1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào TV, chào ĐT, chào KV. Trong vòng 3 tuần lễ sau ngày nhậm chức, tổng thống Donald Trump đã nhanh chóng ký một số sắc lệnh, thi hành những hứa hẹn và chủ trương khi tranh cử. Do đó đã gây một số phản ứng chống đối ở những thành phần khác nhau. Đứng về phía đối ngoại thì ông Trump cũng không có nhiều may mắn lắm. Quan điểm đối với khối Liên Âu của ông Trump không được hoan nghênh, và tổng thống Pháp Hollande tại hội nghị thương đỉnh Liên Âu đã nói thẳng rằng Liên Âu không cần ông Trump chỉ bảo, và ông Trump hãy lo chuyện nước Mỹ đi. Ông Trump đã cảnh báo Iran vì nước này mới phóng một hỏa tiễn liên lục địa, và bộ Ngân khố Mỹ đã ra một số biện pháp chế tài đối với một số nhân vật và tổ chức Iran. Nhưng Iran đã trả lời rằng Iran không sợ bất cứ một đe dọa nào. Một nhân vật cao cấp phụ tá cho giáo chủ tối cao Khamenei đã đập thẳng ông Trump khi nói rằng Iran không ngại gì đe dọa của một người không có kinh nghiệm - ám chỉ ông Trump -. Nhiều người cho rằng đối với một người nhậy cảm với những chỉ trích cá nhân như ông Trump thì cú đập cá nhân này sẽ tạp phản ứng của ông Trump thất lợi cho Iran. Chúng ta hãy chờ xem, nhưng chính trường quốc tế không phải là thương trường xã hội Mỹ, để mà ông Trump có thể thi thố chiêu thức tùy tiện. Về phía đảng Dân chủ thì cũng không có gì khá. Vì đã không tụ họp lại để chống Trump, mà đã lâm vào tình trạng đấu đá để giành vai trò lãnh đạo, sau trận thất bại đau đớn trước Trump. Bởi vì thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã công kích cựu phó tổng thống Biden ủng hộ Tom Perez làm chủ tịch đảng Dân chủ trong khi Bernia ủng hộ một người khác, là Keith Ellison. Đại khái đó là một vài vấn đề chúng ta sẽ thảo luận. Nhưng mà dĩ nhiên là các quý bạn có thể góp thêm đề tài thảo luận cho ngày hôm nay, tùy ý.
2/ĐT. ĐT xin kính chào tái ngộ quý vị thính giả. Xin kính chào BS Ninh. Thân ái chào TV và KV. Thưa các vị, Tết Đinh Dậu năm nay, trong nướccó 2 chuyện đăc biệt là vào trung tuần tháng chạp, Thủ tướng chính phủ đã ra thông báo, khuyến cáo các ban ngành nên bãi bỏ chuyện "chúc tết xếp", và đặc biệt cấm chỉ việc "biếu quà xếp". Chắc là chính quyền Hà Nội đã nhìn ra những chuyện tham nhũng, hối lộ, chạy án, chạy việc, mua quan bán chức, đền ơn đáp nghĩa, trá hình dưới hình thức "quà Tết". Điển hình là hồi tháng 8 trong năm, báo chí trongnước đã có những bài phóng sự đặc biệt về bánh Trung Thu "nhân vàng lá", được quảng cáo là không để uống trà, ngắm trăng, mà để làm quà tặng xếp. Bánh này không bán sẵn, cần đặt trước mới làm. Qua ngày mùng 6 Tết, thì nhà nước thông báo hể hả rằng"năm nay, chuyện "chúc Tết xếp", "biếu quà xếp" đã giảm thiểu được 70% so với hồi năm ngoái. Khôngbiết nhà nước dựa trên tiêu chuẩn kiểm tra nào để có được con số thống kê... vĩ đại này. Có lẽ là do các ban ngành báo cáo lên để lấy thành tích đạt chỉ tiêu?
