Trong Hội nghị giảm bớt võ khí do Liên Hiệp quốc bảo trợ tổ chức ở Geneva, ngày thứ ba 22 tháng 8, đại diện Mỹ ông Robert Wood tuyên bố rằng ưu tiên hàng đầu của tổng thống Trump là bảo vệ Mỹ và các đồng minh chống lại “mối đe dọa gia tăng” của Bắc Hàn. Và Hoa kỳ sẵn sàng xử dụng “toàn bộ khả năng hiện có” trong việc này. Tuy nhiên “con đường đối thoại vẫn mở” cho Bình Nhưỡng, mà chọn lựa là “giữa nghèo đói và ngoan cố” với “thịnh vượng và chấp nhận”. Cũng trong hội nghị trên, đại diện Bắc Hàn đã nói rằngvõ khí hạt nhân để tự vệ của Bắc Hàn sẽ không bao giờ được đem ra điều đình, và tố cáo “Hoa kỳ xâm lược”. Nguyên văn như sau “Những biện pháp của Cộng hòa Dân chù Nhân dân Triều tiên để tăng cường võ khí hạt nhân phòng thủ và phát triển hỏa tiễn liên lục địa là chính đáng và là chọn lực hợp pháp để tự vệ trước những đe dọa biểu kiến và thực sự” mà Ju Yong Chol người đại diện Bắc Hàn gọi là “những đe dọa hạt nhân thường trực” từ Mỹ.
Đối với một người dân bình thường một nước tiểu nhược Á Phi không biết Hoa kỳ và Bắc Hàn ở đâu, thì rõ ràng tuyên bố của Hoa kỳ gần như là một tối hậu thư, còn phát biểu của Bắc Hàn kể như là một trả lời thẳng thừng cứng rắn. Đối với người dân HK trung bình hay một người trong vòng ảnh hưởng Hoa kỳ thì không thể không nghĩ Bắc Hàn là hiếu chiến, vi phạm nguyên tắc giới hạn võ khí nguyên tử của LHQ, cần phải trừng phạt. Còn đối với người dân Bắc Hàn, thì dĩ nhiên HK là đế quốc xâm lăng. Những quan điểm này đều đúng với từng phía.
Trước hết, tại sao lại có nguyên tắc giới hạn võ khí hạt nhân? Một cách thật vắn tắt thì vì: 1/ sức tàn phá rộng lớn khủng khiếp, 2/chi phí tốn kém vô cùng lớn của sự sản xuất và cải thiện các võ khí này 3/ cũng như số dự trữ các võ khí này đã dư đủ tàn phá cả thế giới, mà các nước có bom nguyên tử đối nghịch (Mỹ và đồng minh một bên, Nga, Tầu bên kia), đã quyết định không gia tăng sản xuất để xử dụng phương tiện kinh tế cho chuyện kinh tế xã hội. Ngoài ra, cũng là tránh không cho các nước khác có võ khí hạt nhân để dùng làm phương tiện đối đầu chính trị với các đại cường. Có vài trường hợp biệt lệ. Là Do Thái tuy là nước nhỏ ở Trung Đông, nhưng vì có điều kiện khống chế chính quyền Mỹ nên đã được Hoa kỳ im lìm hỗ trợ cho sản xuất võ khí hạt nhân. Hai trường hợp ngoại lệ khác là Pakistan và Ấn độ, là hai nước lớn, tuy nghèo nói chung, nhưng do vị trí chính trị kinh tế đặc thù trong cũng như sau chiến tranh lạnh, và có khả năng khoa học kỹ thuật. Do đó đã trở thành hai nước có võ khí hạt nhân, nhưng được Hoa kỳ chấp nhận. Iran là một nước đặc biệt khác. Iran đã trở thành một nước Hồi giáo thù nghịch với Hoa kỳ và Do Thái vì cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 lật đổ chế độ vua Shah thân Mỹ. Iran đã tồn tại sau cuộc chiến kéo dài 8 năm với Iraq do Saddam Hussein mở ra do sự thúc đẩy và hỗ trợ của Hoa Ký và Do Thái. Để trở thành một nước ổn định và phát triển trong vùng, mặc dầu tình trạng cấm vận và bao vây kinh tế của Hoa Kỳ và Tây phương. Kế hoạch chế tạo võ khí hạt nhân của Iran đã phải ngưng lại vì sự quyết liệt chống đối của Do Thái và Hoa kỳ. Nhưng để đổi lại thì Hoa kỳ và các nước Tây phương đã phải ký hiệp ước với Iran chấm dứt bao vây kinh tế. Chưa biết diễn biến sẽ ra sao, sau khi ông Trump phải ký luật do lưỡng viện quốc hội mới thông qua với đa số tuyệt đại về chính sách ngoại giao, đề ra những biện pháp cấm vận mới đối với Nga và Iran.
