Lời Giới Thiệu:
Lê Hoàng Hải là một người trẻ có chí, có tài, nhưng đời sống vẫn đang lận đận trong cuộc mưu sinh nơi xứ người. Tuyển tập “Cô Hai Phi Tuyết” do Lê Hoàng Hải viết, có 5 truyện ngắn và sẽ lần lượt được đưa lên Bức Tranh Vân Cẩu. Lê Hoàng Hải đang làm một trang web trên AWS và sẽ uploat tất cả sách đã viết lên đó. Đang có trục trặc kỹ thuật chưa có chứng chỉ SSL nên chưa point tên miền được nên chưa trình làng. Mong quý vị đón xem. Khi trang web của Hải ra đời quý vị có thể đọc free tất cả các sách và donate ủng hộ người viết, cũng như đặt mua ebook. Domain name là haileauthor.page.
——————————-
CÔ HAI PHI TUYẾT
1.
Cô Hai Phi Tuyết là con gái lớn của ông Tám Thuận, nhà giàu có tiếng ở vùng rạch Cai Thượng. Cô Hai đẹp mặn mà đoan chánh, tiếng nói trong ngần như nước sông Cái mùa sau tết. Buổi giao thời, vùng rạch Cai Thượng nhiễu nhương không tả nổi. Nhà ông Tám Thuận giàu, bị công an xã dòm ngó như ruồi xanh bâu tảng thịt chợ trưa.
Trong vùng có ông Năm Trang cũng là bạn làm ăn của Tám Thuận, buổi chiều ông Năm bị công an xã gởi giấy mời làm việc. Ông Năm cầm giấy đi qua đêm không thấy về. Bữa sau người nhà ông Năm lên xã kiếm, họ chối quanh, nói không có mời. Ba ngày sau, người ta phát giác ông bị trói thúc ké vào một thân cây... chìm dưới vàm kinh. Gia đình chỉ dám vớt về chôn vội vã, không ai dám rớt một hột nước mắt tiễn. Không có đám tang, không ai xì xào bàn tán một lời, không khí căng thẳng sợ hãi như con ma dữ ám khắp đầu làng cuối xóm.
Tám Thuận nhìn thấy cảnh đó đâm lo nghĩ, thức trắng nhiều đêm, thuốc Xuân Lộc vấn điếu bằng ngón tay cái, trà pha quạu như nước màu. Qua một cuộc dâu bể, ông phú nông biết rõ chuyện gì đang rình rập mình trong cái chế độ mới này. Bà Tám cũng sợ, nhưng im lìm như con rắn cái ấp trứng, nghiến răng mà chịu. Đêm nọ, ông Tám trở mình, chui ra khỏi mùng, xuống bàn giữa ngồi hút thuốc đăm chiêu. Thỉnh thoảng, ông nhìn lên cái đèn dầu hột vịt vặn lu lu trên bàn thờ cửu huyền. Bà Tám hay, cũng chui ra, khoác thêm cái áo bà ba trắng rồi tới bàn thờ vặn đèn tỏ hơn một chút. Rút mấy cây nhang ra thắp, khói nhang thơm phảng phất bay vào mắt làm bà nheo nheo. Bà đưa mấy cây nhang lên cao khỏi đầu, tay chắp lại, miệng vái ra tiếng:
- Ông bà bề trên chứng giám, phù hộ độ cho con cháu trong nhà tai qua nạn khỏi. Nam mô...
Ông Tám nghe xong làu bàu:
- Tai gì nạn gì mà qua, hồi tranh tối tranh sáng, bao nhiêu người bị mấy ổng chặt đầu thủ tiêu, bao nhiêu hòn tên mũi đạn, chuyện sống chết trong gang tấc còn không sợ. Bây giờ hoà bình rồi thì đâu chết bất đắc kỳ tử nữa đâu mà bà lo. Tui an bài trong nhà đâu đó trước sau hết rồi, có tới số thì cũng chịu...
Bà Tám giận, trả lời chậm rãi, cố hạ giọng xuống thật thấp:
- Ông nói dễ nghe quá, ông chết thì nhẹ, mà còn má con tui sống làm sao? Ông thấy người ta trấn nước anh Năm Trang hay là không? Rồi người ta có để yên cho nhà chị Năm đâu, kêu là thành phần địa chủ phản động con mẹ gì, lính tới dàn hàng đổ dầu lửa đốt luôn nhà, không cho lấy đồ đạc gì hết. Người chết thì chết rồi, mà kẻ sống cũng khổ hơn là chết! Lớp khổ mất chồng, lớp khổ cháy nhà, không còn cái quần đen mà mặc!
Ông Tám thở hắt ra:
- Thôi đi bà, coi chừng tai vách. Tui có chết, cũng chỉ lo con Hai, hai mươi mấy tuổi rồi mà chưa chịu có chồng. Nó thương thằng Thịnh, hay là...
Bà Tám gạt ngang:
- Thôi dẹp, hồi xưa nó làm sĩ quan tui còn chửi. Bây giờ thất thế như con chó ghẻ mà nghĩ sao tui chịu gả con Tuyết cho nó? Tui tính, con mình phải gả chỗ danh giá, Việt cộng cũng được, miễn có quyền có tiền. Được vậy, ông cũng khỏi lo chuyện gì hết. Lóng rày thấy ông trăn trở, tui tính nát nước, chỉ có cách gả nó cho thằng Năm Độ, đang mần trong uỷ ban quân quản tỉnh. Hồi nhỏ, nó cũng biết nhà mình. Lớn lên theo Việt cộng mất biệt. Bây giờ có thế giá dữ lắm đa!
Ông Tám chưng hửng:
- Gả con tui cho mấy con khỉ rừng đó hả? Bà coi tính lại chớ tui thấy vầy bậy bạ quá. Hồi xưa tụi nó biên giấy để bàn thiên, cướp cạn nhà mình biết bao nhiêu tiền của lúa thóc... Thằng Thịnh nó hiền hậu lại có học, con Hai ưng rồi tụi nó ăn đời ở kiếp, chớ đâu phải bà hay tui mà ép nó?
Bà Tám chì chiết, mặt lạnh như đồng, gân cổ nổi rõ:
- Ông thì biết cái gì, thằng đó trước tướng tá bảnh tỏn, đầu tóc mướt rượt, đàn bà con gái gặp nó nói chuyện mơn trớn như thổi lỗ tai. Tui đã nhìn trước nó là hạng trăng hoa ong bướm, dẫu có quyền thế tui cũng không muốn gả con Tuyết cho nó. Con mình mà ưng nó, sớm muộn gì cũng bị nó phụ rẫy. Bây giờ thời thế thay đổi, thân sơ thất sở chưa biết tới mặt trời mọc, gả cho nó thì con mình khổ càng thêm khổ. Ý tui quyết rồi, trước là cho nhà cửa yên ấm, sau là con Tuyết có chỗ đàng hoàng mà nương tựa. Ông đừng có cãi tui chuyện này!
Ông Tám làm thinh, trong lòng ông chợt ròn rợn về hình ảnh ông Năm Trạng bị trói chìm dưới sông, khi vớt lên trên mặt vẫn hiện nét kinh hoàng, bùn đất đầy miệng. Ông thở dài, kéo một hơi thuốc thật sâu, khói thuốc đặc quánh cuộn như tơ nhện trong họng ông. Ông ho sặc sụa, nước mắt chảy ra ròng ròng, vì thương con hay vì sặc thuốc có trời mà biết. Bà Tám thấy vậy bồi thêm:
- Bây giờ hết chiến tranh, mấy ông Việt cộng không còn ở trong bưng biền, ra chợ sống, thể nào cũng học được cách sống người khôn, hết dã man. Tui sẽ nhờ người đánh tiếng, mời thằng Năm Độ tới nhà ăn cơm một bữa...
Ông Tám mắt vẫn ngân ngấn, thở hắt ra một cái, nhìn xa xăm ra ngoài, bóng đêm u tịch với tiếng dế gáy ỉ ôi làm ông rầu nát ruột gan.
Cô Hai nằm trong buồng, cách bàn thờ có một bức tường vôi, cao cao phía trên có ô cửa mắt cáo dọi vào buồng mấy luồng sáng vàng hiu hắt. Cô nghe, nằm khóc rấm rứt. Từ hồi tiếp thu tới giờ lối đã gần hai tháng, cô nghe nhiều tin về anh Thịnh, người thì nói anh Thịnh xuống tàu nhà binh ở Trà Nóc ra biển đi mất rồi, người nói anh tuẫn tiết theo tướng Nguyễn Khoa Nam, người nói anh bị bắt, người nói anh bị thủ tiêu, người nói anh đã tạm lánh chỗ an toàn...
Cô Hai ruột rối như tơ, cô khổ trong lòng không để đâu cho hết, mà sợ bà Tám nên không dám tỏ ra, khối tình u uất trong lòng gặm nhấm ngày đêm. Giờ lại nghe tin mình sắp bị gả cho Việt cộng, đời kiếp này còn mặt mũi nào gặp lại người yêu. Cô cắn môi, cắn lưỡi, trong đầu cô ý tưởng tự vận loé lên. Nhưng cũng trong giây phút đó, cô mong một lần ôm siết anh Thịnh, hôn lên gò má còn lấm bụi lô-cót, ngửi mùi thuốc đạn khen khét từ chiến y, cô muốn dâng hiến trọn vẹn linh hồn và thể xác cho người đàn ông biết kiềm chế dục vọng để yêu thương và trân trọng cô, gìn giữ cho cô trong vòng lễ giáo. Cuộc đời này của cô, chỉ dành cho người đàn ông đó. Dù tan xương nát thịt, cô cũng muốn gặp lại anh, nếu Thịnh sống, cô theo anh, nếu Thịnh chết, cô sẽ quyên sinh!
Cô Hai, ông bà Tám đều thức trắng đêm đó. Đến gà gáy, trời đâm mây ngang, cô Hai ngồi dậy, rùng mình nhẹ một cái như muốn giũ hết những muộn phiền đêm cũ. Từ bây giờ, cô sẽ mạnh mẽ, chờ đợi và hy vọng. Nghĩ thông, cô nhẹ nhõm hơn hẳn, vừa quét dọn nhà cửa vừa nấu nước buổi hừng đông, nhìn lửa bừng sáng trong lò, nghe tiếng chim hót lanh lảnh, cô tràn ngập hy vọng về ngài mai tươi sáng.
2.
Lệnh đầu hàng của Big Minh rõ từng tiếng trong ra-dô, anh lính trẻ đau đớn chửi:
- Đ. má nó! - phút chốc lòng dạ anh như bể tan thành từng miếng, cú sốc mạnh làm hai mắt mờ và tai ù không nghe thấy gì, như cái hình nộm vô hồn, anh vô thức quay sang nói với thiếu uý Thịnh - giờ ông thầy tính sao?
