Trong những tháng gần đây trên nhiều diễn đàn có những bài nói chuyện, phỏng vấn hoặc viết, liên quan đến Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến. Một số người bằng đủ mọi cách nói sai, nói xấu đầy xuyên tạc, và có khi còn tới mức mạ lỵ các cấp chỉ huy của mình, lên tới cả những Vị lữ đoàn trưởng của binh chủng này. Một trong những vị được đề cập tới là Đại Tá Ngô Văn Định, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 258.
Họ coi những đóng góp xương máu của các vị đàn anh trong quân ngũ là chưa từng xảy ra, hoặc không đáng kể vào đâu. Và những hy sinh của các người khác trong cùng đơn vị nào có thấm gì so với công trạng của họ.
Lý do nào đã có những kẻ hành động như vậy.
Có hai cách giải thích:
1_ Một quân nhân nào đó trong binh chủng, đã lợi dụng những phương tiện truyền thông thời nay như đài phát thanh, mạng lưới thông tin toàn cầu hay các tờ báo, để tự thổi mình lên, thành người anh hùng bậc nhất trong cuộc chiến.
2_ Những năm gần đây, Trung cộng có tổ chức một lực lượng lớn mạ thủ. (Mạ: nghĩa là chửi bới. Thủ: là người chuyên gỉỏi làm một việc gì đó, cũng giống như chữ xạ thủ đại liên là người giỏỉ bắn lọai súng này, thí dụ như M.60 )
Những Mạ thủ suốt ngày chỉ ngồi bên cạnh computer
_ để viết những bài ca tụng đảng Cộng sản Trung Hoa
_ và viết những bài chửi mắng tất cả những ai đã viết gì đụng chạm tới Trung Cộng.
Lực lượng mạ thủ này lên tới trên một triệu người, cư ngụ tại khắp nơi trên thế giới, nhưng đại đa số là sống tại Trung quốc. Viết xong một bài được trả một số tiền tương ứng với 50 cents tiền Mỹ. Vì thế người ta còn gọi lực lượng này là “ 50 cents-army”. (Đội quân 50 xu).
Việt cộng cũng rập khuôn theo cách của quan thầy. Đương nhiên là số lượng mạ thủ của chúng sẽ nhỏ hơn, tương ứng với dân số.
Những kẻ đang tìm mọi cách làm lợi cho Việt cộng, bằng cách mắng chửi, hạ uy tín của tất cả những người vốn đáng kính, đáng trọng của nước Việt Nam Cộng Hòa xuống, hẳn đã được tuyển dụng và đang là những Mạ thủ của Việt cộng.
***
Chỉ có vài tuần nữa là đã tới Christmas. Và sau đó một tuần là đầu năm 2022. Con số này đối với mọi người không có gì là đặc biệt. Nhưng đối với Quân lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung và binh chủng Thủy Quân Lục Chiến nói riêng thì đó là năm kỷ niệm 50 năm chiến thắng Quảng Trị.
Một ngày trước lễ Phục sinh năm 1972 bọn xâm lăng cộng sản Bắc Việt xua quân tràn qua vùng phi quân sự tiến xuống phiá Nam. Bên ta, Sư đoàn 3 Bộ binh đang thay đổi vị trí đóng quân, bị tấn công bất ngờ và trở nên thất thế. Lui quân tán loạn. Nhiều căn cứ hỏa lực phải bỏ, nhiều đơn vị bị tan rã.
Khi đó tại vùng I chiến thuật có hai Lữ đoàn thủy quân lục chiến. Lữ đoàn 147 do Đại tá Nguyễn Năng Bảo chỉ huy và Lữ đoàn 258 do Đại tá Ngô Văn Định chỉ huy.
Ngô Văn Định đã là một sĩ quan như thế nào? Chúng ta hãy cùng tham khảo từ các sách Mỹ và Việt.
I-Trước hết xin mời độc giả xem một số điều từ cuốn sách The Easter Offensive,Vietnam, 1972, do Đại Tá G. H.Turley viết, xuất bản năm 1985. Tác giả này là một sĩ quan Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, là trưởng toán Cố Vấn và mang cấp bậc Trung Tá vào năm 1972. Dưới đây là những phần trích từ trong sách.
