt" (hết trích).
III)- Cột mốc số 0: a)- Theo Vinna Media Production, bỏ lên YouTube ngày 30 tháng 10 năm 2017, đoạn video có tên "Ải Nam Quan Là Của Trung Quốc" do Lâm Vĩnh Tường thực hiện dựa theo "Ải Nam Quan" của sử gia Trần Gia Phụng. Vào phút thứ 10 cho biết: "Thứ trưởng ngoại giao ông Lê Công Phụng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng: nếu chúng ta bắt đầu tính biên giới từ chân tường hoặc chia đôi cửa mục Nam Quan thế cũng không được. Còn cột mốc số 0, nhân dân Lạng Sơn báo cáo với trung ương, chính phủ và các nhà đàm phán rằng cột mốc có từ khi những người già chưa ra đời. Chúng tôi tôn trọng cơ sở pháp lý đã có, tôn trọng thực tiễn, nhất là vì lâu nay quản lý đã như vậy. Cho nên hiện nay chúng ta công nhận mục Nam Quan là của Trung quốc cách cột mốc số 0 trên 200 mét, tính cột mốc số 0 về phía nam là lãnh thổ của Việt Nam, từ cột mốc số 0 về phía bắc là của Trung quốc" (hết trích). Xem thế, ông Lê Công Phụng, trung ương, chính phủ và các nhà đàm phán xã nghĩa đã làm ngơ 000 biết cái cột mốc số 0 có từ khi nào.
b)- Theo "Địa Dư Các Tỉnh Bắc Kỳ" của Ngô Vi Liễn, Phạm Văn Thư và Đỗ Đình Nghiêm (nhà in Lê Văn Tân xuất bản, Hà Nội 1926): "Cửa Nam Quan ở ngay biên giới Trung quốc và Việt Nam. Kể từ Hà Nội lên Lạng Sơn là 150 km, đến cây số 152 là chợ Kỳ Lừa, đến cây số 158 là Tam Lung, đến cây số 162 là Đồng Đăng, đến cây số 167 là cửa Nam Quan đi sang Long Châu bên Tàu. Như vậy, từ Đồng Đăng lên cửa Nam Quan có 5 km, từ Kỳ Lừa lên Nam Quan mất 15 km (về phía tây nam chợ Kỳ Lừa có động Tam Thanh, trước động Tam Thanh có núi Vọng Phu hay tượng nàng Tô Thị là những danh thắng) và từ tỉnh lỵ Lạng Sơn lên Nam Quan là 17 km" (hết trích). Đoạn văn trên đã được viết sau ngày thực dân Pháp hoàn tất đoạn quốc lộ Hà Nội - Nam Quan và sau 3 thập niên ngày ký kết hiệp ước phân giới Pháp - Thanh. Ba tác giả đã tả rõ ràng là cửa Nam Quan ở ngay biên giới Việt - Trung và người Pháp đã sắp đặt cột cây số theo thứ tự từ Hà Nội đi Nam Quan, không phải từ Nam Quan về Hà Nội và chỉ ra cửa Nam Quan là cây số 167. Như thế, cột mốc số 0 và cột cây số 0 là có sau này, sau ngày đảng cộng sản cầm quyền.
IV)- Cột mốc Nam Quan ( số 18): Dựa theo tập tài liệu: "Biên Giới Việt Trung 1885 - 2000 - Lịch Sử Thành Hình Và Những Tranh Chấp" của ông Nhân Tuấn Ngô Quốc Dũng (Dũng Châu xuất bản 2005). Cột mốc Nam Quan (18), thuộc "Chương 3, Biên Giới Vùng Tiếp Giáp Quảng Tây, trên đoạn biên giới từ Binh Nhi đến Bắc Cương" (trang183-324).
