1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Hai tin được chú ý trên truyền thông Hoa kỳ là: Ngày thứ ba 10 tháng 1/2017 thì tổng thống hết nhiệm kỳ Barack Obama về Chicago đọc diễn văn từ biệt. Ngày thứ tư 11 tháng 1/2017 thì tổng thống đắc cử Donald Trump mở cuộc họp báo đầu tiên trước khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1/2017. Một tin nhỏ là người ta thấy bà Marie Le Pen chủ tịch đảng Mặt Trân Dân Tộc Pháp (Front National) ở trong building Trump Tower ở Nữu Ước, nhưng tin cho biết rằng đã không gặp ai trong nhóm chuyển tiếp cũng như không gặp Trump. Ngoài ra thì còn có tin nhỏ nữa là bà Hillary Clinton sẽ tranh cử thị trưởng Nữu Ước. Đây là những đề tài có thể thảo luận được.
2/NK. Trước hết NK xin kính gửi lời chào tới quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS với Bs N, Khánh Vân và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs N và thân kính chào chị KV. Có một tin nhỏ khác là tổng thanh tra bô tư pháp Mỹ Michael Horowitz ngày 12 tháng 1/2017 tuyên bố là đã quyết định mở điều tra về cung cách tiến hành xem xét vụ bà Clinton xử dụng hộp thư emails riêng, của cơ quan FBI và bộ tư pháp Mỹ có đúng nguyên tắc hay không. Đảng Dân chủ đã cho rằng vụ này là một yếu tố làm bà Clinton thất cử. Nhưng ông Horowitz là một nhân vật được bổ nhiệm bởi lý do chính trị cho nên sẽ chấm dứt nhiệm vụ ngày 20 tháng 1/2017, sau khi ông Trump tuyên thệ nhận chức. Như vậy thì việc điều tra sẽ ra sao? Tiếp tục hay là không? Liệu ông Horowitz có sẽ được lưu nhiệm để tiến hành việc điều tra hay không? Một tin nhỏ khác là 1000 thủy quân lục chiến Mỹ đã được gửi tới Ba lan trong khuôn khổ 4000 quân MỸ dự tính là một phần của lực lượng NATO để chống lại các hành động quân sự của Nga. Điều tạo bàn tán là lực lượng này tới sớm trước thời hạn. Và do đó có người cho rằng đó là một chiến thuật của ông Obama để giữ cho ông Trump không tiện lùi ra khỏi quyết định can dự với NATO này của Mỹ. Các vị có nhận định gì không?
3/KV. Dạ, Trước hết thì KV xin được kính chào quý thính giả, Kính chào BS N và anh NK. Bàn về chuyện gởi quân như anh NK nói thì KV không nghĩ rằng gửi quân sang NATO sớm nó có ý nghĩa gì đặc biệt. Bởi vì hiệp ước ký rồi thì sẽ phải thi hành thôi cơ. Còn nếu như ông Trump không muốn thi hành thì chỉ việc chần chừ, lờ đi, hay là tuyên bố bỏ luôn, đâu có sao? Đâu có vì 1000 quân ở tại chỗ rồi mà lại không rút đi được?
Về chính sách của Obama, vì KV không thích gì về chính sách của ông Obama, cho nên không có gì lưu luyến lắm khi theo rõi vụ ông đọc diễn văn từ biệt. Ông đã mở trận đánh Syria, gây bao nhiêu chết chóc rồi kết cục bỏ ngang cho Nga, Thổ nhĩ Kỳ và Iran họp quyết định. Chính sách y tế Obamacare quảng cáo như một thành tích lớn, thì chỉ nghe hấp dẫn trên lý thuyết, nhưng thực tế thì phiền hà. Chính cá nhân KV mất thêm tiền bảo hiểm y tế . Ông mở chính sách “chuyển trục sang Á Châu” mà để TC lộng hành ở biển đông, và ngay cả trong lãnh vực kinh tế tài chính, lấn át thương ước đối tác xuyên Thái bình dương, tức TPP bằng Ngân hàng phát triển hạ tầng Á châu. Khi công du sang Tầu, sang Cuba, sang Hà nội ông không đủ tư thế để bị đối xử nhẹ thể, làm xấu hổ cho nước Mỹ.