Thịnh cũng sốc cực độ, anh thấy bao nhiêu máu và nước mắt của những người con nước Việt phút chốc bị tên phản bội Big Minh đổ hết xuống biển. Nếu bây giờ gặp Big Minh, anh cũng không ngại phải ra toà án binh mà bắn cho hắn què giò. Thịnh nhớ những anh em thuộc cấp đã từng được anh chôn cất. Tất cả họ đều trẻ tuổi, khi chết họ mang trong tim niềm tự tôn bảo vệ giống nòi Rồng Tiên và núi sông nước Việt. Với người nào, khi vuốt mắt họ Thịnh cũng hứa sẽ giữ vững thanh bình cho quê hương, để sự hy sinh của họ không trở thành vô nghĩa. Thịnh còn hứa sẽ bảo vệ gia đình vợ con của anh em thuộc cấp đã hy sinh khỏi nanh vuốt kẻ thù. Lời hứa với người chết thiêng liêng không diễn tả được bằng chữ nghĩa. Lời hứa bởi một người lính với một người lính sắp lìa đời trong cơn lửa loạn còn cao trọng đến mững nào mà kể? Vậy mà bây giờ một tiếng "đầu hàng" bởi một kẻ hèn nhát từng là quân nhân đã đạp đổ hết tất cả.
Thịnh nhìn quanh, những anh em binh sĩ trẻ măng, có người khóc ròng ròng hai hàng nước mắt. Thịnh nén cơn xúc động, nghiến răng nói với anh em:
- Bây giờ nước mất, tôi không còn là thượng cấp của anh em nữa. Mọi sự cá nhân tuỳ nghi anh em quyết định!
Người lính khi nãy nghe xong bật khóc, rồi rất nhanh sau đó, anh lấy lại bình tĩnh, nói bằng giọng cương quyết:
- Ông thầy đừng nói vậy, tụi này có chết cũng là lính của ông thầy! Bây giờ xin ông thầy cho tử thủ!
Bầu không khí căng thẳng, trán ai nấy nóng ran. Bắt đầu có tiếng lao xao trong đơn vị, mỗi người một ý. Thịnh quyết định thật nhanh:
- Nếu anh em nói vậy, đây là lệnh cuối cùng của tôi. Tôi ra lệnh cho đơn vị giải tán, không được tập trung quá hai người, không được về nhà lúc này tránh bị thủ tiêu. Quân tư trang tất cả tiêu huỷ. Không nghe lời chiêu dụ của vc. Tuỳ nghi di tản!
Tiếng khẩu lệnh đáp lời vang lên rắn chắc một lần cuối. Rồi họ mạnh ai nấy thi hành lệnh của thượng cấp thật nhanh. Một người nói:
- Không lẽ tan đàn sẻ nghé luôn sao thiếu uý?
Thịnh đáp, trong đầu đã có sẵn đáp án từ lâu:
- Ba tháng sau, chờ tình hình bớt nhiễu nhương, đúng ngày này, tôi sẽ chờ anh em tại Rạch Giá. Đến khi đó tuỳ tình thế mà về hoặc đi.
Mọi người làm theo lệnh răm rắp, như thể họ vẫn còn nằm trong một quân lực oai hùng chưa từng bị giải tán, không ai để ý thấy có một người lính không theo lệnh, giữ nguyên quân phục, hai tay hai súng, lững thững đi về phía cộng quân... Đó là Triển, anh lính trẻ đòi tử thủ lúc nãy. Khi mạnh ai nấy rút rồi, anh Triển đi một mình giữa đường cái, mắt đỏ hoe nhìn mấy bông cỏ lông gà xanh xanh rung rung trong gió trưa. Anh muốn dành loạt đạn cuối cùng của đời lính cho mấy thằng bộ đội đầu tiên mà anh gặp. Bỗng ai đập lên vai Triển một cái đau điếng:
- Thằng điên, chết cùng chết!
Triển chưa hết giật mình, quay lại thì thấy sếp của mình đang đứng sau lưng, vẫn quân phục, bùn ở đâu dính tới đầu gối. Thiếu uý Thịnh tiếp lời:
- Chết vì nước là ngon, nhưng kiểu của em là tự sát. Để dành mạng sống lại cho nước mai sau!
Chưa dứt lời, xa xa sau khúc cua đã nghe tiếng cười vui huyên náo và tiếng động cơ xe. Thịnh lôi Triển nép xuống hàng trưng bầu dưới mé đường, rồi nhẹ nhàng chuồi xuống rạch lục bình um tùm. Cả hai định ẩn mình tới trời tối. Chiều muộn, một ông già đặt trúm đi ngang ngó thấy, cất giọng mắng:
- Hai thằng nhỏ này, bỏ đi chơi từ sáng không ở nhà phụ tía nghen! Mau tháo ba cái bông hoa dính trên vai trên cổ xuống rồi lên xuồng tía chở đi vô ruộng giăng lưới. Tối nay cho bây ngủ muỗi giữa đồng cho biết thân!
Triển nhìn Thịnh, Thịnh khẽ gật đầu rồi cả hai lấy các thứ súng ống và quân phục vùi xuống bùn, chỉ mặc mỗi quần đùi mà leo lên xuồng. Ông già râu muối tiêu quắc thước, cởi cái áo bà ba đen cũ nát quăng cho Thịnh:
- Thằng Hai mầy bịnh hay sao mà mình mẩy trắng nhợt? Mau mặc áo tía vô, khéo bị ba cái thứ muỗi mòng ngó thấy là mệt dữ lắm đa!
Ông già chống xuồng ào ào, tới khuya thì tới rạch Lung Tre, xung quanh đồng không mông quạnh, trăng đêm mười chín âm lịch vẫn sáng bàng bạc nhìn rõ cảnh vật. Không ai nói tiếng nào, bầu không khí yên lặng khó chịu, gió hiu hiu, tiếng nhái bầu nhẽo nhẹt, thỉnh thoảng nghe tiếng cá rô ăn móng lõm chõm trên ruộng. Ông già quen thuộc địa hình, điềm đạm cất lời phá tan sự tĩnh mịch của đêm giao thời:
- Tui là Bảy Thê, trào trước có đi lính Quốc Gia, tới tổng tuyển cử vua Bảo Đại xuống khỏi bệ rồng, tổng thống Ngô Đình Diệm lên rồi lập lại quân lực, sáp nhập mấy thằng cha tướng tá Hoà Hảo vô tui không ưa nên bỏ binh nghiệp, bơi xuồng cặm câu đặt trúm khắp Nam kỳ, vui thú trời trăng mây nước. Mấy năm nay tui mới cặm dùi ở vùng này, tính chết già ở đây. Hàng ngày tui tới lui mấy cái rạch này hai ba lần, thuộc từng bụi cỏ hang còng. Hai chú tới chỗ này thì tạm an toàn rồi, hai chú ở đâu, sao lại ở gần quân cộng sản vậy?
Thịnh nghe ra tánh khí hào sảng của người lính trong sự chậm rãi của ông già, nghĩ bụng chuyện sống chết mình đã không dè dặt, nếu đem tâm địa hẹp hòi mà đề phòng người không ngại ăn đạn của cộng quân để cưu mang mình, quả là lòng dạ đứa tiểu nhơn, nên cũng không giấu diếm:
- Dạ thưa bác Bảy, con tên Thịnh, cấp bậc thiếu uý, mới tốt nghiệp năm ngoái. Thằng em này tên Triển, cấp bậc trung sĩ nhất. Nghe lệnh đầu hàng của Big Minh, tụi con giải tán đơn vị, tuỳ nghi di tản, nó tính liều chết với quân Việt cộng nên con theo lôi lại. Chém vè dưới rạch chờ trời tối thì gặp bác.
Ông già chép miệng:
- Mấy thằng nhỏ này được. Ai như thằng Minh ăn hại! Giờ hai chú nghe lời tui, cứ ở lại vài ngày trong chòi của tui. Việt cộng giờ không ở trong bưng biền nữa, tụi nó ra ngoài lộ hết rồi, bữa nay tụi nó ngồi lố nhố cả bầy trên mấy chiếc xe gíp, có mấy con dân công nặc nô cũng ngồi theo xe ca hát, chạy long nhong ngoài tỉnh lộ, ngó bộ lố lăng lắm. Mười bữa nửa tháng tụi nó cũng không có vô đồng sâu này làm gì, nên cứ yên trí. Trong khạp có sẵn gạo, khô sặc, mắm muối. Nấu nướng để ý lửa khói một chút là đặng. Ban đêm có kỹ lưỡng thì đừng hút thuốc. Tui bơi xuồng chỗ này chỗ nọ coi ngó tình hình, cỡ độ một tuần lễ nữa tui quay lại cho hay, tới chừng đó rồi liệu bước kế cũng không muộn. Hai chú có bà con họ hàng gì muốn nhắn gởi, tui nhắn giùm cho.
Thịnh đã mồ côi từ hai năm trước, tứ cố vô thân, anh chỉ có Phi Tuyết là một người thân trong bụng trong dạ mà thôi. Anh muốn nhắn cho cô rằng anh còn sống, nhưng chợt cám cảnh một người lính bên bại trận, tương lai mịt mù tăm tối, anh thương cô Phi Tuyết và muốn cô được hạnh phúc khi lấy anh. Anh ghét mấy thằng tài tử hở một câu là nói "lấy anh khổ lắm, em thương anh có dám lấy chăng?" để thử mấy người con gái thương mình. Thịnh cho rằng, đờn ông nào như vậy thiệt là mấy thằng sống chật đất chớ không được tích sự gì. Đờn bà con gái xứ Việt Nam này, ai mà thương thiệt bụng rồi thì dầu bước bàn chơn không vô đường gai góc họ cũng đi càn tới, dậm bao nhiêu gai nhọn dưới chơn cũng không hề sá kể, miễn sao được tròn câu sau trước với tùng quân. Bây giờ anh không còn gì, cả cái mạng cũng như chỉ ngọn bấc trước cơn gió dữ. Anh không muốn Phi Tuyết còn vương vấn về anh nữa...
Triển nói với ông Bảy Thê:
- Bác Bảy có tới cù lao Tân Lộc, nhà con kế cái miễu thổ công ngay đầu vàm, nói nhà bà Hai Niệm, bác cầm cái thẻ bài nhắn má con với chị con là nói với lối xóm là con trúng pháo kích chết rồi, nhưng nói mé mé cho chị con biết con còn mạnh, khi nào thuận tiện con sẽ về thăm má với chị.
Ông Bảy chống chầm chậm, nước đang ròng, hai bên bờ kinh cao vòi vọi, sậy đế mọc rậm ri, đêm giao thời, trăng sao vẫn vậy, tự nhiên không có gì biến đổi. Sự biến đổi nằm ở trong lòng người, trong bụng nghĩ cách nào thì cảnh sắc ra như vậy, cảnh buồn hay cảnh vui, vốn là cảnh vọng từ lòng dạ lên hai con mắt, nào phải từ bên ngoài hắt vào tâm tưởng mình đâu. Thịnh chợt thở hắt ra, nghĩ về chữ "bây giờ", giây phút thực tại thật kỳ diệu và đáng sống biết bao.
