2021-11-18
“Việc vận động cho Nhân Quyền là công tác chính và liên tục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ. Chúng tôi đã vận động không ngừng từ khi dân biểu Chris Smith giới thiệu Dự Luật HR3001 này vào ngày 4/5 năm nay”.
Đó là lời bác sĩ Trần Quốc Hưng, Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tại hải ngoại, tổ chức trực thuộc Văn phòng II Viện Hóa Đạo, cũng là một huynh trưởng Gia dình Phật tử ở Hoa Kỳ:
“Lý do gần hơn là vì chỉ còn hơn một năm nữa thì sẽ có cuộc bầu cử lại của Quốc Hội khóa 117 này, thành thử có nhu cầu để Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam được thông qua bởi Hạ viện.”
“Một trong những mục đích của cuộc tường trình này là vận động Thượng viện và các Thượng nghị sĩ chấp nhận Dự luật này và sẵn sàng giới thiệu một Dự luật tương tự, như vậy sẽ không mất thời giờ chuẩn bị. Chúng ta biết một khóa trong quốc hội chỉ có hai năm thôi, nếu mất hơn năm trời để vận động Hạ viện thì đến khi lên Thượng viện không còn đủ thời giờ nữa”.
Thư mời từ Văn phòng II Viện Hóa Đạo cho thấy hơn 130 tổ chức dân sự và tôn giáo trong và ngoài nước gửi văn thư bày tỏ sự ủng hội đối với Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam HR-3001:
“Cuộc tường trình hôm nay có hai Thượng nghị sĩ và ba Dân biểu làm diễn giả. Bên cạnh đó còn có bảy văn phòng Thượng nghị sĩ và 14 văn phòng Dân biểu kể cả văn phòng Chủ tịch Hạ viện”
Ngoài ra còn có 36 tổ chức ghi tên tham dự, trong đó có Ủy Hội Quốc Tế Mỹ Về Tự do Tôn giáo Thế giới, đại diện Liên Hiệp Quốc, BPSOS, Hội Cử tri Mỹ gốc Việt vân vân… ,
Trao đổi với RFA qua điện thư trước khi buổi hội thảo bắt đầu, tác giả Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam, Dân biểu Chris Smith, cho biết ông rất hài lòng về sự vận động dẫn tới buổi thảo luận ngày 17/11 này:
“Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam mà tôi là tác giả đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ quí đồng viện lưỡng đảng cũng như từ cộng đồng người Mỹ gốc Việt hải ngoại.
“Dự thảo đề nghị áp đặt sự trừng phạt đối với quan chức Đảng Cộng sản, đã và đang đồng lõa với chính phủ Việt Nam vi phạm quyền con người, hạn chế sự tài trợ phi nhân đạo cho Việt Nam. Tôi kêu gọi lãnh đạo Hạ viện đưa Dự Luật này lên sàn biểu quyết càng sớm càng tốt”.
Buổi hội luận bắt đầu lúc 10:30 phút sáng với tuyên bố khai mạc và chào mừng quan khách của vị Chủ tịch Văn phòng Viện Hóa Đạo II, Hoà thượng Thích Huyền Việt.
Kế tiếp là phần phát biểu của Hoà thượng Thích Thiện Minh, tù nhân tôn giáo lâu năm nhất vì bị giam giữ từ năm 1979 cho đến năm 2005.
Linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý, từng bị tù nhiều lần và nhiều năm chỉ vì đòi hỏi tự do tôn giáo một cách ôn hòa, được Ân Xá Quốc Tế công nhận là tù nhân lương tâm năm 1983, gửi thư nói về hoàn cảnh Thiên Chúa giáo bị bách hại, được đại diện ban tổ chức đọc lên tại buổi hội luận.
Cũng từ trong nước, Trưởng ban Đại diện Khối Nhân Sanh đạo Cao Đài, lên tiếng qua một video clip:
“Tôi, Chánh Trị sự Hứa Phi, đồng Chủ tịch Hội đồng Liên tôn Việt Nam, đồng Chủ tịch Hội đồng Liên kết Quốc nội và Hải ngoại, sẽ nói ở Việt Nam có tự do tôn giáo không, nhân quyền có được thực thi hay không”
“Xin thưa với quí vị là không có mà còn bị đàn áp một cách tinh vi, chỉ người trong cuộc mới biết. Dẫn chứng cụ thể là trong năm 2021, sau khi nhà cầm quyền Việt Nam lấy hết những cơ sở của Cao Đài Chơn Truyền ở địa phương, đưa cho Hội đồng Chưởng quản Cao Đài Tây Ninh do ĐCSVN lập nên năm 1979. Tổ chức này thực hiện theo chỉ thị của ĐCSVN chứ không đại diện cho Cao Đài Chơn Truyền. Sau 1975, cộng sản cải tạo các tôn giáo theo hướng cộng sản quốc tế. Tôi xin nêu lên một số vấn đề…”.
