Ngày 14 tháng 4/2019, mạng giang hồ điện tử chợt dậy lên xôn xao vì tin Nguyễn phú Trọng về thăm Kiên Giang chiều 13 tháng 4/19, làm việc với bí thư tỉnh ủy Nguyễn thanh Nghị con trai cả của Nguyễn Tấn Dũng sáng ngày 14 tháng 4. Khoảng 11 giờ sáng ngày 14, đột ngột NPT thấy choáng váng nhức đầu, được đưa vào bệnh viện đa khoa Kiên giang rồi chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy Sàgòn. Tin tiết lộ là Nguyễn phú Trọng bị xuất huyết não, nặng nhẹ không rõ. Đơn giản chỉ có thế. Truyền thông của chế độ không cho biết gì hơn, ngoài những bài viết giải thích chẳng giải thích gì. Thói tục của chế độ độc tài Cộng sản từ trước tới nay vẫn thế đối với tình trạng sống chết của lãnh đạo cao cấp. Nhưng nói cho cùng trong thực tế chính trị Việt nam hiện nay, dù cho Nguyễn Phú Trọng mà có chết đi nữa thì cái chế độ đó cũng chẳng có gì thay đổi là mấy, bởi vì một tay gộc Cộng sản biến thái khác sẽ thay thế. Sự quan tâm xoay trở chỉ là ở trong giới đương quyền Việt cộng để trồi lên. Không có hy vọng gì cho một nhà chính trị kỳ cựu VNCH, một nhà hoạt động thời cơ hòa hợp hòa giải. Cũng không có may mắn gì cho những nhóm chủ trương hoạt động xã hội dân sự nhai lại theo kiểu Mỹ, hay đấu tranh bất bạo động xin-cho theo khuyến dụ của cố tiến sĩ Gene Sharp, chủ tịch hội bất vụ lợi Albert Einstein hoạt động bằng tiền tặng dữ của các hội từ thiện trong thời gian hai thập niên 1983-2004.
Nhưng mà các bản tin giang hồ điện tử đã thêm mắm thêm muối vào cho câu chuyện thêm gay cấn hấp dẫn. Thí dụ như Kiên Giang được coi là “cái nôi” của Nguyễn Tấn Dũng, và chuyến đi của NPT là
“bất chợt”, để mà hàm ý rằng cuộc đấu đá giữa NPT vá NTD chưa dứt. Và tạo ấn tượng như NPT tính làm một cuộc tập kích vào hang ổ của Nguyễn Tấn Dũng, từng được gọi là đồng chí X thời làm thủ tướng, là đối thủ nặng ký của Nguyễn Phú Trọng. Cũng trong giòng ý tưởng này thì đã có khẳng định cho rằng NPT bị bệnh bất ngờ vì NTD ra tay hạ độc thủ. Chưa kể đến vô số các tin và hình ảnh chế hóa dựng đứng ra như thật, như đã từng xẩy ra trước đây trong các vụ Phùng Quang Thanh bị mưu sát, Nguyễn thị Quyết Tâm sang Mỹ định cư bị FBI bắt vân vân…Và bây giờ thì Nguyễn Phú Trọng đã chết. Suy diễn để biện minh cho sự loại bỏ NPT cũng còn vì dựa trên tự nhiên tiểu sử NPT được phổ biến. Và Chủ tịch quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân được đánh bóng để hờm thay đổi.
Những suy diễn này nghe thì cũng để bỏ vì như đã nói trên cả hệ thống chế độ còn nguyên vẹn, với băng đảng Nguyễn Phú Trọng chiếm nhiều chỗ. Chỉ kể sơ ngắn gọn ở cấp cao nhất có Trần Quốc Vượng mà hình ngồi họp với Tập Cận Bình được phổ biến rộng rãi. Phạm Minh Chính mà vai trò quyền lực khó có mấy người hơn với thành tích được Trung Cộng tín nhiệm từ thời ở tỉnh ủy Quảng Ninh.