Gió mát, trăng sáng, trời cao vòi vọi, quê hương này vốn vẫn đẹp vậy từ ngàn đời trước tới nay. Súng nổ rồi cũng bặt tiếng, tưởng đâu sau hiệp định Paris được vui cảnh thới bình, Bắc Nam Quốc Cộng gì nạnh ai nấy sống mà kiến thiết đất nước theo lý tưởng của mình. Ai ngờ, phía bên kia chiến tuyến không ở yên, miền Nam lại quá nhiều thằng xấu bụng, để rồi bao nhiêu xây đắp cũng lụi tàn, kinh đô đẹp nhứt xứ Đông Dương cũng ngập trong bao nhiêu ngổn ngang ám ảnh, chắc rồi cũng tiêu tan hết thảy...
Tới căn chòi lá của ông Bảy, họ cột chiếc xuồng dưới mé rồi lội sình ì oạp để leo lên bờ, hai anh lính trẻ khôn khéo bước lên dấu giò ông già để dưới bãi sình không lưu lại quá nhiều dấu vết. Ông Bảy mở khạp gạo, lui cui vo hai nước rồi bắc bếp. Thịnh với Năm Triển ra cái mương nhỏ cạnh chòi rửa ráy tay chân mặt mũi, trời vẫn cao thăm thẳm, mặt trăng bể tan dưới mương thành những miếng ánh sáng mỏng tang. Cơm chín, ông Bảy vùi mấy con khô cá lóc vô lửa than, mùi gạo ruộng thơm với mùi khô cá lóc ướp muối ớt nướng than, chưa ăn mà đã thấy vị ngọt của gạo mềm với vị mặn cay của khô tan trong miệng.
Ai cũng tưởng đêm mất nước thì nuốt không vô, nhưng đến khi đói tự nhiên con người ta sẽ vì bản năng sanh tồn mà làm những chuyện ngoại thường. Không ăn thì sao sống, nước mất nhưng người còn, tinh thần chim đại bàng không thể vì cơn bão lớn mất ổ mà bay dáo dác vô định. Mất tổ quốc, nhưng còn danh dự và trách nhiệm.
Ăn xong, ông Bảy nấu một nồi nước trà, không có đủ ly tách nên lấy chén mà uống. Ông Bảy nhấp một ngụm mở vĩ, hai người lính mới dám bưng chén uống sau, lễ độ có sẵn từ trong máu. Ông Bảy nói, như con cọp già gầm gừ:
- Bữa nay trước khi gặp hai chú, bơi xuồng ngang Xẻo Quýt, tui thấy một cô ôm đứa con chừng bảy tám tháng ngồi bên bờ kinh, hai mẹ con đều khóc ngặt, đậu xuồng lợi coi thì mới thấy cái thây của chồng cổ dưới mép nước, buộc neo nửa nổi nửa chìm vô khúc gòn bự tổ mẹ. Hỏi mới biết chồng cổ là trưởng ấp, bị mấy thằng nhỏ theo Việt cộng trong xóm về đánh đập tới chết trước mặt vợ con rồi neo nước bỏ đó, lối xóm cũng không ai dám cản.
Năm Triển giận sôi gan:
- Má nó, mấy thằng chó đẻ!
Thịnh thì nén cơn xúc động:
- Rồi giờ đó bác Bảy tính sao?
Bảy Thê ngấp ngụm trà đắng chát, nhăn mặt một cái rồi kể tiếp:
- Đời tui thấy cảnh ác nhơn sát đức cũng nhiều, mà tàn nhẫn vậy mới thấy là lần đầu. Hồi trào trước, ác nhứt là đám lính Hoà Hảo của Ba Cụt, có bắt ai nó cũng đấm đá chút đỉnh rồi chặt đầu ngọt ngây, không tới mức giày vò làm vậy. Tui động lòng nhảy xuống tháo cái thây khỏi khúc gòn rồi bè tới chỗ bãi bồi, để nằm ngay ngắn làm phước, dặn cô kia ráng canh rồi tới trời tối thể nào cũng có anh em bà con trong xóm ra chôn giùm, người ta sợ nhưng sẽ không bỏ mặc đâu. Khổ cỡ nào cũng phải ráng sống nuôi dạy đứa nhỏ nên người, để người chết rồi cũng yên bụng mà đi.
- Rồi cô kia nói sao bác Bảy?
- Tui nhớ lại, giờ cảnh đó còn làm tui nổi ốc, cổ ngưng khóc, ôm đứa con rồi hai mẹ con chuồi xuống sình kế bên thây người chồng, tay cổ lần lần rờ mặt chồng, răng cắn môi nghiến đến tươm máu đỏ, rồi cổ mở miệng hát dỗ đứa con “ầu ơ... gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lợi chịu đời đắng cay...”
Cả ba người thở dài, đêm nay không có tiếng đại bác, đêm yên lặng và dài nhứt từ khai thiên lập địa. Thịnh nhớ Phi Tuyết, anh thấy mình ích kỷ khi muốn Tuyết chịu nỗi đắng cay của cọng rau răm trong bài ca ru con của người mẹ khổ đau kia. Yêu nhau đâu nhứt thiết phải dính như sam, dẫu có ngăn trở đến đâu mà biết lòng dạ nhau vẹn màu son sắc, thì mình dẫu có thịt nát xương tan vẫn ngậm cười. Cái khổ nhứt không phải sanh ly tử biệt, mà là không biết tin gì về nhau, nửa ngờ nửa vực, lỡ nhớ lỡ tin.
3.
- Em Tư, qua thề với em đời này kiếp này qua dầu sống dầu thác cũng thương một mình em thôi, qua mà nói sai, cho qua bị sét đánh chết!
Tiếng của người đàn ông trầm ấm nhẹ nhàng, từng chữ từng chữ có sức mạnh mê hoặc tâm hồn của cô Tư Mỹ Huệ, làm thâm tâm cô xốn xang, tay chân muốn bủn rủn, cô day qua lấy bàn tay ngọc ngà nhỏ xíu bụm miệng người yêu:
- Thầy đừng nói chuyện sống chết, em sợ! Thầy ăn học cao, biết tiếng Tây, còn em con nhà nông, sợ không xứng với thầy... Em nói thầy đựng cười, trong bụng em cũng thương thầy từ lần đầu gặp mặt. Mà thầy có cười em là không gia giáo em cũng đành, chớ đời này em một mong đặng gá nghĩa với thầy mà thôi... mà, em phập phồng không yên, hỏng biết linh tính hay là gì nữa...
- Qua nói cái này để em Tư yên dạ, lần đầu gặp em Tư qua cũng để bụng trộm nhớ thầm thương. Muốn ở luôn dưới này không về Sài Gòn làm sở nữa. Qua có thưa tâm ý của qua cho ông bà thân ở nhà, là qua có thương một người con gái ở Cai Thượng, muốn vầy cuộc trăm năm, xin tía má đừng đi coi đám nào khác nữa chết duyên. Tía má của qua nghe cũng xuôi tai, từ nhỏ tới giờ qua là con hiếu, tía má rất yên trí về qua, nên việc qua tự chọn người phối ngẫu cũng không phản đối!
- Thầy, có thiệt hông thầy? Thầy đừng gạt em tội nghiệp. Thầy mà bỏ em lấy người khác, chắc em chết quá...
Người đờn ông nghe xong mỉm cười, khẽ nắm bàn tay nhỏ bé của cô gái, rồi đưa lên mũi hít nhẹ lên mấy ngón tay ngòi viết, đó là một cái hôn quá bạo, cô gái cũng hoảng hồn rụt tay lại rồi cúi mặt e thẹn.
Người đờn ông trong bộ đồ tây trắng tinh, đầu đội nón nỉ trắng, tay baton tay cặp táp, bộ vó nom sang trọng hơn công tử Bạc Liêu, mà mắt không biết bao nhiêu cô gái. Do học trường Tây, lại là người ưu tú, con nhà thế giá, nên được làm thơ ký trong sở Lúa gạo Đông dương. Ông tên Phước, người gốc Cai Thượng nhưng đi học xa từ nhỏ, mới hai mươi tám tuổi, mà dân Nam kỳ trọng người có học nên ai cũng kêu là thầy ký Phước. Thầy Phước đang ngồi tình tự với cô Tư Mỹ Huệ, một cô gái sắc nước hương trời ở Cai Thượng. Cô Tư có tiếng là có giọng hò hay lại giàu chữ nghĩa tuồng tích, mỗi buổi đi cấy hay đập lúa, dân trai ruộng khắp xứ nghe danh cô tìm tới hò thi không biết bao nhiêu mà kể.
Cô Tư dáng người nho nhỏ, hay mặc áo bà ba đen, bởi nước da cô trắng nên khi mặc áo tối màu thì gương mặt lại càng rạng rỡ. Khi ấy cô Tư mười tám tuổi, mà người ta tới nhà xin dạm hỏi bỏ trầu cau dễ có ba chục đám. Đám nào cô cũng lắc đầu quầy quậy. Cô chán cái đám công tử con ông hương ông hội, mặc đồ lụa bóng nhai trầu tèm tẹp, lâu lâu nhổ bẹt một cái rồi cười hề hề, lưng anh nào anh nấy dài sọc, ỷ có của cải cha ông nên không biết nghề ngỗng gì, chỉ giỏi nghề đá gà với hút sách. Cô cũng chán mấy anh nông dân quê mùa cục mịch, làm việc thì giỏi mà ăn nói thì không tròn được ba câu đã gãi đầu gãi đít, ấp úng cù lần.
Cô bị ba má rầy rà là kén chọn, quở rằng bằng tuổi cô mà người ta đã tay ẵm tay bồng. Mấy lúc đó, cô chỉ cười trừ rồi làm thinh không nói chi. Ai mà hiểu được trong bụng cô mơ về một người đàn ông hiểu biết chuyện đời, biết yêu cô kiểu mấy tài tử trong rạp xi nê, tặng bông cho cô rồi nói những lời huê mỹ cho cô vui, không phải kiểu vợ chồng gì mà cả đời ông ông tui tui nghe chán gần chết.
Rồi một dạo, thầy ký Phước cùng mấy kỹ sư người Pháp từ Sài Gòn xuống Cai Thượng khảo sát giống lúa. Họ tới ngay nhà cô ghé lại. Khi cô Tư và thầy ký Phước gặp nhau, cô Tư như thấy tim mình ngừng đập, như đã quen nhau tự thuở nào. Thầy ký cũng nhìn cô trân trối. Thứ rung cảm lạ kỳ mà sau này cô được thầy ký dạy trong tiếng Tây gọi là "coup de foudre" - tiếng sét ái tình.
Từ dạo gặp nhau lần đầu, mỗi người đều thầm thương trộm nhớ người kia. Cô Tư thì có đám nào tới xin coi mắt là bỏ đi trốn biệt tăm. Thầy Phước thì tranh thủ mỗi Chúa nhựt lại đi xe đò về Cai Thượng để "thăm lúa". Đi từ đầu tới cuối dây đất rồi lang thang vô xóm làm bộ ghé hộ kế bên nhà cô Tư để xin nước uống. Mong thoáng thấy cái bóng áo bà ba lướt qua rồi có về Sài Gòn liền cũng hớn hở trong bụng. Còn cô Tư, cứ đếm đủ bảy ngày tới Chúa nhựt là sáng dậy thiệt sớm, hết quét tước nhà cửa tinh tươm lại sắp sạn đồ đạc, rồi lôi nồi chảo ra chùi trắng bóc. Cứ ở miết loanh quanh trong nhà ngày đó, chết sống gì tía má sai đi đâu cũng không đi, sợ lỡ ngày đó vuột mấy dịp nhìn thấy người ta. Mỗi độ hai người được gặp nhau, thầy Phước chỉ gật đầu cười một cái rồi hỏi: "cô Tư mạnh giỏi!" để cô cúi đầu bẽn lẽn: "dạ" với hai gò má ửng hồng. Vậy mà lòng dạ hân hoan, đêm về nhớ nhung khôn tả. Rồi hai người thành nhơn ngãi của nhau từ lúc nào hông biết. Họ thường hẹn ra chỗ vắng để gặp nhau như những buổi này.
