Một lần về Phước Hải (Bà Rịa) thăm người bạn cũ, tui ghé qua làng chài định mua ít cá trích tươi về làm món gỏi cá trích cuốn bánh tráng rau sống, chuối chát, còn lại kho rục với mía ăn với bánh mì. Lòng vòng trong làng chài một hồi mà không tìm thấy chổ nào có bán cá trích, tui thả bộ dọc theo bãi biển định đi dạo một chút rồi về, chợt thấy có một dãy giàn tre phơi cá khô. Có một cô gái đang gom những con cá khô trên giàn vào một cái rổ. Nhìn thấy tôi, cô gái nói : “mua cá khô về trộn gỏi xoài nhậu đi anh, cá em phơi tại nhà ngon lắm, không mặn đâu”. Thấy tui hơi lừng khừng, cô nói thêm: “cá này em vừa phơi xong 3 nắng, ăn rất ngọt nờ anh”. Nghe giọng nói ngọt ngào dễ mến của cô gái quê Phước Hải, tui dừng lại ngắm nghía những con cá khô đù trong rổ mà cô vừa lựa vào để bán. Cô gái giải thích thêm : ”cá này là của cha em thả lưới ngoài biển, anh mua về nướng lên ăn cơm hoặc xé ra trộn với xoài sống, khế chua, nhậu ngon hết sẩy, anh mua đi, em bán nới cho nờ” (“nới” là bán giá phải chăng, “nờ” là tiếng đệm cuối câu mà người dân Phước Hải hay dùng). Tui hỏi cô có bán cá trích tươi không, cô nói : “mùa này biển chưa có cá trích, may ra tháng tới mới có nờ”.
Thấy cá khô ngon, cộng thêm sự vui vẻ rất có duyên của cô gái, nhứt là gì cũng “nờ” nghe êm tai, tui hỏi giá rồi kêu cô cân 2 ký mà không trả giá. Cô lựa cá bỏ lên cân, đồng hồ chỉ đúng 2 ký, cô bóc thêm 2 con nữa bỏ lên rồi nói : “em thêm cho anh 2 con nữa, 2 ký giác rồi nờ”. Tui móc tiền ra trả, cô nói :”thấy anh mua nhanh nhẹn, em bớt cho anh hai chục mở hàng, dìa ăn ngon mốt nhớ ghé em mua nữa nghen”. Tôi nói cám ơn và hỏi cô cá khô này có để lâu được không, cô dặn :”anh về gói trong giấy sạch rồi bỏ vào ngăn đá, để được 3 tháng, nhớ đừng bỏ trong bọc ni lông nghen”. Cô vừa trả lời vừa cười rất tươi, nụ cười thân thiện rất “marketing” của một người bán hàng, dù tui biết chắc rằng cô chưa bao giờ học qua “kỹ năng giao tiếp bán hàng”.
Nhìn nụ cười của cô rất tươi và dễ mến, tui xin cô chụp tấm hình kỷ niệm, cô liền nói : “chụp đi anh, lâu lắm em chưa được chụp hình nờ, anh nhớ đưa lên mạng để quảng cáo dùm em nhen”. Chụp tấm hình xong, tui đưa cho cô gái xem, rồi cầm bịch cá khô đi về nghe lòng nhẹ nhàng, phơi phới, nghĩ đến món gỏi cá khô mà cô gái vừa giới thiệu.
Mỗi khi nhớ lại nụ cười thân thiện của cô gái bán cá khô ở chợ Phước Hải, tui lại nhớ đến lần ra Hà Nội đi mua trà bắc ở phố hàng Điếu nổi tiếng về trà. Tui hỏi bà bán trà giá bao nhiêu một ký, bả liền lên giọng tenor : “không nhìn thấy giá niêm yết à?”. Nét mặt của bà bán hàng khinh khỉnh, không chút thiện cảm. Nghe xong tui hết muốn mua, nhưng bỏ đi sợ bị ...đốt phong long xui xẻo, nên mua đại 1 ký. Cầm gói trà ra về, tui nghe có chút ấm ức trong lòng, tự nhủ sẽ không bao giờ mua trà bắc ở Hà Nội nữa. Không phải là trà không ngon, mà là thái độ của người bán trà không thiện cảm, nếu không nói là thiếu lịch sự. Tui chợt nghĩ, cái thời còn bán hàng “mậu dịch quốc doanh”, đi mua như đi xin, chắc bà này không thèm trả lời khách luôn.
Nói thiệt, nhiều khi mình mua một món đồ mắc hơn một chút, nhưng có được nụ cười thân thiện của người bán, vẫn khoái hơn là mua được món đồ rẻ mà bị nghe giọng tenor của người bán.
Chỉ là một ký trà bắc và hai ký cá khô, nhưng đã để lại trong tui 2 ấn tượng khác nhau : hình ảnh một cô gái bán cá khô ở miền quê Phước Hải thật vui vẻ, nhã nhặn, thân thiện và hình ảnh một bà bán trà bắc ở thủ đô thiếu thiện cảm.
Quân Nguyễn FB