RFA ghi nhận có sự góp tiếng của một huynh trưởng Gia Đình Phật tử trong nước, và cả mục sư Vàng Chí Mình người H’mong. Đây là một trong những nhóm Tin Lành ở miền Bắc Việt Nam, bị nhà cầm quyền cấm đạo, phá hủy nhà thờ phượng của họ.
Tại buổi hội luận, bà Anurima Bhargarve, Ủy viên USCIRF Ủy Hội Quốc tế Mỹ về Tự do Tôn giáo Thế giới, nói rằng nhiệm vụ của USCIRF là giám sát tôn giáo, tự do tôn giáo trên toàn thế giới bằng cách sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế, đưa ra các khuyến nghị chính sách cho tổng thống, ngoại trưởng và quốc hội Hoa Kỳ.
“USCIRF đã liên tục đề xuất việc chỉ định Việt Nam trở lại danh sách CPC các nước cần đặc biệt quan tâm vì thiếu tự do tôn giáo. Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ đã loại Việt Nam khỏi danh sách CPC 15 năm trước. Chúng tôi vẫn tiếp tục đưa ra khuyến nghị này, bởi vì chúng tôi vẫn lo ngại về các vi phạm tự do tôn giáo và nhân quyền đang diễn ra có hệ thống và nghiêm trọng ở Việt Nam. Chúng tôi lo ngại Việt Nam đàn áp tôn giáo đối với các nhóm dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, bắt giữ, tra tấn nhiều thành viên thuộc các nhóm dễ bị tổn thương này.
“Trước lúc có dịch COVID chúng tôi đã đến Việt Nam, gặp gỡ các cộng đồng tín ngưỡng của các tổ chức phi chính phủ, gặp các quan chức chính phủ để thảo luận và nêu quan ngại về các điều kiện tự do tôn giáo ở đất nước này. Chuyến thăm vào thời điểm đó củng cố thêm đề xuất của chúng tôi về CPC đối với Việt Nam. Cảm ơn những vị dân cử Quốc hội đã bày tỏ mối quan tâm tương tự đối với Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam mà dân biểu Chris Smith tái đệ trình tháng Năm năm nay”.
Tiếp lời bà Ủy viên Anurima Bhargarva của USCIRF, Dân biểu Alan Lowenthal:
“Nhân quyền và tự do tôn giáo đang ngày càng xấu đi ở Việt Nam. Với tư cách đồng chủ tịch Vietnam’s Caucus Nhóm Dân biểu quan tâm các vấn đề Việt Nam, tôi cũng hân hạnh là nhà đồng tài trợ từ đầu của HR-3001 Dự Luật Nhân Quyền cho Việt Nam, được giới thiệu bởi đồng viện Chris Smith. Chủ tịch Vietnam’s Caucus. HR-3001 cho phép Hoa Kỳ trừng phạt các quan chức Việt Nam và những người đồng lõa với các vi phạm có hệ thống đó.”
“Tôi mong muốn được tiếp tục làm việc với tất cả các tổ chức và các đồng viện của tôi trong Quốc hội, để vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam. Những quan chức nào của Việt Nam, đã vi phạm trắng trợn các quyền tự do cơ bản của công dân Việt Nam, đặc biệt là những người bất đồng chính kiến, các blogger, nhà báo và các nhà lãnh đạo tôn giáo độc lập, phải bị trừng phạt bởi Dự Luật đang được vận động thông qua này. Đó là quyết tâm của chúng tôi”.
Xuất hiện trên một video clip, Thượng nghị sĩ John Cornyn phát biểu:
“Là vị dân cử nhiều năm quan tâm đến công cuộc đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam, tôi tiếp tục phản đối chính sách hà khắc vô lối nhằm tiêu diệt đạo giáo ở Việt Nam, Tôi hãnh diện giới thiệu và cổ vũ Dự Luật Nhân Quyền ra trước quốc hội mới đây. Tôi cũng từng thảo một thư gởi cho ngoại trưởng Blinken, kêu gọi ông tìm cách chấm dứt sự tàn ác của chính phủ Việt Nam. Hy vọng với sự trợ giúp đỡ từ các bạn, chúng ta có thể chận đứng tội ác này. Cảm ơn đã cho phép tôi lên tiếng với các bạn hôm nay”.