Tùy bút
Tháng tám, mùa thu
Hồi còn rất nhỏ, chẳng nhớ vào lớp nào, sau khi phải học thuộc lòng bài “một năm có bốn mùa là Xuân Hạ Thu Đông” thì thầy giáo đã hỏi là tôi thích mùa nào mà tôi không biết làm sao trả lời. Bởi vì cho tới nay đối với tôi mùa nào cũng có cái thích và cái không thích. Ngay cả mùa đông Chicago nhiều người đã chê bai là lạnh lẽo tuyết giá, nhưng tính ra tôi ở đó đã gần 40 năm, mà chẳng thấy gì là khổ cực. Lâu hơn thời gian lớn lên ở Hà nội, và dài hơn thời gian trưởng thành ở Sàigòn. Nhưng không mấy gì là gắn bó như với Hà nội hay Sàigòn. Tôi chỉ thấy Chicago là nơi thực sự có bốn mùa, với nhiều trường đại học nổi danh, có đủ các loại món ăn đặc sản của khắp miền trên thế giới có thể thưởng thức dễ dàng.Từ Cambodia đến Ethiopia đến Nga đến Afghanistan. Và yên lành nhất nước Mỹ. Vì không có thiên tai khó tránh như động đất, bão lốc, lụt lội, thiếu nước. Còn nhân tai như bắn giết lẫn nhau thì được các nhà chính trị thổi lên vì nhu cầu thông tin giải trí cũng chỉ giới hạn ở một số khu mà nếu mình không đến đó thì sự hiểm nghèo không khác bao nhiêu những thành phố khác ở đất Mỹ.
Nhìn lại cuộc đời tôi cho tới nay thì mùa thu, tháng tám luôn luôn để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất.
Thực thế, những ấn tượng đầu tiên về tháng 8 còn ở trong lòng tôi từ hơn 70 năm là tết trung thu với những đứa trẻ con cùng trạc tuổi tôi kéo những chiếc xe đồ chơi bằng sắt tây có con thỏ ngồi gõ chiếc ống bơ leng keng, hay những chiếc xà lúp xinh xinh đốt dầu chạy trong chậu thau nước nổ lụp bụp, mà tôi không có. Buổi tối ngày rằm được đi phố xem múa sư tử, say mê nghe không chán tiếng trống thùng thình thùng thình. Được ăn bánh dẻo bánh nướng là hai thứ tôi thích vô cùng, mà không bao giờ đã miệng, vì đó là thứ hàng xa xỉ đối với gia đình tôi. Lớn lên khi đã hành nghề thì bệnh nhân biếu bánh trung thu không thiếu thứ thượng hảo, nhưng không còn có cái thèm nhạt thời xưa nữa.
**
Nhiều người bây giờ nghe mấy chữ cách mạng tháng 8/1945 thì dị ứng, dội ngược. Và ngay cả không muốn nói đến mấy chữ này. Nói những tiếng này ra không thiếu gì người cho là thân Cộng hay là Việt cộng. Tất cả, chỉ vì những chính sách tàn ác bạo ngược của Việt Cộng sau đó. Cách mạng tháng 8 nguyên thủy dưới mắt thằng bé chưa được mười tuổi ở thành phố Vinh lúc đó, là tôi, đã diễn ra nhẹ nhàng, và đã dẫn tôi vào một khung cảnh khác với khung cảnh quen thuộc từ lúc biết thu nhận sự việc chung quanh, vì một số những chuyện mới lạ.
