Ngày cuối năm, 31 tháng 12/2019, tòa đại sứ Mỹ tại Baghdad bị một đám đông chừng 1000 người biểu tình, bao vây tấn công. Cổng vào bị đốt phá. Chất phát hỏa được ném ra bởi nhiều người trèo lên nóc trạm gác và tung ra bởi những người đứng ngoài tường, tạo nên những đám cháy nhỏ trong khuôn viên tòa đại sứ. Một số người xông vào được đến phòng tiếp tân tòa đại sứ nhưng không vào sâu được bên trong. Hình chụp cho thấy có người cầm búa tạ đập phá cửa kính chống đạn của tòa đại sứ. Qua những hình chụp của các phóng viên, người ta nhìn thấy một số nhân viên trong tòa đại sứ đứng cạnh những bao hay túi sách chứa đồ đạc có vẻ như đang chờ được di tản. Những người tấn công tòa đại sứ đã hô các khẩu hiệu chống Mỹ, như “Death to America”. Ngoại trưởng Pompeo đã phải hủy chuyến đi Ukraine để ở lại Washington DC theo rõi tình hình.
Cuộc tấn công tòa đại sứ Mỹ ở Baghdad này không phải là vô cớ. Đó là phản ứng đối với chuyện ông Trump oanh kích 5 vị trí kể là thuộc lực lượng Kataib Hezbollah thân Iran ở Iraq và Syria, làm chết chừng 30 mạng và làm bị thương 50 người. Ông Trump đã cho lệnh oanh kích Kataib Hezbollah vì lực lượng này đã pháo kích vào một căn cứ quân đội Iraq ở Kirkuk làm chết một nhà thầu dân sự Mỹ và 4 quân nhân Mỹ bị thương. Và cũng vì những than phiền của một viên cựu tướng Do Thái cho rằng nước Do thái phải một mình đương cự với các lộn xộn trong vùng.
Tổng thống Donald Trump dù đang bận tâm với quyết định bãi chức của hạ viện đã nhanh chóng tweet rằng “Bây giờ Iran đang điều hợp cuộc tấn công vào tòa đại sứ Mỹ ở Iraq. Họ sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này. Ngoài ra, chúng ta chờ Iraq sử dụng quân đội bảo vệ cho tòa đại sứ và họ đã được báo cho biết như vậy”. Ông Trump nói thế nhưng chính phủ Iraq thi hành ra sao thì chưa biết. Bởi vì cả tổng thống lẫn thủ tướng Iraq đều phản đối việc Mỹ oanh kích Kataib Hezbollah trên đất Iraq, vì coi đó là đã xâm phạm một nước có chủ quyền là Iraq. Một cách cụ thể thì người ta biết rằng tòa đại sứ Mỹ là một dinh cơ rất lớn chiếm 104 mẫu, có máy điện máy nước riêng, ở trong vùng Green zone được bảo vệ cẩn mật của thủ đô Baghdad. Thế mà cả ngàn người biểu tình tấn công tòa đại sứ Mỹ đã diễn ra và tính ở lại đó lâu dài tương tự như vụ chiếm đóng tòa đại sứ Mỹ ở Tehran năm 1979. Rõ ràng là lực lượng an ninh Iraq chỉ có thái độ thụ động đứng nhìn. Thủy quân lục chiến Mỹ bảo vệ tòa đại sứ đã phải dùng lựu đạn cay để giải tán đám đông. Báo The Guardian Anh quốc đã nhận định vụ này như một mất mặt cho ông Trump ngày cuối năm 2019. Ông Trump phải tweet khẳng định đây không phải là Benghazi. Mở ngoặc nhắc ở đây rằng Bengazhi là một thị trấn lớn ở miền đông Lybia, là nơi mà một đám đông quần chúng Lybia đã tấn công đốt lãnh sự quán Mỹ, giết chết lãnh sự Mỹ và kéo lê xác trên đường, thời bà Hillary Clinton làm ngoại trưởng.