Việc phân giới đường biên gìới này trải qua 2 giai đoạn: giai đoạn phân định (1885-1887) và giai đoạn phân giới (1889-1894). Điều lưu ý khi đọc tài liệu này là không lầm lẫn đường biên giới với đường bộ (quốc lộ). ví dụ: từ Nam Quan đến Bình Nhi là đường biên giới từ Nam Quan đến Bình Nhi, từ Nam quan đến Đồng Đăng là đoạn biên giới Nam Quan - Đồng Đăng của xã Đồng Đăng với Quảng Tây. Để tiện việc theo dõi, hình phác họa sau đây được tạm hiểu thay cho đường biên giới từ Bình Nhi tới Bắc Cương:
(Cao Bang).................Binh Nhi........................................Nam Quan............................................Chi Ma..............................................Bac Cuong...........(Quang Ninh)
A)- Giai đoạn phân định: từ tháng 8 năm 1885 đến tháng 6 năm 1887, có 2 tin tức về Nam Quan:
1) Bác sĩ Neis tả lại trong loạt truyện "Sur les frontières du Tonkin" đăng trên "Le tour de monde 1887) được ông Nhân Tuấn ghi lại trong tập tài liệu của ông đoạn tả về Nam Quan (trang 208): "Việc phân định không dễ dàng vì ban đầu, người Hoa muốn giành toàn vùng chung quanh Đại Nam Quan. Khi phái đoàn Pháp vừa ra khỏi Đồng Đăng để đi lên cửa ải thì đã thấy cờ nheo cắm đầy trên những ngọn đồi chung quanh và lính Tàu phất cờ đứng dọc hai bên đường. Phái đoàn Pháp phản đối mạnh mẽ việc này. Vì có tính toán trước, phe bên Pháp đòi hỏi đường biên giới phải đi qua cổng Đại Nam, tức là đường biên giới là bức tường đá nối cổng Đại Nam lên đỉnh núi. Nhưng phe người Hoa nhất định không đồng ý, họ phản đối việc này và đòi hỏi đường biên giới ở phía nam cổng Đại Nam, tức đòi một vùng đất hoang phía trước cổng. Rốt cục, sau khi quan sát thực địa, đòi hỏi của phe người Hoa được thỏa mãn. Theo bác sĩ Neis thì đường biên giới tại đây đi theo một con suối nhỏ chảy phía trước cổng khoảng 150 mét. Đây là kết quả đầu tiên 6 tháng sau khi ủy ban Pháp được thành lập và 3 tháng làm việc tại Đồng Đăng. Nhưng vị trí được mô tả lại của Dr. Neis không phù hợp với biên bản ghi lại phía dưới là biên giới cách cổng 100 mét, Vả lại không có dòng suối nào chảy cách cổng 150 mét. Những nhân viên phân giới vào những năm (1889-1990) đã gặp khó khăn để phân giới vùng này vì toàn bộ hồ sơ của ông De Saint Chaffray đều bị thất lạc. Những người này phải đọc lại loạt bài này của Dr. Neis để biết vị trí của đường biên giới. Các bản báo cáo của các nhân viên phân giới cho biết là họ không thấy dòng suối nào chảy cách cổng Đại Nam 150m. Đây là một nghi vấn: cổng Đại Nam đã bị dời đi ? Dr. Neis lầm lẫn với một cửa ải khác ? Hay là con suối đã bị lấp ? Nghi vấn sau cùng khó có thể xảy ra vì làm thế nào mà trong vòng 5 năm mà con suối này biến mất ?" (hết trích).
-2) Biên bản số 4 (7-4-1886). Phân định từ Nam Quan đến Bình Nhi của ông De Saint Chaffray (trang 211). Đây là biên bản duy nhất của công trình De Saint Chaffray được tìm thấy tại văn khố bộ ngoại giao Pháp.
"Commission de délimitation des frontière de la Chine et du Tonkin, procès-verbal N0 4
La commission de délimitation Franco - Chinoise à reconnu le sept avril mil huit cent quatre-vingt-six, qu'à partir du point situé à cent mètres en avant de la porte de Nam Quan, sur la route de Nam Quan à Dong Dang, la frontière remonte à l'Ouest jusqu'au sommet de la montagne rocheuse sur lequel est situé le fort marqué A sur le croquis ci-joint..." (hết trích).
(Ủy ban Pháp - Trung phân định biên giới nhìn nhận, nhằm ngày 7 tháng 4 năm 1886, từ một điểm xác định cách cổng Nam Quan 100 thước trên đường từ Nam Quan về Đồng Đăng, đường biên giới theo hướng tây đi lên đến đỉnh ngọn núi đá mà trên đó có một đồn binh được đánh dấu là điểm A ở trên sơ đồ kèm theo đây....) (hết trích).
B)- Giai đoạn phân giới (trang 223): công tác phân giới vùng tiếp giáp Quảng Tây chia làm 4 thời kỳ:
- Thời kỳ thứ nhứt là ông Chiniac De Labastide (1889-1890)
- Thời kỳ thứ hai là ông Frandin (tháng 12/1890 - 12/1891)
- Thời kỳ thứ ba là đại tá Servière (1892-1893)
- Và thời kỳ thứ tư là đại tá Galliéni (1893-1894).
Ta tìm thấy 2 biên bản phân giới trong các thời kỳ trên, một là BIÊN BẢN CẮM MỐC TẠM của ông Frandin, hai là BIÊN BẢN CHUNG CUỘC của đại tá Gallíéni.