Tôi còn nhớ vào một buổi xế trưa nào đó, đang ở trong nhà thì nghe tiếng ồn ào ngoài đường, liền chạy ra ngoài đầu hè xem. Thì thấy hai người thanh niên đi xe đạp, vác loa hô lớn, kêu gọi đồng bào “ba giờ chiều chủ nhật đến sân vận động biểu tình giành độc lập”. Đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy mấy chữ “độc lập”, và “biểu tình” mà không hiểu nghĩa là gì. Rồi tôi thấy mấy bà hàng xóm từ đâu đó đến nhà chỉ cho mẹ tôi may cờ đỏ sao vàng. Thời gian đó, đến trường tôi được dậy hát những bài “Bao chiến sĩ anh hùng’, Côn đảo, Nhớ chiến khu, Anh em trong đoàn quân du kích… Và cứ thế nghêu ngao cả ngày. Cũng trong thời gian này, một hôm có loa vác đi kêu gọi người đi xem xử tử hai tên “Việt gian” (lần đầu tiên tôi nghe hai chữ Việt gian). Tôi đã chạy đi xem cuộc hành hình diễn ra ở khoảng đất trống trước cửa Tả thành Vinh, cách nhà tôi ở phố Cửa Tả chừng vài chục căn nhà. Hai người Việt gian này tôi còn nhớ rõ tên là Trần Văn Cống và Tống gia Liêm bị trói vào một cái cột gỗ. Người trưởng toán hành hình bước ra trước đám đông đọc bản án xử tử hình vì tội họ đã tố giác ông Đội Cung là người cầm đầu một toán lính khố xanh nổi loạn chống Tây. Khiến ông này bị thực dân Pháp bắt đem giết. Đọc xong bản án, người này lùi sang bên. Rồi một tiếng hô “bắn” vang lên. Đó là lần đầu tiên tôi thấy hai người bị bắn chết, gục đầu khụy xuống, máu đỏ ở ngực trào ra ướt bộ quần áo trắng, sau những tiếng súng nổ lốp đốp. Về nhà, tôi bị mẹ đóng cửa, không cho vào, bắt chờ ở ngoài để “đốt vía”, Mẹ tôi đem chiếc chổi xuể long hao ( hay song hao hay ?) đốt cho cháy bốc mùi thơm thơm ra quơ chung quanh người tôi, rồi để xuống đất bắt tôi bước qua trước khi cho vào nhà. Ít lâu sau, tôi được đưa đi xem khánh thành cái mộ ông đội Cung được xây bằng đá granito đen thật đẹp ở ngay ngoài cửa Hữu thành Vinh.
Rồi, có lẽ là vào dịp tết, tôi lần đầu tiên được xem nhạc hội. Những thanh thiếu nữ mặc áo dài múa trên sân khấu chỉ cho tôi cảm giác là lạ. Nhưng mà đáng chú ý nhất là một nhạc cảnh diễn tả cảnh những người dân bị cùm xích vùng lên chống lại thực dân Tây. Trong ánh đuốc bập bùng trên sân khấu, tôi được nghe bài hát vô cùng cảm khái, đại khái như sau
“Sống tranh đấu mà không sờn lao khổ
Chết huy hoàng mà không khuất phục ai
Anh có nghe tiếng súng rền vang nổ
Hãy mỉm cười mà tin chắc ở ngày mai
Giở lịch sử mấy ngàn năm xưa cũ
Bao anh hùng bỏ mạng cứu non sông
Lửa thiêng cháy máu thiêng sôi bất diệt
Cách mạng thành hạnh phúc muôn ngàn năm
Tôi cũng còn nhớ rằng có vài lần đã cùng với những nhi đồng khác được đưa ra sân nhà ga Vinh để tiễn đưa những người thanh niên miền Bắc vào Nam đánh giặc Pháp. Có những người phụ nữ đem các khăn mù xoa trắng xinh xinh ra tặng những người ra đi. Tôi được đọc những khẩu hiệu như Độc lâp hay là chết, Đả đảo thực dân Pháp…Và rồi chính sách “tiêu thổ kháng chiến” được thi hành, nhà nọ đục tường thông sang nhà kia v..v..