Trang 118: Là cấp chỉ huy cao nhất của Việt Nam tại trung tâm hành quân Ái Tử, Đại Tá Định đã phải giữ nhiệm vụ phối hợp hỏa lực yểm trợ Sư đoàn 3 bộ binh và phải chỉ huy chính Lữ đoàn của mình nữa, trong khi tôi (Turley) giữ trách nhiệm mọi yểm trợ hỏa lực của Hoa Kỳ.
Trang 119: Có vào khoảng 25-35 sĩ quan Việt Mỹ trong phòng họp. Tất cả chúng tôi đều đứng lên khi Đại Tá Định bước vào. Đạn đại bác của địch vẫn tiếp tục rơi quanh căn hầm.
Trang 144 :…Trục tiến quân chính của bộ binh và xe tăng của địch là thẳng tới cầu Đông Hà và theo quốc lộ 1 tới Quảng Trị.
…Như vậy phải có một lục lượng tăng cường để bảo vệ cầu Đông Hà
Trang 145: “Thưa Đại Tá Định, tôi bắt đầu,” chúng ta cần phải tăng cường cho trung đoàn 57 bộ binh tại cầu Đông Hà. Tất cả chúng ta chỉ còn tiểu đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến của Đại Tá với súng không giật 106mm, mà theo tôi nghĩ sẽ không đủ sức thích ứng trước mối đe dọa nặng nề của xe tăng địch. Đại Tá cần di chuyển tiểu đoàn 3 tới phòng tuyến này. Chúng ta cần làm mọi điều để chặn đoàn xe tăng. Không còn một đơn vị nào nữa.
Trang 146: Tôi đưa tay xuống tấm bản đồ hành quân, chỉ rõ vị trí mới nhất của xe tăng quân Bắc Việt rồi nói rằng thời gian gấp lắm và trận đánh ngày hôm nay sẽ được quyết định tại cầu Đông Hà. Đại tạ Định yên lặng. Tôi quan sát vẻ mặt ông ta để đoán xem ý nghĩ. Sắc diện ông không lộ ra vẻ gì, trước thì nhìn tấm bản đồ rồi sau đó nhìn tôi, chậm rãi chớp mắt. Sau một lúc yên lặng khá lâu, cuối cùng ông ta nói “tôi không thể”.
Tôi sững sờ vì quyết định của ông ta. –“Thưa Đại Tá chúng ta đang tuyệt vọng. Đại tá phải di chuyển tiểu đoàn 3 đến phiá nam cây cầu. Nếu Đại Tá không làm điều này chúng xa sẽ thua cuộc chiến này.”
_” Tôi không thể đưa tiểu đoàn 3 đi nếu không có sự chấp thuận trước của tư lệnh chúng tôi là Tướng Khang đang ở Sài Gòn”
_”Thưa, Đại Tá không còn thì giờ.” … “nếu Đại Tá không hành động thì mọi sự sẽ chấm hết. Chúng ta sẽ thất trận tại cầu Đông Hà”.
Đại Tá Định nhìn tôi rồi nhắc lại : “Tôi không thể”.
Chán nản, tôi trở về chỗ của các cố vấn Mỹ.
Trang147: Tôi đang cố nghĩ làm sao để lạc quan trở lại thì một bàn tay đặt lên vai tôi. Khi tôi quay đầu lại, thì rất ngạc nhiên thấy Đại Tá Định đứng ở phía sau tôi. Ông ta nhìn tôi và nói bằng một giọng tiếng Anh rất hay, rằng :_” Tiểu đoàn 3 sẽ giữ cầu Đông Hà. Tôi sẽ hạ lệnh cho ông Tiểu đoàn trưởng phải giữ cầu Đông Hà. Xin ông hãy điện thoại cho vị cố vấn dưới quyền ông, biết về quyết định của tôi”
“Trời ơi, sau chót cũng có thể có được chút may mắn” tôi reo lớn, và ôm vị Đại Tá với nỗi vui sướng. Ông ta, cuối cùng, là một chiến sĩ đích thực, đúng như tôi đã biết. Ông ta đã chứng tỏ khả năng và biết quyết định để đạt tới thành công mặc dầu những hoàn cảnh khó khăn.