Năm đó, Nhựt đảo chánh Pháp, những người làm cho sở Pháp lâu ngày đều bị dò xét, chuyện tù đày chết chóc dễ như ăn bánh. Thầy ký Phước cũng không ngoại lệ, thêm một cái thầy có tướng tá thầy chú, bảnh bao đẹp đẽ, nên bị tình nghi là mật thám cho Pháp.
Trước tình cảnh đó, thầy Phước phải cùng mấy người bạn tìm đường chạy trốn trong một hai ngày trước khi bị bắt. Họ giả làm lái buôn rồi mướn xe thổ mộ đi cọc cạch xuống tới Cao Lãnh, từ đó bắt tàu đi qua Nam Vang - Cam Bốt tạm lánh, nếu tình hình ổn thì nội một hai năm sẽ về, còn không thì đi tiếp qua Xiêm La hoặc là qua Pháp luôn. Cảnh tình quá ngặt nghèo gấp rút, không có cách nào nhắn nhủ mấy lời vàng đá với cô Tư Mỹ Huệ. Thầy ký Phước muốn biên một phong thơ, gởi cho cô Tư, dầu cô Tư không biết chữ quốc ngữ. Mong trời cao xui khiến thơ tới tay cô lại có người đọc cho cô nghe.
"Em Tư,
Khi thơ này tới tay em, qua đã ở một nơi muôn trùng xa cách. Thời cuộc loạn ly, qua khó lòng ở lại Sài Gòn, chuyện thăm em cũng đành bó gối khoanh tay không phương thế nào làm được. Nay qua biên lại mấy dòng để em tường. Qua đi chuyến này, không biết cảnh dâu biển tang thương bao giờ mới hết, không biết ngày về là khi nào. Thành ra, chuyện sum hợp với em Tư chỉ đành trong giấc mộng. Kiếp này qua đã phụ tấm chân tình của em. Qua cắn rơm cắn cỏ cúi đầu xin em tha thứ tội cho qua. Nhược bằng em có nghĩ chút tình xưa nghĩa cũ của qua, xin em hãy lấy chồng, để thân cát đằng nương dựa bóng tùng quân, đừng luống công đợi chờ qua nữa. Được vậy, dẫu qua có ở đâu trong cõi trần này, dạ qua cũng hằng được yên ủi. Xin đừng chờ đợi qua làm chi phí tuổi thanh xuân.
Hai Phước"
Tư Mỹ Huệ nghe đứa em nhỏ đánh vần từng chữ trong thơ, nghe tới đâu lệ tuôn hàng hàng tới đó. Cô ráng nén sầu, dặn đứa em đừng thưa lại với tía má. Từ bữa đó, cô Tư như cái xác không hồn, dáng nhỏ luỵ phiền lại thêm hao gầy biết mấy. Gương mặt trắng hồng dẫu phơi nắng cỡ nào cũng không sạm, nay héo hon mòn mỏi bơ phờ như người đau lâu không mạnh.
Mới ngày nào còn thề non hẹn biển, ngồi bên nhau tình tự nói chuyện cưới xin, mà nay biệt tăm biệt tích, mối tình con con chưa kịp mặn nồng đã tan như bọt bèo mùa nước nổi. Cô Tư tiều tuỵ thấy rõ, không nói chuyện với ai, u uất trong lòng mà ngồi ép mấy nước mắt cũng không rơi thêm hột nào nữa. Ruột cô rối như tơ, cô nghĩ người ta có bà đầm nào hay được mai mối với con ông hội đồng nào bỏ cô. Cô ráng phủi cái ý nghĩ ngờ vực đó đi mà càng phủi nó ra thì lại càng thấy có lý. Thấy có lý như cô lại không tin thầy Phước là người bạc tình như vậy. Cô ngày càng hốc hác, ốm nhom như cái thây ma đói. Tía má cô biết chuyện cô thất tình thầy ký Phước, mới lựa buổi tối muộn, tía cô ngồi bàn giữa rồi nói cô ra ngồi thưa chuyện, bắt má cô kêu tụi em nhỏ vô mùng ngủ sớm.
Ông ngồi im, đêm tối nơi thôn dã buồn hiu, lâu lâu tiếng chó sủa ma ở đâu xa vọng lại văng vẳng, gió đùa mấy tàu dừa khô rột rẹt như người ta gãi lưng cho cây dừa. Cô Tư Mỹ Huệ cũng ngồi im không nói gì. Chừng nửa giờ sau, má cô cũng ra ngồi đó. Giờ khắc như ngưng đọng. Cô Tư nghe được tiếng thở khò khè từ lồng ngực của người cha già trước tuổi vì lao lực gánh gồng cả một đàn con. Cô Tư nhìn thấy mấy dấu chơn chim ở đuôi mắt người mẹ nhỏ thó, hai con mắt từng sưng húp một lần khi chôn đứa em nhỏ của cô vô phước bịnh nhanh rồi mất, hai con mắt của người mẹ từng long lanh như hai viên ngọc trong bữa lúa trúng mùa sắm cho chị em cô mỗi đứa hai bộ đồ vải mới tinh, còn phần mình vẫn bộ bà ba nhăn nheo ống quần rút lên gần đầu gối. Cô Tư thấy nghẹn nghẹn, cổ họng đau như ai bóp siết. Cô chợt thấy mình còn gia đình tía má với các em. Cô bật khóc, hai hột nước mắt tròn vo như văng ra từ đôi mắt.
- Con khổ quá tía má ơi...
- Thôi con, nghe lời tía bớt dày vò tấm thân mình, mình quê mùa lại không có chữ nghĩa, làm sao vói được tới người ta. Chuyện gì rồi cũng qua hết. Con chớ khá làm mình khổ luỵ như vầy hại lắm đa.
- Tía bây nói phải đó, bây có buồn thì buồn năm mười bữa nửa tháng, rồi mình còn sống cái đời của mình. Hà cớ gì mà không ăn không ngủ như vầy, rồi hỏng chóng thì chầy bây cũng sanh bịnh, nhẹ thì khật khùng lú lẫn, nặng thì vong thân. Rồi ai tiếp má lo cho mấy đứa em mầy đây?
- Thôi nghe lời tía, quên được thời quên. Từ giờ sắp tới, tía má không ép con cho người ta coi mắt nữa, con thấy khi nào thiệt hết buồn, thì chợ búa cơm cá phụ má mày, thằng Bảy nó sắp lên tỉnh học, nhà thêm quạnh vắng, ráng nghe hông con!
- Mà bây chớ khá tủi thân, tuy nhà mình là nhà nông, nhưng bây là đứa sáng sủa lại nết na, lo gì mà không có tấm chồng tốt mà nương tựa.
- Tía nói thêm để con tỏ, người học cao hiểu rộng như thầy ký Phước, trước thời thế nhiễu nhương như vầy cũng không phải được dễ bảo toàn như người nhà nông của mình. Tía nói vói không tới là chỗ đó, con không tỏ được cái lo của người ta, thì trong bụng thương mà nhìn người ta rầu rĩ không san sẻ đặng, thì cũng như ngồi trên bờ nhìn người chới với dưới sông, muốn cứu mà không biết lội.
Sáng bữa sau, trời vừa đâm mây ngang, cô Tư đã lớn tiếng giục:
- Dạ thưa má dậy đi chợ má ơi, để không kịp bận về nước ròng sát đáy là phải đẩy xuồng cực lắm.
Giọng cô Tư tươi rói, lảnh lót như chim, má cô nghe xong thì chui ra khỏi mùng chắp tay cảm ơn trời phật. Xuống xuồng bơi ra tới đầu vàm, cô Tư móc trong túi ra chiếc cà rá hột xoàn mà thầy Phước tặng khi xưa, không thèm nhìn tới rồi tiện tay chọi tủm xuống sông, cười một câu cay đắng: "Dạ thưa thầy đi mạnh giỏi!".
---
Phi Tuyết hỏi:
- Bác là ai, sao biết con?
Ông già trả lời:
- Tui quen một người mà cô quen, mấy tháng trước tui có giúp người đó khỏi gặp phiền luỵ. Do cảnh nhiễu nhương, tạm không về đặng, bây giờ vẫn mạnh, nhờ tui nhắn cho cô hay là cô chớ lo, thuyền ra biển có gặp phong ba bão táp gì, cũng sẽ về cặp bến xưa, trong lúc mưa sa nắng gắt, bến cứ vững dạ chờ, đừng cột ràng thuyền khác!
Phi Tuyết nghe xong mừng mừng tủi tủi:
- Người đó giờ ở đâu hả bác, có thương tích gì hông bác, có thiệt là vẫn còn sống hả bác? Trời ơi con mừng quá! Con đội ơn bác. Làm sao con gặp ảnh được hả bác? Con muốn gặp người đó một lần chết cũng được. Bác có cách gì giúp con hông dạ bác?!
Ông già ngập ngừng, trong thâm tâm ông hiểu một cô gái đẹp lại con nhà gia giáo vầy, buổi giao thời khó tránh cảnh bướm ong ve vãn. Mà tụi choi choi đó giờ nó có súng ống, ghét ai thì bắn người ta chết rồi nó vu cho tội này tội kia cũng qua chuyện. Bọn lóc chóc mới theo Việt cộng thời sau này, không có công trận gì, nhưng lại là đám quỷ quái hà hiếp người nhiều nhứt, kiểu đám thanh niên lêu lỏng, chơi bời trộm cướp rồi sợ bị pháp luật trừng trị, nên mang tiếng là trốn theo Việt cộng, chứ chỉ là đám đầu trộm đuôi cướp chứ có lý tưởng gì. Ông lại nhớ anh lính trẻ lễ phép hiền hậu, ăn nói rất mực lễ độ mà lại nặng lòng nặng dạ với nước non. Hai người một trai một gái này đúng là mụ bà nắn vừa một cặp. Tác thành được cho họ cũng là việc nên làm. Ông trả lời:
- Tui chưa hứa trước được điều gì, nếu giúp hai cô cậu được tui sẽ giúp. Bây giờ nếu đặng cô biên cái lá thơ cho người kia, nhớ đừng để tên tuổi chi phiền phức. Tui thấy cảnh mấy người nghe lời Việt cộng đi cải tạo, chắc không có cửa về. Cho nên kỹ lưỡng thì tốt hơn.
Tuyết làm theo lời ông già dặn, thơ như vầy:
"Hò... ơi,
Bông lục bình vừa trôi vừa nở
Sóng ba đào mấy thuở không chìm
Nắng mưa dầu dãi cũng tìm
Phương xa vò võ cánh chim nhạn buồn.
