Ông Tony Abbott cựu thủ tướng nước Úc, hiện đang có mặt tại Đài Loan để tham dự diễn đàn Yushan Forum, theo lời mời của chính phủ Đài Loan. Yushan Forum là một diễn đàn đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia trong vùng có liên hệ với Đài Loan, do chính nước này tổ chức hàng năm, nhằm mưu cầu mục đích chính trị. Tại diễn đàn này, ông Tony Abbott sẽ là một diễn giả chính trước nhiều nhân vật lãnh đạo các quốc gia. Truyền thông Úc đã thông báo rộng rãi nguồn tin về chuyến đi này của ông Tony Abbott, và ông đã được hướng dẫn và tháp tùng bởi Jenny Bloomfield, người đại diện cao cấp nhất của văn phòng đại diện Úc tại Đài Loan. Tuy nhiên, chính phủ Úc đã cho biết rằng, chuyến đi này của ông ông Tony Abbott là hoàn toàn cá nhân, ông Tony Abbott không đại diện cho chính phủ Úc, chuyến đi này cũng đã tạo ra tranh cãi trong nội bộ của chính phủ Scott Morrison, người binh kẻ chống.
Đón tiếp ông tại văn phòng tổng thống có ông Joseph Wu bộ trưởng ngoại giao và bà Thái Vân Anh tổng thống Đài Loan. Cuộc gặp gỡ này được dư luận cho là lịch sử. Bởi lẽ rằng từ xưa nay, giữa Úc và Đài Loan không có quan hệ ngoại giao cấp quốc gia, và chưa bao giờ có một nhân vật cao cấp nào đại diện cho Úc để gặp gỡ lãnh đạo Đài Loan.
Câu hỏi được đặt ra là: tại sao một nhân vật không đại diện cho chính phủ Úc, không có một vai trò nào trong chính phủ Úc, lại được đích thân tổng thống Đài Loan nói riêng và chính phủ Đài Loan nói chung tiếp đón long trọng? Chính phủ Đài Loan mong đợi gì ở ông Tony Abbott?
Khi còn đương quyền, chính phủ của ông Tony Abbott (2013 - 2015) cùng với bà cựu bộ trưởng ngoại giao July Bishop, đã có những chỉ trích nặng nề về mục tiêu bành trướng của Trung Cộng trong khu vực. Cá nhân ông Tony Abbott là người luôn ủng hộ Đài Loan trong tất cả mọi tình huống, mỗi khi có dịp. Vì vậy, ông Tony Abbott là nhân tố thích hợp nhất mà Đài Loan nhắm tới, trong khi không có quan hệ ngoại giao chính thức với Úc.
Chuyến đi Đài Loan lần này của ông Tony Abbott nhắm tới ba mục đích.
Thứ nhất: vận động và ủng hộ Đài Loan được gia nhập vào Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là hiệp định CPTPP gồm 11 nước. Đài Loan và Trung Cộng đều mong muốn là thành viên.
Thứ hai: vận động và nâng cao vị thế chính trị, để Đài Loan được cộng đồng thế giới công nhận là một quốc gia độc lập, có chủ quyền riêng, bãi bỏ sự (cô lập) đối với Đài Loan.
Thứ ba: làm nhịp cầu nối với các quốc gia có cùng mục đích và chính kiến với Đài Loan đối với vấn đề Trung Cộng.
Trong cuộc gặp mặt với tổng thống Thái Vân Anh, ông Tony Abbott đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với Đài Loan, từ chỗ một quốc gia nghèo khó, Đài Loan đã vươn lên thành một quốc gia đạt được những thành tựu về kinh tế và công nghệ. Ông kêu gọi chính phủ Úc nên sát cánh với Đài Loan trong vấn đề Trung Cộng.
Về phía Trung Cộng thì vẫn chưa có phản ứng nào, qua việc ông Tony Abbott có mặt tại Đài Loan và đưa ra những phát biểu bất lợi cho họ.
Có lẽ Trung Cộng còn đang bận tâm đối phó với việc năm thượng nghị sĩ của Pháp cũng đã có mặt tại Đài Loan, và cũng đã gặp gỡ với bà Thái Vân Anh. Vì dù muốn dù không gì đi chăng nữa, thì năm thượng nghị sĩ của Pháp , đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền đương nhiệm của Pháp, điều này có nghĩa là nước Pháp có thể có những hành động bất lợi cho Trung Cộng ở từ góc độ của một quốc gia đối với một quốc gia (Trung Cộng) hơn là ông Tony Abbott.
Chuyến đi Đài Loan của ông Tony Abbott giữa lúc Trung Cộng đang leo thang các hành động khiêu khích đối với Đài Loan. Có thể nói là ông Tony Abbott đã đóng một vai trò quan trọng, đại diện cho Đài Loan lên tiếng kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là nước Úc, để chống lại hành vi hung hăng của Trung Cộng muốn tấn công Đài Loan bằng vũ lực. Ông Tony Abbott nói rằng “tôi không nghĩ là Hoa Kỳ sẽ dững dưng đứng nhìn Đài Loan bị nuốt chửng, tôi không nghĩ rằng nước Úc vô tư đứng nhìn hoàn cảnh của một người bạn dân chủ Đài Loan với dân số 25 triệu người.
Trung Cộng có dám cất quân đánh Đài Loan hay không? Vẫn còn là câu hỏi không có câu trả lời. Ngoài mặt thì giữa Đài Loan và Trung Cộng lúc nào cũng có sự căng thẳng có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, nhưng bên trong thì các tay tư bản tài phiệt, các tập đoàn đầu tư của Đài Loan vẫn tiếp tục buôn bán, làm ăn, với Trung Cộng. Nghịch lý nằm ở chỗ đó.