Trong chương Bàn Chuyện Thời Sự hôm nay kính mời quý vị thính giả và các bạn theo rõi hai bài viết: "Putin và Nga sang năm 2015" của Bác Sĩ Trần Xuân Ninh và "Huyền Thoại Đu Dây" của tác giả Đào Hiếu.
---------------------------
Putin và Nga sang năm 2015
BS Trần Xuân Ninh
Một giờ sáng ngày 18 tháng 12/2014 ngân hàng trung ương Nga thông báo quyết định tăng lãi xuất từ 10.5% lên 17%. Quyết định này xẩy ra sau khi đồng tiền Nga rouble mất giá hơn 10% trong một ngày, xuống tới mức 64 đồng ăn một đô la, tức là mất giá một nửa so với hồi đầu năm 2014. Người ta biết rằng sự mất giá này là hậu quả của vụ Nga can thiệp vào Ukraine, vì Nga ủng hộ quân ly khai chống chính phủ Kiev được sự hỗ trợ của Mỹ và khối NATO. Sự trả đũa trừng phạt của Mỹ và Âu châu, bắt đầu là các biện pháp chế tài kinh tế tài chính đã không có bao nhiêu hiệu lực, vừa vì sự phản đối của các đại công ty tài phiệt đa quốc Âu Mỹ liên hệ làm ăn lớn với Nga, vừa vì sự không thống nhất chính trị giữa Mỹ và các nước Âu châu . Mới đây, một trả đũa thứ hai có hiệu quả nhanh chóng hơn, là sự đánh sụt giá dầu hỏa. Giải thích chính thức thì là vì số dầu hoả sản xuất quá nhiều, do số dầu mới lấy được từ đất và đá bằng phương pháp fracking của Mỹ. Thực sự là phương pháp fracking này rất tốn kém so với phương pháp hút dầu từ các mỏ dầu và khí đốt đang khai thác, và vì thế chưa được sử dụng rộng rãi đến mức độ làm cho dầu sản xuất thặng dư to lớn. Sự giảm giá dầu này là đánh vào một phần quan trọng của tổng sản lượng quốc gia của Nga, mà 1/3 hay hơn là từ lợi tức bán dầu và khí đốt.
Tính cách chính trị quyết liệt được thấy trong sự giảm giá dầu với hai sự kiện: một là giá dầu xuống thấp nhanh chóng một cách vô lý, giá chỉ còn một nửa (nghĩa là 60 đô la một thùng, so với giá trước đây là khoảng 120 đô la), hai là quyết định của các nước sản xuất dầu hoả OPEC bác bỏ đề nghị của Nga giảm mức độ hút đầu, để giữ giá dầu. Nhân tiện thì nhắc lại ở đây rằng là người ta biết đa số các nước sản xuất dầu hoả nói chung là nằm trong vòng điều khiển của Mỹ với Âu châu.
Sự sút giảm quan trọng và nhanh chóng tổng sản lượng quốc gia vì sụt giá dầu này đã đặt Nga trước những khó khăn kinh tế tài chính to lớn, có tác dụng lên đời sống quần chúng, và dĩ nhiên là gây những phản ứng quần chúng đối với lãnh đạo Nga nói chung, và Putin nói riêng.
Việc tăng lãi xuất ngân hàng đột ngột và to lớn có hệ quả trước mắt là giảm vay nợ để tiêu sài và đầu tư. Nghĩa là làm giảm tốc độ vận hành kinh tế. Nói nôm na là hết tiền thì ngừng ăn ngừng tiêu. Biện pháp này không đến nỗi gây nhiều phản ứng đối với những người dân chưa bị biến hoàn toàn thành cái máy tiêu thụ ở các xã hội tư bản lâu đời Âu Mỹ. Nó khác với tình hình ở Mỹ, mà lãi xuất ngân hàng trung ương là ở số không, để khuyến khích vay mượn để ăn tiêu và buôn bán, tránh cho tốc độ vòng xoay kinh tế tiêu thụ chậm đến mức độ sụp đổ. Ở Nga thì chưa biết ra sao. Putin đã tìm cách chặn các hệ quả tiêu cực của chiến lược tấn công kinh tế tài chánh này bằng cách động viên tinh thần ái quốc và tự hào dân tộc của dân Nga, trong một buổi trình bầy tình hình đất nước cuối năm, kéo dài 3 tiếng đồng hồ.