Hò ... ơ
Lục bình cánh mỏng
Tuy chẳng hai lòng
Sợ mai ngày có trận cuồng phong
Thà chìm đáy nước chớ quyết không dập tàn..."
---
Bà Tám với ông Tám ngồi trước bàn giữa, Năm Độ cùng với một gạc-đờ-co ngồi đối diện, bà Tám sởi lởi:
- Cháu Năm lóng rày thấy khác hồi xưa quá, bảnh tỏn quá chừng heng. Anh em trên đó cũng khoẻ heng? Thiệt may phước bữa rồi có con, không là mấy thằng lính ở xã nó đốt nhà của cô rồi, thiệt là bữa đó dượng Tư với con Tuyết thì đi hốt thuốc không có nhà, cô ở nhà thấy tụi nó đem dầu lửa tới rưới xanh quanh nhà, ta nói cô muốn hồn vía lên mây, chưa kịp ú ớ gì thì thấy chú gạc-đờ-co này tới cản lại, mới đỡ cảnh mất nhà. Thiệt cô Tư đội ơn con hết sức!
- Tại mấy đứa nhỏ nó hông biết nên làm càn, cô dượng thông cảm, con nói ở xã cho mấy đứa đó biết thân rồi. Mới tiếp thu còn loạn lạc, không ai coi hết được. Cán bộ là đầy tớ dân chớ hông phải ông nội dân, lộng hành quá thì còn thể thống gì quân giải phóng. Mà từ giờ, cô dượng đừng có lo, biết là người quen của con thì không ai dám đụng tới cái nhà này.
Tám Thuận bần thần ngồi làm thinh, bên tai ông văng vẳng lời của tổng thống Thiệu: "Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm!" rồi ông nhớ lại cảnh ông Năm Trang thời chiến tranh nuôi chứa hai thằng cán bộ ngoài Bắc vào, tới khi tụi nó trả ơn bằng cách trấn nước chết rồi đốt nhà, không khỏi rùng mình một cái thiệt khẽ, bà Tám thấy vậy mới co cẳng dậm nhẹ lên bàn giò ông Tám một cái nhắc khéo. Tám Thuận mới giật mình, như tỉnh giấc mơ, lấy giọng vui vẻ bắt chuyện:
- Bữa đó dượng về nghe cô bây kể lợi, cũng muốn tá hoả tam tinh. Bữa nay nghe bây nói vầy tao cũng yên trí. Biết bây bữa nay ghé chơi, tao có sai sáp nhỏ mần con gà mái tơ, nấu cháo trộn gỏi chuối cây. Chút nữa con Tuyết em con nó đi mua rượu về rồi dượng cháu mình lai rai nghen!
Năm Độ hồ hởi:
- Em Tuyết bây giờ chắc lớn bộn rồi hả dượng, lâu lắm rồi con không gặp!
Vừa lúc đó, cô Tuyết về tới, áo bà ba nút bấm yếm tâm che bộ ngực căng tròn, eo thon thon nhỏ xíu, quần lãnh Mỹ A tha thướt thướt tha, nón lá che nghiêng nghiêng, càm trái xoan với hai gò má căng trắng hồng rạng rỡ trong nắng sáng. Bước vô tới nhà, Năm Độ nhìn cô Tuyết trân trân không chớp mắt. Cái nhìn vừa ngưỡng mộ vừa thèm khát, cô Hai Phi Tuyết ngượng ngùng khó xử. Bà Tám giải vây:
- Con Tuyết con cô đó Năm! Tuyết, hỏi anh Năm đi, Năm Độ con cậu Tám Thơ đó bây quên rồi hả?
Cô Tuyết cởi nón lá vòng vô tay, khoanh tay lại khẽ cúi đầu, cái nó lá gọn gàng úp trước ngực:
- Dạ anh Năm mới tới!
Nói rồi đi thẳng vô buồng trong...
Từ dạo đó, ông Tám ho nhiều hơn, mỗi lần cơn ho tới là dài đăng đẵng, ho khan không đờm dãi, ho nước mắt chảy ròng ròng, ho hai tay ôm bụng quằn quại như bị lao. Tâm bịnh sanh ra chứng trạng bên ngoài, hay bị nhiễm cơn phong tà của thời cuộc, cái đó không dễ gì hiểu được. Mỗi tháng rằm và mừng một, ông phải đi hốt thuốc tận núi Cấm, mỗi chuyến đi mất hai ngày một đêm, trên đó có mấy ông thầy ẩn tu, cho thuốc lại khuyên lơn khuyến thiện, nói điều đạo đức giải gỡ ưu phiền, về là đỡ.
Lần kế, ông với bà Tám đi, cô Tuyết ở nhà chừng nhà. Nhờ vậy, cô Tuyết có dịp hẹn gặp người yêu...
Đêm đó, chờ con nước nửa đêm lớn lưng lưng cái rạch trước nhà, Tuyết mặc bộ đồ bà ba đen rồi xuống xuồng bơi đi. Khi mở lòi tói ráng làm cho thiệt nhẹ tay để lòi tói khỏi khua ra tiếng. Đi gặp người yêu mà phải trốn tránh như ăn trộm, cảnh tình trái ngang biết mấy. Lòng dạ cô như lửa đốt, cố chống cho thiệt nhanh để tới chỗ hẹn. Nước trước mũi xuồng cứ tạt ra ào ào như chạy máy cu-le tư. Tới đầu vàm, trăng đã mọc cao khỏi ngọn tre. Nhìn thấy bóng hai người ngồi trên chiếc xuồng đằng xa, trống ngực cô đập thình thình.
Vì tình yêu mãnh liệt, cô mới liều tới mức này, chứ qua những sự nhắn gởi từ ông già xa lạ, dù nói đúng số quân của Thịnh, cũng không có gì chắc chắn xác định được một trong hai người ngồi kia có phải Thịnh không. Một liều thì ba bảy cũng liều, cùng lắm thì cũng chỉ là chết mà thôi. Nhưng sống mà mỏi mòn trong ngờ vực thì còn khổ sở hơn gấp mấy! Cô bặm môi, cứ chống càn tới, đã tới đây rồi thì không còn gì nghĩ nhiều nữa. Ba tiếng cú mèo kêu làm ám hiệu, có ba tiếng đáp lại, trúng rồi. Khi gần tới, cô nghe rõ tiếng của Thịnh:
- Em Tuyết!
Hai chiếc xuồng chạm nhau “kịch!” một tiếng, ông Bảy Thê nói:
- Giờ hai cô cậu có gì muốn nói, chịu chèo xuồng cỡ một hồi nữa ra mé sông Cái, trời nước mênh mông không có ai làm phiền đặng. Tui cặp xuồng vô lùm ô rô mái dầm đằng kia rồi trải nóp ngủ đợi. Nhớ quay lại đây trước khi trời sáng.
Thịnh bước qua cái xuồng chèo của Tuyết, rồi thay cô cầm lấy cây dầm. Ông Bảy Thê cũng lui cui bơi xuồng đi. Quãng đường từ chỗ đó ra tới mé sông Cái dài như vô tận, họ không nói câu nào với nhau. Thịnh ngồi sau lái chống thật nhanh, Tuyết ngồi trong lòng anh gọn khô như em bé, cả hai cùng nhìn về khoảng sông sáng bàng bạc phía trước mũi xuồng. Thịnh đôi khi cúi xuống ngửi mùi hương trên tóc của Tuyết, mùi hương thiếu nữ, không phấn son dầu thơm chi cả, vấn vương thoang thoảng mà vi diệu khôn cùng. Thời cuộc loạn ly điên đảo tang thương, cũng không dập tắt được yêu đương cuồng nhiệt và đam mê tuổi trẻ. Những cảm xúc nhớ nhung vỡ oà cùng với sự rạo rực thanh xuân đang dâng lên trong từng mạch máu của cả hai. Hai bên bờ, những hàng cây bần cong vẹo kỳ dị như những thân hình khắc khổ, trên thân đầy vết đạn và những hốc to nhỏ. Tới sông Cái rồi. Cảnh mênh mông trời nước quả thật khiến lòng người dễ chịu. Gió mát thổi hiu hiu, mặt sông bằng phẳng như tấm gương không bụi mờ. Thịnh đậu xuồng trên bãi bồi, cỏ nước tốt như mạ, anh cắm cây dầm lút sâu xuống bùn, cột dây cẩn thận. Hai người vẫn im lặng. Tuyết nghe trong từng hơi thở gấp rút của Thịnh là lời nhớ lời yêu vô hạn không thể nói bằng lời. Thịnh khẽ vuốt tóc người yêu:
- Mấy tháng nay anh tệ quá, để em mỏi mòn trông tin. Em sống làm sao, có chuyện gì mà thà chết cũng không làm vậy em? Anh đọc câu hò của em viết, trong bụng bồn chồn quá thể!
- Má ép em lấy cộng sản!
Thịnh nghe xong, không nói được lời nào, ôm siết Phi Tuyết trong vòng tay. Chiếc xuồng đong đưa nhè nhẹ…
4.
Phi Tuyết ngồi tựa cửa, trời vừa xế nhưng cơm nước đã xong xuôi hết. Cô thấy trống rỗng, từ đêm gặp người yêu rồi anh từ giã để đi Rạch Giá, hẹn một ngày về trong vô định, giây phút đó trở đi cô bần thần như người say chưa kịp tỉnh.
Thời thế đảo điên, dẫu mà cô có muốn Thịnh về ở Cai Thượng rồi cưới cô, thì ước nguyện giản đơn đó cũng khó mà thành. Bởi cô thấy những người lính Cộng Hoà đi ra trình diện rồi nghe đi học cải tạo gì đó, mười người thì không về đủ hết mười. Yêu con cá con chim mà bắt nó bỏ cái chậu cái lồng, chi bằng thả nó cho nó thoả chí biển khơi trời rộng.
Thấm thoát biền biệt tin nhau đã hơn một tháng, Phi Tuyết không còn ý nghĩ quyên sinh, cũng không còn sợ bị ép lấy cộng sản nữa. Ép cỡ nào, cũng không thể tới mức trói lại rồi quăng lên chõng cho đặng. Mặc cho những biến cố của đời, bụng dạ mình an yên thì tự khắc không nề hà gì sóng to gió cả. Trong lòng mình lại đủ thương yêu tin tưởng, mình biết người kia cũng vậy, thì phong ba có lớn gấp trăm cũng không khiến ngọn lửa trong tim mình lụi tắt.
Tuyết nhớ khi đó nằm dưới xuồng, cả hai cùng nhìn lên trời, sao Cày ba ngôi sáng tỏ, im lặng rất lâu rồi Thịnh mới hỏi cô rằng:
- Anh đi không biết ngày nào mới về, em có dám đợi anh chăng?
- Em cho anh cả đời em còn đặng, cớ gì ngày tháng mấy lâu!
Khi trả lời như vậy, Tuyết thấy vòng tay Thịnh ôm mình siết ghì hơn nữa, tưởng như nghẹt thở, tưởng như Thịnh muốn cả hai hoà lẫn với nhau thành một hình hài vậy.