Tuy nhiên, bài diễn văn của ông Obama khá hay. Vì tuy không trực tiếp tấn công vào những tuyên bố kỳ thị của Donald Trump, nhưng nêu ra được rằng người Mỹ thuộc các sắc tộc khác nhau, không nên đổ tội cho nhau về những khó khăn đời sống để mà đấu đá nhau. Ông nói “Nếu mọi vấn đề kinh tế đều đặt nằm trong cái khung của cuộc tranh chấp giữa những người da trắng trung lưu, làm ăn vất vả khó nhọc và những sắc dân thiểu số không được chăm sóc đúng mức, thì sẽ khiến cho mọi thành phần lao động, mọi mầu sắc đánh nhau giành những mảnh vụn, trong khi những người giầu có càng rút sâu vào những lãnh địa riêng của mình”. Ông cũng kêu gọi một điều rất đúng, là muốn có kết quả chính trị, thì phải tham dự vận động đấu tranh. Nhưng KV không hiểu rằng những kêu gọi này có kết quả ra sao. Có vẻ như không là bao nhiêu. Vì thời của ông đã qua rồi. Lúc ông thắng cử lần đầu, cả triệu người tụ tập ở Chicago với đủ mọi thành phần ủng hộ ông, chờ hoan hô ông tuyên bố thắng cử. Bây giờ chỉ có chừng 20,000. Kể cũng buồn cho ông. Có lẽ mình nói sang buổi họp báo của ông Trump ở New York thì có lẽ có điều hay hơn đấy, phải không cơ ?
4/TXN. Ông Trump không phải là người hùng biện cũng không phải là người chịu khó nói theo bài bản sửa soạn trước, như người ta đã biết trong giai đoạn tranh cử. Điều đặc biệt về cuộc họp báo là tờ New York times đối đầu với ông sau cuộc họp báo đã tóm tắt lại các điểm chính ông nói mà không có dè bỉu chê bai như người ta chờ đợi. Điểm thứ hai là ông Trump vẫn giữ cái cá tính nói thẳng không ngại của ông. Vào cuối cuộc họp báo, khi phóng viên Jim Acosta thuộc đài truyền hình CNN hỏi rằng vì ông đã tấn công đài CNN nên anh ta muốn có câu hỏi cho ông, thì ông đã nói rằng “tổ chức của anh là thậm tệ kinh khủng” (terrible) và “đừng có bất lịch sự (rude). CNN là đài đầu tiên đã loan tin rằng ông và tổng thống Obama được các giới chức tình báo cho biết rằng Nga có những tin tức tai hại cho cá nhân ông, tóm tắt lại trong hai trang, và không có kiểm chứng sai đúng, và ông đã bác bỏ tin này lúc mới vào họp báo. Điều thứ ba sau cuộc họp báo, tờ The Guardian của Anh đã có một lô bài chê bai ông Trump và cho rằng tuy không có chứng cớ những tài liệu về ông Trump là sai hay đúng, nhưng có vẻ như khả tín.
5/NK. Khi mà báo New York Times đã không bình phẩm ngay về cuộc họp báo thì phải chăng là báo này còn đang nghiên cứu chỗ hở để đánh ông Trump, hay là không có chỗ hở? NK còn một câu hỏi là tại sao tờ báo Anh The Guardian lại để ý chỉ trích phê bình ông Trump?