Nhìn toàn cảnh vấn đề như thế, khách quan mà xét thì có thể thấy rằng chuyện cấm sản xuất võ khí hạt nhân là do các cường quốc có võ khí hạt nhân đề ra. Để mà thực chất là giữ độc quyền có các võ khí đó cho mình. Và độc quyền tự coi mình là có quyền xử dụng võ khí đó để tấn công hay để tự vệ một cách không bị thách đố. Nghĩa là độc quyền bảo vệ tư thế và lập trường chính trị kinh tế của mình. Đứng về phía người dân của các nước này thì đó là lập trường rất đúng. Nhưng đứng về phía những nước nhỏ hơn bị trấn áp, không có võ khí hạt nhân để mà dùng sức mạnh tàn phá của nó làm phương tiện răn đe chống các áp lực vô lối, thì khó thể nào đồng ý.
Đó là lý do tại sao người Mỹ và theo Mỹ thì ủng hộ cấm sản xuất võ khí hạt nhân của Bắc Hàn và về phía người Bắc Hàn coi Mỹ là kẻ xâm lăng thì khó có thể chấp nhận cái lý phải này.
Quay sang một vấn đề thứ hai, là liệu Kim Chính Ân có sẽ xử dụng võ khí hạt nhân để mà mở cuộc chiến đánh Mỹ hay không? Nhiều phần là không, bởi vì Kim không phải là kẻ vô học, kẻ không biết sức mạnh tàn phá ghê gớm của võ khí nguyên tử, Bắc Hàn không phải là một nước rộng lớn như Trung quốc với dân số trên 1 tỉ 300 triệu người để mà có thể như Mao Trạch Đông tuyên bố có thể hi sinh hay hơn nếu cần để tiêu diệt Mỹ. Bắc Hàn chỉ hung hăng trên đầu môi chót lưỡi do nhu cầu chính trị củng cố sự trung thành nội bộ. Và trong một phần nào đó, đóng vai trò một đàn em cứng đầu cho đàn anh lớn Trung quốc.
Đã không có chiến tranh xẩy ra giữa Mỹ và Bắc Hàn, dù rằng Mỹ đã bất chấp cảnh báo của Bắc Hàn, cứ tiếp tục cho tiến hành cuộc tập trận hàng năm 10 ngày với Nam Hàn. Dĩ nhiên các tướng lãnh Mỹ cũng cẩn thận nói rõ và nhắc đi nhắc lại ý tưởng Mỹ không gây chiến như Bắc Hàn la hoảng, là số quân tham dự giảm đi chỉ còn 17,000 thay vì như 25,000 trong quá khứ và chỉ là một cuộc thực tập giả tưởng, điều động từ trên các máy điện toán. Ngoại trưởng Mỹ Tillerson nhân tình trạng này đã có dịp đóng vai anh lớn khen Bắc Hàn tự chế.
Dù sao thì những tin tức quanh chuyện thử hỏa tiễn liên lục địa của Bắc Hàn, chuyện tập trận chung Hoa kỳ và Nam Hàn, chuyện lời qua tiếng lại dữ dội, hung hăng của Kim Chính Ân và của Donald Trump, cũng làm cho một số người đỡ nhàm chán với những hình ảnh bạo lực hay tình dục giả tưởng 24/24 trên truyền thông và mạng điện tử thế giới.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 22 tháng 8/2017)