Trang 227: Thiếu Tá Jon Easley lộ ra đã kiệt lực khi chỉ lên những vị trí khác nhau trên tấm bản đồ. Chòm râu rậm và ngắn của anh ta đã lấm tấm bạc. Anh ta và Đại Tá Định đã ngủ rất ít trong suốt 7 ngày vừa qua.
Trang 233: Vào ngày 8 tháng 4 Đại Tá Định hạ lệnh cho tiểu đoàn 3 về căn cứ Ái Tử để thay thế tiểu đoàn 6. Trong số 700 chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến vào Đồng Hà tuần trước, nay chỉ còn 200.
Trang 234: Đại Tá Định nói với Thiếu Tá Easley rằng theo một nguồn tin tình báo mới nhận được thì sáng ngày 9/4 địch sẽ tấn công tử hướng tây nam và với xe tăng. Rồi Đại Tá Định đặt một trong những tiểu đoàn giỏi nhất của ông là Tiểu đoàn 6 vào vị trí, căn cứ hỏa lực Pedro.
Trang 239: Từ trung tâm hành quân của Lữ Đoàn, Đại Tá Định và Thiếu tá Jon Easley theo dõi sát nhịp điệu truyền tin giữa Tiểu đoàn 6 với sĩ quan tiền sát Pháo binh và với 2 cố vấn Mỹ. Khi bộ binh và xe tăng địch bắt đầu tấn công, Đại Tá Định hạ lệnh cho Tiểu đoàn 1 đưa một lực lượng để phản công. Cánh B của Tiểu đoàn, gồm hai đại đội với 12 Thiết vận xa 113, và 4 xe tăng M-48.
Trang 241: Bắc Việt đã tấn công căn cứ với một lực lượng bộ binh cỡ trung đoàn với một tiểu đoàn xe tăng và đã bị đánh bại hoàn toàn. 23 xe tăng địch bị phá hủy hoặc bị bắt sống. Hơn 420 tên giặc bị giết, trong khi thủy quân lục chiến chỉ có 66 thương vong.
Trang 239: Đại úy Al Nettleingham đã quan sát những kế hoạch hành động trong Lữ đoàn và Trung tâm hành quân. Sau đó kể lại :
Tôi nghĩ rằng tất cả chiến tích thành công đã đẩy lùi cuộc tấn công đều thuộc về Đại Tá Định. Ông đã đặt tay vào tất cả mọi tình huống suốt thời gian. Ông biết rõ trong tay ông có những gì và đem chúng ra sử dụng vào những lúc sinh tử.
Ông ta là một cấp chỉ huy với đầy đủ ý nghĩa của chữ này. Những sĩ quan dưới quyền đặt hết tin tưởng vào Ông và vào những sự phán đoán của Ông. Ông là mẫu người tiêu biểu nhất về sự biết quyết định và tài năng quân sự mà tôi được biết .
II_ Trên đây, chúng ta đã duyệt xem từ sách Mỹ. Bây giờ chúng ta lại tìm hiểu từ sách Việt, cuốn Văn Học Quân Đội, của Trần Xuân Dũng, xuất bản năm 2019. Phần sau đây, trích từ trang 109_114.
Ngô Văn Định:
Ngô Văn Định là một Đại Tá Thuỷ Quân Lục Chiến Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Ông sinh năm 1935 tại làng Viêm Xá, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Thân phụ ông từng là Giám Đốc Chi Nhánh Pháp – Á Ngân Hàng (Banque Française de L’Asie), ở Passage Eden đường Tự Do, Sàigòn.
Ngô Văn Định nhập ngũ ngày 19-3-1954.
Dưới đây là vài dòng về tình hình Bắc Việt trong khoảng 1951-1953.
Ngày 13-1-1951 Việt Minh bắt đầu tấn công tỉnh Vĩnh Yên, ở vùng Tây Bắc Hà Nội, và là vị trí phòng thủ vững chắc cuối cùng của thủ đô. Nếu Vĩnh Yên mất, thì chỉ một hai tuần sau, Hà Nội cũng sẽ bị lọt vào tay chúng.