6/KV. Theo như KV thấy thì những luận cứ tấn công vào ông Trump từ trước tới nay chỉ là vào cá tính, vào sự thô lỗ nóng nẩy, vào khả năng lượng giá những sự việc, vào những hành động có thể vi luật như có mâu thuẫn quyền lợi tức (conflict of interests), mà những điều này thì đòi hỏi phải nghiên cứu những chứng cớ không thể chối cãi mới lôi ra được. Tất cả những suy diễn, những phỏng đoán này, đã nói lên hết cả ở những cơ quan truyền thông khác nhau mấy tháng nay rồi, và tạo ấn tượng tiêu cực về ông Trump nơi một đám đông quần chúng, chứ chưa gây hệ quả luật pháp nào cả vì không có bằng cớ cụ thể. New York Times đã có một số bài trong quá khứ nêu lên các chuyện này rồi. Vì thế theo KV nghĩ, New York Times không có bài viết thêm về cuộc họp báo. Về tờ Guardian của Anh thì KV không có câu trả lời ạ.
7/TXN, The Guardian là tờ báo bán chính thức của chính phủ Anh, và khoác lập trường thiên tả. Ông Trump từng sang Anh và ủng hộ Brexit và gặp gỡ lãnh tụ phong trào này. Tức là đã có ý kiến vào nội tình chính trị Anh, cho nên phê bình Trump không lạ. Tờ New York Times không có phê bình về cuộc họp báo của ông Trump có thể là vì cuộc họp báo diễn tiến theo đúng khuôn khổ ông Trump muốn, và giải thích những điều ông muốn giải thích từ vấn đề mâu thuẫn quyền lợi, đến vấn đề Nga len lỏi vào hệ thống điện toán của đảng Dân chủ trong cuôc bầu cử. Và trong cuộc họp báo đã không có những câu hỏi nào dồn ông Trump vào thế bí, vì cái khung cảnh không thuận lợi cho chuyện này. Phóng viên Jim Acosta đã không mở ra được cuộc tấn công, vì sự dứt khoát nói thẳng không ngại của ông Trump. Tôi thấy cần nhắc lại ở đây một điều là mới đây những nhân vật trách nhiệm báo chí và truyền thông của các tổng thống trước đã tiên đoán rằng mối quan hệ giữa ông Trump với truyền thông sẽ là khác hẳn, không giống như thông lệ của các tổng thống trước. Theo tôi nghĩ thì ông Trump chủ động quyết định luật chơi. Và đó là lý do truyền thông giòng chính và các lý thuyết gia ủng hộ Hillary đã hô hoán rằng ông Trump là độc tài, bóp nghẹt tự do báo chí. Dù sao, đây chỉ mới là cuộc họp báo đầu tiên, khi ông Trump chưa chính thức là tổng thống. Sẽ còn phải chờ tới sau 20 tháng 1/2017 mới rõ được.
8/NK. Lúc nẫy mới vào chương trình bác sĩ N có nói đến một tin nhỏ là tin bà Hillary Clinton sẽ tranh cử chức thị trưởng New York. Theo NK thì Nữu Ước là thành phố lớn nhất nước Mỹ, không phải chỉ là về vấn đề dân số mà Nữu Ước là thành phố quan trọng hàng đầu của Mỹ về mặt kinh tế, tài chính và chính trị, và văn hóa. Làm thị trưởng Nữu Ước do đó không phải là chuyện nhỏ. Chỉ có điều rằng là bà Clinton đang từ vị trí suýt nữa làm tổng thống mà nay quay xuống làm thị trưởng Nữu Ước thì hơi yếu, cho nên phải chăng vì thế mà bác sĩ Ninh goi là tin nhỏ chăng? Nhưng câu hỏi của NK cho hai vị là nếu đúng như thế thì liệu bà Clinton có thắng không? Câu hỏi khác là bà Clinton năm nay đã 70 tuổi rồi. Vất vả làm gì nữa cho mệt xác?
