Những ngày nghỉ nhân dịp lễ Tạ Ơn trên đất nước Mỹ đã trôi qua bình lặng, bình lặng như sau cơn mưa giông ngày hôm qua, ngày hôm nay ánh mặt trời đã trở lại. Con đường phủ đầy lá vàng hôm qua sũng ướt nước mưa với những chiếc lá nằm sát ép vào nhau run rẩy trong cơn gió lạnh, hôm nay đã khô ráo, những chiếc lá vàng bay là đà trên mặt đường theo mỗi bước chân rảo tới của những khách bộ hành. Trong cái tâm trạng phức tạp và cảm nhận lẫn lộn của một ngày như mọi ngày, rảo bước theo hai chú chó nhỏ đang chạy chơi vui đùa dưới ánh nắng mặt trời, lòng tôi bỗng thấy bâng khuâng về cuộc đời. Nghĩ về những biến cố xẩy ra gần đây tại California với số phận khổ đau của những nạn nhân do thảm họa cháy rừng khiến chỉ trong phút chốc mà đã bị mất đi tất cả, tài sản và người thân. Nghĩ về trên thế giới những nơi có những ai đó đang khóc than vì những thảm họa thiên tai hay nhân tai đột nhiên xẩy đến cho cuộc đời mình và gia đình. Nhân tai thì có tai nạn, bịnh tật, chiến tranh, hay do sự độc ác hoặc hận thù giữa con người. Thiên tai thì có các nguyên nhân như động đất, mưa giông, bão lụt, băng tuyết hay cháy rừng do cây quá khô vì thời tiết lại gặp phải gió mạnh.
Trong giòng suy nghĩ mênh mang trên bước chân về nhà một ngày buổi chiều tới sớm, tôi chợt thấy trên đường có vài chiếc xe hơi chạy ngang. Trên những mui xe là những cây thông được cột chặt xuống để khỏi bị rơi. Những cây thông chắc chắn, mạnh mẽ với sức sống tươi xanh của nó, hẳn sẽ mang đến cho một khuỷnh không gian mùa Đông đâu đó sự ấm áp thanh bình của một ngày lễ Giáng Sinh đang rảo bước tới, bất kể những nỗi buồn phiền, đau khổ của nhân gian chung quanh.
Trong nỗi đau đó của nhân gian, tôi chợt thấy trở lại hình ảnh của một em bé gái với ánh mắt ngây thơ và nụ cười thiên thần trên một vùng đất chiến tranh trên thế giới, mà tôi đoán có lẽ là một vùng đất nước thuộc Trung Đông, trong một clip video được đưa lên Facebook. Giữa nét thiên thần hồn nhiên của em đã lóe hiện một nỗi đau thương, khi được người phỏng vấn hỏi rằng trong ngày từ sáng, trưa, đến chiều, em đã có một bữa ăn hay chưa? Cô bé vẫn mỉm cười, không trả lời, nhưng nụ cười của em như dần méo đi. Em cúi xuống, bàn tay nhỏ đưa lên che nghiêng khuôn mặt, có lẽ để dấu đi giòng nước mắt. Phản ứng của em đã khiến người xem phải xúc động.
Nỗi đau của cô bé trên vùng đất chiến tranh Trung Đông mà cha mẹ đã chết khiến tuổi thơ của em không còn trọn vẹn, có lẽ cũng tương tự như nỗi đau của những trẻ thơ trên các miền đất nước Việt Nam. Tôi đã thấy những em nhỏ quần áo phong phanh đu giây qua sông rạch hay bì bõm thản nhiên lội đường ngập lụt rác rưởi để đến trường. Và những bé gái sáu bẩy tuổi được dậy dỗ thành thạo cách chiều lòng các khách chơi có chứng ấu dâm. Không có mấy ai hỏi vì đâu nên nỗi? ngoại trừ những chất vấn về những chuyện tham nhũng thối nát trấn áp lạm quyền, và những lời hứa hẹn giải quyết của những bộ mặt hồng hào bóng nhẫy, mà tin tưởng rằng tương lai không xa Việt Nam sẽ bắt kịp và vượt xa Hồng Kông với Singapore?
Trong ý tưởng lại nhớ về clip video cách đây mấy năm phỏng vấn một em bé trai mười tuổi đứng trong đám người tị nạn Trung đông hoang mang chờ rào cản bỏ đi để vào một nước lạ tạm dung Âu châu. Trả lời câu hỏi của một phóng viên truyền hình là em muốn gì? Đơn giản em nói “Muốn chiến tranh chấm dứt để trở về nhà”.
Những nỗi đau nhân loại đó đã xẩy ra hàng ngày trên thế giới, trên những vùng đất nước nghèo, người dân đau khổ triền miên bởi lạc hâu và chiến tranh, do độc tài, tham nhũng, do đầu óc nô lệ của người dân, bên sự bất chấp dửng dưng của đồng loại, của guồng máy chính quyền và các nhà lãnh đạo chính trị. Trong những đất nước ổn định phồn thịnh văn minh, khổ nạn cũng không hẳn không có vì sự mâu thuẫn tự nhiên giữa người với người để giành phần hơn, nhưng ít nhiều được giới hạn nhờ cái ý thức: mình tự do sống và để cho người khác cùng sống.
Những hiểu biết và áp dụng khoa học kỹ thuật ngày nay đã thu nhỏ không gian lại. Người ta ở cách nhau nửa vòng trái đất có thể trao đổi liên lạc với nhau dễ dàng. Người ngồi trước máy điện toán ở Denver Colorado có thể điều động một cuộc hành quân ở Bắc Phi, Trung Đông. Khổ nạn do con người gây ra đúng là chỉ con người có thể giải quyết. Nhưng thực tế rất là giới hạn vì sự mâu thuẫn tự nhiên gắn liền với bản năng sinh tồn “vì ta trước hết” của mỗi cá nhân, mà các bậc giáo chủ kêu gọi làm lành lánh dữ, yêu người thương người từ ngàn xưa, nhưng không mấy hiệu quả.
Nhìn quanh, người Mỹ với những sắc dân đa chủng tới lục địa Bắc Mỹ bao la với một mục đích là xây dựng cuộc sống mới theo ý mình, ngoài chuyện đối phó với thiên nhiên, đã đi tới những cuộc tranh chấp hỗn tạp, mà kết quả định đoạt bởi nguyên tắc mạnh được yếu thua, nhưng sau chót đã tìm ra được cách để phát triển phồn vinh. Cái cách này ngày nay được tóm lại bằng hai chữ “win-win” (hai bên cùng thắng) trong cuộc sống hàng ngày. Nói khác đi, hai bên cùng lợi, chứ không chỉ có lợi một bên, mà rút lại là biết “sống và để cho người khác sống”. Sự quân bình này nghĩ cho kỹ đã được chỉ ra từ thời đức Phật, là con đường Trung Đạo, nhưng không phải là của đức Phật, mà chỉ là nguyên tắc vận hành của cả con người và vũ trụ để có ổn định. Mong rằng mọi người hiểu được điều đơn giản này, để cuộc sống tự nhiên thích ứng với mùa xuân nhú mầm, mùa hạ hoa nở, mùa thu lá bay, mùa đông tĩnh lặng nghỉ ngơi.
Tiếng còi lớn của đoàn xe lửa băng qua phố làm cắt đứt giòng suy nghĩ lan man của một ngày cuối thu. Trong tôi chợt dâng lên một niềm sống mạnh mẽ trong sự bình an khó tả.
Tuệ Vân
Cuối tháng 11 năm 2018