**
Mùa thu năm 1947, sau khi mẹ tôi ốm chết, Tây về làng càn quét. Cái nhà gỗ lim năm gian của ông nội tôi bị đốt cháy. Con lợn nái chết cháy trong chuồng. Gạo để trong chiếc hòm chân thành than, lúa chứa trong hai chiếc chum chôn dấu dưới nền đất cũng khét không thể ăn được. Cây chuối có một buồng để dành đem bán bị cháy. Tôi xót xa tiếc những quả chuối nẫn nần, nhưng nhớ bữa cơm ngon vô tả với chuối xanh sào bằng mỡ nạo vét đâu đó từ con lợn chết cháy. Không còn gì để sống. Không còn chỗ để ở. Nấn ná tạm trú ít lâu trong nhà một bà cô ở làng bên thì ông nội tôi, bố tôi và ba anh em tôi phải chạy về tề (ở Hà nội). Lại vào đêm rằm tháng tám! Tôi biết như thế vì trong khi ngồi dưới thuyền ban tối bỏ làng ra đi, lúc tới phủ Lý nhân thì tôi được nghe thấy tiếng trống múa sư tử và loáng thoáng đèn trung thu trẻ con rước trên bờ!
Ra đến Hà nội khi vào lóp đệ thất, bắt đầu học giảng văn thì một đoạn trong bài thuộc lòng mà tôi nhớ tới bây giờ là trích ra từ một cuốn sách của Thanh Tịnh, cũng về mùa thu:
“Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nẩy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng… Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”. (Thanh Tịnh).
Học thuộc lòng thì nhiều, nhưng tôi chỉ nhớ bài này vì ngôn từ âm điệu nhẹ nhàng và hình ảnh dễ thương. Cá nhân tôi, lúc bắt đầu đi học thì nhà ở phố Cửa Trường Nam Định, trường học chỉ cách nhà có chừng mươi căn, ở ngay bên kia đường. Tôi nhút nhát, và sợ đi học. Cho nên mẹ tôi phải kéo tôi đi đến trường và giao cho cô giáo rồi đi về cho mau, không muốn nghe tôi khóc.
Hình ảnh mùa thu này lại tìm thấy vài năm sau qua bài giảng văn tiếng Pháp của Anatole France mà tôi cũng nhớ đoạn văn tiếng Pháp mà nếu dịch ra tiếng Việt thì nghĩa là “ Tôi sẽ kể cho bạn điều mà tôi nhớ lại hàng năm dưới bầu trời sao động mùa thu và những lá trở vàng trong những cái cây run rẩy. Điều mà tôi thấy lúc đó là một cậu bé tay đút túi, lưng mang cặp sách, nhẩy như con chim sẻ đi đến trường”… Cũng mùa thu, tôi đã đến Pháp sau khi du học xong ở Mỹ về, để được người bạn thân cùng lớp trung học Chu văn An đưa đi xem Paris, với tháp Eiffel, vườn Lục Xâm Bảo, khu chợ bán sỉ Les Halles, nay là thư viện Pompidoux, ăn món soupe hành tây truyền thống bình dân vào buổi khuya gần sáng trong đám những người buôn sỉ và chuyển hàng cần có chút gì dằn bụng ấm lòng trước khi đi ngủ sau một ngày dài.
Tôi đã có giấy tờ đi du học vào mùa thu, nhờ sự giúp đỡ hiệu quả không ngờ, không chờ đợi và không một chút tốn kém, của một người không quen biết trực tiếp, khi mọi cuộc xuất ngoại du học bị hủy bỏ và tất cả đều phải chịu lệnh tổng động viên để chống lại cuộc tấn công Mậu Thân đợt hai của những quân Hà nội còn sống sót, không có đường rút đi đâu mà cũng không thể lẩn khuất sống kéo dài vô vọng. Chuyến du học này đã sửa soạn điều kiện cho tôi thích ứng nhanh chóng với đời sống tạm dung sau khi vượt biển sống sót cũng vào mùa thu mùa bão. Gia đình tôi đã may mắn lên đảo Pag Asa (Hy Vọng) trong quần đảo Trường Sa do hải quân Phi chiếm đóng, trong khi một thuyền vượt biển khác ghé vào cái đảo kế cận do bộ đội VC trấn giữ cùng hôm đó đã bị sả súng bắn bể nát, chết hết, trừ một thiếu niên ôm mảnh ván thuyền trôi vật vờ, được hải quân Phi cứu và mấy người lính Phi luật tân trên Pag Asa kể lại cho tôi nghe ngày hôm sau.
