Chỉ trong một ngày, chat với người quen, bạn bè qua facebook, viber…cả 3 câu chuyện đều cùng một chủ đề: ra đi khỏi Việt Nam.
Một người quen qua facebook báo tin sắp đến Na Uy, quốc gia nơi tôi đang sinh sống, định cư theo diện hôn nhân. Một người quen trong nghề, thuộc thế hệ đàn em trong giới truyền hình, hỏi ý kiến tôi vể việc có nên bỏ tất cả công việc, sự nghiệp ra đi bây giờ theo diện đầu tư kinh doanh ở nước ngoài hay vài năm nữa liệu có còn kịp. Và một chị bạn thân đang tính liều đến mức trước hết là đi Mỹ theo diện du lịch, rồi sang đó tìm đường tính tiếp.
Cả ba đều không phải là những người nghèo hay đang có cuộc sống khó khăn, thất bại ở VN, trái lại, họ có tiền, có công việc, cuộc sống vật chất phải nói là khá thoải mái.
Nhưng họ muốn ra đi trước hết vì môi trường sống ở VN ngày càng tệ khiến con người luôn ở trong cảm giác bất an, lo lắng. Từ thực phẩm không an toàn, cho tới nguồn nước, không khí, biển…nhiều nơi bị ô nhiễm/nhiễm độc nặng nề; đạo đức xã hội xuống cấp, những vụ án cướp giết hiếp ngày nào cũng xảy ra với mức độ ngày càng dã man, con người dễ dàng bức hại nhau, lừa lọc nhau, giết nhau chỉ vì một lý do vặt vãnh; chế độ an sinh xã hội không có để bảo đảm cho người dân một sự hỗ trợ khi cần thiết, lúc ốm đau, tai nạn, thương vong; pháp luật không bảo đảm cho con người được xét xử công bằng, công lý được thực thi, những quyền lợi tối thiểu về tự do, dân chủ, nhân quyền không có, không được tôn trọng v.v…
Quan trọng hơn, họ ra đi vì không tin rằng chế độ này, nhà nước này sẽ tốt đẹp hơn hoặc sẽ đưa đất nước, dân tộc đến một tương lai sáng sủa-thời gian đảng cộng sản cầm quyền đã quá lâu đủ để chứng minh điều đó.
Đây không phải là lần đầu, ngược lại, rất nhiều lần, tôi chứng kiến những người quen, bạn bè, họ hàng chuẩn bị rời bỏ VN. Nhưng có vẻ như càng ngày số người tính chuyện ra đi càng nhiều hơn, thành phần đa dạng hơn, tạo cảm giác đất nước như một con thuyền đang đắm!
Thực tế, kể từ sau khi chiến tranh VN kết thúc, người Việt bắt đầu bỏ nước ra đi, và trong suốt 40 năm qua, dù có khi ồ ạt, có khi lặng lẽ, nhưng dòng người ra đi chưa bao giờ dừng lại.
Giai đoạn 1976-1980s, chủ yếu là người miền Nam, chủ yếu vì lý do chính trị, tạo nên một trong những cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử nhân loại ở thế kỷ XX, rúng động thế giới với những bi kịch thương đau của bao phận người bị chết đuối, bị giết, bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, gia đình tan đàn xẻ nghé…trên hành trình tìm đến tự do. Và hai chữ “thuyền nhân” (boat people) gắn liền với giai đoạn đau thương đó. Đến khi chính phủ Hoa Kỳ làm việc với nhà nước VN, mở ra những con đường ra đi chính thức theo diện HO, con lai, đoàn tụ gia đình, và các trại tỵ nạn ở các nước Đông Nam Á lần lượt đóng cửa không tiếp nhận người Việt tỵ nạn nữa, thì dòng người ra đi theo con đường vượt biển mới dần dần chấm dứt (trong vài năm gần đây lại có hiện tượng vượt biển sang Úc nhưng thường là bị chính phủ Úc trả về, không chấp thuận cho ở lại).
Nhưng người Việt lại tìm được cho mình những con đường khác. Bây giờ thành phần ra đi đa dạng hơn, ở cả ba miền đất nước, chủ yếu vì lý do kinh tế, nhưng rải rác cũng có những trường hợp ra đi vì lý do chính trị. Người ta đi bằng con đường xuất khẩu lao động, ban đầu là “xuất khẩu lao động” sang các nước XHCN sau đó mở rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ từ Đông Âu, Đông Á, Đông Nam Á, Trung Đông, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Kuwait, cho tới châu Phi…Thực chất là một kiểu buôn người công khai, được nhà nước cho phép. Cho đến nay thì VN có khoảng trên dưới 600, 000 lao động ở nước ngoài, hàng năm đem lại một nguồn ngoại tệ không nhỏ cho VN. Người ta đi bằng con đường hôn nhân, làm việc, đầu tư kinh doanh, du học rồi tìm cách xin việc và ở lại, đi du lịch và trốn ở lại bất hợp pháp trên nước người…
Bài báo “Mỗi năm, gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài” (Vietnam Finance) viết:
“Phần lớn người Việt di cư sang các nước phát triển trên thế giới. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia di cư ra nước ngoài nhiều nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tính đến năm 2013.
Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên hiệp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA), từ năm 1990 đến năm 2015 có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Như vậy tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài.
… Theo một báo cáo của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam, chưa có thời kỳ nào trong lịch sử nhân loại di cư lại diễn ra với quy mô lớn như hiện nay. Quy luật cung - cầu về sức lao động, dịch vụ, chênh lệch về mức sống và thu nhập, các điều kiện về an sinh xã hội, … đã thúc đẩy các luồng di cư từ Việt Nam ra nước ngoài. Số lượng người Việt Nam đang lao động, học tập và sinh sống ở nước ngoài hiện đã lên đến con số nhiều triệu người. Các hình thái di cư của công dân Việt Nam ngày càng đa dạng và phức tạp, quy mô di cư ngày càng gia tăng.”
Không chỉ dân thường bỏ nước ra đi, những năm sau này, số lượng người thành đạt, có chức vụ trong xã hội, kể cả quan chức cũng ra đi ngày càng nhiều. Người dân ra đi vì không có niềm tin vào chế độ, vào nhà cầm quyền. Quan chức ra đi để bảo vệ tài sản tham nhũng, ăn cắp được sau bao nhiêu năm. Chất xám, trí tuệ, và tiền bạc, tài sản của dân của nước bị các quan tham và những kẻ lừa đảo mang theo, ồ ạt chảy sang nước khác.
Đó là chưa kể số quan chức vẫn còn ở lại trong nước, vẫn tiếp tục làm việc, hưởng lợi, vơ vét nhưng đã “chân trong chân ngoài”, âm thầm chuẩn bị đường rút cho mình bằng cách cho vợ con hoặc người thân đi trước, mua nhà cửa cơ sở vật chất, làm ăn sẵn hoặc đã mua quốc tịch ở một quốc gia tư bản phát triển.
Câu chuyện bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, tỷ phú bất động sản, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của VID Group, Chủ tịch hội đồng sáng lập Ngân hàng Maritime Bank vừa bị bác tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV vì bị phát hiện có 2 quốc tịch VN và Malta (chồng bà Hường, ông Trần Anh Tuấn-Chủ tịch Hội đồng MaritimeBank nhiệm kỳ 2012-2016 cũng đã có quốc tịch Malta) chỉ là một ví dụ. Còn bao nhiêu quan chức, doanh nhân thành đạt đã mua quốc tịch nước khác mà không ai biết. Hay câu chuyên cựu Ceo FPT Trương Đình Anh, người đặt nền móng và xây dựng FPT Telecom, FPT Online, mới đây cũng đưa cả nhà sang Mỹ sinh sống, làm việc.
Với những người tài ra đi, là nỗi buồn chảy máu chất xám. Với những quan chức tham nhũng, đại gia lừa đảo ra đi, là nỗi lo số tài sản tiền bạc của nhân dân bị thất thoát không biết làm sao lấy lại.
Hiện tượng người dân vẫn tiếp tục bỏ đất nước ra đi, dù với bất kỳ lý do nào, điều đó chứng tỏ một sự thật chua chát là trong suốt hơn 40 năm qua, tuy thống nhất được quê hương và giành được độc quyền lãnh đạo, đảng cộng sản VN đã thất bại trong việc điều hành quản lý đất nước. Thất bại trong việc xây dựng VN trở thành một quốc gia độc lập-tự do-hạnh phúc đúng với câu khẩu hiệu có khắp nơi và trên mọi giấy tờ hành chính, nơi mà người dân cảm thấy gắn bó, muốn cống hiến và muốn sống từ đời này sang đời khác. Thất bại trong việc tạo nên niềm tin cho người dân vào năng lực của nhà cầm quyền và tương lai của đất nước dưới sự lãnh đạo của họ.
Điều đó cũng chứng tỏ sự thất bại của cuộc “cách mạng tháng Tám 1945” với mục đích lật đổ chế độ phong kiến thực dân, xây dựng chế độ mới XHCN hay cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm với danh nghĩa “chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam”; đồng nghĩa với sự hy sinh xương máu của hàng triệu con người là lãng phí, khi thành quả lại là một chế độ độc tài, bán nước hại dân, một đất nước bị tụt hậu về mọi mặt, bị tàn phá đến cạn kiệt, còn người dân thì phải bỏ nước tha hương.
Song Chi