Trong buổi này, Putin đã nói rằng Mỹ và Tây phương muốn tìm cách biến Nga thành ra bị chia cắt như Nam tư, muốn bẻ răng bẻ móng con gấu Nga, và nhận rằng Nga lâm vào trong tình trạng kinh tế tài chính khó khăn vì đã không chú trọng đến tính chất kinh tế đa phương đa diện. (Hiểu ngầm rằng Nga đã chỉ chủ yếu dựa vào nguồn dầu hoả và khí đốt to lớn của mình). Khó khăn này sẽ được giải quyết trong vòng hai năm, và kinh tế tài chính Nga sẽ phát triển đa diện để đối phó với các khó khăn xẩy ra trong từng lãnh vực trong tương lai.
Dân Nga có tin lời hứa hẹn này của Putin hay không, các nhà bình luận Âu Mỹ đã không dám quyết đoán. Điều này không những tùy thuộc ở tình trạng đời sống khó khăn do kinh tế suy thoái mà còn do dân Nga nghĩ sao về những điều Putin kết tội Mỹ với Tây phương, là tìm cách bành trướng sang địa bàn của Nga và giữ cho Nga ở thế yếu. Dân Nga, cho tới khi Putin trình bầy tình hình cuối năm vừa rồi, vẫn ủng hộ Putin ở tỷ số 80%, theo như các bản tin thế giới. Buổi họp cuối năm với 1,000 người đủ các thành phần thân hào nhân sĩ đã nhiệt liệt hoan nghênh những luận cứ yêu nước của Putin. Tuy vậy, nhưng các bình luận gia Âu Mỹ, có lẽ dựa trên tâm lý quần chúng tiêu thụ Âu Mỹ, đã cho rằng Putin về lâu về dài, sẽ bị dân chúng phản đối khi mà đời sống khó khăn vì kinh tế suy thoái. Trước mắt, là Gazprom, hãng dầu hoả và khí đốt lớn nhất của Nga với trên nửa triệu công nhân đã cho biết sẽ phải cho nghĩ việc một phần tư nhân viên. Putin sẽ phải đối đầu với khó khăn này.
Có một điều cần để ý là trong vụ giải quyết kinh tế tài chính do giá dầu sụt thấp gây ra, thì không phải chi có những yếu tố nội tại của Nga, như vừa phác đưa ra, mà còn có những yếu tố từ ngoài. Là Mỹ, Âu châu và các nước sản xuất dầu hoả có thể giữ giá dầu hoả tiếp tục thấp như vậy trong bao lâu. Bởi vì giá dầu thấp thì những đại công ty dầu Âu Mỹ và các nước sản xuất dầu hoả ngoài Nga cũng bị giảm lợi tức. Cho nên giá dầu sẽ không thấp kéo dài vô hạn định. Nói khác đi thì cuộc chiến tranh dầu hoả này, là một cuộc đo tiền và vốn giữa hai khối đại gia xem bên nào có sức chịu đựng lâu. Cũng phải nói thêm rằng trong cuộc đọ sức này thì TC đứng ngoài quan sát. Và Tập Cận Bình đã giúp cho Putin một chiêu đầu bằng hiệp ước dầu hoả và khí đốt với Nga 400 tỉ đô la. Thế chân vạc ngày nay giữa Nga, Mỹ và Tầu thì như đã nói, Tập Cận Bình đóng vai trung tâm, vì Mỹ không còn ở tư thế chủ động như thời Nixon, tuy vẫn là đại cường nguyên tử và là nước tiêu thụ chính, nghĩã là vẫn còn khả năng tạo áp lực đáng kể vào các trung tâm kinh tế phục vụ nền kinh tế tiêu thụ toàn cầu hiện tại, mà Tầu là một tác nhân quan trọng.
Ngoài ra thì còn có bình luận cho rằng năm 2015 là năm sẽ reo hồi chuông báo tử chế độ Putin vì sự chống đối của người Hồi giáo, với những phản ứng từ các nước cộng hoà Hồi giáo, tương tự như Chechen thập niên 90 mà Putin đã trấn áp. Tiên đoán này còn nói rằng sẽ thành lập một nhà nước Hồi giáo vùng núi Caucase, tương tự như nhà nước Hồi giáo ISIS ở Iraq và Syria. Có thể là có những toan tính như thế. Nhưng điều chắc chắn là Nga không phải là Iraq hay Syria.