**
Những chuyện quan trọng đáng chú ý với tôi đều xẩy ra vào mùa thu, còn dài kể không hết. Nhưng một chuyện mùa thu đáng nói nhất là buổi thảo luận với đề đốc Hoàng Cơ Minh vào mùa thu năm 1981. Vì nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của tôi từ khi định cư ở Mỹ tới nay. Buổi nói chuyện đầu tiên giữa ông Minh và tôi là sau khi ông về Chicago diễn thuyết trong dịp 30 tháng 4/1981 do cộng đồng tổ chức với chủ đề “30 tháng 4 nghĩ gì làm gì”, khác với những than van quốc hận, ở trường đại học cộng đồng Truman, với hội trường 500 ghế kể như kín hết chỗ ngồi. Sau buổi hội, tôi đã mời ông Minh, cùng vài chiến hữu đi theo ông và các sinh viên trong ban tổ chức về nhà tôi ăn phở nhà nấu. Xong bữa, mọi người giải tán, ông Minh và tôi còn ngồi trao đổi chuyện đất nước và ông giới thiệu với tôi báo Cờ Vàng của Lực lượng Quân Dân mà ông ở trong đó. Ông không trực tiếp mời tôi gia nhập nhưng tôi hiểu ý ông. Tôi chỉ ngỏ ý với ông là “để xem”, vì vốn dĩ tôi không muốn ở trong một đảng phái chính trị nào, tuy đã có nhiều người trước ông mời tham dự. Sau đó, ông tiếp tục gửi cho tôi báo Cờ Vàng. Một thời gian sau, chừng cuối thu, tôi nhận được điện thoại của ông. Thời đó điện thoại viễn liên đắt lắm chứ không như bây giờ. Ông nói ông muốn gặp tôi nói chuyện ở nhà ông, tại Virginia. Vì lúc đó tôi đang thực tập ở khu giải phẫu tim và lồng ngực, đại học Northwestern University, rất mệt, cứ một ngày trực một ngày không trực, cho nên tôi nói để chậm lại, qua hết thời gian thực tập này. Ông im lặng giây lâu rồi nói nếu mà không gặp tôi được thì để dịp khác, nhưng chắc là sẽ hơi lâu. Nghe thế, tôi sinh tò mò và nghĩ là chắc có điều quan trọng cho nên tôi trả lời sẽ cố gắng thu xếp. Tôi đã bay đến Washington DC vào một buổi trưa chủ nhật. Ông đón tôi ở phi trường bằng chiếc xe Volkswagen lấm bẩn nhiều vết sơn và thùng xe đàng sau còn có chứa đồ nghề sơn nhà. Tôi không ngạc nhiên vì ông Phạm Văn Liểu đã nói cho tôi nghe trước đó rằng ông Minh làm nghề sơn nhà kiếm sống, thì giờ rảnh thì lái xe đi khắp nước Mỹ tiếp xúc vận dụng những người được kể là “có lòng”. Ông cho tôi biết rằng ông đang sửa soạn sangThái lan để thành lập khu chiến tìm đường về Việt Nam chống VC. Chúng tôi thảo luận về tình hình Việt Nam, về cái tâm lý lúc đó cho rằng một khi Cộng sản đã thắng thì không thể nào đảo ngược.Rồi về vấn đề phương tiện, phương pháp. Suốt cả buổi chiều, đến tối khuya. Tôi không ngờ rằng ông có rất nhiều suy nghĩ giống như tôi. Là lấy sức mình làm căn bản đấu tranh chống Việt Cộng. Thế giới có chính sách về Việt nam vì nhu cầu của thế giới. Mình lo chuyện VN cho người mình, dân tộc mình. Không sức đâu mà lo chuyện chống Cộng cho cả thế giới, vì thế giới, như suy nghĩ ở khá đông người lúc đó, và ngay cả bây giờ. Với tình hình dân chúng thù ghét VC, vai trò lực lượng võ trang kháng chiến chủ yếu là vận dụng đồng bào, xây dựng hạ tầng cơ sở, để khơi mào và yểm trợ các hoạt động đấu tranh, tiến tới tổng nổi dậy. Tóm tắt thì cuộc đấu tranh bản chất là một cuộc đấu tranh cán bộ. Không phải là một cuộc chiến tranh quân sự quy ước với môt đạo quân nhà nghề. Bởi một tiểu đội lính chỉ canh được một cây cầu, Một tổ cán bộ ảnh hưởng được cả xã, hay hơn. Do đó việc tuyển chọn người hải ngoại về kháng chiến có tiêu chuẩn rất cao. Có kẻ hiếu động không được tuyển chọn sau đã trở thành thù nghịch MT. Có kẻ gia nhập ban đầu nhưng lui ra ngay khi không thấy có viện trợ võ khi đạn dược như tưởng tượng, rồi nói xấu “kháng chiến bịp, kháng chiến ma” để biện minh cho sự thụt lại của mình.
Trong khi hai chúng tôi nói chuyện, hai cháu bé con trai ông Minh thỉnh thoảng lại chạy ra hỏi bố có mang cái này đi cái kia đi hay không. Thì ra là ông đang thu xếp dọn cho gia đình về Fresno, California, trước khi ông đi xây dựng khu chiến. Tôi không tiện hỏi những người và tổ chức nào cùng làm việc với ông, vì dù sao thì tôi cũng còn là người ngoài. Và tôi dư kinh nghiệm nói chuyện với nhiều nhân vật hoạt động chính trị trước ông để biết rằng dù có hỏi thì câu trả lời rất có thể là khoa đại, hay là nói dối. Nhưng tôi đã hứa với ông là nếu ông làm thực, thì tôi sẽ đóng góp hết sức minh có thể. Tự đáy lòng, tôi chỉ muốn đóng góp phần mình, không muốn biết gì hơn những nguyên tắc đấu tranh mà chúng tôi đồng ý với nhau. Trước khi chia tay, tôi đã nhận lời ông phụ với cụ Phạm Ngọc Lũy xây dựng Phong trào Yểm trợ kháng chiến. Về Chicago, nói chuyện lại với các bác sĩ đang thực tập ở đó mà tôi quen biết, đại đa số đều sẵn sàng đóng góp hàng tháng. Cho tới khi học xong thì đi về California hay tản mác các nơi khác hành nghề, chẳng còn mấy ai ở lại. Tôi cũng nỗ lực phát huy tình thần cán bộ trong các đoàn viên Mặt Trận, qua sinh hoạt cơ sở và qua cuộc sống thực tế. Các đoàn viên đã đối xử thân gần với nhau như là ruột thịt. Chưa từng biết nhau mà khi gặp lần đầu đã có thể vô cùng thân thiết. Người lãnh đạo là người bỏ thì giờ, và công sức nhiều cho việc chung, chứ không phải là người có cấp chức cao ngày trước VNCH. Nguyên tắc này đã tạo sức mạnh cho tổ chức, với tinh thần kỷ luật tự giác chấp hành mệnh lệnh, nhưng cũng khiến tạo ra những phản ứng tiêu cực nơi các bậc “đạo cao đức trọng quá khứ”, đối với tổ chức. Do đó ông Phạm Văn Liễu đã phải thành lập K9 (khu bộ đặc biệt để dành cho những người “thế giá”, không muốn sinh hoạt chung với “đoàn viên thường”, chỉ sinh hoạt với ông Liễu và với nhau khi có dịp). Những người được mời vào K9 sau vụ ông Liễu ra khỏi