Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Đệ Ngũ Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, viên tịch tối ngày 22/2/2020 tại chùa Từ Hiếu, Quận 8 Sài Gòn, hưởng thọ 93 tuổi. Hòa thượng sinh ngày 27 tháng 11 năm 1928 tại xã Nam Thanh huyện Từ Hải tỉnh Thái Bình, với tên khai sinh là Đặng Phúc Tuệ. Mấy chữ giáo hội PGVNTN ngày nay không còn mấy ai tuổi dưới 60 nghe biết vì đã không còn được nói đến trên thực tế sau ngày VC chiếm miền Nam tháng 4 năm 1975
Vì thế tưởng cũng nên nhắc lại rằng Phật giáo ở Việt Nam vốn không phải là một tôn giáo tổ chức quy mô như các tôn giáo ngoại quốc khác. Các tăng sĩ nếu có liên lạc với nhau, là theo tinh thần huynh đệ, cùng chung một thầy tổ. Sau khi người Pháp đã ổn định chế độ cai trị thuộc địa thì một vài cư sĩ Phật giáo, và một số tăng sĩ mới thành lập các giáo hội tăng già từng miền hay từng tông phái. Một phần là do toan tính của Pháp trong kế hoạch kiểm soát các tín đồ qua các người lãnh đạo tôn giáo. Một phần do kế hoạch của một số những nhân vật đấu tranh muốn dùng tín ngưỡng như một phương tiện vận động quần chúng. Người ta có thể hiểu được chuyện này nếu nghiên cứu tìm hiểu về sự thành lập các giáo phái ở miền Nam và các nhân vật tôn giáo miền Nam. Tạm kể làm ví dụ như Đức Phật Thầy Tây An, và Bửu Sơn Kỳ hương,
Sau khi chế độ Ngô đình Diệm bị lật đổ ngày 1/11/1963 thì đầu năm 1964 các giáo hội ở miền Nam gồm 13 nhóm mới hội họp lại để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, gồm hai viện là Viện Hóa đạo và viện Tăng Thống. Thượng tọa Thích Tâm Châu làm viện trưởng viện Hóa đạo. Thượng tọa Thích Trí Quang làm tổng thư ký viện Tăng thống.Thượng tọa Thích quảng Độ là tổng thư ký viện Hóa đạo từ năm 1965. Tuy đều là trong một giáo hội PGVNTN nhưng các lãnh đạo thuộc hai xu hướng chính trị khác nhau. Thượng tọa Thích Trí Quang ở chùa Ấn Quang thiên tả, mà mới đây sau khi chết thì đệ tử cật ruột ở Pháp là Cao Huy Thuần, một Việt kiều Cộng sản, mới kể rõ công lao đóng góp cho đất nước của Trí Quang. Vắn tắt là các hoạt động lũng đoạn tạo rối loạn miền Trung, thành lập các chính quyền tỉnh tự trị vào năm 1966 nhưng thực chất là nằm trong tay cán bộ nằm vùng CS. Kế hoạch này bị chính phủ phá vỡ. Trong chuyện kể thành tích này, người ta thấy lộ ra cái mưu mánh gây rối loạn của VC và Thích Trí Quang trong ngày lễ Phật đản 1963 và cuộc biểu tình trước đài phát thanh Huế. Âm mưu tạo rối loạn qua vụ này và các cuộc biểu tình của tăng ni tiếp theo ở Sàigon thất bại. Trí Quang phải chạy trốn vào tòa đại sứ Mỹ và chỉ trở ra sau khi tổng thống Ngô đình Diệm và em ruột là ông cố vấn Ngô đình Nhu bị giết trong cuộc đảo chánh 1/11/1963 do tân đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge đến VN chỉ đạo. Các tướng lãnh VNCH nhiều tham vọng nhưng thiếu đầu óc và phục vụ với tinh thần ngóng đèn xanh ở Washington DC, lúc đó đã nhanh chóng nghe theo phản tướng Dương Văn Minh làm đảo chính. Chuyện này được báo chí Mỹ- như Times với Newsweek là hai tờ báo phổ biến nhiều tại VN – sửa soạn một thời gian trước đó qua những bài viết ca tụng Minh trong danh hiệu Big Minh tài giỏi, nhưng ngồi dưỡng trong một biệt thự, chơi hoa lan. Xem xét và đối chiếu các sự việc vừa kể, người ta hiểu tại sao tang lễ tên cán bộ Cộng sản đội lốt sư Thích Trí Quang mới đây đã được nhà nước CS thi hành một cách vô cùng trọng thể, đưa tin và hình ồn ào trên hệ thống truyền thông trong nước. Còn cái chết của hòa thượng Thích Quảng Độ thì yên lặng cho qua, sau vài giòng tin trên vnexpress nhanh chóng bị lấy đi.
Thượng tọa Thích Tâm Châu thì không ủng hộ Cộng sản nên đã phải sống lưu vong ở Canada sau khi VC chiếm được miền Nam 30 tháng 4/1975. Thượng tọa Thích Quảng Độ có xu hướng độc lập, ở lại miền Nam đã bị chế độ Hà nội o ép, trải qua những giai đoạn tù đầy, quản chế, hay cô lập từ năm 1977 tới nay, vì không chấp nhận gia nhập Phật giáo Việt Nam khi giáo hội quốc doanh này được nhà nước thành lập năm 1981.
