Bàn Chuyện Thời Sự Ngày 18 tháng 12, năm 2015 (Đan Tâm và Giao Tiên)

1/ CÂU CHUYỆN VỀ KHỦNG BỐ (Đan Tâm)

Nguồn Internet

Nguồn Internet

Vào hai tháng cuối năm, những câu chuyện về khủng bố xảy ra khắp thế giới, đã làm nhiều người lo sợ mất ăn, mất ngủ. Nhưng làm sao mà đề phòng đây ? khi mà mình sợ chết, còn họ lại không sợ chết ! Cứ đeo bom lăn xả vào đám đông, rồi nhấn nút cho nổ cái “đùng” theo kiểu”bát sành đụng với bát sứ”, để hai tên cùng chết, gây được tiếng vang.

Người tỵ nạn chúng ta sinh sống trên đất nước Hoa Kỳ đã trên 40 năm. Phúc cùng hưởng, họa cùng chịu ! Chúng ta đi làm việc, đóng thuế xây dựng đất nước, gia nhập quân đội tham chiến ở những nơi đầu sống ngọn gió. Có những người chiến binh Việt Nam đã bỏ mình ngoài mặt trận Iraq, Afghanistan ở lứa tuổi 19, 20. Cũng có những người đã được vinh thăng tới cấp tướng, cấp tá. Và ngày 2 tháng 12, chúng ta lại chia xẻ nỗi thảm khốc đau thương với những người dân Hoa Kỳ trong một vụ khủng bố ở San Bernardino. Cô Nguyễn thị Thành Tín, 31 tuổi, đang sửa soạn bước vào ngưỡng cửa hôn nhân, thì bị trúng những viên đạn điên cuồng của hai vợ chồng tên khủng bố, và chết ngay tại hiện trường.

Buổi lễ tiễn đưa cô Thành Tín đã được cử hành trọng thể trong nhà thờ tại miền Nam Cali.  Cộng đồng Việt Nam tham dự đông đảo, không ai ngăn được nước mắt khi thấy cảnh bà mẹ, ôm chặt lấy quan tài con gái, vật vã, khóc than.

Trong chương trình đám tang, có đăng kèm theo một bức thư của mẹ cô Thanh Tín là bà Nguyễn thị Thanh Vân viết cho con gái. Lá thư này lời lẽ não nùng, đẫm nhưng đau thương và nước mắt. ĐT xin đọc lên vài đoạn, để chúng ta cùng chia xẻ phần nào với nỗi đau thương của người mẹ mất con:

“Tín ơi, con không chỉ là người con tuyệt vời, con là người bạn tri kỷ của Má mà má đi tìm cả cuộc đời, cả kiếp nữa, không biết có được hay không.

Con luôn sát cạnh Má 31 năm qua, ăn ngủ cùng nhau, chiếc giường của 31 năm Má con ngủ cùng nhau mỗi đêm để tâm sự, giờ đây trống vắng quá!

Má sợ quá những tối phải đi ngủ từ ngày con xa Má, đã năm ngày qua rồi, con xa Má.

31 năm qua, trừ những lần đi vacation, hai Má con mình chưa một ngày, một đêm xa nhau mà, phải không? Con có biết mỗi lần con bị đau ốm, bị phiền muộn, trái tim Má đau vạn lần, con ơi.

Nhưng mà, bây giờ con đã đi mất rồi, có muốn cắt chia phần thân thể thế cho con cũng không được nữa rồi. Bất công quá con ơi! Tại sao không để Má đi thế cho con? Lạnh lẽo lắm hả con?

Mỗi lần nhìn thấy con, Má rớt nước mắt vì không giúp được gì cho con,  Khi việc làm của Má bị mất, hai bờ vai nhỏ bé của con phải gánh chịu tất cả. Giờ thì ai sẽ là người hỏi Má có đi chơi, có đi mua sắm với con không, hết rồi !

Má đã không còn cơ hội để chăm sóc cho năm đứa con mà con mơ tưởng khi lấy chồng nữa rồi. Con còn nói con sẽ giao toàn quyền cho Má dạy dỗ để được hướng dẫn, giáo dục như đường lối ông bà đã nuôi dạy.