Sau khi khởi sự tấn công được một ngày, lực lượng Việt Minh đã vây quanh tỉnh một cách trọn vẹn. Trận chiến diễn ra ác liệt. Việt Minh dùng chiến thuật biển người hai lần liên tiếp nhưng thất bại. Sáu ngàn (6000) tên giặc bỏ mạng. Lực lượng phòng thủ Vĩnh Yên chỉ mất khoảng trên dưới 500 người. Ngày17 tháng 1, Việt Minh rút lui. Thế là Hà Nội tạm yên.
Tâm lý chung của dân chúng đang sống trong vùng quốc gia lúc bấy giờ, vô cùng bất ổn. Trong những năm 1951-1953 Việt Minh lần lượt chiếm được những vùng đất rộng lớn ở biên giới Bắc Việt –Lào. Sự lo âu cứ thế tăng dần. Hai thái độ xuất hiện.
Thứ nhất là thờ ơ. Những người có thái độ này, hầu như chỉ còn biết sống qua ngày. Được ngày nào hay ngày ấy. Không phải họ thân Việt Minh, nhưng nhận thấy khó thoát khỏi, nên buông xuôi.
Thái độ thứ hai là muốn chống lại sự xâm chiếm của Việt Minh, một cách cương quyết. Đa số thanh niên ở vùng quốc gia thời đó, có ý tưởng này.
Ngô Văn Định, ở trong số những người có lập trường yêu nước kể trên. Ông “xếp bút nghiên” lại…
Ngày 19-3-1954, ông nhập ngũ, theo học khóa Cương Quyết tại trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Người đặt tên khóa học này đã chọn đúng chữ để diễn tả được tấm lòng và ý chí của các sinh viên theo học.
Ra trường ngày 1-10-1954, Ngô Văn Định được thuyên chuyển về Đại đội 7 Tuần Giang và cũng là đơn vị đầu tiên sát nhập vào thành lập Tiểu đoàn 1 Đổ bộ Thủy Quân Lục Chiến 1955.
Dòng dã 21 năm, Ngô Văn Định đã ở trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến từ đầu đến ngày 30-4-1975.
Ông có một kho tàng sử liệu về binh chủng nằm trong trí, tính can trường Thủy Quân Lục Chiến nằm trong máu và một tình thương yêu gắn bó, với những anh em đã hy sinh vì tổ quốc, nằm trong tim.
Ông lần lượt giữ những chức vụ:
· Trung đội Trưởng 1955
· Đại đội trưởng 1960, Tiểu đoàn 1
· Sĩ quan Hành Quân Huấn Luyện, Tiểu Đoàn 3
· Tiểu đoàn Phó Tiểu đoàn 3
· Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 2
· Lữ đoàn Trưởng Lữ đoàn 258
Cấp bậc sau cùng của ông là Đại tá. Ông đã theo học những khóa:
· Khóa 1 Sĩ Quan Căn Bản TQLC/ Hoa kỳ tại Quantico, Virginia 1/1958
· Khóa 1 Chiến tranh trong rừng rậm tại Panama 1962
· Khóa Tham Mưu Trung cấp 1964
· Khóa Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp 1971
1_Ông có viết một số bài hồi ký.
Quan niệm của ông khi viết, như sau:
“Đã nhiều năm qua, tôi muốn quên đi những giông bão đã đi qua cuộc đời mình cũng như những ray rứt của cuộc chiến trong những ngày cuối cùng. Nhưng khi muốn quên là lúc mình nhớ đến nhiều nhất. Làm sao mà quên được. Nó luôn luôn hiện diện trong óc trong tim. Nó là những dòng máu luân lưu trong huyết quản. Nó là những nhịp đập của con tim. Nếu nó ngừng lại thì mình đã đến lúc phải nhắm mắt xuôi tay.
