Một người bạn mới gửi cho tôi một bài viết về Mặt Trận và Việt Tân với nhận định là bài viết “rất hay” để hỏi ý kiến tôi nghĩ sao. Người này trong quá khứ chưa từng quan tâm gi đến việc đấu tranh mà chỉ lo làm ăn sinh sống (tuy là dân thuyền nhân có thù ghét VC). Tôi đọc bài viết và biết rằng tác giả vốn là một đoàn viên MT trẻ ở Paris, tình nguyện gia nhập về nước ngay giai đoạn đầu khi MT mới vận động. Nhưng trong giai đoạn chờ đợi và qua một số huấn luyện thử thách thì đã không được nhận về. Sau đó thì đã đi vào trong nước (hình như theo một nhóm chính trị khác?) và bị bắt rồi được thả ra sau một thời gian. Ra hải ngoại, đã từng viết nhiều bài đả kích MT, ồn ào một dạo kêu gọi quyên tiền ủng hộ chiến đấu trong nước, và giúp các kháng chiến quân bị tù, cùng với một tên hoạt đầu khác. Rồi sau đó đi vào quên lãng. Bài viết này có một số dữ kiện về MT nhờ thời gian đương sự ở trong MT cũng như là do sự gần gạnh với một số nhân vật MT ở Pháp. Nhưng mà cũng có những sự kiện dựng đứng, hay suy diễn chủ quan, hay “nghe hơi nồi chõ”. Tôi chỉ nói vắn tắt với người bạn rằng bài viết có nhiều điều không đúng. Vắn tắt vì tôi biết người bạn tôi cũng không chú ý bao nhiêu vấn đề đấu tranh, và cũng bởi nghĩ rằng có giải thích nhiều thì cũng chẳng hơn gì. Vì mọi sự đã qua, xá gi một tiếng khen chê hay dở của kẻ bàng quan. Tuy rằng khi đọc thêm một bài kể là lịch sử, có tính cách hạ thể MT, là một tổ chức thực sự đấu tranh - thì tôi cũng không tránh khỏi lại gợn lên trong lòng cái xót xa cho những người hy sinh vì đại nghĩa mà đã từng bị dài dài bôi xấu bởi những kẻ vô lương, ganh ghét, hay vô ý thức, ngay trong khi còn sống.
Dù sao thì tôi cũng biết rằng không có lịch sử khách quan, vi không có tiếng nói của kẻ thua trận, mà chỉ có những tô vẽ của kẻ thắng trận, vớinhững trầm trồ khen ngợi hay những chặc lưỡi tiếc nuối của những ngườibàng quan.
Cách đây mấy ngày, tôi vừa nói chuyện về MT với một giáo sư sử học người Mỹ ở một trườngđại học miền trung tâyHoa kỳ. Người này tôi gặp ở thủ đô Thimphu nước Bhutan cuối tháng 6/2011 trong hội nghị quốc tế lần thứ tư của tổ chức Nghiên cứu về tôn giáo và văn hoá Nam Á và Đông Nam Á châu(SSEARS). Đề tài tôi thuyết trình là “Vai trò của Núi trong tôn giáo và lịch sử VN” ( nội dung là nói về Huyền thoại dựng nước Lạc Long Quân với Âu cơ, và Trúc Lâm Yên tử với Trần Nhân Tông, trong bối cảnhtôn giáo VN). Ông giáo sư này nói về một đề tài lịch sử tổng quát là “Sự bảo tồn các di tích núi”. Thấy tôi là người Việt, ông đã ra gợi chuyện và hỏi có biết gì về Mặt Trận hay không để có thêm dữ kiện trong một cuốn sách ông soạn về kháng chiến Lào, vì những người Lào này đã kể rằng có làm việc với MT. Bẵng đi mấy năm, mới đây ông liên lạc trở lại ngỏ ý muốn đến gặp tôi để hỏi thêm về MT, cùng với một người bạn nữa. Tôi đã nhận lời, vì nghĩ rằng nếu ông muốn tìm hiểu thêm thì hẳn là còn có điều nghi mình nên giúp, với hy vọng rằng sẽ có một số điều trung thực về MT được viết ra do cuộc trao đổi. Ông đã đến gặp tôi cùng với hai người trẻ tuổi, một là phóng viên, một là người làm phim, của hãng tin điện tử (on-line) bất vụ lợi ProPublica. Phần lớn cuộc nói chuyện là với người phóng viên, ông giáo sư lịch sử chỉ giới thiệu mở đầu và thỉnh thoảng thêm thắt. Tựu chung, là những