Tín con, Má gọi tên con để đỡ nhớ, đỡ thương. Những lần nhìn vào tủ quần áo của Má con mình mà giờ Má không dám nhìn nữa. Má phải chọn quần áo cho con - nhưng không phải để con đi làm, đi chơi, đi dự tiệc - bộ đồ đẹp nhất để con mặc trong ngày cưới, và dự định mua cho con bộ áo cưới nữa, nhưng không phải cho đám cưới của con như con đã mặc thử, mà để con nằm yên trong khúc quan tài buồn. Chỉ nghĩ thấy thôi, Má đứt từng khúc ruột, từng thớ thịt căng cứng, từng mạch máu muốn nổ tung. Má khóc đến cận khúc tâm can, tưởng không còn đủ nước mắt nhưng sao vẫn cứ tuôn tràn, con ơi! Còn nỗi đau nào hơn nỗi cùng khổ này không? Chúa ơi, sao Chúa cho con gánh nặng quá mức này?

Những đêm qua, nằm trên giường thiếp nhẹ một chút nhưng giật mình nhiều hơn. Cứ một lần mở mắt là một lần tưởng con bên cạnh. Ước mơ, ước mơ có con được thêm một ngày nữa thôi, một lần nữa để Má kể hết chuyện cho con nghe rồi con hãy đi. Má sẽ xin lỗi con vì đã không đủ sức để bảo vệ con, để con phải đau đớn dưới lằn đạn oan nghiệt hằn lên thân thể con, để con phải lạnh lẽo, cô đơn, hoảng sợ khi bóng đêm về một mình trong căn phòng tan nát vì đạn phá, nước của ống dẫn làm lạnh thân con thêm nữa, rồi tiếng côn trùng rỉ ra làm con sợ lắm, phải không? Con sợ ma nhưng lại phải nằm trơ trọi một mình, khổ thân con tôi quá!”

Đây chỉ là một phần của bức thư đầy bi thương, viết lên từ trong trái tim đang rỉ máu của người mẹ. Đọc thư, mới cảm nhận được hết nỗi đớn đau, cảnh bât hạnh của những cái chết oan nghiệt, gây nên bởi bọn khủng bố, và bởi chiến tranh. Có người đã so sánh cảnh khủng bố này, với cảnh khủng bố của VC ngày xưa, khi đặt bom ở tòa Đai sứ Mỹ, ở nhà hàng Mỹ Cảnh, và ở đài phát thanh Saigon. Người ta nói, cảnh tượng còn rùng rợn hơn nhiều, vì khủng bố bằng súng đạn, thì dù có mất mạng, nhưng cũng chết toàn thây, còn cảnh đặt bom mới thực kinh hoàng, mỗi phần của thân thể văng đi một nơi, không còn nhận diện được....

Đối với ĐT thì 2 chuyện đều là khủng bố cả, một xảy ra trong thời bình, và một xảy ra trong thời chiến. Dù thời nào, thì bọn khủng bố cũng đáng bị kết tôi, vì nạn nhân là những người dân lương thiện, không có vũ khí trong tay. Chỉ có bọn mang máu lạnh, không có nhân tính mới làm được những vụ này ! ĐT vô cùng xúc cảm trước cái chết thương tâm của cô Thành Tín và thông cảm với nỗi đau mất con của bà Thanh Vân. ĐT xin cầu nguyện cho cô Thành Tín sớm được an nghỉ bình yên dưới chân chúa, và hy vọng thời gian sẽ là liều thuốc nhiệm màu hàn gắn vết thương đau của bà Thanh Vân.

Xin bà hãy giữ gìn sức khoẻ.

Đan Tâm

2/ ĐỪNG   ĐEM   THÀNH   BẠI   LUẬN   ANH   HÙNG (Giao Tiên)

 

Nguồn Internet

Nguồn Internet

Vào những tháng cuối năm 2015, khi thế giới đang bối rối về nạn di dân, và lo sợ về tình trạng khủng bố, thì miền Nam Cali, cuốn phim “Terror in Little Saigon” của A.C. Thompson và Tony Nguyễn được trình chiếu.  Nội dung cuốn phim, nhắc lại vụ ám sát các nhà báo VN vào thập niên 80. FBI đã điều tra, nhưng không tìm ra thủ phạm.  35 năm trôi qua, các vụ án này hầu như đã đi vào quên lãng, thì sự xuất hiện của cuốn phim “Terror in Little Saigon”, đã gây ra những sôi động, những ý kiến ngược chiều, những lời công kích sát ván, trên mạng internet.

