Trên mạng điện tử thỉnh thoảng tôi lại đọc được những bài viết về cuộc sống ở nước ngoài, mô tả sự vất vả, cực khổ của những người mới sang định cư. Bài viết dẫn đến kết luận là người trong nước nên ở lại Việt Nam hay quay về Việt Nam sinh sống vì đời sống ở Việt Nam xem vậy mà sướng hơn. Đọc những bài viết này tôi đã thường bỏ qua, mỉm cười trong cảm nhận rằng sự hiểu biết của con người thật là cá biệt. Suy nghĩ của tôi hôm nay đã không giống như tôi lúc trước. Lúc trước có lẽ tôi sẽ tranh cãi để chỉ ra những luận cứ không đúng của bài viết mà tôi bất đồng. Bây giờ thì sau những tiếp xúc với cuộc đời, sau những trải nghiệm thành công, thất bại, vui buồn lẫn lộn trong ngày tháng, ý tưởng tôi đã chững lại, sâu sắc và đằm thắm hơn những ngày còn trẻ. Trong thảo luận, tôi bây giờ chỉ nhìn vào vấn đề, tìm hiểu con người, sự việc, trước khi đi đến những nhận định, phán xét, chứ không bắt đầu với tiền đề mình là phải. Bài viết này chỉ là một góp ý tổng hợp sau nhiều bài viết được thấy đăng trên mạng.
Để thành công và có sự đi lên trong sự nghiệp, một người, ngoại trừ được sự hỗ trợ từ gia thế, quyền lực, thường phải đứng trên khả năng và sức lực thật của cá nhân. Quá khứ, tôi biết đã có những người gia thế giầu có nhưng thiếu nghị lực, lại mang tính ỷ lại cho nên đã thất bại so với những người cùng trang lứa mà xuất thân từ gia đình nghèo.
Ngày xưa, thời VNCH, những người trẻ được lớn lên trong lý tưởng quốc gia và sự hiếu thuận với cha mẹ, gia đình. Khi ra nước ngoài theo biến cố mất nước 1975, đa số những người trẻ thời VNCH đó đều đã thành công nhờ vào ý chí đối đầu sự khó khăn, chấp nhận sự nhọc nhằn. Những thanh niên đó đã chăm chỉ học hỏi và vượt qua mọi trở ngại để tạo cho cá nhân một chỗ đứng thích hợp trên đất nước người. Mồ hôi, nước mắt của họ đã tuôn theo từng bước chân họ đi. Nhưng kết quả đã thường đem đến cho họ những phần thưởng xứng đáng.
Ngày nay những người trong nước do không chấp nhận cuộc sống mất tự do, môi trường ô nhiễm, sự trấn áp khủng bố của chế độ cầm quyền, sự tham nhũng của guồng máy lãnh đạo, cũng như để thoát khỏi một tương lai mù mịt, cho nên đã tìm cách đưa gia đình ra nước ngoài để sinh sống. Trong số họ đã có người thành công và tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống mới. Nhưng cũng có người đã chê trách cuộc sống mới là vất vả, là cực nhọc trong mỗi ngày đi qua.
Sự giầu sang, phú quý, thường không tự nhiên từ trên trời rơi xuống. “Tay làm thì hàm nhai.” “Có vất vả mới có cơ nghiệp.” Nhận thức này đã được thấy rất rõ bởi những người xưa. Mong muốn “ngồi mát ăn bát vàng” là suy nghĩ trái khoáy trên những đất nước văn minh. Nhưng chúng lại được thấy trong những thành phần xuất thân con ông cháu cha cán bộ Việt Cộng tại hải ngoại. Thành phần này thường đã quen tiêu xài những đồng tiền tham nhũng, bóc lột từ người dân của ông cha họ. Cá nhân những thành phần này rất yếu kém, không có khả năng tự tạo, cho nên khi vừa phải đối diện với đời sống, đòi hỏi sức lực của chính bản thân thì đã hoảng hốt la rầm. Họ đã đem những điều đã được hưởng từ trong nước ra để so sánh với đời sống tại hải ngoại. Chẳng hạn như trong nước họ có người làm phục dịch. Họ không phải đứng xếp hàng chờ thứ tự để mua vé xem phim hay gởi hành lý khi đi máy bay. Họ không phải làm việc cực khổ mà vẫn có nhà cao cửa rộng, vân vân.
Thực tế cuộc sống ở hải ngoại rất rõ ràng. Hải ngoại là một đất nước tự do. Tùy theo khả năng, con người lựa chọn được những điều kiện tối hảo cho cá nhân. Về chính trị, người hải ngoại có quyền phát biểu suy nghĩ của cá nhân, được chọn lựa người lãnh đạo phục vụ cho mong ước của mình từ cấp cao như tổng thống, thống đốc, hay cấp trung như thượng nghị sĩ, dân biểu, hay cấp địa phương như nghị viên, ủy viên, vân vân. Và khi có đủ điều kiện hiến định và pháp định, chính họ có thể chiếm các vị trí này. Về giáo dục, người hải ngoại có quyền chọn lựa trường học và nhận được học bổng ngành nghề nếu có học lực khá. Về xã hội, người hải ngoại có quyền tham gia vào những cuộc thi tuyển khả năng, làm việc cho tư nhân hay chính quyền, làm việc cho các cá thể thương mại trên toàn quốc, qua mạng điện tử hay phục vụ tại chỗ để bán hàng, để phục vụ người tiêu dùng, từ sửa sang sắc đẹp, cho đến thực hiện dịch vụ sức khỏe, vân vân.
Hải ngoại nói chung tóm lại, là một môi trường sống tự do và mở rộng, với mọi cơ hội cho mọi người dân trong mọi trình độ có ý chí tiến thân, với và một chương trình nghỉ hưu khá tốt cho những cá nhân có quá trình làm việc 30 năm. Trong đó, những người không còn khả năng (người già) hay mất khả năng lao động (bị tai nạn nghề nghiệp hay tai nạn tự thân) thì sẽ được sự trợ giúp từ liên bang, tiểu bang trên các mặt: nhà ở, y tế, thực phẩm và chi tiêu đời sống. Hoa Kỳ nói riêng không hẳn là một quốc gia toàn hảo, nhưng đúng với tên Hiệp Chủng Quốc, Hoa Kỳ hiện nay vẫn là một vùng đất hứa, một quốc gia đem đến nhiều cơ hội thành công và hạnh phúc cho những di dân đến từ toàn thế giới.
Tuệ Vân
Ngày 4 tháng 7 năm 2021