Phản ứng với vụ tòa đại sứ Mỹ ở Baghdad bị đám đông tấn công, bộ trưởng quốc phòng Esper tuyên bố đã gửi thêm 750 quân Mỹ để bảo vệ tòa đại sứ còn ông Trump thì đã cho lệnh sư đoàn 1 nhẩy dù Mỹ sẵn sàng lên đường tiếp ứng. Nhưng may mắn là chỉ một ngày sau, tức là mồng một đầu năm thì đám đông tấn công tòa đại sứ đã rút lui. Người ta không biết là vì sợ những điều động quân sự tiếp viện của Mỹ hay vì kế hoạch tấn công tòa đại sứ chỉ để ra một thông điệp tạo dư luận mở đường cho những đòi hỏi của các chính trị gia Iraq chính thức đòi Mỹ rút khỏi Iraq sau một cuộc chiến tranh kéo dài đã 17 năm, đưa Iraq vào tình trạng lung tung bất ổn như hiện nay. Người có trí nhớ không tệ hẳn chưa quên hình ảnh trên truyền hình cho thấy sức mạnh quân sự Mỹ sử dụng cho cuộc tấn công Iraq, đúng như lời ông Bush con nói là tạo kinh hoàng và choáng váng cho Saddam Hussein. Chế độ Hussein đã chấm dứt trong vòng vài tuần lễ, nhưng đã không thể nào tìm ra các thiết bị lưu động chế võ khi tàn sát tập thể của Hussein được phóng lên truyền thông Mỹ nói là chụp từ vệ tinh. Cũng không có dấu tích họat động của Al Qaeda, mà lúc đó được giải thích lại là Al Qaeda không thể hoạt động được dưới hệ thống an ninh chặt chẽ của Saddam Hussein. Cũng không mấy người quên hình ảnh Bush con chụp hình trên chiếm hạm với thủy thủ trước bảng khẩu hiệu “Công tác hoàn tất”. Tóm tắt, những lý do chính đáng để Bush con mở ra cuộc xâm lăng Iraq đã không có, nhưng quân Mỹ vẫn tiếp tục ở lại, với lý do cao đẹp hơn là để biến Iraq thành một nước dân chủ tự do mẫu mực ở Trung Đông. Người có tính mai mỉa sẽ nói rằng quả đúng như thế, chuyện này đang được tiến hành, vì Iraq ngày nay có vô số các nhóm đấu tranh đủ mọi khuynh hướng, và xu hướng tôn giáo. Mà nhóm mạnh nhất là chính phủ Iraq và các lực lượng liên minh Âu Mỹ thiết lập một khu an toàn gọi là Green zone ở giữa Baghdad cho các cơ sở chính phủ và các ngoại quốc, trong đó có tòa đại sứ Mỹ.
Nhưng dù sao thì cũng phải kể là một thắng lợi may mắn cho ông Trump đầu năm khi những người bao vây tấn công tòa đại sứ Mỹ rút lui.
Có vẻ như chuỗi những may mắn của ông Trump còn tiếp tục. Vì ngày thứ sáu mồng ba tháng giêng bô quốc phòng Mỹ ra một thông cáo rằng theo lệnh ông Trump đã cho tấn công phi trường quốc tế Baghdad bằng máy bay không người lái và đã giết được tướng Qasem Soleimani tư lệnh lực lượng IRCG vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran của Iran cùng với chừng một chục nhân vật khác. Soleimani là một nhân vật rất thân gần với giáo chủ Khameini, đã thoát chết nhiều lần bởi Mỹ và Do Thái, nhưng lần này thì bị gục trước cái may mắn của ông Trump. Giáo chủ Iran Khameini đã lần đầu tiên họp với hội đồng an ninh quốc gia Iran và đã cử phó tư lệnh IRDC lên thay thế. Báo Do Thái Jerusalem Post đã lập tức viết một bài hoan nghênh cái chết của Soleimani và bày tỏ sẵn sàng chờ trả đũa từ Iran.
Quay lại với ông Trump, giết được Soleimani cho thấy vận mệnh con gà gô này đang rất vượng khi đi vào giai đoạn đầu tranh cử nhiệm kỳ hai. Với tất cả những điều Trump đã làm trong ba năm qua để phục vụ Do Thái, người ta biết rằng Trump sẽ là tổng thống hai nhiệm kỳ nhờ sức mạnh vận động chính trị bao trùm của Do Thái ở Mỹ. Nay với mạng Qasem Soleimani làm quà đầu năm cho Do Thái, chẳng có ai nhân danh đảng Dân chủ, kể cả đại phú gia Do Thái nguyên thị trưởng New York Bloomberg có thể đẩy được Trump ra khỏi cái ghế ở phòng bầu dục Bạch cung trong kỳ bầu cử tháng 11/2020 sắp tới.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 3 tháng 1/2020