Giờ ngồi đây, Tuyết ngả đầu vô cửa, cánh cửa sau hè nhìn ra mấy cây bưởi với mấy nọc trầu vàng mướt rượt. Nắng xế chói chang làm lá trầu lung linh như phát sáng. Gió thổi lồng lộng, con gà cồ tự nổi hứng đập cánh phành phạch rồi gáy mấy tiếng ó o khô khốc mà đầy kiêu hãnh. Tiếng gà xế chiều xao xác, làm xóm quê vùng IV vốn đã thưa người lại càng thêm quạnh vắng. Bà Tám đi từ nhà trên xuống:
- Coi dọn cơm cho ba bây, ăn sớm để ổng uống thuốc!
Tiếng ra lệnh của một bà mẹ nhỏ thó mà quyền lực, Tuyết lui cui làm theo, nhón người lấy cái rế đặt nồi đang treo trên vách, thứ đồ đương bằng tre, nhìn vòng qua vòng lại thành hình giống kiểu thức một cái bông quỳ thiệt lớn, không dùng cọng dây nào buộc mà không bao giờ bị sút sổ gì, mấy đầu mối của nan tre được người thợ khéo tay giấu đâu mất nhìn hoài không thấy. Tuyết dọn chén bát rồi lấy cái đũa bếp chuốt bằng cau già bóng loáng, tỉ mẩn xới cơm, mùi cơm mới tưởng ngon lành, tự nhiên xộc vô mũi làm Tuyết thấy xây xẩm. Cô nghe mùi cơm hôi tanh, nước dãi nước mắt gì tứa ra, chợt nhợn ói một cái nhưng ráng kềm lại, dọn mâm cơm tươm tất rồi ra nhà trước khoanh tay thưa mời ông Tám xuống ăn cơm như thường. Tuy vậy, những biểu hiện lúc nãy của cô đều bị bà Tám nhìn thấy.
Ông Tám nằm đưa võng nhà trên, từ ngày ngó thấy cái chết của Năm Trang, rồi ý bà Tám quyết gả con cho Việt cộng để đổi lấy bình an trong nhà, rồi chính quyền cộng sản ngăn sông cấm chợ, đám quỷ nhỏ loi choi thì lộng hành ngang ngược khắp nơi không ai dám cản ngăn, đủ thứ chuyện phiền muộn làm ông đổ bịnh. Trong ngực ông khối lo âu đặc quánh lại như hòn than đỏ, đốt cháy tim phổi ngày đêm, làm ông ho không ngớt. Ông bỏ một chơn xuống đạp nhẹ, cái võng đong đưa cọt kẹt tiếng dây nghiến vào cây cột. Nóc nhà lại chạy qua chạy lại trong tầm mắt. Ông Tám chợt phì cười chua chát: "Cái nhà xây lên tốn biết bao công sức tiền của với tài nghệ của thợ hồ thợ mộc, không phải ai muốn làm là làm được, cũng không dễ một ngày một bữa mà xong, vậy mà muốn đốt phá thì chỉ một thằng ngu si làm cũng được trong một lát một giây. Thiệt là đời nhiều lẽ trái ngang quá. Rồi đây cái đám quỷ vương này nó phá được bao lâu thì nước non này tan tành đây ông Trời ơi!?"
Mâm cơm dọn ra dưới bếp, nhà ba người ngồi quanh trên cái bàn tròn mặt cẩm thạch, ai nấy im lìm, không khí u ám này hiện trên mỗi mâm cơm từ ngày Năm Độ ghé thăm. Tuyết bưng chén cơm, cố và nuốt cho trôi nhanh cái mùi tanh tanh kỳ lạ, hai mắt cô như bị long ra rồi ngần ngận nước, cô ráng kìm xuống thì cổ họng lại nhợn lên, bất giác cô muốn nhón giò bỏ chạy ra nhà sau, chưa kịp chạy thì nghe từ sau chái bếp "rổn" một tiếng, như tiếng nồi trách gì rớt. Tuyết nhân cơ hội, vụt chạy đi coi, thoát được cái nồi cơm có mùi kỳ cục mà phận làm con cô phải ngồi kế để đơm cho ba má.
Ông Tám chợt hỏi:
- Bữa nay bà thấy con Tuyết nó có làm sao khác mọi bữa không bà? Tui thấy in là nó bịnh trong mình quá?
Bà Tám đanh ánh mắt, trả lời bằng giọng phủi rẫy:
- Bịnh tật gì, chắc chuyện trong mình đàn bà con gái, rồi nóng nảy ăn cơm hông ngon. Để lần này tui nhờ thầy hốt thêm mấy thang thuốc mát cho nó uống hạ hoả.
Tuyết ở nhà sau, nói lớn tiếng:
- Cái con gà mắc gió nầy, thèm nước sôi rồi heng! Gà nhảy đổ chạc dưa muối rồi má ơi, để con lượm lại đi rửa cái!
Ông Tám nói vọng ra:
- Nhanh tay vô ăn cơm con ơi! - rồi quay qua bà Tám - Bà coi sao, tui thương con Tuyết quá, chuyện cưới hỏi để thủng thẳng rồi mần, chớ...
Bà Tám lẫy, dằn chén đũa xuống bàn cộp một cái:
- Dạ thưa, tui hông có mắc cái gì mà gấp, mà để lâu ngày thiên hạ gièm pha, thằng Năm có mối khác thì hư bột hư đường hết. Chuyến này nghe phong thanh, nó trong uỷ ban quân quản được sắp sạn chức tước lên cao nữa, rồi đám con gái của cũng bu vô cho mà coi!
Tám Thuận nhìn bà vợ già nói trọng thị Năm Độ, tự nhiên tức anh ách, nghĩ tới cảnh con gái miền Nam mắc mớ gì phải bu một thằng trong bưng biền mới ra, như thể thấy lon thấy hột là tươm tướp, như thể cái đám đỉa đói thấy bắp chân người đi cấy, còn gì thế giá! Tám Thuận gằn lại, như muốn phun hết ra bao bức bối trong mình bấy nay:
- Bà ham quá thôi bà lấy đi!
Bà Tám nhìn ông chồng già mà sững sờ giây lát, rồi chợt mắt bà đỏ lên, nước mắt rưng rưng đầy khoé, bà lấy ông bao nhiêu năm, chưa hề bị ông nặng lời nửa câu, nên trong nhà bà có quyền lớn nhứt, cái gì cũng đứng ra sắp sạn. Bữa nay là lần đầu bà bị la, giật mình rồi chuyển sang tức tối, bà thấy buồn lại thấy quê quá mạng, mới nạt lại:
- Ông nói vậy mà nghe được hả?! - rồi đứng dậy bỏ đi, vừa đi vừa chùi nước mắt đang rơi lã tã.
---
Năm Độ ngồi trong xe gíp, tay lính gạc-đờ-co lái xe, cả hai phì phèo hút thuốc. Năm Độ nhìn cảnh vật hai bên trong ráng chiều nắng mật, nhà cửa đông đúc rồi lại tới ruộng vườn tươi tốt, nghĩ tới cảnh sau này đây là “giang sơn” mà mình sẽ được phân công cai quản, thì thấy trong bụng sướng râm ran. Qua rồi cái thời chui hầm rúc hố, ban ngày trốn kín trong bưng trong biền, ban đêm mới mon men ra nhà dân kiếm chác, hoặc ra đường lộ gài mìn giăng bẫy, bước một bước cũng phải coi trước ngó sau, chó sủa một tiếng cũng sợ như mất mật. Năm Độ cất tiếng:
- Mày thấy tao mặc đồ dân sự coi được hông Quắm?
- Chèng, anh Năm mà chơi bộ sê-din đóng thùng, tướng bảnh hơn tài tử! Em mà con gái là hiến thân cho anh Năm hỏng cần do dự! Chuyến này anh Năm mần chủ tịch, nhớ đừng quên thằng em này nghen anh Năm!
Năm Độ khoái chí cười ha hả, ngả lưng dựa vô ghế khoan khoái:
- Chú mày yên tâm, anh sẽ cho chú mày có chức phận với người ta. Anh em nào trung thành với anh đều không bỏ!
Cả hai đều đang sướng, chợt có tiếng lục cục như đá lăn làm chiếc xe giật giật mấy cái rồi đột ngột dừng lại, cả hai bị trớn xe làm ụp mặt về phía trước thật mạnh. Năm Độ hỏi, chưa kịp hoàn hồn:
- Cái gì vậy Út Quắm?
- Anh Năm có bị làm sao không? Em cũng không biết xe bị sao nữa.
Út Quắm vừa nói vừa thấy mát mát trên trán, mới lấy tay rờ thử, thì ra máu đã chảy rịn rịn từ lúc nào. Đề xe thử năm hồi mười hiệp mà không nhúc nhích. Trời bắt đầu nhá nhem tối, cả hai một thầy một tớ chưa kịp ứng phó ra sao thì nghe tiếng xe 67 chạy rẹt rẹt tới gần. Năm Độ mừng húm:
- Mày thấy đi với quới nhơn là khỏi lo hông!
Nói rồi bước xuống đường ngoắc liền, đúng là một chiếc 67 còn mới tinh, trên xe có dáng hai người đàn ông, tới gần chiếc xe của Năm Độ cỡ chừng năm sáu thước thì nghe đùng đùng, Năm Độ ngã rầm xuống mặt lộ. Út Quắm trong xe la lên:
- Sao, anh Năm?
Chưa kịp dứt tiếng thì nghe “đùng” thêm một tiếng chát chúa, một cái lỗ tròn hiện ra trên trán Út Quắm, y giật người nẩy lên rồi từ từ úp mặt xuống vô-lăng bất động. Dân trong xóm bên đường nghe súng nổ, nhà nào nhà nấy lẳng lặng đóng cửa cài then, con nít sợ sệt không dám khóc, chắc cũng có người nhìn thấy cán bộ ngã nằm bài tãi, thấy tài xế phun máu trong xe cũng không chừng, nhưng mới chạng vạng mà chẳng thấy ai ra cứu giúp. Chỉ có tiếng chó sủa ỏm tỏi, mấy tàu dừa cũng vô tư lự thủng thẳng đong đưa như người nhảy múa chầm chậm, trên ngọn mấy tàu cao nhất còn sót chút ráng nhạt rọi lên từ hướng Tây.
Chiếc xe 67 đi mất hút rồi, Năm Độ còn ngo ngoe mấy ngón tay. Y nằm bất động, hai lỗ mũi ngẹt cứng cát và máu, làm cho hơi thở y nặng nhọc khò khè qua đường miệng, cả người tê dại và râm ran như hàng ngàn hàng triệu con kiến đang bò ngang dọc. Năm Độ không còn ý thức được mình nhắm mắt hay mở mắt, nhưng những hình ảnh trong quá khứ hiện ra rõ mồn một. Nhà Hai Tuân nhận giấy mượn tiền của Trung Ương Cục mà không đưa, chính tay Năm Độ đâm một nhát giữa ngực ông già xuyên qua bản án tử hình in sẵn chỉ điền thêm tên người bị xử, nhân danh “cách mạng”. Khi ấy ông già kêu “Trời” một tiếng lớn lắm rồi mới chết, hai bàn tay bóp chặt lưỡi dao cứa đến tận xương. Năm Độ cũng nhớ nhà bà Tám Hương có ba đứa con hai trai một gái, buổi đêm Năm Độ cùng mấy thằng đàn em về bắt ba đứa đó vô bưng để “theo cách mạng”, cả ba bị trói thúc ké sau lưng dắt đi, con chị đưa ngực ra bung cả nút bấm áo bà ba, bị sàm sỡ nó la làng lên, liền bị Năm Độ cắt cổ chết tại chỗ, hai thằng em thấy chị bị giết liền giãy giụa kháng cự cũng bị hạ sát.