Mặt Trận đã nín thinh vì là bạn bè ông Liễu, và cũng vì nghĩ rằng khi ông Liễu đi ra thì MT tan. Về sau này K9 đã bị xuyên tạc là nhóm đặc biệt, hoạt động bạo lực. Chẳng ai trong những người này lên tiếng, (có lẽ là để giữ thể diện hay để tránh phiền hà vì là đoàn viên thế giá "ẩn tế", mà ý nghĩa là “giữ chỗ”, trong một tổ chức họ chưa tin tưởng lắm nhưng hy vọng thành công, và kể là đã tan sau Nam Lào)
Nghe tôi tham dự đóng góp cho MT, có vài người quen biết từ Việt Nam đã nói với tôi rằng coi chừng kẻo bị người ta lợi dụng tên tuổi. Tôi thầm cám ơn lòng tốt của mấy người bạn này, nhưng vẫn tiếp tục chọn lựa của mình. Vì trong lòng, tôi nghĩ tên tuổi địa vị của mình nếu có chút đỉnh, thì đã chấm dứt cùng với sự sụp đổ VNCH, và với quyết định bỏ nước ra đi, làm lại cuộc đời tất cả từ đầu. Cho nên tự nhủ rằng nếu có ai mà dùng đến “tên tuổi’ của mình được để “kiếm sống” thì cứ tự nhiên. Những người bạn này có người còn sống, làm việc “kiến tha lâu đầy tổ” để có cuộc đời phong lưu bây giờ, nhưng vẫn sống lúi xùi trong cái hào quang một thời VNCH.
Khi mùa hè 1987 tướng Minh ra hải ngoại thông báo cho ban chấp hành Tổng vụ hải ngoại ý kiến là sẽ về hẳn Việt Nam, mọi người đều tỏ ý lo ngại và ngăn cản. Lý do đơn giản là nếu xẩy ra chuyện bất trắc cho người lãnh đạo như ông thì không biết tổ chức sẽ ra sao. Đã không có câu trả lời nào thỏa đáng. Ông cho biết rằng đường về VN rất nguy hiểm (ông đã từng dò xét điều tra kỹ lưỡng): “Có ra trở lại được rồi mới biết là sống” (nguyên văn câu nói của ông tôi còn nhớ). Nhưng ông Minh nhất quyết không đổi ý, và cho biết ông sẽ ra đi vào lúc thuận tiện. Bởi vì chính ông mà không đi thì không thể nào đẩy cuộc kháng chiến lên mức cao hơn. Ông cũng nói rằng chuyến này về thì ông sẽ không liên lạc ra ngoài như trước nữa. Nghĩa là im lặng vô tuyến một thời gian rất dài. Và tin tức về ông nếu có, rất có thể là từ những nguồn ngoại giao hay quốc tế. Tôi hiểu rằng ông không tin khả năng bảo mật của hệ thống thông tin cơ hữu. Cho nên im lặng tuyệt đối là an toàn hơn cả.
Sau đó là chuyện Nam Lào xẩy ra, tháng tám, mùa thu 1987 cho ông Minh và các chiến hữu Đông tiến. Tôi không nhắc lại ở đây thêm chi tiết, để mà tranh cãi với những kẻ đứng ngoài từ xa hiểu biết mọi sự trong tưởng tượng hay qua kính mầu đen của mình. Chỉ nói một điều rằng, giữa những chiến hữu yêu nước Đông tiến đáng nể phục, ngoài ông Minh là người kiệt hiệt, chiến hữu Ngô chí Dũng là người trẻ, ở lại giữ chiến khu đúng là bậc anh hào. Ông đã không nghe những khuyên nhủ đề nghị ông trở ra hải ngoại, để “bầy keo khác” - mà nhất quyết ở lại giữ “nhà” với đài Việt Nam kháng chiến, dù không còn bao nhiêu nhân số sau Đông Tiến II. Cho tới khi bị bắt đem đi mất tích.