Tóm lại, ít nhất người ta có thể thấy nổi bật một điều là hòa thượng TQĐ là người đặc biệt trong số những nhân vật Phật giáo nổi danh một thời. Chỉ hiềm một nỗi là ảnh hưởng của ông đã bị thui chột bóp méo bởi một kẻ hiếu động, hám danh, lươn lẹo và cơ hội chủ nghĩa. Người này có dư tài để “độc chiếm” đưa tin để ảnh hưởng và khai thác nhà tu chất phác bị cô lập TQĐ, và lũng đoạn các tăng sĩ. Là người được gọi là “nhà báo” Võ văn Ái. Chỉ cần đọc bài phỏng vấn dài Võ Văn Ái của Lê Thị Huệ nói về nhiều vấn đề trong đó có Thích Nhất Hạnh là bạn thân thiết và đồng chí của VVA một thời, là đủ thấy mấy chữ mô tả VVA nói trên có lẽ chưa đủ. Cho nên ở đây cần nhắc lại vài sự kiện
Người ta còn nhớ rằng VVA là người độc nhất có khả năng liên lạc với hòa thượng TQĐ khi chưa có điện thoại khôn và điện thoại di động dễ dàng liên lạc và rẻ tiền như bây giờ. Nhưng đã không ai hỏi VVA có cách nào để liên lạc thường xuyên với thượng tọa TQĐ trong tình trạng bị cô lập như vậy. Cũng không ai hỏi trong đầu phải chăng VC cho VVA dùng đường dây của chúng không tốn kém? Người biết chút đỉnh thì giải thích rằng là VVA được trợ cấp của cơ quan NED National endowment for Democracy hàng năm suýt sóat 100,000 đô la để viết bài cổ võ tự do dân chủ nên có tiền sài cho điện thoại. Tuy nhiên nếu nghĩ sâu hơn thì hiểu rằng tiền điện thoại có để trả nhưng phải có sự đồng ý của VC thì mới nói chuyện được, bởi đường giây lúc đó có thể chặn dễ dàng. Có phải vì thế chăng mà thượng tọa TQĐ sau khi được đặc xá năm 1998, và trong vị thế Viện trưởng Viện Hóa Đạo ít lâu sau đã chọn VVA làm Phát ngôn viên của Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế?
Từ đó VVA là người tung ra các cái gọi là “giáo chỉ” nhân danh hòa thượng. Những giáo chỉ này và những tin tức truyền miệng trong giới tín đồ cùng quê của VVA đã tạo ra những phản ứng tiêu cực, những phân rã trong giáo hội PGVNTN hải ngoại và trong nước. Những tu sĩ sĩ nổi tiếng như Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu thân cận với hòa thượng TQĐ đã rút vào lãnh vực và địa bàn riêng của mình vì sự lấn lướt lũng đoạn của VVA. Kết quả, VVA đã được gọi là “siêu tăng thống”. Ở hải ngoại thì có chuyện tranh chấp phá tán chùa Pháp Luân ở Houston sau khi hòa thượng Thích Hộ Giác mất, mà đàng sau người ta thấy thấp thoáng VVA. Ngoài ra là những chuyện tình ái không rõ thực hư trong giới tăng sĩ có chút tiếng tăm, và những chuyện lùng bùng đấu đá giữa các chùa trong hệ thống văn phòng hai viện hóa đạo. Kết quả là chùa nào theo thầy nấy. Tín đồ đông hay vắng tùy theo tiếng tụng kinh ê a nghe hay hoặc dở, trang hoàng rực rỡ hay sơ sài khiêm tốn. Dần dần song song với sự phân rã của giáo hội PGVNTN hải ngoại, Phòng thông tin Phật giáo quốc tế không còn ồn ào nêu vấn đề tự do tôn giáo hay nhân quyền. Nhân vật nữ cao lớn người Ăng Lê Penelope Faulkner có tên Việt hấp dẫn Ỷ Lan, không còn thấy xuất hiện thường trực cạnh ông giám đốc Võ Văn Ái để gia tăng tư thế kể là “quốc tế” cho nhà hoạt động vì tự do dân chủ và nhân quyền Việt Nam này nữa.
Và bây giờ, khi hòa thượng Thích Quảng Độ viên tịch trong tình trạng bị cô lập ở chùa Từ Hiếu, không thấy hó hé chút tin tức nào của nhân vật thân tín một thời Võ Văn Ái. Người ngoài thích nhạc sẽ không khỏi chợt nhớ tới bài hát Tìm Anh của Hoàng Thi Thơ “anh ơi bây giờ anh ở đâu, góc biển hay rừng sâu, biên cương hay nông trường..? Người vô cảm theo nguyên tắc “mackeno” - mặc kệ nó, chắc sẽ thốt ra một câu ngắn gọn “nhiệm vụ hoàn thành” Bởi phong trào đấu tranh Phật giáo hải ngoại đã chấm dứt. Nhưng chùa to tượng lớn thì bùng nổ phát triển. Sư sãi chỉ còn phải lo một viêc là “giữ chùa thờ Phật mà ăn oản”.
Nguyên cớ bởi đâu, có lẽ không cần hỏi, vì mọi sự đã rõ.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 28 tháng 2/2020