 Vào nửa sau thập niên 70-80, sau khi Viet Nam Cộng Hoà sụp đổ, người Việt tỵ nạn tới Hoa Kỳ bằng đủ mọi phương tiện, trong những hoàn cảnh, và tư thế khác nhau.  Họ giống nhau một điểm, là sự tan nát của tâm hồn.  Những cảm giác buồn bực, ấm ức, lo lắng, và ngay cả tuyệt vọng.  Bỏ nhà, bỏ nước ra đi, với hai bàn tay trắng, để định cư ở một nơi khác biệt từ ngôn ngữ tới phong tục tập quán, thì ai mà không lo lắng cho cuộc sống trước mắt?  Có những quân nhân di tản với vỏn vẹn một bộ đồ trên mình, và không có người thân.  Họ ấm ức, không cam tâm, lòng tự ái bị tổn thương vì tình trạng... chưa đánh đã đầu hàng. Có những người di tản ngoài dự tính, chưa kịp từ giã hay thu xếp gia đình, luôn lo lắng cho mẹ già, vợ dại, con thơ, bỏ lại sau lưng.

Trong tâm cảnh ấy, Tướng Hoàng cơ Minh, Hải quân Đề Đốc đứng ra thành lập Mặt Trận Kháng Chiến với mục tiêu giành lại đất nước từ bàn tay CS. Mặt Trận Kháng Chiến ra đời đúng thời cơ, khi lòng yêu nước của những người Việt tỵ nạn bùng cao, và lòng hận thù CS do những mất mát cá nhân chồng chất. Ông được nhiều người Việt ở hải ngoại ủng hộ, không những ở Hoa Kỳ, mà còn sangtận Âu châu, Úc châu, Nhật, Thái Lan..., và ngay cả những người còn đang nằm trong trại tỵ nạn, chờ ngày đi định cư...

Khi phong trào đấu tranh dâng cao, thì một số phóng viên, một số báo chí tỏ ra nghi ngờ về đường lối mặt trận, và đã có những bài báo gây tai tiếng cho Mặt Trận. Người ta nói rằnh những phóng viên này nhận được những lời hăm dọa bằng thơ nặc danh, bằng những cú điện thoại, và sau cùng bị ám sát.  Không ai khẳng định được những thư nặc danh, cú điện thoại này xuất phát từ đâu? cá nhân hay đoàn thể? hoặc là kẻ thù với mục đích gây chia rẽ, phân hóahàng ngũ quốc gia? Nhưng nội dung cuốn phim, luôn hướng dẫn khán thính giả về sự hiện diện của K9, nhóm những người phụ trách ám sát của Mặt Trận.  Không ai biết nhóm này có thực sự hiện hữu, hay chỉ là “ảo” trong trí  tưởng tượng của người làm phim?  Người đầu tiên bị ám sát là  anh Dương Trọng Lâm 27 tuổi, chủ trương tờ báo “Cái Đình Làng” ở Bắc Cali, mang lập trường thân Cộng rõ rệt.  Sau đó là những nhà báo Nguyễn Đạm Phong ở Houston, nhà báo Lê Triết và vợ, và sau cùng là Phạm văn Tập ở Garden Grove...

 FBI đã vào cuộc, lập biên bản, và điều tra những vụ ám sát này, nhưng không tìm ra thủ phạm.

Ông Hoàng Cơ Minh, chủ tịch Mặt Trận, theo chiến dịch Đông Tiến II, cùng một số chiến hữu, trở về ViệtNam hoạt động. Ông bị Việt Cộng truy kích, và tự vận chết bên bờ suối trong rừng Hạ Lào ngày 28/8/1987.

Câu chuyện tưởng tới đây là chấm dứt, nhưng 35 năm sau, cuốn phim “Terror in Little Saigon” ra đời, do sự phối hợp làm việc của AC Thompson và Tony Nguyễn.  Cuốn phim đưa ra nghi vấn về những cái chết này, với những phỏng đoán ngầm, nhưng không có câu trả lời dứt khoát! Người ta không biết mục đích của người làm phim này là gì?