câu hỏi quanh những nhân vật MT như các chiến hữu Hoàng Cơ Minh, chiến hữu Lê Hồng, và một số người khác như Phạm Văn Liễu, Hoàng Cơ Định, Đỗ Thông Minh, Lê Triếtvân vân … Họ không đặt câu hỏi thẳng nhưng tôi biết họ muốn thêm dữ kiện về những tin đồn thổi đủ loại, trong đó có vấn đề tiền bạc, vấn đề bạo lực, vì họ nhắc đếnK9. Họ cũng hỏi tôi về một triệu phú Nhật bản được nghe nói là giúp MT mà tôi không biết. (Tôi không nhớ tên Nhật đa âm dài lòng thòng của người này do người Mỹ phát âm, và thấy cũng không cần hỏi lại). Nhắc đến Nhật, tôi đã nói về nhóm Người Việt Tự do ở Nhật và chiến hữu Ngô chí Dũng mà họ có vẻ họ đã không để ý, nhưng có nhờ tôi đánh vần tên chiến hữu Dũng và ghi lại, có lẽ để tìm hiểu thêm. Họ nói đã gặp Nguyễn Xuân Nghĩa. Họ đã sang Thái lan tìm hiểu và mới về. Cuối cuộc nói chuyện họ cho biết sẽ xuống Houston dự một buổi lễ tưởng niệm chiến hữu Hoàng Cơ Minh cuối tuần này (có lẽ là ngày hôm nay hay ngày mai chủ nhật). Nhận định của tôi là có vẻ như họ muốn có những dữ kiện mà đối với họ là gần với sự thực về MT nhất, ngoài những đồn thổi đủ loại đã nghe, để lọc lựa ra mà trình bầy. Trong hơn hai tiếng đồng hồ trò chuyện qua lại, tôi đã nói với họ về quan điểm đấu tranh tự lực tự chủ của MT và vai trò của lực lượng võ trang kháng chiến. Là khơi mào và yểm trợ tổng nổi dậy, chứ không phải là một đội quân chuyên nghiệp chỉ biết bắn súng. Tôi nói cho họ biết rằng mỗi kháng chiến quân được đào tạo để làm một cán bộ vận dụng, chứ không phải để thành một người lính. Bởi vì một vài người cán bộ hoạt động cho lý tưởng có thể ít nhiều kiểm soát một quận. Một toán lính chỉ giữ được một đồn canh, thua trận là mất đồn. Vì thế, ngay cả trong số những người bị bắt và trốn thoát trở ra được hải ngoại cũng vẫn còn có người tin tưởng ở cuộc đấu tranh, tuy bây giờ họ sống yên lặng. Người phóng viên có vẻ chú ý đến điều này và hỏi tôi có biết ai trong số này không. Tôi nói tôi có đọc một lá thư tay từ đã lâu của một kháng chiến quân vượt ngục, trốn thoát ra hải ngoại. Nhưng để đâu thì không nhớ, và hứa nếu tìm được sẽ cho họ. Tất cả đều được họ ghi chép, nhưng họ sẽ trình bầy ra sao thì tôi không biết. Về cuối, họ hỏi tôi rằng phải chăng MT là tổ chức đấu tranh từng được nhiều người tin tưởng vượt xa mọi đảng phái khác hay không, thì tôi nói rằng đúng thế và cho họ biết rằng thời MT là thời mà nhiều người VN hải ngoại sống trong một không khí đầy hy vọng và phấn khởi.
Phải nói rằng chính tôi trong cuộc trao đổi đã rất hứng thú, vì có dịp nói ra nền tảng quan điểm chiến lược của MT mà tôi đã chia xẻ cùng chiến hữu Hoàng Cơ Minh trước khi nhập cuộc đấu tranh, và khai triển, và tin tưởng rằng đó là con đường không thể khác của những người đấu tranh thực sự. Là lấy sức mình làm chính để giải quyết vấn đề của mình, với những con người cán bộ vì lý tưởng, chứ không phải là với những người lính dựa trên sức mạnh võ khí. Tôi có nói với họ rằng nếu chủ trương quân sự để chiến thắng thì chỉ có Mỹ là có sức mạnh quân sự đúng mức để làm như thế và muốn dùng lúc nào thì dùng. Nhưng Mỹ đã không thắng ở Iraq, ở Afghanistan, dù rằng đã giải quyết nhanh gọn chiến trường với sức mạnh võ khí. Ở chỗ này, cả ba người Mỹ đều cười, một cái cười có nhiều ý nghĩa, hay ít ra là một cái cười xoà qua chuyện.