Chuyện thứ nhì là chuyện một nhà văn trong nước đã đề nghị chính quyền nên kết hợp 2 cái Tết Dương lịch (Tết tây) và âm lịch (Tết Nguyên Đán) làm một, vì 2 cái Tết này rất gầnnhau. Việc tổ chức chào mừng 2 cái Tết vừa phức tạp, bận rộn, vừa tốn kém.. Ý kiến này vừa đưa ra, thì gặp ngay phản ứng giận dữ của một số người trong nước, và ngay cả tại hải ngoại, có người không ngại đã gọi ý kiến này là.. bị tâm thần, phản truyền thống dân tộc. ĐT thì thấy rằng sự hiện diện của 2 ngày Tết Dương lịch và Âm lịch, cách nhau khoảng 1 tháng. Tết Dương lịch ít được người trong nước chú ý, ăn Tết hay không là tùy tâm, và tùy điều kiện của mỗi người, còn Tết Âm lịch mới đúng nghĩa là Tết truyền thống dân tộc. Tết âm lịch được cả nước hoan hỉ chào mừng, nên không khí ngày Tết dù ở trong nước hay hải ngoại đều náo nức, nhộn nhịp. Ngoài cá nhân, chính quyền cũng góp phần tạo điều kiện để mọi người cùng vui xuân, như cho nghỉ làm, nghỉ học 7 ngày, tiền thưởng cuối năm, phụ cấp tiền xe cộ về quê xum họp với gia đình, bán các thực phẩm ăn Tết giảm giá.. nên ĐT không đồng ý việc kết hợp 2 cái Tết làm một. Còn các vị thì nghĩ sao?
3/KV. Dạ KV xin kính chào quý thính giả, kính chào BS N, chị ĐT và chị TV. Chị ĐT ơi, chị còn để ý đến các tin báo cáo thành tích của VC thì KT xin chào thua chị rồi đấy cơ. Lý do vì KV đã không còn kiên nhẫn đọc báo cáo thành tích VC từ bao lâu nay rồi chị a. Mà nói chung, thì bây giờ KV cũng không còn để ý đến các thống kê với điều tra thăm dò ý kiến trên truyền thông nữa, ngay cả tại Mỹ luôn đấy cơ. Không biết quý thính giả và quý anh chị có còn nhớ trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ không, truyền thông Mỹ đã nhất loạt loan báo bà Hillary Clinton thắng cử 80%, 85% và ngay cả 90%. Thế mà cuối cùng thì đùng một cái, ông Donald Trump thắng cử, dầu rằng ông ấy đã bị hệ thống truyền thông Mỹ và chính giới Mỹ đánh tới tấp vào tác phong tư thái trong suốt thời gian tranh cử. Điều này cho thấy người dân Mỹ tuy không để ý đến chính trị, nhưng mà họ cũng không dễ dàng tin vào truyền thông khi mà những con số thống kê tốt đẹp về công ãn việc làm trên truyền thông không làm cho họ có việc. Và ông Trump đã nói đúng ước vọng của những người này nên thắng cử.
4/TV. TV kính chào BS N, chị ĐT, thân chào KV, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Đề nghị kết hợp việc ăn mừng tết tây với tết ta làm một để bớt tốn kém, theo TV nghĩ chỉ là một ý kiến tầm phào và sẽ không đi tới đâu cả. Bởi vì thứ nhất là không ai bắt được nhà nước phải tốn kém trang hoàng đường phố hai ngày tết nếu nhà nước không có tiền và không muốn. Mặt khác thì khó mà cấm các cán bộ quyền chức khai thác những dịp này mà lấy cớ tiêu sài qua cái việc gọi là trang hoàng tết nhất để có tiền chấm mút tham nhũng bỏ túi. Người dân đã thấy không thiếu gì những chuyện xây cất, dựng tượng, dựng đài, sửa đường vĩ đại, với mục đích như thế. Thứ hai trong tình trạng kinh tế thị trường hiện nay không thể cấm được người dân nhân cơ hội này gia tăng làm ăn buôn bán kiếm lời mà sống. Thứ ba là ăn tết hay không là ở trong lòng mỗi người. Có phương tiện mà không ăn tết thì vẫn là không có tết. Đó là trường hợp một số người sống ở Mỹ và ngoại quốc. Không có phương tiện và thiếu thốn nhưng ngày tết truyền thống thì vẫn giữ những cổ lệ để mà có dịp nhìn lại mình, thì đó cũng là điều hay nên giữ.