Trần Xuân Ninh
Ngày 20 tháng 12/2014
--------------
LGT: Tác giả Đào Hiếu là người Tây Sơn Bình Định, ông sinh năm 1946 gia nhập đảng cộng sản Việt Nam năm 1968. Năm 1970 ông bị bắt quân dịch và mang cấp bậc binh nhì ở Sư Đoàn 22 bộ binh QLVNCH. Vì là đảng viên đảng cộng sản, nên ông đã lén lút hoạt động chống Mỹ cho đến ngày 30 tháng 04 năm 1975. Sau 75 ông đã từng là phóng viên của báo Tuổi Trẻ ở Saigon.
Sự mở mắt của ông, cũng giống như bao nhiêu sinh viên của chế độ cũ tham gia mặt trận giải phóng Miền Nam trước đây tuy quá muộn màng, nhưng cũng vạch ra sự thất vọng của biết bao đảng viên VC trước sự bán nước và độc tài chuyên chế của đảng và chế độ mà họ đã đi theo từ những ngày còn trẻ.
HUYỀN THOẠI ĐU DÂY
(Đào Hiếu)
Khi người ta nói Việt Nam đang đu dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ thì sự ví von ấy hàm ý liều lĩnh, bắt cá hai tay, muốn chơi với cả hai bên mà lại không thật lòng với bên nào. Có nghĩa là cà chớn. Và như thế thì rốt cuộc chẳng được gì. Sẽ trơ trọi, sẽ đơn độc. Và trò “đu dây” ấy sẽ rất nguy hiểm.
Nhưng trên thực tế Việt Nam có đu dây không?
Người đu dây là một người tự tin, dũng cảm, mạnh mẽ và tài năng. Nhưng đứng trước Trung Quốc và Mỹ thì chính quyền Việt Nam không hề có các tố chất ấy.
-Không tự tin vì mặc cảm nước nhỏ, nghèo nàn, lạc hậu. Trước đây Việt Nam huênh hoang là “đánh thắng ba đế quốc sừng sỏ”. Nay thì tự ti đến nỗi một ông bộ trưởng Tàu sang Việt Nam để “kêu gọi đứa con hoang trở về” mà chính quyền cứ im thin thít.
-Không dũng cảm vì nó giết ngư dân mình mà mình còn sợ phạm huý, chỉ dám gọi nó là “tàu lạ”. Nó đổ quân chiếm đảo của mình mà mình lại ra lệnh không được kháng cự để đến nỗi bị nó bắn tan xác 65 chiến sĩ hải quân ở Gạc Ma chỉ trong vòng mấy phút.
-Không mạnh mẽ vì vũ khí thời chiến tranh để lại thì đã rỉ sét, vũ khí mới mua thì lèo tèo vài ba cái làm kiểng, và nạn tham nhũng tràn lan, quanh năm lo vơ vét ăn chặn, cắt xén, rút rỉa ngân sách, còn chí khí đâu mà đánh giặc?
Thử hỏi một kẻ nhu nhược, tự ti mặc cảm và nghèo rớt mồng tơi như Việt Nam thì nhìn thẳng vào mặt người ta còn không dám, nói chi tới chuyện đu dây. Vì đu dây là “giỡn mặt tử thần”. Việt Nam có bản lãnh gì mà dám đu dây?
Và điều quan trọng nhất là từ khi ông Hồ tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp đã khẳng định chỗ đứng của mình là trong vòng tay Trung Quốc rồi. Thắng trận Điện Biên Phủ cũng là nhờ vũ khí Trung Quốc, thắng Mỹ cũng nhờ vũ khí Trung Quốc.
Cho nên miệng thì nói “không có gì quý hơn độc lập tự do” nhưng trong lòng thì đã quyết “đổi độc lập tự do đề nắm cho được chính quyền”.
Từ chọn lựa đó mới đẻ ra “Cải Cách Ruộng Đất”. Trong chiến dịch này nhà cầm quyền Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc đến nỗi vì muốn lấy lòng họ mà phải bắn bỏ nhiều nhân sĩ yêu nước từng đem cả tài sản mình ra giúp đỡ kháng chiến.
Năm 1990 ông Linh cùng các đồng chí của ông tại hội nghị Thành Đô đã làm một việc mà bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gọi là: “Bắt đầu một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm”.
Năm 2010 liên tiếp nhiều phái đoàn quân sự cấp cao của Việt Nam sang học tập ở Trung Quốc, dấn thêm những bước quan trọng vào sự lệ thuộc quân sự.