Cuối cuộc gặp gỡ, họ hỏi tôitại sao không viết hồi ký. Tôi hỏi viết để làm gì? Về một thất bại? Hay để xiển dương một thất bại? Viết cho ai đọc và ích lợi gì? Tất cả đã qua rồi. Nếu có` người khen là hay thì người đó sẽ làm gì? Nếu chê là dở thì có sao và có làm mình khác gi? (Tôi hơi triết lý chỗ này và họ nghe cho qua vì không phải là việc họ đang làm). Khibắt tay từ biệt, người phóng viên đã nói với tôi rằng “thật là một hân hạnh (honor) được nói chuyện với ông”. Người làm phim bắt tay chào và nói “ông nên viết hồi ký đi”. Tôi cười nhẹ. Có thể đó là cách chấm dứt cuộc nói chuyện một cách tinh tế xã giao, không thông thường của người Mỹ. Có thể là vì tôi đã cho họ biết một số dữ kiện đáng chú ý về MT, về cuộc đấu tranh, mà họ chưa từng nghe, và vì thế đã tạo cho họ một chút ấn tượng tích cực. Cũng chưa biết được. Để xem họ sẽ tường trình ra sao. Bởi vì họ còn có dụng ý riêng của họ, và nếu cần thì bóp méo hay cắt xén để phục vụ cho mục tiêu của họ. Tôi hiểu rõ kỹ thuật này của truyền thông Mỹ. Người phóng viênngày hôm sau đã gửi cho tôi một email cám ơn, và nói mong tiếp tục giữ liên lạc qua email hay điện thoại cá nhân mặc dầu là đã đưa tôi danh thiếp khi đến nói chuyện. Anh cho biết cuốn phim họ đang thực hiện sẽ ra mắt khoảng tháng 11. Ý hẳn là anh có thể còn cần nói chuyện với tôi. Còn tôi thì không cần. Tôi biết họ có nhu cầu của họ. Vì thế tôi chỉ trả lời cám ơn bức thư, không đả động chuyện gặp gỡ. Tôi hiểu rõ truyền thông Mỹ. Khi cần thì mình ở đâu họ cũng tìm cho ra. Khi không thì đứng trước mặt mà họ nhìn không thấy.
**
Cũng là điều hơi lạ, vì gần 3 thập niên sau khi các chiến hữu tiên phong hy sinh, vẫn có người ngoại quốc muốn tìm hiểu về MT, trong khinhiều người ngoại quốc gốc Việt không biết gì và không quan tâm gì về MT và về cuộc đấu tranh. Và ngay cả những người một thời hăng say trong đấu tranh cũng đã có lúc né tránh cái chủ trương chiến lược của MT. Kể thật là mỉa mai: Những chiến hữu tiên phong thất bại vì bị quân VC đông đảo hơn bao vây truy diệt. Người hải ngoại tự do chống VC ở hải ngoại không bị VC đánh mà thua ngay trong nhà mình.
***
Hôm nay, câu hỏi đặt ra cho chúng ta những người sau ba thập niên tham dự nhập cuộc và mười năm sau khi Chệch chính thức tuyên bố chấm dứt hoạt động MT để bày tỏ sự dứt khoát đổi hướng từ đấu tranh cách mạng sang chính trị, theo chủ trương tiếp cận để thay đổi, là: cuộc đấu tranh đã để lại gì?
Một cách cụ thể, có thể nóirằng sự hy sinh của những kháng chiến quân, và đóng góp của những đoàn viên MT cũng như VT ở hải ngoại đã đem lại cho những người đi chệch (từ to đến nhỏ) một số công ăn việc làm kiếm sống, trong những ngày còn lại của cuộc đời sau khi đổi hướng. Họ đã đi vào đấu tranh từ thời còn trẻ, đã đóng góp với nhiệt tình, nhưng đã làm hỏng cuộc đấu tranh khi đi chệch, do mỏi mòn vì đường dài cách mạng để mà bị mê mụ bởi những viển cảnh thoả hiệp mầu hồng vẽ ra bởi các thế lực phi dân tộc, mà mục đích là để khai thác đất nước VN. Với sự chệch hướng, họ đã trở thành những công cụ cho chiến lược này và được đối xử đúng cách như đối với nhũng bình bông chậu kiểng. Nghĩa là khi cần thì được vác ra, dí máy thu âm vào miệng, dơ máy thu hình trước mặt, để mà i ô nhai lại những khẩu hiệu, chủ trươngphục vụ chiến lược nước lớn, không khác gì VC đang tôn vinh 4 tốt và 16 chữ vàng. Điều hơi buồn là họ không được có nhiều dịp như vậy bằng những người được kể là chuyên gia hay những nhà bất đồng ý kiến có môn bài trong nước.Vì hạng này hữu ích hơn. Nhưng làm sao được, khi bỏ nội lực thật của mình là vận động cách mạng dân tộc để chuyển sang mưu mánh chính trị thời cơ giai đoạn. Đến đây tôi không khỏi nhớ đến bài tập đọc ngụ ngôn có cái tên dường như là “Thả mồi bắt bóng” thời mới đi học. Bài kể chuyện con chó ngậm miếng thịt chạy đến một cái cầu, ngừng lại nhìn xuống giòng sông nước động, làm cho bóng miếng thịt rung rinh to hơn, khiến con chó nhả miếng thịt ra và nhẩy xuống sông để lấy cái bóng miếng thịt to hơn ở dưới nước.