Ba cái thây của ba đứa thiếu niên nằm la liệt trên ruộng, sáng ra người ta kêu lính làng tới, bà Tám Hương nhìn thấy cảnh hai con trai thì bị chém tơi tả, con gái thì loã lồ, vùi dập trong bùn sình thì cũng phát điên. Năm Độ cũng nhớ ngày kéo quân tràn ra chợ, đã ra lịnh cho thuộc hạ rằng hễ lính buông súng đầu hàng thì xỏ xâu, còn cán bộ từ trưởng ấp trở lên thì chặt đầu hết thảy. Năm Độ nhìn thấy từng người y đã giết tề tựu xung quanh y lúc này. Không ai giận dữ, không ai nói gì, tất cả đều trừng mắt nhìn y và im lìm chờ đợi cái gì đó. Một kẻ xông pha trận mạc gai góc như Năm Độ chắc chắn không còn biết sợ chết hay sợ ma. Nhưng giây phút này y thấy mình cô đơn tột độ, mọi thứ đều ngừng lại, y không biết cái gì sẽ đến, y thấy cuộc đời mình thật vô nghĩa. Bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu cảnh oan khiên, bao nhiêu gia đình tan nát dưới bàn tay của y, rồi hai bàn tay bây giờ cũng không còn cảm giác nữa. Năm Độ cứ nằm đó, không ai biết đêm đó đã dài thế nào với y. Sáng ra, người ta thấy xác y co quắp giữa đường...
5.
- Mày giết tao đi Tuyết ơi là Tuyết! Mày lấy dao cắt cổ tao đi Tuyết ơi!
Bà Tám vừa tru tréo vừa khóc, bứt tóc bứt tai, muốn mắng chửi cho hả nư giận nhưng lại không muốn lối xóm nghe, vừa muốn đè nén vừa muốn bộc phát, như siêu thuốc bắc đậy kín mít làm hơi nước chỉ có thể đẩy cái nắp lạch cạch xì ra từng chút từng chút theo nhịp nước sôi. Hai mắt bà đỏ ngầu, gân cổ chạy rằn ri như mấy con rắn nhỏ, mếu máo làm cái miệng móm của bà méo xẹo một bên. Phi Tuyết im lặng. Bà Tám lại tăng phần cay nghiệt:
- Mày là đồ hư thân mất nết! Mày ngó làng trên xóm dưới đi! Người ta làm đĩ mười phương còn không có bầu có nghén! Còn mày con nhà gia giáo lại không chồng mà bụng mang dạ chửa là sao!? Mày trả lời cho tao nghe! Nếu không là mày chết! Nó là con thằng chó đẻ trôi sông lạc chợ nào? Nói!
Phi Tuyết ngồi cúi gằm, cô cảm nhận được nhịp đập trái tim nhỏ xíu của sinh linh bé bỏng trong lòng trong dạ. Phi Tuyết thấy thương nó vô hạn, ba nó giờ đã đi đâu, có biết sự tồn tại của nó hay không? Ngoại nó tại sao lại không chào đón nó. Nó có tội tình gì? Nó chắc còn chưa có tay có chân, nó đã làm hại được ai? Tại sao lại mắng chửi nó? Tại sao không ai thương nó? Tâm hồn thơ dại của nó sẽ bị tổn thương thế nào khi biết người ta sỉ nhục nó, còn muốn giết chết nó nữa? Phi Tuyết tưởng tượng hình ảnh một đứa bé thơ ngây, mắt tròn xoe ngơ ngác, chưa kịp biết nóng biết lạnh đã bị người ta bóp chết.
Tự nhiên một sức mạnh dị thường phát lên trong trí của cô, “Đây là con tao, không ai được động tới nó!”. Tuyết bặm môi, mắt long lên, nước mắt chực rớt. Tai cô ù đi, không còn nghe đặng bà Tám nói gì nữa. Bà Tám thấy Tuyết không phản ứng chi, chỉ kênh mặt lên chịu trận, thì càng nổi máu điên lung lắm. Bà chộp lấy bó cọng dừa đập ruồi, quất túi bụi lên đầu lên mặt Tuyết, vừa quất vừa la oai oái:
- Trời ơi con quỷ! Tao giết mày chết! Tao chửi khan cuống họng mà mày nghinh mặt trắm trơ trắm trất vậy hả?! Con quỷ!
- Bà tính đập chết con sao! Buông ra! - Ông Tám la lớn tiếng, nhảy tới thâu cái chổi cọng dừa trong tay bà vợ dữ đòn.
Không khí trong nhà chùng xuống. Tuyết lại cúi mặt, nước mắt lăn dài từ má xuống cổ. Trên mặt vết cọng dừa lằn ngang lằn dọc đương mắt cáo, lằn nào cũng đỏ lựng lên. Ông Tám bẻ sấp cây chổi rồi quăng miệt ra sân. Bước lại kế bên ôm đầu con gái.
- Đựng ráng nữa con, khóc đi con! Ba thương! Cái bà này, đánh tan nát mặt mũi con gái cưng của tui hết rồi!
Tuyết mềm lòng, vòng tay ôm ngang lưng ông Tám, dụi đầu vào bụng ông già mà khóc thút thít. Bà Tám đứng như trời trồng, xây mặt dang chỗ khác như thể vô can.
Kể từ bữa đó, Tuyết như người câm, không nói chuyện với ai nữa. Mỗi chiều, cô mặc bộ bà ba đen, ngồi ngả đầu vô cạnh cửa, mắt ngó xa xăm. Chiều miền Tây nắng xế vàng như mật, ráng trời màu cam thẫm rồi từ từ lợt sang màu vàng nghệ, tiếng cò kêu khô khan lẻ loi vọng lại từ đâu. Nhơn sao lúc nào cũng thấy chim cò chấp chới đằng tây, nhà của chúng tụ hội ở phương trời đó hết hay sao? Sao không thấy con nào chiều chạng vạng về đây ngủ, đất này chẳng phải từng đùm đậu cưu mang những người khẩn hoang, từng cho bao hột gạo trắng ngần, bao trái xoài trái cam ngọt mát, đất lành mới có thể dưỡng nuôi ra những gì tốt lành như vậy. Sao chim bay đi hết, bỏ con người mỏi mòn trong những ngày tháng điêu linh? Phi Tuyết nhìn ra xa, cây bần dưới bến vẫn đong đưa mấy ổ chim dòng-dọc như những trái bưởi năm-roi, lâu lắm rồi không thấy con dòng-dọc nào bay về nữa. Những tổ chim đương bằng cỏ khô thật khéo, bền gan trong mưa giông bão tố, như trêu ngươi, như kể lể, như cái gai trong lòng bàn chân nhắc người ta nỗi nhói đau ly biệt.
---
Năm Độ bị bắn chết, ở quân khu điều tra miết không ra hung thủ, rồi người ta bày ra bao cuộc họp, bao nghị quyết được đọc lên, để dẫn tới đây là hành vi của bọn “tàn dư” đang muốn “phản cách mạng”, cần phải “nâng cao an toàn” hơn cho cán bộ, và “đồng chí” Bùi Ninh nào đó được cơ cấu thay chỗ “đồng chí” Năm Độ. Chiều đó, quân khu mổ bò làm tiệc, mừng cho “đồng chí” Ninh hay làm đám ma cho “đồng chí” Độ, có trời mà biết.
---
Tám Thuận đi đám cưới nhà Út Bé, được mời ngồi bàn giữa, là chỗ của hàng kỳ lão trong đám tiệc ở Nam Kỳ từ bao đời nay. Thời buổi đảo điên, trời sập thành đất, đất lộn làm trời, vậy nhưng cái sự tôn ti lễ nghĩa thì không mất được. Tám Thuận với mấy ông già niên trưởng làng trên xóm dưới nói chuyện tuồng tích lại đến chuyện mùa màng, còn chuyện thời cuộc với ruộng nương bị dồn vô tập đoàn không ai muốn nhắc tới.
Tám Lõ là tay ham làm lớn, khoái được vị vọng, ưa nói Nho, nhưng tánh cách thì không khác đứa con nít. Y tính sà vô bàn giữa ngồi cho lấy uy tín, thì bị Út Bé gia chủ sửa lưng cách khéo léo:
- Mày ra bàn trước đại diện tao tiếp mấy anh em thanh niên đi Tám Lõ!
Tám Lõ đang hề hà cười cầu tài bắt chuyện với mấy ông già, nghe vậy đâm quê xệ, ngó thấy Tám Thuận mới nói móc cho gỡ quê:
- A, chú Tám, lóng rày ít thấy chú đi đâu, nghe nói chú ở nhà chăn heo nái đẻ ha chú?
Tám Lõ nói rồi cười há há khoái trá, coi mòi đắc ý lắm. Cả bàn ai nấy tái mặt, dồn ánh mắt về hướng Tám Thuận coi phản ứng thể nào. Lẽ thường, móc họng người ta kiểu đó ngay chỗ hương đảng, ở xứ này nhẹ cũng rụng răng húp cháo, nặng thì có nước đi bó thuốc nam trừ bịnh hậu. Tám Thuận tức lắm, mà giữa đám tiệc nên không bộc phát ra, để ly trà cộp nhẹ xuống bàn, đanh mắt lên nhìn:
- Mày nghe ở đâu nói vậy kể chú nghe coi Tám Lõ? Nhà tao tự xưa rày đâu có nuôi heo cuối gì cả xã ai cũng biết!
Tám Lõ chưa biết sợ, thấy ông già lễ độ nên tưởng mình ngon, bèn làm tới:
- Ủa vậy mà tui nghe người ta nói ở nhà chú cái gì học y tá rồi quên học ngừa thai để có chửa hoang, vậy ra không phải heo nái heng?!
Tám Thuận đứng phắt dậy, Út Bé sợ xanh mặt, không khéo Tám Thuận thộp cổ cái thằng mất dạy kia mà đập giữa đám cưới thì hư bột hư đường hết. Út Bé tức thì nhảy tới vuốt giận:
- Chú Tám, con lạy chú, chú thương con bỏ qua, cái thứ ăn nói khùng điên chú kệ tổ nó đi chú. - rồi quay phát sang Tám Lõ - thằng Lõ mày giỡn hớt bậy bạ quá, đi ra chỗ khác đi!