Xem cuốn phim, nhà báo Giao Chỉ phê bình cuốn phim “Terror in Little Saigon” là “đầu voi đuôi chuột”, chả ra làm sao, sai ngay từ cái tựa đề, vì các vụ ám sát xảy ra ở rải rác nhiều tiểu bang của Mỹ, chứ đâu phải chỉ tập trung ở Little Saigon !

Nhưng cũng có nhiều bài viết kết tội Mặt Trận Kháng Chiến của ông Minh là lừa bịp, tham lam, đòi hỏi FBI phải mở lại hồ sơ, đưa thủ phạm ra ánh sáng. Có bài còn yêu cầu FBI dẫn độ ông Hoàng cơ Định, hiện đang ở Nhật, lấy vợ Nhật về  Hoa Kỳ để thẩm vấn,  Có người còn tự nhận là chú ruột ông Lý Thái Hùng,  viết bài tố khổ ông tới 3 đời, chụp cho ông một cái nón cối nặng nề, đội muốn gẫy cổ....

Xin quý vị hãy bình tâm trở lại.  Các vị có nghĩ rằng om sòm lên tiếng, nhân xem một cuốn phim, rồi đòi FBI phải mở hồ sơ, điều tra trở lại, theo ý kiến cá nhân của các vị là quá đáng hay không?  Xin nhắc nhở, vụ ám sát Tổng Thống John F. Kennedy và người em nổi danh là Robert Kennedy ngay trên đất nước Hoa Kỳ, mà FBI cũng không mở lại hồ sơ điều tra, tiếp tục cho tới khi tìm ra thủ phạm, mặc dầu không thiếu gì bài viết đưa bằng chứng của nhiều người có danh tiếng, thì vụ ám sát các nhà báo Việt nam tỵ nạn CS 35 năm về trước có động cơ gì chính đáng và thuyết phục để bắt họ phải mở lại hồ sơ, trong khi nhà nước Mỹ có không biết bao nhiêu là vấn đề xã hội và an ninh phải lo, phải làm hàng ngày, và ngay trước mắt?  Vụ yêu cầu FBI dẫn độ ông Hoàng cơ Định từ bên Nhật về Mỹ, chứng tỏ người viết bài không nắm được hết sự kiện, mà chỉ nhắm mắt nói càn, vì ông Hoàng cơ Định chắc chắn là không ở Nhật.

Tôi không hề quen biết ông Hoàng cơ Minh, Hoàng cơ Định, hay Lý Thái Hùng.  Tôi cũng không hề tham gia Mặt Trận Kháng Chiến. Tôi viết bài này với sự vô tư, dựa trên dư luận, và những tài liệu đọc được, để làm sáng tỏ thêm sự việc, và đòi lại công bằng cho ông Hoàng cơ Minh, người đã chết cô đơn bên bờ suối Hạ Lào trong chiến dịch Đông Tiến. Ông chết cô đơn, không được một bàn tay vuốt mắt, và không được có một nấm mồ. Chỉ riêng những điểm đó đã khiến những người Việt tỵ nạn hiểu chuyện, không định kiến, phải nghiêng mình trước sự hy sinh vì đất nước của ông.

Nếu trách ông Hoàng cơ Minh bịp bợm, khoa trương về số lượng chiến hữu trong Mặt Trận Kháng Chiến, thì cũng nên hiểu rằng chính trị là muôn mặt, và trong chính trị, chẳng mấy khi mà nói thực. Chuyện VNCH xưa, tôi nhớ rằng giới truyền thông, và chính khách Mỹ mới ca tụng Tổng Thống Ngô Đình Diệm là nhà ái quốc trong sạch, thì vài năm sau đã nói xấu ông là theo chính sách gia đình trị, dung túng tham nhũng, để có cớ làm đảo chính, giết ông. Việc trước mắt, Tổng Thống Obama mới tuyên bố ISIS chỉ như một đội thể thao đại học, thì sau đó không lâu, đã nói lực lượng Hồi giáo này sức mạnh lan tràn toàn cầu !