1) Biên bản cắm mốc tạm của Frandin:
a) (trang 224) Kết quả phân giới của ông Frandin là cắm mốc tạm trên 3 đoạn biên giới, dài khoảng 60 km, trên vùng phía đông Quảng Tây: đoạn 1 từ Bắc Cương ải đến Chí Mã ải, đoạn 2 từ Chí Mã ải đến Đại Nam Quan, và đoạn 3 từ Đại Nam Quan đến Bình Nhi Quan.... Một tấm bản đồ tỷ lệ 1/200.000 từ Bắc Cương ải đến Bình Nhi mà tác giả chụp hình lại làm 5 mảnh phía dưới, có ghi chú là trên các bản đồ: "Đường biên giới theo đường sống núi, qua các cột mốc", và phần ghi chú ở 4 dòng cuối (trang 224) về mảnh bản đồ thứ 5 (trang 229) ghi là: "Thôn Khảo sơn, Phái Bình sơn (Pai Binh), Áp Môn ải tức ải Rô (Ai Ro), Khấu Cừ sơn (Cao Cap), Bộ Bộ sơn, Khôn Thăng sơn, NAM QUAN, Lộng Diêu (Liong Nau), Bố Sa, Na Thốt, Hi Tự Tiền Dinh Pháp đài, Sơn Tử, Na Phiêu...." (hết trích).
b) Dưới đây là biên bản cắm mốc tạm của ông Frandin đã được xem là thất lạc. Theo ông Nhân Tuấn biên bản này rất quan trọng vì nó bổ túc vị trí các cột mốc cho biên bản Galliéni.
- Đoạn thứ 2 từ Chí Mã đến Nam Quan (trang 232): Cột thứ 25: cách 100 thước phía trước cửa Nam Quan trên đường Đồng Đăng (à 100 met en avant de la porte de Nam Quan sur le chemin de Dong Dang).
- Đoạn thứ 3 từ Nam Quan đến Bình Nhi (trang 232): cột thứ 1: trên đường Nam Quan về Đồng Đăng (cách cửa 100 thước về hướng nam). [sur le chemin de Nam Quan à Dong Dang (à 100m au S. de la porte)].
Bình Nhi ngày 21 tháng 4 năm 1891 nhằm ngày thứ 13, tháng 3 năm Quang Tự thứ 17.
Chủ tịch ủy ban Pháp
Ký tên
Frandin
Các ủy viên Pháp
4 chữ ký: Dr Pethelaz, Didelot, G. Mathé,...
2)- Biên bản chung cuộc: biên bản phân giới của đại tá Galliéni ngày 19 tháng 6 năm 1894 là biên bản chung cuộc của đoạn biên giới Quảng Tây, có nhật ký của ủy ban phân giới và biên bản cột mốc chính thức. Nhật ký ghi lại từ ngày 28 tháng 10 năm 1893 đến ngày 19 tháng 6 năm 1894, từ (trang 242-157). Trong bản nhật ký này, đã có sự tranh chấp gay gắt như ở Đèo Lương và nhiều nơi khác. Ở đây, chỉ ghi lại tin tức có dính líu tới Nam Quan.
a) Nhật ký của ủy ban phân giới vùng Quảng Tây, trong chiến dịch 1893-1894:
- Ngày 28 tháng 10 năm 1893,(trang 242) đại tá Servière đến Long Châu để bàn công việc với ông tri phủ Thái Bình, tên Thái Hy Bân là chủ tịch ủy ban phân giới Trung Hoa.......(trang 243) Danh sách các điểm cắm mốc do ủy ban Trung Hoa đề nghị được giao cho đại tá, nhưng hai bên đã đồng ý đó chỉ là những địa điểm chưa chắc chắn vì chúng có thể thay đổi nhiều ít trên thực địa tùy theo các ủy viên, cũng như số lượng các cột mốc có thể tăng lên nếu các ủy viên này xét rằng thấy cần thiết.
- 3 tháng giêng 1894, tướng Su King Pao và commandant Famin (chủ tịch phó ban phân giới Quảng Tây do ý muốn của ông Thái Hy Bân) họp tại Bằng Tường. Cdt Famin xác nhận với tướng Su rằng: đại tá Galliéni sẵn sàng chứng tỏ một sự hòa giải cụ thể. Tốt cho hai bên là công việc được giải quyết một cách nhanh chóng, nhưng nó chỉ có thể đạt được kết quả nếu phía của tướng Su King Pao nhượng bộ một phần, bởi vì vấn đề Đèo Lương không ổn thỏa như ông Thái đã nghĩ. Hai bên thỏa thuận rằng đại tá Galliéni và tướng Su King Pao sẽ họp với nhau tại Nam Quan vào ngày 7.
