Khi tôi bắt đầu làm việc cùng các em nghiên cứu sinh của công ty Fujitsu vào năm 1997, cái lo nhất là các em không quen với văn hóa Nhật Bản, cư dân xung quanh sẽ có cái nhìn không thiện cảm nếu mình sống kiểu khác họ. Lúc đó công ty nhận 200 người.
May mắn là các bạn hồi đó rất biết người biết ta, dù sinh hoạt những năm 90 ở bên nhà còn thiếu thốn hơn bây giờ nhiều lắm, cũng không có phương tiện internet để mà nhìn xa trông rộng như thời đại 2x. Chỉ qua vài ngày giới thiệu về cách bỏ rác, đi đường, sử dụng xe điện, mua hàng ở siêu thị là các bạn tự giác tuân thủ, 2 năm không một phản ảnh nào.
Qua những năm đầu 2000, làn sóng tu nghiệp sinh bắt đầu đến Nhật ngày mỗi nhiều. Hàng xóm than phiền nhiều nhất là vụ bỏ rác không phân loại; xe điện thì thường xuyên chộp những anh chị đá tàu. Tuy nhiên không có cảnh nằm lăn, nằm bệt trên xe điện, coi toa tàu như nhà của mình.
Đoạn clip những thanh niên VN chửi thề chửi tục ngồi, nằm, lăn như chốn không người trên tuyến đường xe điện của thủ đô Đông Kinh, được lan truyền trên mạng vừa qua, đã làm hình ảnh người Việt xấu đi rất nhiều. Dù họ không đánh đồng, nhưng sẽ có suy nghĩ: “tụi nó chắc ở rừng quen rồi”.
Đối với Nhật, cách hành xử trên các phương tiện công cộng sẽ đánh giá được tính cách của người đó và của cả một dân tộc. Đương nhiên thỉnh thoảng cũng có những tên tâm thần hay say rượu người bản xứ có hành động còn quá đáng hơn, nhưng là đất nước của họ nên họ chỉ nhìn một cách khinh bỉ, coi đó là cặn bã của xã hội mà quốc gia nào cũng có. Ngược lại, nếu đối tượng là người Việt Nam hay Trung quốc thì ngoài cái suy nghĩ tương tự, còn thêm cái câu hỏi, tại sao những đất nước đó lại xuất cảng “cái cặn bã đó” đến đất nước họ. Khác nhau ở chỗ đó.
Thú thật ở Nhật 40 năm, tôi chưa thấy người ngoại quốc nào có hình ảnh như các anh em bộ tộc của ta vừa qua, vô tư trét trấu lên bộ mặt quốc gia.
Đã vậy, có những bạn còn bênh vực hành động “phản cảm” nói trên vào các status bình luận: “Đm… ngày xưa bọn mày mới sang Nhật chưa biết gì thì cũng vậy thôi”… làm đéo gì mà chửi nhau”…
Ngày xưa, 50 năm trước, các anh du sinh Đông Du (đời thứ 2), 40 năm trước dân tị nạn, 20 năm trước Nghiên cứu sinh, Tu nghiệp sinh, thực tập sinh… đến Nhật cũng chưa bao giờ thấy cảnh tượng này. Không hiểu vì sao một số thành phần mới qua gần đây lại “mất chất” như vậy.
Nếu không có sự giáo dục từ nhà trường, căn bản là môn đạo đức (không phải đạo đức cách mạng) mà là công dân giáo dục như của miền Nam trước 75; nếu các trung tâm đưa người đi lao động, du học không nỗ lực hơn trong việc định hướng… chắc một lúc nào đó, dân Nhật sẽ đánh giá thành phần nhập cư lao động của Indonesia, Miến Điện, Campuchia… ở cái đẳng cấp cao hơn lao động Việt Nam.
Cứ tưởng Nhật đang thiếu lao động phải cần dân Ta rồi nổ tung trời.
Lầm!