9/KV. Khi mà bà Clinton ứng cử tổng thống với dự ước tối thiểu sẽ làm tổng thống 4 năm thì không có vấn đề tuổi tác đối với bà ấy. Người mình đa số sẽ nghĩ rằng bà ở trong tìnhtrạng tâm lý “cố đấm ăn xôi”. Nhưng Nữu Ước không phải là thành phố thường, mà là một thành phố thuộc hạng "Thứ Dữ" về mọi mặt. Cho nên bà Clinton không ngần ngại gì mà không ra ứng cử thị trưởng Nữu Ước. Vì đây là miếng “Xôi” khá to. Tin này được tung ra như là một quả bóng thăm dò. Bà Clinton đã không nói có, và không nói không, tức là bà có ý định nếu mọi sự thuận lợi thì ra thôi. Chuyện ra ứng cử thị trưởng Nữu Ước theo KV nghĩ còn là một “trả nợ” cho những thế lực tài phiệt đã tích cực ủng hộ bà trong vụ tranh cử tổng thống trong thời gian qua.
10/TXN. Tôi đồng ý với nhận định của KV là bà Clinton nếu ra ứng cử thị trưởng thì là vì để trả nợ những thế lực tài phiệt đã giúp bà trong vụ tranh cử tổng thống. Ho cần thu lại phần nào vốn đã bỏ ra qua những biện pháp bà sẽ chấp nhận khi ở vị trí thị trưởng Nữu Ước. Câu hỏi liệu bà thắng cử hay không thì bây giờ tôi nghĩ còn quá sớm. Chờ đén lúc có tin bà tranh cử mới đoán chắc được. Lý do là để xem những nhận đĩnh tiêu cực về bà sẽ còn tồn tại bao lâu nữa. Bây giờ thì có thể nói rằng Nũu Ước là một thành phố Dân chủ và Do Thái. Có nghĩa rằng bà có nhiều hy vọng, bởi vì bà là người trung thành với Do Thái, trừ trường hợp có một nhân vật Cộng hòa sáng giá. Như Giuliani.
11/NK. Còn tin nhỏ bà Marie Le Pen chủ tịch Mặt Trân Dân Tộc Pháp (Front National) sang Mỹ vào Trump Tower mà tin cho biết rằng không được gặp ai trong ban chuyển tiếp của Donald Trump cả là tại sao? Và có thực như thế không? Bởi vì khi sang Nữu Ước thì bà Le Pen phải liên lạc điều đình trước chứ?
12/KV. Câu hỏi này khó trả lời. Trước hết, tin nói bà Le Pen không được gặp ai trong ban chuyển tiếp là đúng hay sai mình không biết. Nhưng giả sử như vào phút chót mà ban chuyển tiếp không gặp, thì có lẽ cũng không khác gì trường hợp Tổng thóng Đài Loan, ông Thái Anh Văn. Bởi vì cái ý nghĩa chính trị kèm theo cuộc gặp gỡ là Trump ủng hộ Mặt Trận Dân tộc. Và như thế thì có thể có những ảnh hưởng không tốt lên dư luận Pháp nói chung, và các đảng phái chính trị Pháp nói riêng.
13/TXN. Ngoài thì theo tôi nghĩ, Pháp không có bao nhiêu là trao đổi thương mại với Mỹ, cho nên nhà buôn Trump có thể là không mấy quan tâm đến một nhân vật chính trị cực hữu mà tương lai còn có dấu hỏi. Nghĩa là cái tư thế chưa mạnh bằng tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Cho nên Donald Trump đã không gặp Thái Anh Văn thì cũng không gặp Marie Le Pen.
14/NK. Có thể nói rằng những chống đối Donald Trump sau khi thắng cử, tiếp tục một cách dai dẳng quyết liệt như đang diễn ra trên truyền thông là điều chưa từng có trong lịch sử bầu tổng thống Mỹ hiện đại. Báo New York Times tuy đã chỉ tóm tắt những điều ông Trump trình bầy mà không có bình luận, như bác sĩ Ninh nói, theo NK nghĩ chỉ là tạm ngưng, chứ chưa phải là để yên. Bởi vì sau cuộc họp báo của ông Trump tờ báo lớn tương tự NYT là Washington Post đã đi một bài nói rằng “thời kỳ trăng mật với tân tổng thống” -nghĩa là thời kỳ để yên không phê bình, chỉ trích, mà chờ xem- với ông Trump đã chấm dứt, dựa trên một thăm dò mới của Quinnipiac University. Thăm dò này cho biết số người ủng hộ ông Trump đã đi xuống về mọi mặt.