5/TXN. Tôi đồng ý với suy nghĩ ăn tết hay không là ở trong lòng mỗi người. Khó mà thuyết phục người muốn ăn tết mà bỏ tết được. Mà cũng khó thuyết phục người đã bỏ tết để họ giữ lấy ngày tết được. Cá nhân tôi từ khi tôi đến Mỹ thì đều ăn tết, dù là ở giai đoạn đầu có đi thực tập nhà thương bận rộn thì cũng cố đổi không trực vào ngày tết, để mà ít ra là có thời gian sửa soan tết và ăn tết ở nhà.Thành ra đặt ra vấn đề bỏ tết hay không là nêu lên một vấn đề không phải là vấn đề. TV có dùng hai chữ “tầm phào” thì cũng phải. Còn chuyện tết tây thì tôi không ăn, theo cái nghĩa tinh thần. Nghĩa là tôi sẵn sàng đổi cho bè bạn Mỹ mà trực vào ngày tết tây cho họ. Nó có ý nghĩa đối với tôi là không muốn vong thân, không muốn thành ngoại quốc. Bởi vì tôi không chấp nhận được chế độ phi nhân VC mà bỏ nước ra đi, chứ không phải vì muốn sống ở ngoại quốc, muốn theo Tây hay là theo Mỹ. Cho nên có tham dự hội hè tiệc tùng dịp tết tây thì chỉ thưởng thức món ăn lạ miệng chứ không có cái tâm sự vui ngày tết. Và trong nhà đối với các con tôi mà chúng trang hoàng mua sắm vào dịp giáng sinh và tết tây, vì chúng nó lớn lên trong không khí đó, thì cho chúng tự nhiên, tôi chỉ tham dự thụ động. Trong những thời gian về sau này, tôi dễ dàng hơn, vì các con vui ăn tết tây thì tại sao mà mình phải không vui. Vui đây là vui với chúng, vì chúng. Cũng như các con tôi luôn luôn tham dự sửa soạn tết VN tích cực, tìm cách nghỉ để về nhà, vì chúng đã quen với không khí gia đình ăn tết mà chúng lớn lên với sự tổ chức tết trong nhà của tôi.
6/ĐT. Có một tin thế giới hay hay, là hồ sơ mật mới tiết lộ cho biết lãnh tụ công đoàn Balan Lech Walesa, người được coi là anh hùng Ba lan đấu tranh lật đổ chế độ CS Ba lan và trở thành tổng thống Balan đầu tiên sau Cộng sản, đã làm chỉ điểm cho chính phủ Cộng sản với bí danh là Bolek từ 1970 đến 1976. Chuyện đời thật không biết thế nào. Cho nên có lẽ minh nên thảo luận về chuyện này một chút.
7/KV. Dạ thưa thoạt mới nghe tiết lộ là Lech Walesa làm chỉ điểm cho CS thì nhiều người đã cho rằng đó là tin để bôi xấu Walesa, và đảng của ông. Nhưng KV đọc kỹ các chi tiết về vụ này thì thấy rằng tài liệu là những giấy tờ với bút tích, và chữ ký được kiểm nghiệm là của Bolek tức Walesa thật. Những giấy tờ này đã được giữ bí mật tại nhà của cựu bộ trưởng Công An thời Cộng sản, là Czeslaw Kiszczack. Sau khi ông này chết thì bà vợ ông đã bán tài liệu này cho cơ quan IPN để lấy tiền. Theo đó thì Bolek đã ký lãnh tổng cộng là 11,700 zloty, tiền công tác chỉ điểm. Trong chuyện chính trị thì thật khó mà nói phải trái, trắng đen đấy ạ. Bởi vì theo như KV được biết, thì ngay tại nước ta, Võ Nguyên Giáp mà ai cũng biết là người cán bộ CS trung kiên, xây dựng củng cố cho đảng CSVN đến lúc chết, đã từng là con nuôi của trùm mật thám Pháp Marty, là người nổi tiếng là hung thần tiêu diệt không biết bao nhiêu là các nhà ái quốc VN chống Pháp đấy cơ.
8/TV. Ở đây TV nghĩ chúng ta không làm công việc xét đoán cá nhân Walesa làm gì, vì mình là người ngoài cuộc không hiểu hết được những diễn biến tại Ba lan đưa đến sự sụp đổ chế độ CS. Nếu có phán xét thì chỉ những người bị Walesa tố giác với chính quyền mà bị bắt giết hay tù tội là có đủ thẩm quyền phán xét Walesa thôi. Nhìn chung từ xa thì chỉ có thể nói rằng Walesa có công lật đổ chế độ CS Ba lan. Nhưng trong chuyện này thì đáng để ý là một bài viết trên đài BBC lấy chuyện này ra để mà bênh vực thái độ của một số nhân vật như Lê công Định, Nguyễn tiến Trung khi bị VC bắt. Người viết bảo rằng họ đã vì “yếu lòng” mà “phải ký một cái gì đó”. Và kết luận rằng “bất luận điều gì đã xảy ra, thiết nghĩ, cần phải trân trọng và ghi nhận công bằng những cống hiến của họ.”