Các chương trình tiếng Việt của các đài phát thanh ngoại quốc đã không thể kiểm chứng được tình trạng sống chết của Nguyễn phú Trọng mà chỉ có thể truyền đi những sao chép các nguồn vô bổ hay phỏng vấn các tên tuổi kể là chuyên gia hay bình luận gia ở trong nước có môn bài, nghe để mà nghe cho vui.
Tất cả những hiện tượng này cho thấy rằng trong giới giang hồ điện tử có một số quần chúng đông đảo chống Cộng hoang tưởng thích mò mẫm trong cái thế giới ảo của những tin thất lợi trong hàng ngũ VC để mà suy diễn làm vui.
Nếu bỏ viễn mơ mà nhìn vào thực tế, thì phải nhận rằng NPT đi Kiên Giang đơn giản chỉ vì muốn khẳng định cái quyền lực tăng trưởng đế mức đủ lớn của mình trên cả nước với danh vị “người đốt lò” ngay cả tại vùng đất mà vẫn có kẻ cho là căn cứ địa của NTD. Chứ không phải là làm một cuộc tập kích vào băng đảng Nguyễn Thanh Nghị, mà nếu muốn thì không cần về tận nơi thanh toán. Thực vậy, nhìn đoàn công tác NPT dẫn đầu, áo bỏ ngoài quần, chứ không phải là complet cravate, người ta có thể thấy rằng NPT muốn bầy ra cái tính cách mạng, cái tính nhân dân biểu kiến một thời xa xưa của lãnh đạo đảng, khi mới chiếm miền Nam. Cuộc trình diễn này, không may cho NPT là đã không trọn vẹn vì NPT bất ngờ ngã bệnh. Ở cái tuổi 75 của NPT, đó không phải là chuyện bất thường, và cũng chẳng phải là bị hạ độc thủ bởi NTD như hoang tưởng.
Nhìn toàn cảnh, chuyến đi của Nguyễn phú Trọng là tiếp theo tin bắt Phạm Nhật Vũ ngày 13 tháng 4, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG), là người cấu kết làm ăn với Nguyễn Thanh Phượng, con gái Nguyễn Tấn Dũng. Sự gắn bó này không lạ vì Vũ là em tỷ phú giầu nhất VN Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Vingroup với tài sản 7,6 tỉ đô la theo lượng giá của Forbes. Vượng đã là tỷ phú đô la đầu tiên trên sàn chứng khoán VN. Nói khác đi, tài sản của Vượng gắn liền với triều đại NTD. Vingroup đã có một kế hoạch làm ăn phát triển to lớn, theo như chính lời của Phạm Nhật Vượng nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2018 nhân dịp Vingroup ra mắt xe hơi VinFast, điện thoại thông minh Vsmart vân vân ở Paris. Sự phát triển này bao gồm mọi ngành, công nghệ, trí khôn nhân tạo, công nghiệp. Vượng khoe là có sự cộng tác sẵn sàng của nhiều nhân tài. Giọng điệu không lý gì đến giai tầng lãnh đạo, hay nói cho đúng là ngôn từ của một người toàn quyền trong tay, ở tư thế nhất hô bá ứng (một tiếng nói ra trăm tiếng hùa theo). Nghĩa là người lãnh đạo cao nhất.
Với vụ bắt Phạm Nhật Vũ vì tội hối lộ, có thể hiểu rằng NPT muốn thanh toán các thế lực tiền bạc to lớn có khả năng lũng đoạn hệ thống đảng, mà Phạm Nhật Vượng là một, chứ không chỉ nhắm vào NTD đã bị đẩy lùi, và Nguyễn thanh Phượng lưng vốn không là bao nả. Xem ra, nhờ cơn bệnh của Nguyễn Phú Trọng, Phạm Nhật Vượng chưa tới hồi mạt vận, vì còn thời gian xoay trở, với nhân vật mới sẽ lên thay thế Trọng. Nhưng không hiểu rằng nhân vật thay thế Trọng có đủ nội lực vừa điều động đảng vừa khống chế Vượng hay không.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 19 tháng 4 năm 2019