 Khoa trương chỉ là hình thức của tuyên truyền. Nếu như ông Hoàng cơ Minh có khoa trương về mặt trận, để chiêu mộ thêm anh hùng hào kiệt, thì cũng nên thông cảm cho ông. Có ai dám chê Nguyễn Trãi khi ông lấy mỡ viết lên lá cây “Lê Lợi vi quân.  Nguyễn Trãi vi thần” để vận động cho cuộc kháng chiến chống quân Minh trong mười năm, vào lúc “tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu” hay không? Cái khác, phải chăng chỉ là ở chỗ thành hay bại! Nhưng người mình đã có câu: “đừng đem thành bại luận anh hùng” đó sao?

Trước năm 75, hồi chính quyền VNCH còn vững vàng, thì ông Hoàng cơ Minh là một vị tướng sạch, không hề có tai tiếng, ông được những quân nhân dưới quyền thương mến vì bản tính giản dị, bình dân, thương lính. Ngày di tản, ông không bỏ nhiệm sở về nhà lo cho vợ con như nhiều người đã làm. Ông ở lại nhiệm sở, lên kế hoạch, sửa soạn cho chuyến hải hành di tản.  Ông chỉ nhờ người bạn ghé nhà, báo tin và dẫn đường cho mẹ và vợ con ông xuống tàu. Chị Vân, vợ ông Minh thường tâm sự với bạn bè: “Trong lúc anh Minh lo cho người khác, thì mình một tay dắt mẹ chồng, một tay bồng con trai, bước lên chiếc cầu khỉ, để leo lên thành tàu, nhiều lần gió mạnh, rung quá, cứ tưởng rơi xuống biển cả đám...”

Sang tới Hoa Kỳ, ông đã  từ chối cái công việc ngồi viết quân sử mà Mỹ tặng cho các tướng lãnh VNCH làm kế sinh nhai, mà chấp nhận làm lao động chân tay, làm thợ sơn nhà cửa, để có thì giờ đi khắp nơi, vận động thành lập “Mặt Trận Kháng Chiến” ....

Còn nếu kết tội ông Hoàng cơ Minh quyên góp tiền bạc của mọi người đóng góp, thì chắc chắn không phải là dùng cho cá nhân ông hay cho gia đình của ông. Chị Ngô Bích Vân, vợ ông Minh sống trong ngôi nhà rất khiêm nhường, tại một tỉnh nhỏ, đa số là người Miên và Lào.  Chị làm việc liên tục 29 năm, để nuôi 3 đứa con, giờ đây đều tốt nghiệp đại học và đã có gia đình riêng.  Bạn bè đến thăm chị, ngồi trên chiếc sofa đã sờn, mà chị ngập ngừng giới thiệu là mua từ “garage sale”.  Cái chết của ông Minh, đối với chị, là một chấn động lớn, khiến chị nhiều khi tâm thần bất định. Chị chối bỏ sự thật, là ông Minh không còn nữa. Chị không dám dọn nhà, hay sang ở với các con, vì sợ ông Minh trở về bất thần, sẽ không tìm ra nhà. Ở một mình, mỗi tối, chị mở cuốn băng, nghe đi, nghe lại những lời dặn dò, hứa hẹn, mà ông Minh đã thu cho chị trước khi lên đường.  Chị không cầm được nước mắt, khi nghe ông Minh hứa hẹn: “khi việc lớn hoàn tất, anh sẽ giao hết lại, để cùng em về miền quê, an hưởng thú điền viên.”  Bạn bè của chị, không ai dám nhắc tới chuyện ông Minh qua đời, để cho chị được an vui trong cái thế giới “ảo” của chị, để chị có niềm tin tiếp tục sống.

Mặt Trận Kháng Chiến của Đề Đốc Hoàng cơ Minh đã không thành công, và ông cũng bỏ mình cho lý tưởng! nhưng tinh thần yêu nước và sự dấn thân cho đất nước của ông,  không dễ có mấy ai làm được ! Cái chết của Đề đốc Hoàng cơ Minh cũng vinh quang như cái chết của 7 vị tướng quân, tuẫn tiết khi miền Nam sụp đổ

Xin mọi người đừng vì một cuốn phim có mục đích mù mờ, với những gỉa thiết mơ hồ, mà làm thương tổn tới người chiến sĩ đã vì đất nước quên thân mình, và cũng đừng khơi thêm vết thương đang rỉ máu trong trái tim của người hiền phụ!

Giao Tiên (12/15)