Rõ ràng là ngay từ những ngày đầu thành lập chế độ, thì Việt Nam đã hành xử như một tỉnh lẻ của Trung Quốc -trừ một giai đoạn ngắn từ năm 1975 đến 1979 có ý muốn thoát Trung và lập tức bị TQ “cho một bài học” bằng cuộc chiến tranh biên giới 1979 – còn lại, từ trước 1945 đến nay, chính quyền Việt Nam đã một lòng theo Trung Quốc, đã chọn Trung Quốc làm ông chủ, đã nguyện nâng khăn sửa túi cho Trung Quốc, đã khép nép làm “con nuôi” của các vị cha già dân tộc: Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và ngày nay là Tập Cận Bình.
Với một “thân phận” như vậy, liệu Việt Nam có tư cách để “đu dây” qua phía Mỹ không?
Chuyện Việt Nam đu dây giữa Trung Quốc và Mỹ xem ra chỉ là bịa đặt.
Nhưng sao lại có chuyện các vị lãnh đạo cao cấp Việt Nam thăm viếng Hoa Kỳ?
Tôi cho rằng các cuộc thăm viếng ấy cũng nằm trong kịch bản của Trung Quốc. Việt Nam muốn vào TPP, muốn mua vũ khí của Mỹ. Cả hai việc ấy cũng chỉ có lợi cho Trung Quốc.
Xưa nay phần lớn các hàng xuất khẩu của “Việt Nam” sang Mỹ chỉ là trên giấy tờ, chỉ là nói cho oai, thực ra đó là hàng của Trung Quốc sản xuất tại Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu – tiếng là của Việt Nam – thực ra cũng là kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.
Việt Nam mua của Nga 2 tàu ngầm Kilo, nhưng Trung Quốc đã mua 20 tàu ngầm kilo giống như vậy. Liệu 2 chiếc có gãi ngứa được 20 chiếc nếu xảy ra chiến tranh không? Nếu câu trả lới là KHÔNG thì mua tàu ngầm để làm gì?
Đối với một kẻ nhu nhược, mặc cảm và run rẩy thì có con dao trên tay hay không, cũng giống hệt nhau. Bởi vì vấn đề là anh có dám đâm hay không. Nếu anh không dám đâm thì cầm dao để làm gì? Mua dao để làm gì?
Vậy thì những dư luận cho rằng:
-Việt Nam đang đu dây giữa Trung Quốc và Mỹ.
-Mỹ bỏ cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam vì vấn đề nhân quyền
-Việt Nam mua vũ khí của Nga và Mỹ để đương đầu với Trung Quốc… tất cả đều xạo, vì:
1/ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Việt Nam luôn khẳng định mối quan hệ trước sau như một với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Trung Quốc; thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển theo phương châm “16 chữ vàng” và tinh thần “4 tốt”.
2/ Mớ vũ khí Việt Nam mua được quá ít ỏi (tiền đâu mua nhiều?), đối với Trung Quốc chỉ là những đồ chơi. Chưa kể việc Trung Quốc đã xây xong một sân bay quân sự trên đảo Hoàng Sa rồi. Cái sân bay ấy còn lợi hại hơn cả một hàng không mẫu hạm vì nó “đậu” sát bờ biển Việt Nam (chỉ cách Đà Nẵng hơn 300 km) và không thể bị đánh chìm!
3/ Mỹ cũng rất muốn bán vũ khí cho Việt Nam (chế tạo vũ khí là một trong những nền công nghiệp quan trọng của Mỹ). Mỹ đưa vấn đề “nhân quyền” ra để mặc cả với Việt Nam cũng chỉ là màu mè, ra vẻ ta đây quan tâm tới nhân quyền, còn phía Việt Nam thì giữ thể diện cho Mỹ bằng cách thả tượng trưng vài người nổi tiếng. Trên thực tế nếu Việt Nam đếch thả người nào thì Mỹ vẫn bán vũ khí như thường (ngu sao không bán?)
4/ Việt Nam mua vũ khí của Nga, của Mỹ nhưng không xài (vì có dám đánh nhau với Trung Quốc đâu mà xài?). Vậy mua để làm gì?
Câu hỏi này làm người ta nghĩ ngay tới vụ Vinashin mua cái “ụ nổi”. Và vô số vụ “mua về đắp mền” khác nữa.
Chúng ta đang sống trong một thời đại XẠO HẾT CHỖ NÓI. Nga cũng xạo, Mỹ cũng xạo, Trung Cộng cũng xạo và Việt Nam cũng… rứa.
“Mười Sáu Chữ Vàng”, “Bốn Tốt” cũng xạo, Mỹ “quan ngại sâu sắc” cũng xạo, Mỹ “bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí” cũng xạo, mà “đu dây” cũng xạo nốt.
ĐÀO HIẾU
January 2, 2015