Ông Trump chưa tuyên thệ nhậm chức, tức là chưa phải là tổng thống. Và thực tế là từ khi trúng cử ông chỉ bị phê bình chỉ trích hay là thách thức về đủ mọi hành động hay phát biểu bởi truyền thông và chính trị gia. Chứ chưa có lúc nào được để yên, để mà gọi là “hưởng thời gian trăng mật”. Giới an ninh tình báo đã kèm vào trong tường trình 35 trang nộp cho ông Obama và ông Trump về vấn đề Nga len lỏi điện toán ảnh hưởng cuộc bầu cử tổng thống, hai trang tóm tắt của một cựu điệp viên người Anh về những tài liệu Nga có được về Donald Trump như hình ảnh ngủ với gái điếm ở Nga vân vân… Những dữ kiện trong hai trang này chưa hề được kiểm chứng. Nhưng đã được tiết lộ cho CNN và Buzzfeed để tung ra ngoài công chúng. Để mà gián tiếp gây ấn tượng rằng Trump có thể bị Nga nắm cổ. Phản ứng nổi giận bác bỏ tài liệu này của ông Trump đã bị truyền thông phê phán. Và cứ như thế như thế. Tất cả cho thấy một tình trạng bất thường, có thể kể là phá hoại nhắm vào Donald Trump. Bác sĩ Ninh nghĩ rằng tình trạng này bao giờ sẽ chấm dứt?
15/TXN.Tôi không có câu trả lời cho câu hỏi của NK. Nhưng tôi nghĩ rằng nó sẽ không chấm dứt. Bởi vì sự thắng cử của ông Trump là một vết thương nặng, sâu, khó lành cho truyền thông Hoa kỳ. Mà giới này ớ làm gì, nghĩ thế nào, do kỹ thuật tuyên truyền ẩn tàng tinh vi (subliminal technic) kết hợp với kỹ thuật điều kiện hóa Pavlov. Với kỹ thuật này, truyền thông giòng chính và kỹ nghệ giải trí Mỹ đã tưởng là đẩy được con gà Hillary Clinton vào ghế tổng thống. Nhưng thất bại vì Trump, với những chiêu số bình dân, thô lỗ, phi qui ước, mà lôi kéo được số đông những người bất mãn tản mạn trên các tiểu bang Hoa kỳ. Ngã ngũ thắng bại ra sao là tùy theo cái mục tiêu tối hậu mà Trump muốn đạt là gì. Kết hợp với các tài phiệt cho tới nay đứng ngoài vòng chính trị thành một hệ thống mới trực tiếp điều động như Trump, dưới khẩu hiệu làm cho Mỹ vĩ đại trở lại, thay thế cho hệ thống hiện nay với các chính trị gia con rối diễn xuất như Clinton, Obama, theo nhịp điệu truyền thông giòng chính. Hay là thỏa hiệp nhập chung làm một. Phải chờ những biện pháp của Trump để có dữ kiện kết luận.
Đến đây thì chương trình bcts hôm nay phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Chào NK, KV và xin cám ơn các bạn. Xin hẹp gặp lại tất cả qúy vị và các bạn trong một kỳ tới.
16/Dạ KV cũng xin được kính chào tạm biệt quý thính giả, kính chào tạm biệt BS N và anh NK KV xin hẹn gặp lại vào lần tới ạ.
17/NK xin kính gửi lời chào tạm biệt tới quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS với Bs N, Khánh Vân và NK ngày hôm nay. Xin kính chào tạm biệt Bs N và thân kính chào tạm biệt chị KV. Xin được hẹn gặp lại tất cả quý vị và các anh chị trong chương trình BCTS lần tới.