**
Vì sự a dua đổi hướng để tìm ủng hộ chính trị Chệch đã mất tư thế dẫn đầu chủ động, lâm vào tình trạng bị động lúng túng giải thích quan điểm đấu tranh chính trị mà ngoại quốc nhồi cho, và vớt vát trang điểm bằng những khẩu hiệu rỗng tuếch. Các đảng viên mất tinh thần, rơi rụng. Những người mới tuyển mộ được là những kẻ hiếu động, hành xử như những người hoạt động chính trị cộng đồng trong các xã hội ngoại quốc ổn định. Song hành cùng những con rối chính trị khác được cung cấp tiền bạc để cho xôm vở kịch cẩu hợp giữa tư bản và cộng sản biến thái.
Không rõ ràng bằng, nhưng quan trọng, là cái tinh thần đấu tranh chống độc tài Cộng sản nổi mạnh với sự vận động của MT, đã được bàng bạc tiếp nối duy trì trong các sinh hoạt đủ loại đủ mặt, ở hải ngoại, khiến VC không thể dễ dàng tiến hành cái chủ trương gọi là “hoà hợp hoà giải”, “quên đi quá khứ, xoá bỏ hận thù”. Nó quan trọng tới mức độ mà ngay cả bây giờ, những cò mồi giúp VC biến thái đã phải luôn luôn bắt đầu bằng cái lập trường chống đối chế độ độc tài CS, chống cái cơ chế sơ cứng hư hỏng, để tạo chú ý và tin tưởng, trước khi dần dần nhẹ nhàng bẻ ngoẹo hướng đấu tranh sang phía khác, xóa mờ đi cái yêu cầu nền tảng để giải quyết mọi vấn nạn VN là chế độ tay sai bán nước VC, chứ không phải là hợp tác với chế độ đó để cải sửa những cái mà chúng gọi là bất cập để thực hành những chủ trương phi dân tộc. Người theo rõi tình hình đều thấy đầy rẫy thí dụ trước mắt.
Đại sứ Mỹ Ted Osius ở VN mới đây khi đi giải thích chính sách Mỹ tại VN để vận động sự đóng góp tích cực của người Việt ở hai miền Nam và Bắc Caliorniasau hai mươi năm hợp tác với VC, biết rằng khó thể nào thuyết phục bằng chính trị. Bởi vì độc tàikhông khác, đời sống khá hơn cho một số thành phần, nhưng xã hội đồi bại hỗn loạn không thể nào chấp nhận. Vì thế đổi thay chính trị là điều không thể không nói tới trong chuyến đi. Cho nên Osius chỉ có thể bày tỏ những hy vọng mơ hồ về sự thay đổi tình hình tự do dân chủ nhân quyền tại VN qua sự hợp tác của Mỹ, nhưng đã cụ thể nêu lên kết quả chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng sang Bạch cung, là giao kèo 7 tỉ đô la bán máy bay và sự gia tăng giao thương giữa hai nước lên tới 40 tỉ đô la, kéo theo gia tăng công ăn việc làm, mà Osius gói gọn thành mấykhẩu hiệu đẹp đẽ vừa chính trị vừa kinh tế, là : “hướng về tương lai” và “cơ hội cho giới trẻ”. Đứng từ góc thuần túy công ăn việc làm của một người Mỹ trong tình trạng khủng hoảng kinh tế kéo dài người khôn của khó hiện nay thì sẽ không thể không chú ý đến chủ trương này, bởi vì có việc thì kinh tế đi lên đời sống dễ thở. Nói thêm ở đây, là những người kể là đấu tranh đã không mấy ai thấy rõ cái thâm ý này để mà phản biện, mà chỉ tiếp tục đặt vấn đề trong cái vòng quen thuộc tự do dân chủ nhân quyền, để không có câu trả lời nào cả, hay là chỉ có những câu trả lời để chỗ cho những suy diễn theo hoang tưởng mầu hồng như ta thấy trên một số bài tường thuật.