TV hiểu và thông cảm được sự “yếu lòng” của những người trong tình trạng bị trấn áp. Vì TV nghĩ mình chưa chắc đã khác họ. Nhưng công lao thì TV thấy là còn quá sớm để ghi nhận. Một cách khách quan và lạc quan thì có thể cho họ là những người “có lòng” có một chút can đảm nói ra một số khát vọng mà nhiều người khác không dám nói. Nhưng nếu nhìn tiêu cực và bi quan thì cũng có thể nghĩ rằng họ không có đủ bản lãnh đương đầu, và dễ dàng thỏa hiệp để đỏi lấy an toàn. Quá nữa thì họ là những người họ đấu tranh cuội để dụ những người dại dột nghe theo mà âm thầm bị bắt, nghĩa là giúp cho chế độ tiêu diệt mọi mầm mống chống đối từ trong trứng như là đã từng xẩy ra ở miền Nam giai đoạn sau năm 1975, và có thể là ngay cả bây giờ nữa. Và nếu coi những người “yếu lòng” này là anh hùng, hay những nhà đấu tranh đáng nể trọng thì phải xét lại.
Bây giờ trở lại với ông Trump điều gần gạnh với chúng ta hơn cả thì TV thấy cái lối nói thẳng trên twitter của ông Trump có cái lợi là củng cố được sự ủng hộ từ những thành phần cốt lõi đã bỏ phiếu cho ông ta và chờ đợi ông ta làm những việc dứt khoát, khác hẳn cái lối chầm chơ nói miệng và vá víu của những nhà chính trị Wahsington DC từ nhiều thập niên qua. Nhưng cũng có cái hại là làm gia tăng ấn tượng về ông ta là một người xốc nổi, thiếu tinh tế, không có cung cách một nguyên thủ quốc gia. Các anh chị thì nghĩ như thế nào?
9/TXN. Tác phong cung cách đúng là rất quan trọng. Nhất là trong trường hợp mà nội lực không có bao nhiêu. Thí dụ như nhà vua ở một nước quân chủ lập hiến như nước Anh, mà người dân muốn có một cái biểu tượng để tôn kính thì phải hành xử nghiêm chỉnh bệ vệ như thế. Tóm lại là đóng kịch. Ngược lại, một nước như nước Mỹ mà doanh thương và tiền bạc là chính thì khác. Ông Trump là một doanh nhân mà mọi quyết định dựa trên điều đình làm ăn để có lợi tức thì ông không cần lịch sự, mà chỉ cần cái khả năng và cái quyền ban phát tiền bạc cho đối tượng. Cho nên ông đã nhanh chóng ra một số sắc lệnh trên nguyên tắc là trong thẩm quyền của ông mà ông nghĩ là mọi người phải theo. Nhưng đã có người chống, như sắc lệnh cấm vào Mỹ những người dân từ 7 nước Hồi giáo. Sự chống này được thổi mạnh lên nhờ truyền thông đã vốn là chống Trump từ đầu vì lý do tranh giành quyền lực. Sự chống này bây giờ được đặt trên nguyên tắc pháp lý. Và theo thủ tục được đem ra tòa tranh cãi. Cũng trên nguyên tắc pháp lý, thì bộ ngoại giao và bộ Nội an đã chấp nhận phán quyết của tòa, nghĩa là không thi hành sắc lệnh của ông Trump. Quần chúng chia làm hai phía: phía bênh phía chống. Người bi quan tiêu cực sẽ coi như đây là một tình trạng chia rẽ tai hại cho nước Mỹ. Riêng tôi nghĩ rằng cái thể chế dân chủ ở nước Mỹ kể thật là vững vàng với nguyên tắc tam quyền phân lập. Do đó tránh những lạm quyền quá đáng. Và độc tài cá nhân không có chỗ tung hoành. Và phải nói rằng là người như tôi, như chúng ta, có cái may mắn ghê gớm để được sống ở đất nước này. Trở lại với thực tế chuyện Iran và Mỹ. Dù nói sao đi nữa thì ông Trump khó có thể mở ra chiến tranh với Iran, theo ý Do Thái, dù là ông trong vòng ảnh hưởng nặng nề của thế lực chính trị Do thái, và ngay trong gia đình con rể ông là người Do Thái mà ông tin cậy cho vào hàng cố vấn cao cấp.. Tại sao như vậy? Vì Iran không đứng một mình, mà đàng sau có sự hỗ trợ của Nga và Tầu. Đó là lý do mặc dầu nói cứng, và mặc dầu Iran phản ứng nhanh chóng với những biện pháp chế tài của Mỹ bằng một cuộc tập trận của lực lượng bảo vệ cách mạng Iran, ông Trump đã không có gì hơn để mà đối lại, Ngoài ra thì Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc đã họp khẩn về chuyện Iran phóng hỏa tiễn tầm xa, nhưng yên lặng không nói gì. Tóm tắt thì ông Trump dù có phát biểu mạnh miệng, dần dà người ta sẽ thấy rằng không có bao nhiêu tác dụng trên trường quốc tế. Bởi vì như tôi đã nói trên, cái khả năng ban phát tiền bạc và quyền lực của ông và nước Mỹ, giới hạn. Còn nội bộ thì chúng ta đã thấy rồi, ông có thể có những cộng tác viên trên căn bản quyền lợi. Nhưng thi hành quyền lực kiểu độc tài thì khó khăn vì thể chế chính trị dân chủ vững chãi ở Mỹ.