Tám Thuận bình thản trở lại, mới gỡ tay Út Bé ra mà nói:
- Chú Út nó yên trí, tui biết nặng nhẹ, chuyện này là ơn oán riêng của tui với thằng Tám Lõ, cỡ nào tui cũng không làm quấy trong ngày vui của sắp nhỏ. - xong sỉ vào mặt Tám Lõ mà rằng - Chú nói cho mày nghe nè thằng Tám Lõ, có nên hư gì con tao cũng không đến lượt cái thằng ất ơ như mày lên tiếng bỉ bôi! Tao ngang hàng ông già mày, mày xử sự với bậc trưởng thượng như vầy còn làm nhục tông môn gấp mấy! Con tao có chồng, chồng nó là thiếu uý Thịnh! Từ bây giờ, tao cấm mày nói động tới nó! Nếu mày không nghe chú, mày không yên thân đâu!
Mấy người đồng bàn, ai nấy thấy cách xử sự với nghe lời nói của ông Tám Thuận mà mát ruột. Mỗi người góp một tiếng, bắt Tám Lõ phải bưng khay trầu rượu mà xin lỗi! Tám Lõ ban đầu còn tính chống chế, mà thấy mười người như một đều nhằm y mà phản đối, thì phải im ru chịu phép. Đám cưới lại diễn ra vui vẻ. Ở đời, thằng ác nhơn sát đức cỡ nào đi nữa, mà bị cả xã hội lên án, thì nó cũng phải chùn tay lại. Bởi nó hiểu rằng, khi có ai đó lên tiếng, thì nó không còn an toàn nữa, nếu nhiều người cùng lên tiếng mà nó còn càn quấy, thì chắc chắn nó bị huỷ diệt. Chỉ khi xã hội im lặng, cho là lên tiếng cũng không ích chi, thì những thằng ác mới có thể nhơn nhơn cái bản mặt ra mà lộng hành, mặc sức đặng nói rồi làm những điều thương thiên hại lý!
---
Mười lăm năm sau, Thịnh từ trại tù khổ sai trờ về Cai Thượng tìm hình bóng cũ. Thịnh tới nhà gặp bà Tám, bà nhìn Thịnh trân trân, con Hận giống Thịnh như hai giọt nước! Bữa đó, bà Tám đang chẻ củi, nhìn thấy Thịnh, bà rớt cái dao xuống đất mà không nói đặng câu nào. Rồi bà bỏ chạy quanh nhà, hớt hải tìm nhỏ cháu ngoại, mặc Thịnh đứng ngoài sân. Bà Tám vừa chạy vừa kêu dáo dác:
- Hận ơi! Ba bây về nè Hận ơi!
Vừa kêu vừa khóc, nghẹn ngào lắm nhưng ráng bật ra thành tiếng. Bà dắt con Hận tới trước mặt Thịnh:
- Ba bây đó, lại nhìn ba bây đi!
Nói rồi lủi thủi đi đâu mất. Hai cha con lần đầu gặp mặt, Thịnh không biết mình có một đứa con, bây giờ gặp nó, nước mắt từ đâu sa hàng hàng như mưa bấc. Phi Tuyết đã thế nào khi một mình bụng mang dạ chửa, Phi Tuyết làm sao cự nổi miệng đời cay nghiệt, Phi Tuyết có khổ sở nghĩ rằng anh đã chết, Phi Tuyết làm sao mà đặng vượt biển mồ côi, rồi những đêm con trở giấc, những lúc con ốm con đau hay biết hỏi ba đâu rồi mẹ... Nỗi khổ đau và sự hy sinh của Phi Tuyết từ bây giờ dẫu có tan thây Thịnh cũng nguyện đáp đền cho cân xứng. Con Hận nhìn anh cũng cảm nhận được tình máu mủ, nó nhìn một người đàn ông xa lạ lần đầu gặp mặt, mà như quen thân từ thuở nào lâu lắm. Nó nhìn, mắt long lanh, mếu máo rồi buông một câu cụt ngủn:
- Má con chết rồi!
Nói rồi oà lên khóc nức nở. Thịnh chưa hết mừng vì biết sự hiện diện của đứa con gái đầu lòng, thì câu đầu tiên nghe từ miệng con lại là một tin sét đánh! Phi Tuyết ơi chết rồi sao? Sao lại ra nông nổi trái ngang thể này? Mười lăm năm không ngày nào mà Thịnh thôi không nhớ đến cô, tại sao vội lìa đời mà bỏ nhau trơ trọi trên đời?
Cha con lúc đó chỉ biết tràn tới mà ôm nhau thắm thiết rồi khóc nức nở, quên trời quên đất, chỉ còn có tình thân là ở lại...
Nhiều năm trước, Phi Tuyết bị bà Tám mắng nhiếc đánh đập hành hà quá đỗi, lại nhớ mong Thịnh đang biền biệt phương nào, nỗi khổ tâm chất chứa cao như núi, lâu ngày sinh u uất thành tâm bịnh. Đến khi sanh con Hận ra được vài năm, Phi Tuyết phát chứng bệnh trong đầu, không còn nói năng gì nữa. Một buổi chiều, Phi Tuyết bưng thau quần áo xuống sông giặt, mà mãi chẳng thấy lên nhà. Đến khi phát hiện, Phi Tuyết đã nằm yên dưới đáy sông, chỗ ngay cầu bến không trôi đi đâu cả. Cô tự tử hay bị trượt chân không ai biết được.
Ngày đám tang Phi Tuyết, trời mưa giông bão tố, huyệt mộ được mấy người đàn ông trong lối xóm đào vuông vức thiệt khéo, quay đi quay lại đã ngấm nước rồi lở sạt bốn cạnh, trở nên rộng tầy quầy như cái ao, người ta phải đốn tre đóng kè lại cho đỡ. Bà Tám nghe nói lao xao ra coi, nhìn thấy cảnh vậy thì trái tim người mẹ tan chảy như cục sáp để lâu ngoài nắng gắt. Sự lầm lì của bà từ trước tới giờ theo mấy giọt nước mắt hối hận tuôn ra như suối. Bà ngồi sụp xuống bên cái huyệt mộ lở lói, tâm hồn bà hoàn toàn tan nát. Trời lại đổ mưa, người ta chạy tới tính ôm dìu bà vô nhà, bà giằng co quyết liệt không cho ai đụng tới bà. Bên cạnh huyệt mộ người con gái mà bà từng thương yêu bằng tất cả tình thương của người làm mẹ, từng đánh đập tàn nhẫn, từng chửi rủa bằng những từ cay nghiệt nhứt, bà rũ rượi và kiệt quệ. Mưa và bùn sình như đè bẹp bà xuống mặt đất, mất người cháu bà con bên bà cố gắng kéo lôi bà vô, cảnh tượng đau lòng như cào xé ruột gan không ai chịu nổi.
- Vô nhà đi cô Tư ơi, con Tuyết sống khôn thác thiêng nhìn thấy cô như vầy nó cũng chịu hổng nổi đâu!
- Tụi bây buông tao ra! Để tao chết thay cho con tao! Trời ơi là trời, để con Tư Mỹ Huệ chết đi cho rồi đi! – Bà Tám gào khóc bằng tất cả sức lực, bà muốn gào lên cho thấu tận trời cao.
Trời chớp như ai chiếu đèn pha, tiếng sấm ầm vang đáp lại, mưa càng lúc càng nặng hạt. Mấy người lúp xúp cầm leng đi khai những đường nước nhỏ để nước không ngập quanh huyệt mộ, mấy người khác đội mưa cố kéo dây để căng một tấp bạt trên cao cho nước mưa không rơi vào huyệt mộ nữa. Người ta vẫn đứng bên cạnh bà Tám, còn bà Tám, như lẫn vào mặt đất sình lầy. Sau một hồi gào khóc, bà đã kiệt sức. Bà không thể nghĩ ra rằng khi Phi Tuyết mất đi bà có thể đau đớn như vậy. Nếu biết vầy, khi Phi Tuyết còn sống, bà đã thương yêu nó nhiều hơn, hoặc ít ra bà cũng không đánh đập chửi mắng nó như vậy. Nhưng bây giờ hối hận đã muộn, không còn cơ hội bù đắp nữa…
Người ta chịu thua bà Tám, không cách nào để đưa bà vô nhà được. Mấy người đàn bà cầm cây dù ra che cho bà rồi ở bên cạnh bà, ai nấy khóc thút thít an ủi:
- Thiếm Tám ráng nguôi ngoai, chuyện đâu còn có đó…
- Tại tui, tại tui mà con tui mới chết, để tui chết đi!
Bà Tám không còn gào khóc nổi, tiếng rên tuyệt vọng khó nhọc trào qua cuống họng già nua, cuống họng mà hồi xưa người ta nói là có phép tiên, có thể ngân nga ra những câu hò dài mà ngọt ngào như đường phèn đường cát. Một bàn tay nhỏ bé ở đâu cầm lấy bàn tay nhăn nheo đang dính đầy bùn đất của bà, làm bà cảm thấy chút hơi ấm.
- Ngoại ơi, vô nhà đi ngoại!
Con bé Hận dễ thương, tinh tươm trong bộ đồ sạch sẽ, đầu quấn miếng khăn tang con con, nó còn quá nhỏ để hiểu nỗi khổ sanh ly tử biệt. Bà Tám nhìn nó, bà thấy hình ảnh của Phi Tuyết hồi nhỏ. Trái tim bà chợt le lói niềm hy vọng. Phi Tuyết vẫn còn sót lại chút gì đó trên cõi đời này, phân nửa xương thịt của Phi Tuyết ở trong đứa trẻ này. Bà Tám thấy thương nhớ nó vô hạn, dù nó đang đứng trước mặt bà. Bà muốn ôm hôn nó, nhưng bà không muốn sình đất trên người mình làm dơ đi bộ đồ của nó. Lẽ sống của cuộc đời bà vẫn còn ở đây. Bà tự hứa với linh hồn của Phi Tuyết sẽ yêu thương bảo vệ nó đến hơi thở cuối cùng…
- Ừ, để ngoại vô, con dẫn ngoại vô nha con!
- Dạ! – tiếng trả lời trong veo ngoan ngoãn.
Từ đó, bà Tám thay Phi Tuyết chăm sóc con bé, bà không còn ghẻ lạnh nó như trước nữa. Bà kể cho nó nghe về người cha chiến binh của nó, kể cho nó nghe chuyện tình của cha mẹ nó, bà kể cho nó nghe chuyện có cô Tư hồi xửa hồi xưa vì thất tình thầy Hai Phước mà ghét lây mọi người đàn ông có vẻ ngoài chải chuốt rồi gây khổ sở cho nhiều người khác. Những thù hận oán ân của đời trước, thật nhẹ nhàng đơn sơ trong khối óc thơ ngây dịu hiền của con bé, nhẹ như áng mây trôi cuối trời miên viễn.
Thịnh ẵm con gái lên, hôn lên má nó một cái, nó đã lớn quá, bao nhiêu yêu thương mòn mỏi trải dài năm tháng chờ mong cha của nó phút chốc vỡ òa. Nó khóc vì hạnh phúc. Thịnh thắp nhang cho Phi Tuyết, nhìn di ảnh của người vợ chưa từng làm lễ cưới, nước mắt anh ngân ngấn, Phi Tuyết như đang mỉm cười với anh, “Tuyết ơi, anh về với em rồi đây!”, lư hương bốc cháy phừng phừng như bó đuốc, bao nhiêu đau khổ trái ngang một đời thiếu phụ, biến tan theo bụi tro tàn.