Tôi viết không phải để vinh danh một binh chủng hay một cá nhân nào kể cả bản thân tôi, mà viết để trả một món nợ tinh thần với các chiến hữu, đồng đội đã nằm xuống, ít nhất họ không tủi hờn vì bị bỏ quên. Ta có bổn phận phải viết để vinh danh họ, để trả ơn những người đã nằm xuống cho một Quê Hương Miền Nam Nước Việt Tự Do và Công Lý. Viết để xác nhận một điều, trong cuộc chiến vừa qua, chúng ta đã chiến đấu thẳng thắn và can đảm, không mặc cảm, không tự ti và nhất là không hề có một hành động hiếu sát hay bất nhân với những người không cùng chung chiến tuyến nhưng cùng dòng máu đỏ da vàng. “
Trong các bài viết, dù ngắn hay dài, lúc nào lòng biết ơn của Ông cũng bộc lộ. Biết ơn cả cấp trên lẫn cấp dưới. Biết ơn những người hiện đang còn sống và cả những người đã hy sinh vì tổ quốc cả nửa thế kỷ trước đây.
2_Đại tá Ngô Văn Định bị thương 4 lần.
Ông viết lại hai lần được săn sóc khi bị thương. Sự chu đáo của một Quân Y Sĩ trong lần thứ nhất đối nghịch hẳn với sự kém phối hợp, nếu không muốn nói là lơ là, trong lần thứ hai, tại một Tổng Y Viện.
Mặc dầu trải qua hai cách đối xử khác nhau của những người trong cùng một ngành (là ngành Quân Y) Ngô Văn Định không vơ đũa cả nắm. Ông viết rõ ràng về từng sự việc mà không dùng một trường hợp cá biệt, rất xấu, để suy rộng ra và mạt sát cả một cơ quan hay một tập thể là ngành Quân Y.
3_Có hai điều trùng hợp ngẫu nhiên, trong đời Đại Tá Ngô Văn Định:
1/ Ngày ông tốt nghiệp sĩ quan từ trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, trùng với ngày binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến thành lập: 1-10-1954.
2/ Vào ngày 6-12-1955, trùng vào ngày sinh nhật thứ 20 của ông, Tiểu đoàn 1 Đổ Bộ Thủy Quân Lục Chiến, tham dự trận Giồng Riềng ông bị thương lần đầu tiên.
4_Trong suốt 21 năm ở trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, ông được ân thưởng 20 Anh Dũng Bội Tinh với nhành Dương Liễu và 3 Bảo Quốc Huân Chương.
_Khi còn mang cấp bậc Trung úy, sau chiến thắng Đầm Dơi của Tiểu đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến, ông cùng 3 Đại đội Trưởng khác được Tổng thống Ngô Đình Diệm ân thưởng Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương.
_Năm 1965, Tiểu đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến đã đánh tan một Trung đoàn của Sư đòan 3 Sao Vàng (Bắc Việt). Đại úy Ngô Văn Định , Đại đội Trưởng Đại đội 4, cùng 3 Đại đội Trưởng khác, được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ân thưởng Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương.
_Sau chiến thắng Quảng Trị 9-1972, Đại tá Ngô Văn Định, Lữ đoàn Trưởng Lữ đoàn 258 được ân thưởng Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương. (Nên nhớ là số sĩ quan cấp Tướng và cấp Tá được ân thưởng Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, có thể đếm trên đầu ngón tay)
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu luôn luôn đến thăm những đơn vị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sau mỗi chiến thắng. Trong những năm là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên Thủy Quân Lục Chiến và Lữ đoàn trưởng 258, ông được diện kiến và được Tổng thống Thiệu đích thân khen tặng và thăm hỏi 3 lần.
Đai Tá Định là một sĩ quan rất có công đối với quốc gia, luôn luôn biết ơn các bạn đồng ngũ, dù đã hy sinh hay hiện còn sống.
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tới thăm Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến tại Thủ Đức, sau khi Tiểu đoàn 2 đã đánh bại các lực lượng Việt cộng xâm nhập thủ đô dịp Tết Mậu Thân, đợt1và 2.
Những dòng viết của các tác giả kể trên đủ để chúng ta hiểu về nhân cách, bản chất nhân hậu, tính cương quyết và khả năng quân sự rất cao cũng như những đóng góp cho quốc gia, liên tục trong suốt 21 năm trong Binh Chủng Thủy Quân lục Chiến của Đại Tá Ngô Văn Định, Lữ Đoàn trưởng Lữ Đoàn 258
BẢO ANH
(12/01/2021)