10/ĐT. Nhìn như bác sĩ N thì ĐT thấy rằng những người nghĩ ông Trump sẽ có chính sách chống Cộng cứng rắn, đặc biệt là đối với TC và VC thì sẽ thất vọng. Và những dấu hiệu khách quan về điều gây thất vọng này đã xẩy ra, như lời tuyên bố của bộ trưởng quốc phòng Mỹ ông James Mattis strong chuyến đi Á châu, thăm Nhật bản, Nam Hàn mới rồi. Ông đã được truyền thông mô tả là “vị tư lệnh trấn an”, bởi vì ôngTrump khi tranh cử đã tuyên bố rằng Nhật và Nam Hàn phải bỏ tiền ra nhiều hơn, cho chi phí quốc phòng để tự bảo vệ, và nếu cần thì sản xuất võ khí nguyên tử nữa. Khi tới Nhật ông Mattis đã hứa hẹn là sẽ thi hành hiệp ước an ninh Mỹ Nhật nếu Nhật bị tấn công trong cuộc tranh chấp đảo Điếu Ngư. Còn với Nam Hàn thì ông xác định là tiếp tục lập hệ thống chống hỏa tiễn tối tân THAAD, và hứa hẹn nếu Bắc Hàn gây hấn, Mỹ sẽ đối xử thích đáng. Tại Biển Đông thì ông nhắc lại như trước đây các lãnh đạo Mỹ từng hứa hẹn. Và ông không thấy có nhu cầu đưa thêm lực lượng Mỹ sang đó. Những điều ông nói đi nói lại là “Chúng tôi áp dụng theo luật lệ. Nếu có tranh chấp chúng tôi sẽ đưa ra trọng tài phân xử. Chúng tôi không giải quyết bằng phương tiện quân sự và chiếm đất, vì điều này sẽ ít nhất là đặt ra câu hỏi “chủ quyền thực sự thuộc về ai”. Ông nói hải quân Mỹ sẽ tiếp tục thi hành quyền tự do hàng hải. Các chiến hạm Mỹ di chuyển trong hải phận quốc tế, tại biển Nam Hải, và như thế thì không có nhu cầu gia tăng các hoạt động quân sự Mỹ ở đó. Và ông nói “Tất cả những điều chúng ta phải làm là xử dụng hết mọi loại nỗ lực, những nỗ lực ngoại giao để giải quyết thích đáng vấn đề”. Tóm tắt lại thì Mỹ sẽ không bung ra tấn công vào TC, và cũng không tung tiền ra chi phí, viện trợ gia tăng, nhưng như ông Trump nói, rằng chủ yếu là lo những vấn đề của Mỹ trước.
11/KV. Dạ thưa nói đến Á châu, thì KV thấy không thể không nhắc đến tin liên hệ tới một nhân vật chính trị ngang ngược là tổng thống Duterte của Phi luật Tân. Ông Duterte trong môt bài diễn văn tại cuộc họp của Liên đoàn các khu hội nước, tại Manila (Philippine Association of Water districts) cho biết rang, Phi luật tân hiện không có đại sứ ở Mỹ. Và ông tuyên bố rằng ông cảm thấy không muốn gửi một đại sứ sang Mỹ. Tuy vậy nhưng công việc vẫn chạy bình thường dưới quyền của một tham vụ ngoại giao. Ông Duterte cũng tuyên bố cho người Phi luật Tân ở Mỹ biết rằng nếu có ai mà cư ngụ bất hợp pháp và bị trục xuất thì ông sẽ không động một ngón tay”. Vì luât pháp là luật pháp, Người ta biết rằng ông Duterte đã không vui với ông đại sứ Mỹ Philip Goldberg ở Manila, đã cãi nhau với ông này, và đã nói rằng “cái thằng chó đẻ đó làm tôi khó chịu”. Tổng thống Obama đã phải đổi ông Goldberg đi và thay bằng bà Sung Kim. Không biết Bác sĩ và các chị DT, TV có nghĩ rằng, phải chăng là vì sợ bị trả đũa mà ông Duterte thấy bổ nhiệm một đại sứ bây giờ ở Mỹ thì có điều bất tiện, nhất là khitổng thống Trump cũng là người ngang ngược không cơ?