**
Sự ra đi của các chiến hữu tiên phong Mặt Trận quả thật là quá mau, quá sớm. Nhưng ở đời dù sớm hay muộn thì ai cũng phải ra đi. Mặt Trận không rã đám sau Hạ Lào như chúng tôi đã lo ngại khi nghe ông Minh quyết định về Việt Nam. Cho nên, sau Đông Tiến I là còn Đông Tiến II. Những sinh hoạt đa dạng đa diện của MT ở hải ngoại sau Hạ Lào vẫn tiếp tục Tâm thức chống áp bức Cộng sản ở hải ngoại vẫn còn . Bởi lý tưởng vì dân tộc vẫn còn. Tinh thần đấu tranh “lấy sức mình làm chính” không mất. Cho tới khi…chính những người thân cận nhất với tướng Minh biến tâm, mệt mỏi: Lấy sự ủng hộ người ngoài là chủ yếu, chuyển sang đấu tranh chính trị “bất bạo động”, “tiếp cận để thay đổi”, nghĩa là nhai lại đường lối ngoại quốc để tranh thủ sự ủng hộ của ngoại quốc. Do đó, sợ và dấu hai chữ Mặt Trận, tránh tên Hoàng Cơ Minh… Những người này không biết rằng khi người ta đưa mình lên được thì người ta bỏ mình xuống được. Nói khác đi là từ vị thế chủ động, dù yếu, đi vào vị trí công cụ cho ngoại quốc xử dụng làm ăn trả giá với VC, xâu xé đất nước.
Nhìn những mùa thu đi, thằng bé nhút nhát là tôi thuở nào không thấy chiều tím loang vỉa hè, không thấy sầu dâng mắt biếc, chẳng thấy mộng tàn phai. Chỉ nhớ những hình ảnh sách vở dễ thương của buổi đầu đi học. Nhớ cái nghèo không lấy gì làm khổ và bị lôi kéo bởi những mẫu mực anh hùng hào sảng hy sinh cho nhân phẩm, cho độc lập tự do dân tộc. Nhưng không khỏi có niềm cay đắng vì kẻ đốt nhà mình đốt làng mình lại cũng là kẻ khiến cho mình có cơ hội mở mắt. Kẻ xông lên hứa hẹn vinh quang dân tộc, lại là kẻ bán nước hại dân. Cho tới tận nay.
Chợt nghĩ đến bài thơ của Vương Ngư Dương vịnh Liêu Trai chí dị tức là “Truyện lạ phòng tạm sơ sài” do Bồ Tùng Linh viết.
“Nói một mình, nghe một mình
Mưa rơi như tơ trên giàn đậu, giá dưa
Chuyện đời chán ngấy không muốn nói nữa
Thích nghe quỷ ngâm thơ dưới mồ thu”
Nguyên văn như sau:
Cô vọng ngôn chi cô thính chi,
Đậu bằng qua giá vũ như ti.
Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
Ái thính thu phần quỷ xướng thi.
Đó là chuyện đời xưa ở bên Tầu của những kẻ thấy bất lực và cô độc, Không có may mắn như những người thời nay ở Việt Nam được nghe cô gái trẻ tuổi Trần Lý chống dự luật 3 đặc khu bán nước Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc nói công khai: "Nếu mình bị bắt thì các bạn hãy thay mình tiếp tục truyền thông cho người dân thức tỉnh." Và họ cũng không biết rằng không chỉ có một mình cô gái trẻ tuổi Trần Lý.
Trần Xuân Ninh
(Tháng 8/2018)