- 7 tháng giêng: họp tại Nam Quan giữa tướng Su King Pao và đại tá Galliéni. Hai ông chỉ bàn một cách tổng quát về việc phân giới. Nhưng dầu vậy đã có một sự thỏa thuận cơ bản, hai bên sẽ tương nhượng lẫn nhau để giải quyết bằng mọi cách một vấn đề đã kéo dài quá lâu.
- 12 tháng giêng: họp giữa ông toàn quyền, tướng tổng tư lệnh và tướng Su King Pao ở gần Nam Quan. Quan toàn quyền mong muốn rằng việc phân giới Quảng Tây kết thúc càng sớm càng tốt và tất cả những vấn đề ràng buộc chung quanh phải được giải quyết trên tinh thần hòa giải. Ông đã nhấn mạnh nhiều lần về điểm này.
- 13 tháng 3: họp với ông Thái Hy Bân, hai bên bàn luận và đặt nền tảng cho việc phân giới, đồ tuyến của Tàu được chấp thuận ngoại trừ những sửa đổi tại vùng Đèo Lương; việc rút lui của Tàu tại các làng thuộc tổng Phong Đăng và Bắc Sóc Giang mà chúng ta (Pháp) phải thu hồi; nhượng đất tại các vùng Thủy Khẩu và Nam Quan. Tất cả những chi tiết này đều sẽ do Cdt Famin giải quyết trên thực địa và đại tá Galliéni ủy quyền cho Cdt Famin để làm việc này.
- 14 tháng 4: ông lãnh sự Pháp đến gặp tướng Su và ông tổng lý đại thần Thái Hy Bân sau khi trở về từ Hà Nội. Các viên quan Trung Hoa này xem rằng vấn đề Đèo Lương như thế đã được giải quyết và nghĩ rằng sau đó sẽ không thể trở về lại vấn đề này nữa. Hai người tuyên bố rằng sẵn sàng nhượng những phần đất mà chúng ta đòi hỏi ở Thủy Khẩu và Nam Quan nhưng chỉ sau khi ký các biên bản và các bản đồ. Về vấn đề Phong Đăng, họ không đòi hỏi ba làng Lũng Quan, Bản Khon và Lý Ban mà chỉ muốn rằng đường biên giới theo họa đồ tướng Su vẽ, theo họ thì để có thể làm một con đường trên đất bằng từ Nam Tau và Lý Ban.
- 20 tháng 4: Cdt Famin thăm tri phủ Thái Hy Bân, hai bên thỏa thuận rằng các cột mốc sẽ được cắm đúng theo đồ tuyến biên giới đã được vẽ trên bản đồ. Cdt Famin ra lệnh tức thì cho trung úy Détrie thi hành đúng như nội dung việc thỏa thuận và ông Thái cũng ra lệnh tương tự cho ủy viên liên hệ, Ông Thái cam kết sẽ nhượng khoảng đất đối diện Thủy Khẩu cho ta. Ngược lại, ông ta không cam kết một điều gì cho vùng Nam Quan.
- 2 tháng 5: Ông Thái đến gặp Cdt Famin, ông trở lại vấn đề Lý Ban, ông trách nhiều về việc Cdt Famin từ chối mọi nhượng bộ và hy vọng đại tá Galliéni sẽ ít cứng rắn. Ông Thái nói rằng về việc nhượng đất tại Thủy Khẩu và Nam Quan thì đã được thỏa thuận và sẽ nhanh chóng chỉ định các ủy viên làm việc chung với các sĩ quan của chúng ta trong việc dời cột mốc. Ông nói thêm rằng hai cột mốc số 26 và 27 phía bắc Thủy Khẩu đã bị phá hủy và yêu cầu chúng ta điều tra.
- 11 tháng 5: trung úy Détrie lên đường đi Nam Quan để lấy lại một trái đồi đã được nhượng. Ông này đi kèm với một người thư ký của ông Thái Hy Bân.
- 14 tháng 5: ông Détrie trở về, cột mốc được cắm trên sườn đồi về hướng Trung Hoa, công việc hoàn tất không trở ngại. Một đồn nhỏ 4 người tức thì được dựng trên đồi vừa được nhượng lại.
- (Nhật ký còn viết đến ngày 18 tháng 6, không còn nói đến Nam Quan nên không trích thêm nữa).