12/TV. TV nghĩ rằng ông Duterte không bổ nhiệm đại sứ là vì ông đã có chỗ dựa là Nga với Tầu. Ngoài ra có lẽ ông nghĩ rằng với chủ trường “Mỹ là nhất của ông Trump” thì Mỹ sẽ không bỏ tiền ra viện trợ hay giúp đỡ cho Phi luật tân như trước đây nữa. TV không nghĩ rằng vì ông Duterte sợ bị trả đũa mà không bổ nhiệm đại sứ, nhất là ông Duterte đã ca tụng ông Trump từ đầu chứ không phê bình tác phong của ông Trump.
Trở lại với tổng thống Trump thì sắc lệnh cấm dân chúng 7 nước Hồi giáo Iran, Iraq, Sudan, Yemen, Somalia, Lybia, Syria đã làm cho cựu thủ tướng Na Uy, ông Bondevik bị giữ lại tại phi trường Dulles để thẩm vấn cùng với những người cần điều tra, vì nhân viên di trú thấy ông có dấu nhập cảnh Iran năm 2014, mặc dầu rằngông mang sổ thông hành ngoại giao và là cựu thủ tướng Na Uy. Với những chuyện như thế này thì bác sĩ N và các vị có nghĩ rằng đây là thêm một yếu tố làm cho sắc lệnh cấm dân 7 nước Hồi giáo vào Mỹ sẽ bị nhiều người chống đối hơn, và ông Trump sẽ thua hay không?
13/TXN. Vụ này làm tôi nhớ lại những chuyện bi hài hồi bắt đầu có khám xét những đồ dùng bị cấm trong hành lý cầm lên máy bay, sau vụ 911. Thí dụ như cắt móng tay hay cái dũa móng tay bị tịch thu vì bị coi là vật kim khí và sắc. Hay là một ống thuốc đánh răng 4 ounces tức là gần 120 ml bị tịch thu mặc dầu đã dùng hết quá nửa, nghĩa là dưới giới hạn 100ml. Vụ cựu thủ tướng Na Uy bị giữ tại phi trường Dulles đã bị loan đi trên truyền thông là để tạo phản ứng thêm tiêu cực nơi quần chúng đối với sắc lệnh của ông Trump. Nó không có ảnh hưởng bao nhiêu lên giới tư pháp mà các quan tòa quyết định dựa theo các luận cứ của phe bênh và phe chống đưa ra, và quan điểm chinh trị cá nhân của quan tòa. Không thể đoán trước kết quả nếu không biết lập trường chính trị cá nhân cũng như quá trình xét xử ra sao của quan tòa để mà làm nền suy đoán. Theo cá nhân tôi kết quả ra sao chỉ có một phần quan trọng, mà sự kiện tôn trọng thủ tục cơ chế mới là yếu tố quan trọng cho sự ổn định ở nước này, vì tránh chuyện áp đặt độc tài cá nhân.
Đến đây thì chương trình bcts hôm nay phải tạm ngưng. Xin kính chào quý vị thính giả. Chào ĐT, TV, KV và xin các ơn quý bạn. Xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong một kỳ tới.
14/ĐT. Đến đây, thì ĐT xin chào tạm biệt quý vị thính giả. Xin kính chào BS Ninh. Thân ái chào TV và KV. Xin hẹn găp lại các vị trong kỳ bcts tuần tới.
15/KV. Dạ, KV xin kính gởi lời chào tạm biệt đến quý thính giả. Xin kính chào tạm biệt BS N, chị ĐT và chị TV a. KV xin hẹn gặp lại vào kỳ tới.
16/TV. TV kính chào BS N, chị ĐT, thân chào KV, và thân ái kính chào tạm biệt thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo rõi chương trình bàn chuyện thời sự.