**
Nhỏ hơn, hệ quả của cuộc đấu tranh MT ở phạm vi từng cá nhân những người từng ôm ấp lý tưởng đấu tranh, nhưng lực bất tòng tâm, thì như chiến hữu KT khi đọc một đoạn văn của Nguyễn Xuân Nghĩa trong bài “Nhớ Võ Hoàng”.
.. nơi kia cần "mi" lại cho chỉnh, thời đó chúng ta chưa dùng chữ lay-out, là cũng có Võ Hoàng. Thời đó nữa, chúng ta còn phải dùng cái máy "Varytyper" nặng như cái cùm, in bài ra giấy còn phải lấy bút bỏ dấu .....
KT, cô sinh viên nhỏ thó ít nói, mới học xong đại học và đi làm toàn thời lúc đó, viết gửi cho Đồng Tâm: “Như chỉ mới hôm qua, nhưng như vậy mà đã gần 30 năm, hôm nay đọc lại chữ "mi" của bài viết Nhớ Võ Hoàng, bao nhiêu kỷ niệm cũ của thời gian làm toàn thời lai trở về. Thuở ấy làm cái gì cũng cực, nhớ nhất là làm báo Kháng Chiến, cái gì cũng phải tự tay cắt xén, bỏ dấu, nhất là phải ngửi cái mùi chua chua khó chịu mỗi khi treo những tờ giấy làm báo lên phơi khô trước khi mang đi in. Đêm đêm, nằm, bò dài ra trên đất để bỏ dấu, người này bỏ dấu xong thì người kia duyệt lại thêm một lần nữa để không bị thiếu sót.Nhớ chiến hữu Võ Hoàng quá. Thuở ấy nghèo mà sao thân tình quá, cái từ Chiến Hữu thuở ấy rõ ràng là Chiến Hữu một cách tràn đầy ý nghĩa”.
Những điều trên nói ra không phải là vì tiếc nuối quá khứ, không phải vì muốn vực dậy một cái gì đã mất, sống lại những ngày đã qua. Vì ngày qua đi có bao giờ trở lại? Mà chỉ là vì trong một thoáng gợn thời gian, chúng ta đã có chút thì giờ - kể là xa xỉ - nhìn lại một giai đoạn quá khứ kể đã xa nhưng vẫn còn gần với chúng ta vì cơ duyên. Để mà có những xao động tâm tình như KT, hay là trầm tĩnh rút kinh nghiệm, mà thật ra cũng chẳng có gì mới lạ. Là: Đừng thả mồi bắt bóng. Đừng lấy giả làm thực. Và để mà tự nhủ nếu không đủ dũng khí như các chiến hữu Đông tiến để “nhận tương lai của dân tộc làm tương lai cá nhân” - như chiến hữu Tuệ Vân viết trong bài tâm tình Hướng về tháng tám, - mà một đi không trở lại, - thì xin đừng trở thành thời cơ chính trị để mà vong thân, làm mất chính mình, tự dối mình và dối người bằng ngụy luận để toa rập với những thế lực phi dân tộc và tay sai làm hại đất nước, ngược lại lý tưởng ban đầu của chính mình.
Nói thế nhưng làm mất chính mình chẳng phải khó đâu. Sự thay đổi trong cuộc đời và trong chính mình nhanh chóng như mây nổi trên trời. Nhà thơ Đỗ Phủ đời Đường đã viết: Trên trời mây nổi như áo trắng, phút chốc biến thành chó xanh (Thiên thượng phù vân như bạch y, tu tư hốt biến vi thương cẩu) nhân thấy một người bạn thơ bị vợ bỏ vì nghèo. Ôn như hầu Nguyễn gia Thiều, tác giả cuốn Cung Oán Ngâm Khúc cũng lấy cái hình ảnh biến thiên mây-chó này mà viết: “Lò cừ nung nấu sự đời, bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”. Để nói về những đổi thay mau chóng của con người và cuộc đời, có thể bi thương đối với một số nhưng lại hoan hỉ đối với một số khác.
Cho nên, nhìn tất cả với con mắt như thị, có sao nói vậy, bình tĩnh, phải chăng là một cách an tâm, một niềm vui?
Trần Xuân Ninh
29 tháng 8/2015