- 19 tháng 6: các biên bản và bản đồ được ký lúc 3 giờ chiều tại Nha Môn của Thái Hy Bân với các chữ ký của các ủy ban phân giới Pháp - Trung, dưới sự chứng kiến của tướng Su và lãnh sự Pháp tại Long Châu.
Ký tên: Galliéni
(1) Tổng lý Nha Môn là cơ cấu chính quyền tương đưong với bộ ngoại giao.
b)- Biên bản tổng hợp hai vùng đông (khoảng 60 km) và tây Quảng Tây (280 km) được ghi vào biên bản chính thức dưới đây:
1ère section: de Bi-Nhi sur le Sung Ki Kung à la frontière du Quang Tong:
No des bornes.......................Nom portés sur les bornes .............................. ........indications sur l'emplacement des bornes
.....18...............................Nam Quan (Trấn Nam Quan Ngoại)..........................A environ 100m en avant de la porte de Nam Quan
***Kết quả công tác của ông Frandin được ghi lại qua biên bản ngày 21 tháng 4 năm 1891, tức là biên bản Est Quangsi. Nội dung biên bản này trước ngày 19 tháng 6 năm 1894 thì không có hiệu lực vì nó đã không được Tổng Lý Nha Môn duyệt ký. Vào thời điểm này, các ủy ban Trung Hoa có quyền ký kết các biên bản nhưng các văn bản này chỉ có hiệu lực khi chúng được Tổng Lý Nha Môn duyệt ký.
3)- Tác giả Chân Mây, trong bài "Ô Nhục Ải Nam Quan", chương 1: Những Hình Ảnh Lịch Sử, Nhóm F (hình quân sự và bản đồ), hình F2 (cột mốc số 18). Tác giả ghi chú: "Do quân đội Nhật Bản chụp tháng 7 năm 1940 ngay tại tường thành Trấn Nam Quan. Cột mốc số 18 lịch sử xác định biên giới Trung - Việt vào năm 1887. Xác định lãnh thổ bảo hộ của thực dân Pháp tại Đông Dương và cũng là khởi điểm Nam tiến của quân đội Thiên Hoàng giao tranh với các nước Châu Âu. Trên cột mốc số 18 ta đọc được: Trung Việt Quốc Giới, Trấn Nam Quan Ngoại, Đệ Thập Bát Hiệu - No. 18 FRONTIÈRE" (hết trích).
Kết luận:
Cột mốc số 18 trước cửa Nam Quan 100 mét về hướng nam của bộ ba ông Tú Gàn, Nhân Tuấn và Công Trục được trích từ Biên Bản Cắm Mốc Tạm của ông Frandin vào thời kỳ thứ 2 (1890-1891) của giai đoạn phân giới, là cột mốc 'number one' trên đoạn biên giới từ Nam Quan đến Bình Nhi. Nhưng rất tiếc là kết quả công tác của ông Frandin được ghi lại qua biên bản ngày 21 tháng 4 năm 1891 lại không có hiệu lực vì nó đã không được Tổng Lý Nha Môn duyệt Ký như ghi chú ở trên. Vậy, muốn tìm hiểu về cột mốc Nam Quan (số 18), ta căn cứ vào biên bản phân giới chung cuộc của đại tá Galliéne, gồm có nhật ký của ủy ban phân giới và biên bản chính thức ký ngày 19 tháng 6 năm 1894. Ta thấy, nhật ký của ủy ban phân giới có sự tranh chấp về đất đai tại Nam Quan từ giai đoạn phân định của ông Chaffray và kéo dài qua 3 thời kỳ ở giai đoạn phân giới của các ông Labastide, ông Frandin vả đại tá Servìère cho đến thời kỳ thứ 4 của đại tá Galliéne, sự tranh chấp mới chấm dứt. Kết quả là ngày 11/05/1894, trung úy Détrie đến Nam Quan lấy lại ngọn đồi đã mất và ở lại đến ngày 14 tháng 5 để hoàn tất công việc cắm cột mốc trên sườn đồi về hướng Trung Hoa. Nhật ký không ghi rõ là cột mốc nào. Song Nam Quan chỉ duy có một cột mốc số 18, tên là Nam Quan (Trấn Nam Quan Ngoại), cách khoảng 100 mét trước cửa Nam Quan trên đường biên giới từ Binh Nhi đến Quảng Đông trong biên bản chính thức của đại tá Galliéne 1894. Cho thấy, côt mốc của trung úy Détrie cắm trên sườn đồi về hướng Trung Hoa là cắm trước cửa ải 100 mét ngay tại sườn đồi có bức tường thành nối với cửa ải của Trung Hoa.
Mùa hè năm 2021
Tử Liễm